Nhân tài thời vua Minh Mạng nhận án oan mất mạng vì lời sàm tấu của kẻ tiểu nhân
Khi xét tội, Trịnh Hoa Đường bị kết án tử. Con cháu họ Trịnh sau này cũng không được hưởng bất kỳ ân điển gì của triều đình, con đường khoa cử bị chặt đứt.
Thông tin về quan nghè Trịnh Hoa Đường rất ít ỏi, chỉ có vài sách sử liên quan đến thời ông sống, được khai thác qua “Tri Tân tạp chí” số 20 và 21. Hai cuốn tạp chí này được ra mắt độc giả năm 1941, thế nên người viết cũng không thể hiểu hết về đời quan họ Trịnh xưa.
Tuổi trẻ tài cao
Theo như bộ “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn có nhân vật tên Trịnh Đường sống thời vua Minh Mạng. Tuy nhiên, không ai dám chắc chắn đây có phải là Trịnh Hoa Đường hay không.
Theo lời cụ Nhật Nham Trịnh Như Tấu - tác giả của những “Trịnh gia chính phả”, “Hưng Yên địa chí”, “Bắc Giang địa chí”, Trịnh Hoa Đường sống vào khoảng thời gian dưới thời vua Minh Mạng. Ông quê ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây nổi tiếng là làng trung nghĩa, hiếu học, không ít ông nghè, ông cống xuất thân từ làng này.
“Tri Tân tạp chí” số 20 (ra ngày 24/10/1941) có đoạn viết về dòng họ Trịnh rằng, Trịnh Hoa Đường vốn là một thiên tài lỗi lạc, văn chương xuất chúng. Mới 13 tuổi nhưng đã đỗ tiến sĩ. Khi vua Minh Mạng xướng danh, thấy tân khoa tóc vẫn còn để chỏm lại càng thêm cảm mến mà khen ngợi. Trịnh Hoa Đường được vua triệu vào cung, ban yến và hầu chuyện văn chương với ngài.
Dù tuổi còn nhỏ nhưng Trịnh Hoa Đường đã rất bản lĩnh, ứng đối lưu loát. Cụ Nhật Nam còn cho biết, vua Minh Mạng còn cho Hoa Đường cuốn Kim Vân Kiều của cụ Nguyễn Du. Sau khi đọc xong, Trịnh Hoa Đường đã cầm bút sửa lại mấy câu thơ, được vua khen ngợi hết lời.
Án oan mất mạng
Tuổi mới thiếu niên, ông nghè họ Trịnh được vua tin tưởng giao cho chức quan, lập tức cung tiến để phục vụ triều đình. Trong bài “Ông nghè 13 tuổi: Trịnh Hoa Đường” cho biết, vua Minh Mạng trước khi cho quan nghè vinh quy bái tổ đã tự tay ban thưởng vàng bạc, cầm tay mà nói: “Trẫm hận phùng quân chỉ bất tảo dã! Hà Tiên chi sự trẫm tất phó khanh” (Nghĩa là: Trẫm ân hận không được gặp khanh sớm hơn! Công việc cai trị tỉnh Hà Tiên, trẫm ủy thác cho khanh).
Vậy là, quan nghè họ Trịnh sau khi vinh quy bái tổ đã khăn gói quả mướp lên đường vào Nam làm Tuần phủ Hà Tiên. Trong thời gian giữ chức, Trịnh Hoa Đường được nhận xét là người “nghĩ đến tình dân, kế nước, trong thì lo việc trị an cùng sinh kế của dân chúng, ngoài thì thu xếp việc ngoại giao với Xiêm La rất chu đáo”.
Quan nghè họ Trịnh có thể nói là xứng đáng với sự tin tưởng của bề trên khi làm được những điều trên nơi biên cương. Tuy nhiên “chữ tài đi với chữ tai một vần”, vị tiến sĩ trẻ tuổi tài cao nhanh chóng dính vào tai ương, phải nhận án oan.
Trịnh Hoa Đường giữ chức Tuần phủ Hà Tiên, chăm dân, đối ngoại đều giỏi nên bị Án sát Hà Tiên đố kỵ, ghen ghét vì già tuổi mà vẫn phải dưới quyền người đáng tuổi con cháu. Quan Án sát tìm cách hãm hại họ Trịnh, sàm tấu đến tai triều đình. Vua Minh Mạng nghe xong tin theo, hạ chỉ bắt Trịnh Hoa Đường, đóng cũi giải về kinh để trị tội.
Chịu oan thấu trời, họ Trịnh chẳng biết bày tỏ sao nên chỉ biết làm thơ. Khi đi là quan lớn triều đình vinh quang lẫm liệt, khi về đã là tội nhân. Khi xét tội, Trịnh Hoa Đường nhận án tử, con cháu họ Trịnh sau này không được hưởng bất kỳ ân điển nào của triều đình, đường khoa cử cũng coi như chấm dứt.
Mãi đến sau này, khi quan họ Trịnh được giải oan, con cháu của vị quan tài mệnh yểu mới được ban lệnh tha, sau này hậu duệ mới có đường tiến thân khoa bảng. Tuy nhiên, khi đó bia mộ của Trịnh Hoa Đường đã xanh cỏ, điều này càng khiến nhiều người tiếc nuối về một thiên tài bạc mệnh.
Xem thêm: Toát mồ hôi hột với hành trình 14 năm tìm đất thiêng xây lăng vua Minh Mạng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận