Thầy giáo khiếm thị nỗ lực mang “ánh sáng” cho học trò khuyết tật
Không đầu hàng số phận, thầy giáo khiếm thị Hoàng Nhật Minh (26 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM) đã nỗ lực học tập, mang lại “ánh sáng” cho nhiều học trò khuyết tật.
Năm lên 3 tuổi, đôi mắt của Nhật Minh bị viêm võng mạc sắc tố, khiến thị lực bị giảm sút nghiêm trọng, hiện khả năng nhìn chỉ còn 3/10. Nhờ vào tình yêu của gia đình và sự cố gắng của bản thân, Nhật Minh đã tốt nghiệp ngành truyền thông tại Trường đại học RMIT. Mới đây, chàng trai 26 tuổi đã đậu chương trình thạc sĩ giáo dục đặc biệt tại Đại học Flinders (thành phố Adelaide, Úc) do Chính phủ Úc tài trợ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Nhật Minh đã xin vào làm truyền thông cho tổ chức Saigon Children's Charity CIO (một tổ chức phi chính phủ của Anh, hoạt động 32 năm tại Việt Nam) trong lĩnh vực giáo dục công bằng cho trẻ em yếu thế. Sau đó, Minh lại tiếp tục được nhận vào giảng dạy tại trung tâm chuyên về trẻ tự kỷ (quận 7, TP.HCM). Tại đây, Minh đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn học sinh từ 18 - 20 tuổi về kiến thức media, thuyết trình, làm video, thiết kế, cách đăng bài trên mạng xã hội...
Ngoài những công việc trên, chàng trai 26 tuổi còn thường xuyên tham gia các dự án cộng đồng như phân phối sách cho trẻ em vùng sâu vùng xa, dự án can thiệp nâng cao nhận thức về trẻ em tự kỷ,…
Dù đã có trong tay tấm bằng cử nhân nhưng chàng trai khiếm thị vẫn mong muốn được tiếp tục con đường học tập. Nhờ vào ý chí đặc biệt, thông qua các vòng viết luận và phỏng vấn, Nhật Minh đã đậu chương trình thạc sĩ giáo dục đặc biệt tại Đại học Flinders (thành phố Adelaide, Úc) do Chính phủ Úc tài trợ.
"Tôi muốn được học sâu hơn về lĩnh vực giáo dục đặc biệt, có thêm chuyên môn, hiểu về nhu cầu của trẻ đặc biệt để có thể thực hiện những dự án giúp các bạn khuyết tật có cuộc sống dễ dàng hơn. Tôi muốn bản thân không còn bị phụ thuộc mà phải thật sự độc lập, mà để có thể độc lập thì cần phải có năng lực. Hằng ngày tôi đều sử dụng phần mềm đọc màn hình để xử lý thông tin, học phương pháp đọc bằng tai và đặt ra cho bản thân những công việc ưu tiên cần xử lý trong ngày" – Nhật Minh chia sẻ.
Cô Trần Kim Bình, mẹ của Minh, bộc bạch: "Tôi rất vui và hạnh phúc khi thấy con nỗ lực từng ngày, đi đúng con đường mình đã chọn. Tuy rằng cánh cửa này hơi hẹp nhưng lại dành riêng cho con. Bản thân con cũng dành nhiều tình thương, sự tử tế và trách nhiệm với những người cùng cảnh ngộ".
Đồng cảm với những hoàn cảnh đặc biệt, ngoài công việc đứng lớp ở trung tâm dạy trẻ tự kỷ, Nhật Minh còn dành thời gian đến Nhà Thiếu nhi quận 3 để dạy võ aikido cho trẻ em khuyết tật.
"Thời gian đầu khi dạy cho các bạn tự kỷ, do các bạn không thể kiểm soát hành vi nên đôi khi làm tôi bị thương. Gia đình thấy vậy thì xót lắm, kêu tôi ngừng công việc, nhưng tôi đã không từ bỏ. Dần dần tiếp xúc, tôi cũng tìm ra được cách giúp các bạn trở nên hiền hòa hơn. Mong muốn của tôi là giúp mọi người cùng tiến lên, đem những kiến thức hay từ nước ngoài về chia sẻ với mọi người để việc giảng dạy trở nên vui vẻ, hào hứng và hiệu quả hơn" - Nhật Minh bộc bạch.
Với thầy giáo khiếm thị, những học trò đặc biệt không chỉ là người tiếp nhận kiến thức mà còn là những người dạy cho Minh tự trui rèn bản thân nhiều hơn. Chàng trai 26 tuổi hy vọng những nỗ lực của bản thân có thể góp một phần giúp các bạn kém may mắn được hòa nhập cộng đồng, rèn luyện thể chất, tự tin giao tiếp và bớt đi những rào cản không đáng có.
Phụ huynh Lê Trần Ngọc Diễn (quận Tân Bình, TP.HCM) cho hay thầy giáo khiếm thị Nhật Minh dạy cho các bé rất kỹ và cẩn thận từng chi tiết. Tuy thị lực hạn chế nhưng cảm nhận của thầy rất tốt. Thầy tận tâm để chỉnh tay chân của từng bé rất chuẩn.
"Tôi không nghĩ một người không nhìn thấy mà dạy được những động tác khó trong môn võ thì rất hay. Ngay cả phụ huynh như tôi cũng có thể học được từ thầy" – chị Diễn nói.
Em Nguyễn Thị Bích Quyên (quận 3, TP.HCM) cho biết mình đã đạt được đai xanh 2 đẳng nhờ vào sự hỗ trợ của thầy Minh: "Thầy dạy rất dễ hiểu, tận tình và dễ tiếp thu bài. Sai động tác nào thầy sẽ chỉ từng chút và luôn khuyên chúng em không có gì phải nản, từ từ rồi sẽ tốt lên thôi".
Xem thêm: 106 cán bộ, chiến sĩ Việt Nam lên đường sang Myanmar làm nhiệm vụ cứu hộ
Tin liên quan
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận trao quyết định bổ nhiệm thầy giáo Lương Văn Hà làm Phó giám đốc Sở GDĐT Bình Thuận.
Sau hơn 20 năm gắn bó với học trò vùng cao huyện Nam Trà My (Quảng Nam), thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ không chỉ gieo chữ mà còn kết nối xây dựng các công trình giáo dục.
"Nhìn thấy các em bật ra ngôn ngữ hay tự ăn được cơm là hạnh phúc vô cùng", đó là cảm nhận của thầy Quanh sau 8 năm "đưa đò" trẻ tự tử.