Hành tình chạm đến triệu trái tim của cô giáo về hưu dạy Văn trên TikTok
"185 video, 415 ngày, 0 đồng học phí" - đó không chỉ là những con số mà là minh chứng cho một hành trình dài đầy tâm huyết, sáng tạo và yêu thương của cô giáo dạy Văn Ngô Thúy Trình.

Theo VietNamNet, cô giáo Ngô Thúy Trình (SN 1950) là giáo viên Ngữ văn về hưu, hiện đang sinh sống tại Ninh Bình.
Sau khi rời bục giảng, cô tự mở lớp và dạy ở nhà. Động lực lớn nhất khiến cô quyết định mở lớp là vì tình yêu với môn Ngữ văn và không muốn thấy học sinh áp lực khi theo đuổi môn này.
Cũng vì nhớ nghề, yêu bục giảng mà cô Trình nhờ con gái lập kênh TikTok để có thể chia sẻ các bài giảng của mình đến học sinh khắp mọi miền Tổ quốc. Cô hi vọng rằng, các bài giảng miễn phí của mình sẽ có ích cho học sinh. Bên cạnh đó, cô cũng mong việc làm của mình sẽ giúp các em quan tâm đến môn Văn hơn.
“Cô vẫn yêu nghề. Và cô biết có những đứa trẻ ngoài kia vẫn đang cần được học, cần một người thầy, dù chỉ là qua màn hình”, cô Trình nói.
Trên kênh của mình, cô Trình đăng các video về cách làm văn nghị luận xã hội, phân tích tác phẩm văn học, kỹ năng viết bài... Đối tượng học sinh hướng đến từ lớp 9 đến lớp 12.
Cô Trình lập kênh TikTok từ tháng 3/2023. Sau hơn 2 năm hoạt động, tài khoản của cô có hơn 592K lượt theo dõi.

Kênh TikTok của cô Trình nhận được nhiều lời cảm ơn từ cộng đồng mạng về các bài giảng hay, ý nghĩa. Tuy nhiên, cũng có một số bạn trẻ đẻ lại nhiều lời khiếm nhã, tiêu cực, xúc phạm danh dự...
Một số bình luận khiếm nhã như: "cô bị ma nhập hả?", "em không thẩm nổi giọng của cô", "cô già rồi, dạy chi nữa cô ơi", "Nghe cô nói mà em cứ thấy văng vẳng ở miền cực lạc",…Trước những bình luận này, nhiều người lên tiếng bảo vệ cô giáo trong clip, yêu cầu những học sinh cần phải biết tôn sư trọng đạo.
Chia sẻ với báo chí ngày 17/5, cô cho biết đã đọc hết những bình luận không hay trên mạng, tuy nhiên cô không để tâm. Cô Trình lý giải trên mạng có rất nhiều thành phần, nhiều người khác nhau, cô không thể kiểm soát suy nghĩ của tất cả mọi người.
"Bài thơ "Sang thu" của tác giả Hữu Thỉnh có viết: "Sấm cũng bớt bất ngờ trên hàng cây đứng tuổi", còn trường hợp của tôi thì "Sấm cũng không bất ngờ trên hàng cây đứng tuổi". Những điều dư luận đang bàn tán không khiến tôi bất ngờ và cũng không làm ảnh hưởng đến "hàng cây đứng tuổi" này. Tôi vẫn cố gắng để có những bài giảng miễn phí cho học sinh mà thôi" – cô Trình tâm sự.
Cô Trình nói tiếp: "Tôi rất muốn đem kinh nghiệm nhưng không có cách nào chia sẻ với mọi người. Trong thời gian rảnh, tôi đã 4 lần chép lại toàn bộ Truyện Kiều để giết thời gian. Nhờ một người đồng nghiệp hướng dẫn nên tôi biết cách sử dụng Tiktok và đăng tải những bài giảng đầu tiên".

Cô Trình khẳng định các bài giảng của cô hoàn toàn miễn phí, cô không nhận bất kỳ quảng cáo hay tiền công gì. Từ ngày lập kênh đến nay, 415 ngày, cô đã kiên trì đăng tải 185 video, hoàn toàn miễn phí. Mỗi video là một bài giảng Văn, một dòng thơ được phân tích kỹ lưỡng, một câu văn được cảm bằng cả trái tim.
Do lớn tuổi và không có người hỗ trợ nên chất lượng hình ảnh và âm thanh không đạt chất lượng cao, đôi khi clip bị vọng tiếng, đó cũng là lý do khiến nhiều bạn trẻ không hài lòng.
Dù đôi khi âm thanh chưa hoàn hảo, hình ảnh chưa rõ nét, nhưng thứ luôn trọn vẹn là sự tận tụy, là ánh mắt sáng lên mỗi lần giảng bài, là bộ váy áo chỉn chu mà cô vẫn tự ủi lấy trước mỗi lần “lên lớp”.
Sau làn sóng dư luận, những bài giảng của cô Trình được nhiều người xem hơn. Cô Trình hi vọng có thể tìm được những giáo viên yêu nghề để cùng mình hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học thêm được tiếp cận với nhiều kiến thức hơn.
(Theo VietNamNet, Nguoilaodong)
Đọc thêm
Dù không thể đi lại bình thường, nhưng cô giáo khuyết tật Trần Ngọc Điệp vẫn miệt mài truyền dạy kiến thức, kỹ năng và cả sự lạc quan cho các em nhỏ khuyết tật.
Lớp học của cô giáo Hoàng Thị Dịu chỉ vỏn vẹn 10m2, không bảng đen phân trắng nhưng nhiều năm qua vẫn là nơi gieo mầm tri thức và ước mơ cho trẻ em khó khăn.
Không đầu hàng trước di chứng của chất độc màu da cam quái ác, Hoàng Thị Phương (2002, Thanh Hóa) tỏa sáng trên hành trình trở thành cô giáo của chính mình.
Bài mới

Từ nữ sinh đầu tiên của Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế đến chuyên gia y tế cộng đồng, thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng dành trọn hành trình sự nghiệp cho những việc tử tế. Ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn bền bỉ với những dự án giáo dục vùng cao, xây ký túc xá, bảo trợ học sinh nghèo và lan tỏa tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”.

Xung phong đi xã, được chỉ định làm Bí thư xã ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), Phó giáo sư Đoàn Văn Trường (SN 1989) nguyên Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần nhiệt huyết: “Tôi mong muốn được phát triển, thay đổi những vùng đất khó, giúp người dân miền núi có cuộc sống tốt hơn”.

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng là một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (Al), hiện đang là Viện trưởng Viện trí tuệ Nhân tạo VinAI Research. Năm 16 tuổi ông từng giành huy chương Olympic Toán quốc tế, lấy bằng tiến sĩ tại Úc năm 25 tuổi, giữ vị trí chuyên gia máy học tại Adobe Research và nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind.