Nữ sinh 9x nguyện cống hiến tuổi thanh xuân cho trẻ em nghèo vùng cao
Với Trần Thị Thu Hương, việc cống hiến tuổi thanh xuân cho các dự án thiện nguyện hướng tới trẻ em vùng cao là lẽ sống.

Tích cực tham gia thiện nguyện
Trần Thị Thu Hương (SN 1998, ở Hà Nội) tham gia hoạt động tình nguyện từ năm nhất sinh viên ngành Tâm lý của Học viện Quản lý Giáo dục. Hương là thành viên tích cực của Đội sinh viên tình nguyện của học viện.
Năm 2018, cô được tin tưởng giao phó tổ chức chiến dịch "Hà Nội ấm" mùa thứ 3 với chuỗi hoạt động hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Nhi T.Ư; phát quà đêm cho người vô gia cư; đêm nhạc gây quỹ từ thiện...
Chiến dịch thành công đã tiếp thêm cho Hương niềm tin gắn bó với các hoạt động xã hội; đồng thời bén duyên với dự án "Nuôi em" và trở thành thành viên của nhóm tình nguyện Niềm tin.

Năm 2020, nữ sinh tốt nghiệp đại học. Cô quyết định dành trọn thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, rong ruổi thắp sáng những điều tử tế khắp mọi miền xa xôi, hẻo lánh của Tổ quốc. "Tại sao bản thân phải lựa chọn giữa đam mê và sự nghiệp, trong khi có thể biến đam mê hoạt động xã hội thành sự nghiệp, dù không giàu có về vật chất nhưng đủ đầy, giàu tình cảm", Hương nói.
Hiện Hương là Phó Chủ nhiệm nhóm tình nguyện Niềm tin, trực tiếp quản lý thông tin dự án "Nuôi em" 8 tỉnh gồm Điện Biên, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk với tổng số gần 43 nghìn học sinh. Chưa hết, 9x còn điều hành dự án "Được dạy" lắp đặt năng lượng gió, năng lượng mặt trời tại các điểm trường tại Điện Biên, Lai Châu; dự án "Bếp gas công nghiệp tặng bản xa" với việc lắp bếp cho các điểm trường khó khăn, vùng sâu vùng xa.
Nữ sinh chia sẻ: "Nhóm tôi hiện có 7 thành viên chính thức và gần 500 tình nguyện viên hỗ trợ dự án. Khi là một người trẻ được tin tưởng giao trọng trách và vị trí quan trọng, tôi xem đây vừa là thử thách và là lý do để cố gắng hơn nữa xứng đáng với niềm tin của các cộng sự và cộng đồng".
Niềm vui của các em là hạnh phúc của mình
Hương cho biết, dự án "Nuôi em" hỗ trợ ăn trưa giúp học sinh bản cao có thêm điều kiện đến trường học, giảm tỉ lệ bỏ học. Đây là dự án triển khai từ năm 2004, chi phí đến từ đóng góp của cộng đồng. Các học sinh sẽ được dự án nhận "đỡ đầu", hỗ trợ tiền ăn 150.000 đồng/tháng trong 9 tháng, và 100.000 đồng tiền xây trường, tổng cộng khoảng 1,4 triệu đồng/năm.
Các dự án như lắp đặt bếp gas công nghiệp, năng lượng gió và mặt trời cũng nhằm cải thiện đời sống, điều kiện dạy và học của học sinh, giáo viên tại những điểm trường khó khăn, vùng sâu.
Đến nay, đã có 200 bộ bếp gas công nghiệp được lắp đặt tại 150 điểm bản xa với chi phí 300 triệu đồng; thay gas cho các bếp trong năm học 2021 - 2022 với gần 200 triệu đồng.

Với vai trò Phó Chủ nhiệm, Hương còn đóng góp nhiều ý tưởng, sáng kiến trong điều hành, triển khai hiệu quả nhiều dự án khác, như: Dự án áo ấm và bình lọc nước sạch; tủ sách vùng cao; sức mạnh 2.000; trồng cây. Đến nay, đã lắp đặt hơn 500 tủ sách, mỗi tủ ít nhất 50 đầu sách; xây dựng được gần 500 công trình như điểm trường, nhà hạnh phúc, nhà nội trú, cầu dân sinh; trồng mới 50 nghìn cây xanh.
Năm 2021, nữ thủ lĩnh 9x lọt Top 50 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào Thanh niên tình nguyện do Hội LHTN Việt Nam trao tặng. Trần Thị Thu Hương bày tỏ: "Tôi cảm thấy thách thức và nhỏ bé khi đứng trước các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thầy cô giáo nghị lực và những hoàn cảnh thiệt thòi trong xã hội. Tôi thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa, lan tỏa nhiều hơn điều tử tế hơn nữa để giúp đỡ nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội.
Động lực cho tôi và các cộng sự làm những dự án hướng vùng cao là sự tin tưởng của cộng đồng; là niềm vui của những bạn nhỏ đáng yêu và chia sẻ từ các thầy cô rằng các bé rất thích đi học vì được ăn ngon, tỉ lệ chuyên cần tăng cao".
Theo Tiền Phong
Xem thêm: Chuyện cô giáo Mường hơn 20 năm cần mẫn gieo chữ vùng biên giới
Đọc thêm
Không đành lòng nhìn nhiều học sinh nghèo phải bỏ học, chị Trần Huyền Trang, Bí thư Đoàn phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) đã khởi xướng mô hình “Em nuôi của Đoàn”.
40 năm gắn bó với nghề giáo cũng là từng ấy năm thầy giáo Ngô Hồng Khiêm đảm nhiệm thêm nghề tay trái MC đám tiệc để kiếm tiền giúp học sinh nghèo.
"...Tôi muốn trẻ em nghèo được đón nhận những món quà ý nghĩa để lấy đó làm động lực phấn đầu trong học tập, sau này trở thành người tốt cho xã hội" - anh Long chia sẻ.
Tin liên quan
Có ai đó từng nói rằng, cách giáo dục tốt nhất là sử dụng cuộc sống này để ảnh hưởng đến cuộc sống khác. Ai đến với cuộc đời này đều có một sứ mệnh riêng và Liu Xiuxiang cũng vậy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Người còn là một tác gia rất nổi tiếng. Để có bài viết sâu sắc, các bạn học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản về tiểu sử, quan điểm sáng tác, di sản của Người.
Văn chương mà một phần tất yếu trong cuộc sống. Vì vậy, đừng xem thường môn Ngữ văn; đừng bắt trẻ phải học giỏi tự nhiên, học lướt môn văn. Xin đừng!