Giỏ bánh mì 0 đồng - Hành trang đặc biệt khi đi dạy của thầy giáo thương học trò như con
Không thể cầm lòng trước cảnh học trò bỏ về giữa chừng tìm cái ăn vì đói bụng, thầy giáo Vũ Văn Tùng đã chuẩn bị những giỏ bánh mì 0 đồng giúp các em ấm bụng, yên tâm ngồi tiếp thu tri thức.

Sáng nào thầy Vũ Văn Tùng (giáo viên Trường TH và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó, H.Ia Pa, Gia Lai) cũng dậy từ 4h chở bánh mì, xôi hay bánh bao... đến trường để các em học sinh người dân tộc thiểu số kịp ăn sáng trước giờ vào lớp. Việc làm ý nghĩa của thầy giáo Tùng đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn từ cộng đồng.
Giỏ bánh mì 0 đồng - hành trang đặc biệt khi đến lớp
Trường Đinh Núp được thành lập từ năm 2015. Trong quá trình giảng dạy tại đây, thầy Tùng đã nhiều lần gặp cảnh lớp học chỉ có 3 - 4 em học sinh, thậm chí có hôm chỉ một thầy một trò sau giờ giải lao buổi sáng. Tìm hiểu nguyên nhân, thầy xót xa khi biết các em bỏ về để kiếm đồ ăn vì đói bụng.
Thầy Tùng tâm sự, 90% học sinh của trường là người dân tộc Ba Na, điều kiện kinh tế khó khăn. Vào vụ mùa, cha mẹ các em lên rẫy dựng chòi ở lại nên các em thường bỏ học đi theo. Có em nào ở nhà thì phải tự lo cơm nước.

"Tôi tâm sự chuyện này với người bạn là chủ lò bánh mì, bạn hỗ trợ 60 ổ nên tôi đã nhờ các cô chủ nhiệm thông báo với các em địa điểm tập trung để nhận bánh mì ăn sáng. Nhà cách trường 40km, tôi dậy từ 4 giờ sáng, chạy xe đến lò bánh mì rồi mới đến trường. Các em đã xếp hàng, tập trung rất đông chờ đợi, dù đó chỉ là ổ bánh mì không", thầy Tùng xúc động.
Bánh mì không đủ phát, nhìn đám trò nhỏ chân còn dính đầy đất đỏ bẻ đôi, bẻ ba ổ bánh mì không chia nhau cười rôm rả, thầy Tùng đã vận động thêm bạn bè và bỏ tiền túi để mỗi tuần học sinh có 3 buổi ăn sáng như vậy. Dần dà, với sự chung tay của mọi người, giỏ bánh mì sau chiếc xe cũ của người thầy đầy ắp lên thành 200 ổ/buổi. Thỉnh thoảng, thầy Tùng chuẩn bị thêm sữa, xúc xích cho các em ngon miệng hơn hay đổi qua xôi, bánh bao để bữa sáng thêm đa dạng. Mỗi buổi như vậy hết từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng.


"Hành trang đến lớp của tôi ngoài trang giáo án còn có giỏ bánh mì phía sau. Dọc đường đi sáng sớm, trời tối đen, phảng phất sương mù hay mưa nhỏ, tôi chỉ sợ ướt bánh mì chứ không lo ướt mình vì có quần áo thủ sẵn trong cốp xe rồi", thầy giáo Tùng chia sẻ.
Không nỡ chuyển công tác vì thương học trò
Gắn bó với trường lớp và học sinh dân tộc thiểu số 16 năm, thầy Tùng chứng kiến nhiều em phải bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mỗi lần như vậy, thầy lại xách theo gạo, mì tôm lên núi vận động các em quay lại trường.
Thầy Lê Công Tấn - Hiệu trưởng Trường TH và THCS Đinh Núp, cho biết các em học sinh người dân tộc Ba Na hay nhịn ăn sáng vì không có điều kiện, nhờ tủ bánh mì và các món ăn sáng của thầy Tùng, các em đi học đều đặn hơn. "Ngoài chuẩn bị đồ ăn sáng 2 năm học vừa qua, thầy Tùng còn tặng nhu yếu phẩm cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng bò cho gia đình học trò tăng gia sản xuất và đưa các em mắc bệnh hiểm nghèo đi chữa trị", thầy Tấn chia sẻ.

Nói tiếng phổ thông chưa rành rọt, anh Đinh Tơn (40 tuổi, cha của em Đinh Phyêm - học trò của thầy Tùng) đã xúc động kể lại chuyện con trai được thầy Tùng đưa đi Quy Nhơn điều trị bệnh nấm lạ ròng rã mấy tháng trời. Anh cho biết thêm: "Tôi có 3 đứa con, nuôi thêm 2 đứa cháu mồ côi nữa nên con đi học không được ăn sáng. Có bánh mì của thầy, bé đi học vui lắm, về nhà thì chỉ có đi chăn bò, ăn cơm với canh lá mì thôi".
Nhìn lại hành trình không mệt mỏi suốt những năm qua, thầy Tùng tâm sự xem học sinh như con của mình nên không nỡ xin luân chuyển công tác. "Dạy học sinh không chỉ là dạy chữ, nhân cách, mà còn dạy các em về đạo đức, lối sống nên tôi luôn minh bạch mọi thu chi và động viên các em vững bước đến trường", thầy giáo Vũ Văn Tùng bộc bạch.
(Theo Thanh Niên)
Xem thêm: 13 năm "gieo chữ" ở lớp học 0 đồng của "thầy giáo công nhân" Lâm Thắng
Đọc thêm
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận trao quyết định bổ nhiệm thầy giáo Lương Văn Hà làm Phó giám đốc Sở GDĐT Bình Thuận.
Nhận tin có người cần hiến tiểu cầu gấp, thầy giáo Nguyễn Văn Vũ không ngần ngại vượt hơn 70km đi cứu người.
Dù bị tàn tật bẩm sinh, nhưng với ước mơ làm điều ý nghĩa cho đời, chàng trai trẻ này đã tự mở lớp học tiếng Anh miễn phí.
Bài mới

Jenny Huỳnh là một trong những Gen Z sở hữu chuỗi thành tích “khủng”, không chỉ là nhà sáng tạo nội dung nổi bật nhất tại Việt Nam, trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ mà cô nàng còn được vinh danh trong danh sách "30 Under 30 Asia" của Forbes – một cột mốc khẳng định tài năng, bản lĩnh và sức ảnh hưởng của Jenny trên phạm vi châu lục.

TikToker Tina Thảo Thi nổi lên như một hiện tượng “siêu cấp đáng yêu” khi tạo dựng được “vũ trụ” content sạch. Không chạy theo những trend nóng, Tina chọn cho mình một lối đi riêng, từ những video truyền động lực với câu khẩu hiệu “Peek A Boo” cho đến series “góp điều nhỏ bé” đều ghi điểm tuyệt đối với sự gần gũi, ấm áp. Bằng sự tử tế bình dị, sự sáng tạo và năng lượng tích cực, Tina không chỉ “chữa lành” những mảnh đời khó khăn mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng.

Trong thế giới mạng xã hội đầy ồn ào và cạnh tranh, TikToker Quan không gờ lại âm thầm xây dựng hành trình riêng, không kèn không trống, nhưng đủ lay động triệu con tim. Anh không cố "làm nội dung" mà chỉ ghi lại hành trình tận tay trao quà, lắng nghe và sẻ chia với những mảnh đời còn khó khăn. Sự giản dị, không dàn dựng ấy khiến người xem cảm nhận rõ một điều: đây là từ thiện thật, tử tế thật!

Đến với TikTok, người ta dễ bị thu hút bởi những video ồn ào, xu hướng “giật gân”, trào lưu nhất thời. Nhưng giữa những ồn ã, xô bồ ấy lại có một chàng trai trẻ âm thầm dùng ẩm thực và lòng tử tế để kết nối những trái tim yêu thương - TikToker Vĩnh Thích Ăn Ngon. Anh không chỉ review đồ ăn mà còn lặng lẽ chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời bên lề cuộc sống. Và hành trình ấy, bất ngờ thay, lại truyền cảm hứng sâu sắc đến hàng triệu người.

Giữa muôn vàn nội dung giải trí trên TikTok có một người phụ nữ chậm rãi, an nhiên kể về cuộc sống đời thường ở quê, về buôn làng, về những mảnh đời và về vùng đất cô đi qua. Không giật tít, không kịch tính, những video của TikToker An Đen vẫn khiến hàng triệu người xúc động, bởi chúng được kể bằng một trái tim rất thật.