Lớp học không phấn bảng của người “thầy” khuyết tật
14 năm nay, ở vùng quê Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, lớp học không phấn trắng bảng đen của thầy giáo khuyết tật – Phùng Văn Trường đã trở nên quen thuộc với người dân.

Lớp học nhỏ của anh Phùng Văn Trường là một lớp học rất đặc biệt, bởi nó có rất nhiều cái “không”: không phấn, không bảng, người dạy không có bằng tốt nghiệp cao đẳng hay đại học, không có cả chứng chỉ sư phạm, thậm chí còn không có khả năng cầm phấn viết bảng. Ấy thế mà hơn 14 năm qua, trong căn phòng đơn sơ, tiếng trẻ nhỏ ê a đọc viết vẫn không ngừng vang vọng...
“Cả đôi chân và đôi tay của tôi đều rất yếu, mất hết khả năng vận động. Nhưng tôi còn một chút phước là đầu óc mình còn tỉnh táo, nên tôi muốn làm gì đấy có ích cho cộng đồng”, anh Trường chia sẻ.
Bản thân người dạy – anh Phùng Văn Trường chưa từng nhận mình là thầy. Tuy nhiên, không vì thế mà học sinh của lớp thiếu tập trung vào bài giảng, hay phụ huynh kém nể trọng người giảng. Điều này dễ dàng cảm nhận được qua âm giọng, các xưng hô của mọi người dành cho anh. Tất cả học sinh và phụ huynh đều gọi anh với danh xưng thân thương là “thầy giáo”.
Cách dạy của “thầy” Trường là thầy đọc học sinh chép, rồi sau đó là giảng giải, trao đổi cùng nhau. Nhưng nếu cần nhấn mạnh kiến thức gì anh Trường sẽ dùng miệng ngậm bút, viết lên giấy để học sinh xem. Bằng cách này anh đã uốn nắn, chỉ bảo, giúp cho rất nhiều em nhỏ nắm chắc kiến thức từ khi cắp sách đến trường cho đến hết bậc tiểu học.
Mới ngày nào còn bỡ ngỡ, viết chữ nguệch ngoạc vậy mà sau thời gian được “thầy” Trường chỉ bảo, cháu Hoàng Thị Thu Hiền Trường Tiểu học Tân Tiến đã trở thành học sinh “vở sạch chữ đẹp”. Bây giờ Hiền đã đọc được trôi chảy và làm những phép toán đơn giản khá nhanh.
Ở lớp có những em từng bị mất gốc kiến thức, khiến việc tiếp thu bài học trên trường gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự kiên trì hỗ trợ của người thầy khuyết tật, các em đã nắm được cơ bản, thành tích học tập cũng ngày một tốt hơn. Hoặc có em chậm phát triển về trí tuệ, cha mẹ từng không nghĩ con mình có thể theo được bạn bè cùng trang lứa, vậy mà qua thời gian được “thầy” Trường kèm cặp, nay em đã học lên bậc THPT. Cháu Nguyễn Văn Tích - con của anh Nguyễn Văn Túc là một ví dụ. Đề cập sự tiến bộ của con, anh Túc chia sẻ: “Lúc còn bé cháu học kém lắm. May gặp được chú Trường, chú kèm cặp nhiệt tình nên kết quả học tập ngày một tốt lên”, anh Túc tâm sự.
Cứ như vậy suốt 14 năm nay, không phấn trắng, bảng đen nhưng anh Phùng Văn Trường đã giúp cho nhiều em nhỏ tiến bộ hơn trong học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi ở vùng quê Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Xem thêm: Vượt nghịch cảnh, thầy giáo hơn 14 năm “đứng” trên bục giảng bằng xe lăn
Đọc thêm
Người dân ở thị trấn Phong Điền, Cần Thơ chẳng còn xa lạ gì với hình ảnh thầy Tân trong bộ quần tây áo trắng, miệt mài đi bán từng tờ vé số giúp học trò nghèo.
Hơn 14 năm “đứng” trên bục giảng bằng xe lăn, thầy giáo Chu Quang Đức (Hà Nội) đã truyền cảm ứng cho rất nhiều thế hệ học trò về giá trị của việc học tập.
Số tiền 2 tỷ đồng được thầy giáo Đoàn Văn Điện gửi vào quỹ học bổng dành tặng cho những viên viên hiếu học và các giảng viên dạy tốt tại trường.
Tin liên quan
Đều đặn mỗi năm, xưởng bánh mì La Boulangerie Francaise sẽ mở lớp dạy nghề cho khoảng 20 người trẻ có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ, kết nối việc làm cho họ sau khi tốt nghiệp.
Đề nghị luận xã hội 200 chữ (trích đề tham khảo kỳ thi THPT 2021 của Bộ Giáo dục và đào tạo) - Sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách.
42 bác sĩ chuyên khoa I trong Dự án “Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” sẽ về công tác tại 26 huyện khó khăn, biên giới của 10 tỉnh miền núi phía bắc và duyên hải miền Trung.