Những suất cơm 0 đồng lan tỏa yêu thương giữa lòng TP Thanh Hóa
Suốt 2 năm qua, nhà ăn "0 đồng" Nhất Tâm ở số nhà 328 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa đã trở thành địa chỉ nhận cơm quen thuộc của nhiều bệnh nhân, người nghèo...

Theo Báo Thanh Hóa, cứ 7h sáng tại đây các tình nguyện viên mỗi người một việc, khẩn trương và trách nhiệm để chuẩn bị bữa ăn. Với tình cảm, tấm lòng của mình, những bữa ăn được các tình nguyện viên gửi gắm bao yêu thương vào các món ăn đa dạng theo từng ngày, gồm rau, đậu, nem rán... đều được chế biến từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
Tham gia tình nguyện viên ngay từ ngày đầu thành lập, chị Bùi Thúy Hạnh ở phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Những người đến đây nhận cơm đều có hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ có điểm chung là đều có cuộc sống rất vất vả. Có những bệnh nhân ốm đau triền miên, người thì lao động tự do công việc không ổn định, số tiền kiếm được ít ỏi. Hàng ngày làm việc ở đây tôi nhận rõ niềm vui của mọi người khi đến nhận suất cơm trưa. Vì vậy đây là động lực để tôi cũng như các thiện nguyện viên ở đây sắp xếp thời gian hợp lý để tham gia thường xuyên vào việc làm ý nghĩa này”.

Ở Nhà ăn “0 đồng” Nhất Tâm, chúng tôi nhận thấy đội ngũ thiện nguyện viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, có những bác đã trên 70 tuổi; người trung tuổi, thậm chí có nhiều em học sinh tranh thủ những ngày hè để tham gia hoạt động thiện nguyện tại đây. Tuy có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng ở họ đều có điểm chung là tấm lòng nhân ái.
Vừa sắp xếp cho thức ăn vào hộp, cô Lê Thị Thái ở phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) cho biết: “Khi được tham gia vào công việc ý nghĩa này, bản thân tôi thấy vui lắm. Tất cả những suất cơm đều được các thiện nguyện viên dồn hết tâm huyết để chuẩn bị, nên dù bận rộn, vất vả, nhưng rất phấn khởi vì làm được việc có ý nghĩa cho bệnh nhân nghèo”.
Cầm suất cơm trên tay, bà Lê thị Chính, 60 tuổi ở huyện Thường Xuân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, xúc động nói: “Tôi bị hen suyễn và nhiều bệnh khác nữa, nên sức khỏe yếu, thường xuyên phải đi bệnh viện. Gia đình thuộc hộ nghèo của xã, bởi vậy khi biết đến Nhà ăn “0 đồng” Nhất Tâm, tôi mừng lắm, thường xuyên ra đây nhận cơm”.

Chung nỗi niềm, ông Đỗ Đồng Dựng ở huyện Thiệu Hóa cũng rưng rưng nước mắt khi chia sẻ hoàn cảnh gia đình với chúng tôi. Con trai bị bệnh nên ông thường xuyên phải xuống chăm sóc con tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa khiến cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. “Những suất cơm ngon, tình nguyện viên thân thiện, nên tôi cảm giác như đây là bữa ăn ấm áp yêu thương của gia đình”, ông Dựng cho biết.
Đã trở thành việc làm thường xuyên, Nhà ăn “0 đồng” Nhất Tâm phát cơm vào các buổi trưa từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần với 400 đến 500 suất/ngày. Để nhà ăn đảm bảo giờ phát cơm thường xuyên, mỗi ngày có 6 tình nguyện viên chính. Đó là những người quen việc, có trách nhiệm chính trong buổi trực; còn lại là những thiện nguyện viên tùy duyên đến hỗ trợ. Nhà ăn “0 đồng” Nhất Tâm tại Thanh Hóa là nhà ăn thứ 19 của chuỗi nhà ăn này trên cả nước. Ban đầu hoạt động chủ yếu dựa trên sự đóng góp của người sáng lập và các thành viên tham gia hoạt động. Tuy nhiên sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, hoạt động này đã nhận được sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giúp tiền, gạo, rau, củ, quả... để người nghèo có bữa cơm chay ngon miệng.
“Của cho không bằng cách cho”, với tâm niệm cứ vui vẻ cho đi, đó là cách bạn yêu thương chính bản thân mình. Mỗi hộp cơm được trao đi, các thiện nguyện viên Nhà ăn “0 đồng” Nhất Tâm Thanh Hóa không đơn thuần là chia sẻ những khó khăn, mà còn gửi đến thông điệp để ngày càng có thêm nhiều người biết sẻ chia, đùm bọc hơn nữa, lan tỏa những điều tử tế trong cuộc sống.
(Theo Báo Thanh Hóa)
Xem thêm: Nữ sinh Thái Bình mở lớp tiếng Anh 0 đồng để "trả nợ" ân tình
Đọc thêm
Bên Đường tỉnh 941 (xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), có một quán ăn mang tên “0 đồng”, góp phần lan tỏa sự yêu thương, tương trợ trong cộng đồng.
Không thể cầm lòng trước cảnh học trò bỏ về giữa chừng tìm cái ăn vì đói bụng, thầy giáo Vũ Văn Tùng đã chuẩn bị những giỏ bánh mì 0 đồng giúp các em ấm bụng, yên tâm ngồi tiếp thu tri thức.
Tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng ngày nào vợ chồng ngoại My (TP HCM) cũng dậy sớm chuẩn bị cơm chay 0 đồng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Bài mới

Gia tộc Sơn Kim là một trong những gia tộc doanh nhân danh giá và giàu có bậc nhất Việt Nam, nổi bật với hành trình 4 thế hệ làm kinh doanh. Từ “lão phật gia” Nguyễn Thị Sơn đến thế hệ kế thừa vững vàng trong các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ và thời trang, Sơn Kim không chỉ xây dựng một đế chế kinh tế, mà còn gìn giữ một di sản sống về văn hóa gia đình và giá trị Việt.

Gia đình tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn không chỉ nổi bật bởi thành công trong lĩnh vực kinh doanh, mà còn được biết đến như một hình mẫu về sự tử tế, kỷ luật và trách nhiệm xã hội. Từ người cha bản lĩnh đến các thế hệ kế thừa tài năng, họ đã cùng nhau xây dựng một đế chế kinh tế vững mạnh, gắn liền với giá trị đạo đức và tinh thần thượng tôn pháp luật.

Gia đình Giáo sư Đặng Vũ Khiêu là một trong những gia đình nho học tiêu biểu của Việt Nam, nổi bật với truyền thống hiếu học, trọng đạo lý và gắn bó sâu sắc với văn hóa dân tộc. Với tâm niệm “trí thức phải đi liền với đạo đức”, Giáo sư Đặng Vũ Khiêu và gia đình đã âm thầm vun đắp nên những thế hệ sống tử tế, có ích cho cộng đồng và không ngừng gìn giữ cốt cách văn hóa Việt.

Trong hành trình phát triển của nền y học Việt Nam, có những cái tên không chỉ được nhớ đến bởi tài năng, mà còn bởi tầm ảnh hưởng đạo đức và giá trị sống mà họ để lại cho thế hệ mai sau. Gia đình bác sĩ Tôn Thất Tùng chính là một hình mẫu rạng rỡ của sự giao thoa giữa trí tuệ và nhân cách, giữa giáo dục gia đình và lý tưởng phụng sự xã hội, với những con người ghi danh mình vào lịch sử Y học không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.