Nguyễn Ánh bỏ thành Bình Định tiến đánh Phú Xuân: Kế này do ai hiến?

Đã hơn 200 năm trôi qua, người dân Bình Định vẫn một lòng tôn kính Hậu quân Võ Tánh - người tuẫn tiết thủ thành Bình Định. Ông là một công thần triều Nguyễn.

Minh Hằng
14:32 29/06/2022 Minh Hằng
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Giữa khu di tích thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, TX.An Nhơn, Bình Định) của nhà Tây Sơn có ngôi mộ của Khâm sai Chưởng hậu quân Võ Tánh của triều Nguyễn. Người dân vùng đất này lưu truyền câu hát: “Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên/Cảm thương quan Hậu thủ thiềng (thành) ba năm". Hằng năm, vào ngày giỗ Võ Tánh (27.5 âm lịch), người dân trong vùng thường mang lễ vật, tiền bạc đến làm lễ cúng.

Bình Định vốn là quê hương của nhà Tây Sơn, người dân ở đây vẫn tôn thờ các anh hùng nghĩa sĩ của phong trào nông dân này nhưng một vị công thần của triều đại đối nghịch được tôn kính, đưa vào ca dao là điều khá thú vị.

Nhiều bậc tướng giỏi cùng hiến kế

Theo các tư liệu lịch sử, năm 1799, sau khi chiếm được thành Hoàng Đế của quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đổi tên thành là Bình Định, giao cho Khâm sai Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tùng Châu (có sách ghi là Ngô Tòng Chu) trấn giữ.

Thiếu phó Trần Quang Diệu và Đại tư đồ Võ Văn Dũng của nhà Tây Sơn đem quân từ Phú Xuân (TP.Huế ngày nay) đến vây đánh để chiếm lại thành. Trong đó, Trần Quang Diệu thống lĩnh bộ binh tấn công thành, còn Võ Văn Dũng đem thủy quân giữ chặt mặt biển tại cửa Thị Nại.

ai-dang-ke-cho-chua-nguyen-anh-bo-thanh-binh-dinh-tien-danh-phu-xuan-1
Cổng vào di tích thành Hoàng Đế

Mùa xuân năm 1801, chúa Nguyễn Ánh dẫn quân đánh tan thủy quân Tây Sơn tại Thị Nại. Đại tư đồ Võ Văn Dũng đem tàn quân hợp với Thiếu phó Trần Quang Diệu để vây chặt thành Bình Định, chia quân trấn giữ các đường tiến đến thành. Chúa Nguyễn tiến quân nhiều lần vẫn không giải vây được thành.

Chuyện truyền miệng tại Bình Định và một số sách của tác giả Đặng Quý Địch (1939-2017) kể rằng, biết không thể giữ được thành, Võ Tánh sai bà Nguyễn Thị Hảo (vợ Tri bạ Phan Văn Hán) lẻn ra ngoài mang thư khuyên chúa Nguyễn để mình cầm chân quân Tây Sơn, còn đại binh nên tiến đánh Phú Xuân, kinh đô của nhà Tây Sơn. Chúa Nguyễn Ánh nghe theo, lấy được Phú Xuân, nhờ đó mà thống nhất được giang sơn.

Biết không giữ được thành Bình Định, Ngô Tùng Châu uống thuốc độc, Võ Tánh viết thư cho Trần Quang Diệu xin tha cho binh sĩ vô tội rồi tự thiêu.

ai-dang-ke-cho-chua-nguyen-anh-bo-thanh-binh-dinh-tien-danh-phu-xuan-2
Bên trong di tích thành Hoàng Đế là khu thờ tự các công thần triều Nguyễn

Cũng có người kể rằng các ông Đặng Đức Siêu và Trần Văn Trạc (có sách viết là Trần Văn Chạc - đều là người Bình Định) có công khuyên chúa Nguyễn Ánh bỏ thành Bình Định tiến đánh Phú Xuân. Sau này, khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, ông Đặng Đức Siêu được phong làm Thượng thư Bộ Lễ, ông Trần Văn Trạc là Thượng thư Bộ Lại.

Theo Đại Nam liệt truyện (tập 2 – truyện Đặng Đức Siêu), ông Đặng Đức Siêu và Trần Văn Trạc tâu: “Quân giặc đem hết quân vây thành, thì sào huyệt của chúng tất bỏ trống không. Quân ta nếu tiến chiếm sào huyệt của chúng thì việc vây thành ấy, không cứu viện cũng tự giải được”. Bây giờ, tướng Nguyễn Văn Thành và nhiều người cũng tâu nên bỏ thành, Võ Tánh ở trong thành cũng gửi mật thư xin nhân lúc sơ hở đánh lấy Phú Xuân.

Võ Tánh tự thiêu để bảo vệ thành

Sách Đại Nam thực lục (tập 1) của các sử quan triều Nguyễn có ghi lại nhiều chi tiết về trận chiến thành Bình Định và Võ Tánh.

Sau khi phá được thủy quân Tây Sơn tại Thị Nại, chúa Nguyễn Ánh sai người lẻn vào trong thành Bình Định dụ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu cố gắng giữ thành. Mặt khác, chúa Nguyễn cũng mật dụ Lưu trấn Gia Định Nguyễn Văn Nhân kén thêm quân để chuẩn bị tiến đánh Phú Xuân. Trong mật dụ có ghi lời chúa Nguyễn: “Nếu Bình Định chưa giải được vây, ta cũng thẳng tới Phú Xuân để diệt trừ bọn nghịch".

ai-dang-ke-cho-chua-nguyen-anh-bo-thanh-binh-dinh-tien-danh-phu-xuan-3
Thủy quân thời Tây Sơn

Tháng 4 Âm lịch năm 1801, lương thực trong thành Bình Định gần hết, chúa Nguyễn Ánh liệu thể chưa có thể giải vây ngay được nên nói với các tướng rằng: “Thà mất thành chứ không để mất tướng giỏi của ta" rồi sai người mang thư lặn nước lẻn vào trong thành, bảo Võ Tánh bỏ thành tìm đường ra hội với đại quân.

Nhưng Võ Tánh dâng biểu trả lời xin liều chết giữ thành tới cùng và khuyên chúa Nguyễn nhân sơ hở đánh úp Phú Xuân: “Lấy thành Phú Xuân thay một mạng thần, thần thỏa nguyện rồi".

ai-dang-ke-cho-chua-nguyen-anh-bo-thanh-binh-dinh-tien-danh-phu-xuan-9
Lầu Bát Giác, nơi đặt bài vị thờ Võ Tánh, Ngô Tùng Châu...

Chúa Nguyễn Ánh xem biểu của Võ Tánh, than thở hồi lâu, rồi gọi bầy tôi tới bàn. Chúa Nguyễn dụ rằng: “Giặc sợ Võ Tánh cho nên dốc lực lượng cả nước đến vây thành Bình Định, vững như thùng sắt. Nay muốn đánh gấp cũng chưa dễ đâu. Chi bằng giã thẳng vào Phú Xuân, đánh vào chỗ xót xa của chúng, thể tất chúng phải triệt vây về cứu căn bản. Đó là cái kế đánh Ngụy để cứu Hàn, không giải mà hóa giải vây".

Sau đó, chúa Nguyễn Ánh lưu Nguyễn Văn Thành lãnh bộ binh, Nguyễn Hoàng Đức lĩnh binh thuyền đóng giữ tại Thị Nại để cầm cự với quân Tây Sơn, còn mình đích thân dẫn quân đánh Phú Xuân.

ai-dang-ke-cho-chua-nguyen-anh-bo-thanh-binh-dinh-tien-danh-phu-xuan-5
Bình phong trước lầu Bát Giác

Lấy được Phú Xuân, chúa Nguyễn Ánh liền sai Lê Văn Duyệt thống lĩnh bộ binh, Lê Chất cũng được điều theo giúp Lê Văn Duyệt, Tống Viết Phước thống lĩnh thủy binh, chia đường vào giải cứu thành Bình Định. Dặn dò trước khi Lê Văn Duyệt lên đường, chúa Nguyễn Ánh nói: "Ta ngày đêm không lúc nào không lo nghĩ đến Bình Định".

Cũng theo Đại Nam thực lục, khi chúa Nguyễn rời đi, lương thực trong thành sắp hết, có người khuyên Võ Tánh phá vòng vây mà ra. Võ Tánh không nghe, nói rằng: “Ta vâng mệnh giữ thành, phải cùng còn mất với thành, nay bỏ thành mà cầu lấy sống thì còn mặt mũi nào nhìn thấy chúa thượng nữa!".

Khi lương thực hết, phải giết voi ngựa để ăn, binh lính vẫn không có lòng làm phản nhưng Võ Tánh lo “thành bị hãm quân lính không khỏi tổn thương nhiều”. Ông sai lấy củi khô chất quanh dưới lầu Bát Giác trong thành.

ai-dang-ke-cho-chua-nguyen-anh-bo-thanh-binh-dinh-tien-danh-phu-xuan-6
Súng thần công thời Tây Sơn (đang trung bày tại Bảo tàng Quang Trung) được tìm thấy trên đầm Thị Nại

Một buổi sớm, Ngô Tùng Châu đến hỏi kế thì Võ Tánh trỏ vào lầu Bát Giác mà nói: “Đây là kế của tôi” và bảo rằng: “Tôi làm chủ tướng, nghĩa không thể cùng sống với giặc. Ông là văn thần, quân địch tất không hại, nên tính cách tự toàn".

Ngô Tùng Châu cười, đáp lại: “Cứ gì văn hay võ, lòng trung cũng là một thôi. Tướng quân biết chết theo nạn nước. Châu này không biết làm tôi chết với trung sao". Thế rồi trở về mặc mũ áo, hướng về cửa khuyết bái vọng rồi uống thuốc độc mà chết. Hay tin, Võ Tánh ngậm ngùi than rằng: “Ngô quân đã hơn ta một nước rồi" và tới thăm, khâm liệm, tổ chức an táng Ngô Tùng Châu.

ai-dang-ke-cho-chua-nguyen-anh-bo-thanh-binh-dinh-tien-danh-phu-xuan-7
Tháp Cánh Tiên nhìn từ thành Hoàng Đế

Võ Tánh gửi thư cho Trần Quang Diệu nói “Tướng quân nghĩa phải chết là việc của ta, quân sĩ không có tội gì, không nên giết hại”.

Sau đó, lấy thuốc súng bỏ vào lầu Bát Giác, mặc triều phục lên trên lầu, gọi các tướng bảo rằng: “Ta từ khi phụng mệnh giữ thành này, giặc Tây Sơn đem lực lượng cả nước vây đánh bốn mặt, đã hai năm nay. Thực nhờ tướng sĩ đồng tâm nên giữ vững được thành mà chống giặc. Nay lương hết, sức kiệt, giữ không thể được nữa mà đánh cũng vô ích, nên ta chết kẻo để tướng sĩ khổ mãi”.

Các tướng và quân lính đều rạp xuống đất kêu khóc. Võ Tánh vẫy lùi ra rồi phóng lửa tự đốt. Cai cơ Nguyễn Tiến (có sách ghi là Tấn) Huyên cũng gieo mình vào lửa để chết. Đó là ngày 27.5 Âm lịch.

ai-dang-ke-cho-chua-nguyen-anh-bo-thanh-binh-dinh-tien-danh-phu-xuan-8
Mộ Nguyễn Tiến Huyên

Khi Trần Quang Diệu đem quân vào thành, dùng lễ chôn cất Võ Tánh, tướng sĩ ở trong thành không bị giết hại, được tha về. Lúc này, bộ binh của Lê Văn Duyệt và Lê Chất mới đến Quảng Nam.

Khi nghe tin Võ Tánh và Ngô Tùng Châu chết tại thành Bình Định, chúa Nguyễn Ánh đau buồn thương tiếc, bảo bầy tôi rằng: “Bọn Tánh chết như thế là vẹn tiết, bậc trung liệt đời xưa như Trương Tuần, Hứa Viễn cũng không hơn được”.

Đọc thêm: Vì sao Hồ Quý Ly nhất định phải cướp ngôi nhà Trần vào đúng năm 1400 mà không phải sớm hơn hay muộn hơn?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận