Lớp học tình thương giữa lòng thành phố
Suốt 10 năm nay, giữa lòng thành phố Bạc Liêu một lớp học đặc biệt với màu áo xanh viên đã góp phần giúp hàng trăm trẻ em nghèo biết chữ.

Đến Khóm 4, Phường 7, TP Bạc Liêu, hỏi thăm lớp học tình thương do Đoàn Thanh niên Phường 7 tổ chức, không ai là không biết. Bởi lớp học đặc biệt này đã tồn tại suốt 10 năm nay.
Hằng ngày, trong căn phòng rộng hơn 50m2 tại trụ sở sinh hoạt văn hóa Khóm 4, tiếng trẻ đánh vần, ê a đọc chữ đã thành âm thanh quen thuộc với người dân xung quanh.
Năm học 2024 này lớp có tổng 38 học sinh, từ độ tuổi 6-16. Đây đều là những em nhỏ khó khăn, cha mẹ là nghề bán vé số, nhặt ve chai,… nên không có đủ điều kiện cho con em đến trường. Nhiều em trong số đó còn thiếu giấy tờ tùy thân để được đến trường, một số em thì quá tuổi vào lớp 1.
Lớp học tình thương này duy trì dạy 3 buổi/tuần vào thứ 2, thứ 4 và thứ 6, bắt đầu từ 17h30 – 19 giờ.

Ông Trần Phong (cha của Trần Gia Hưng (10 tuổi) và là Trần Trúc Văn (8 tuổi) , hiện hai anh em cùng học lớp 1 tại lớp học tình thương) chia sẻ: “Gia đình rất khó khăn không có điều kiện cho 2 con đến trường. Thấy các bạn cùng trang lứa được cắp sách đến trường, các con cũng xin đi học nhưng bố mẹ chạy cơm từng bữa, sống nay đây mai đó đâu có đủ điều kiện, đành cho con ở nhà. Hiện tại các con được tạo điều kiện tham gia lớp học tình thương do đoàn tổ chức mình mừng lắm, chỉ hy vọng các con sau này biết đọc, biết viết thôi”.
Cậu bé Gia Hưng cho biết: “Được đi học con vui lắm, con sẽ cố gắng học để mau biết chữ, biết viết tên mình và tên cha, mẹ và tên em gái nữa. Con cũng mong muốn sau này được vô trường học như các bạn”.
Lớp học tình thương Khóm 4, Phường 7 hiện do chị Trần Thanh Thùy, Bí thư Đoàn cơ sở Phường 7 (TP Bạc Liêu) đảm trách. Chị Thùy cho biết, lớp học này được Đoàn cơ sở Phường thành lập vào năm 2013, do thấy khu vực này có nhiều trẻ em hoàn cảnh khó khăn không được đến trường học.

Bản thân chị Thùy tiếp nhận quản lý lớp và dạy học cho các em từ năm 2022. Nữ Bí thư Đoàn chia sẻ thêm, bản thân không có nghiệp vụ, kinh nghiệm trong công tác giảng dạy nên lúc đầu nhận lớp cũng gặp rất nhiều khó khăn. “Mình dạy nhiều ngày mà thấy các em chậm biết đọc, biết viết, học trước quên sau nên lo lắng, trăn trở rất nhiều. Sau đó mình dành thời gian để tìm hiểu, học hỏi cách thức, phương pháp giảng dạy của một người quen đang công tác trong ngành sư phạm về áp dụng dạy các em thì thấy có hiệu quả”, chị Thùy nói.
Thời gian trước, lớp học chỉ có chị Trần Thanh Thùy cầm phấn, nhưng hiện tại đã có thêm 2 bạn sinh viên hỗ trợ. Nguyễn Thị Thanh Phương - sinh viên lớp 17D, Giáo dục tiểu học 3, Trường Đại học Bạc Liêu cảm thấy rất vui khi tham gia dạy học cho các em tại lớp học tình thường. “Mình giúp các em biết chữ cũng là trao cho các em thêm cơ hội để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Khó khăn lớn nhất trong việc giảng dạy ở đây là lớp có nhiều em ở nhiều độ tuổi khác nhau, trình độ khác nhau, có em vô trước, em vô sau nên khó truyền đạt kiến thức cùng một lúc, phải kèm từng em một. Sau khi các em học tốt tiếng Việt, Toán, em sẽ dạy cho các em thêm tiếng Anh”, Thanh Phương chia sẻ về dự định của mình.

Không chỉ dạy chữ, các cô giáo của lớp học tình thương còn dạy kỹ năng sống, đạo đức làm người... cho các em học sinh. Bởi các em nhỏ đa phần có hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ phải bươn chải ngoài xã hội, thường xuyên tiếp xúc môi trường thiếu lành mạnh, dễ tiếp thu thói hư tật xấu. Song song đó, Đoàn cơ sở Phường 7 cũng thường xuyên vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm cho các em và gia đình
Xem thêm: Chân dung thầy giáo về hưu mở lớp học miễn phí giúp học trò nghèo
Đọc thêm
Cậu bé 7 tuổi đã khiến hàng triệu người rơi nước mắt khi để dành suất cơm bán trú của mình cho mẹ, còn bản thân lại đi xin đồ ăn thừa của các bạn để bỏ bụng.
Nghe xong chuyện nhà hàng xóm tôi như bừng tỉnh, so với chị ấy tôi còn hạnh phúc hơn nhiều, thôi thì học cách vun vén, hài lòng với cuộc sống là đủ rồi.
Năm con vào trường mẫu giáo, ba chở con đi học bằng chiếc Cub 50. Ngày nào trước khi bước vào lớp con cũng nói mãi một câu: “Ba ơi, hết giờ ba đến rước con sớm nhứt nghe”. Và ba cũng lặp đi lặp lại không biết chán: “Ừ, ba sẽ đến sớm nhứt”.
Tin liên quan
Không chỉ vững tay súng bảo vệ biên cương, Đại úy Hồ Văn Hữu- cán bộ Đồn Biên phòng Ba Tầng còn là người thầy xóa mù chữ cho dân bản.
Bằng tình cảm và tấm lòng yêu nghề, vợ chồng thầy giáo về hưu đã mở lớp học miễn phí tại ngôi trường bỏ hoang, giúp nhiều học sinh nghèo tại vùng nông thôn Quảng Nam ngày càng tiến bộ.
Đều đặn, chiều thứ 4 và chủ nhật hằng tuần, bên cầu vượt đường sắt ở TP. Đông Hà lại vang lên tiếng ê a đánh vần. Đây là lớp học miễn phí cho học sinh khó khăn của cô gái bán dừa.