Giật mình trước hình dạng của loài cá hút máu khét tiếng vùng Amazon
Không chỉ hút máu, cá Candiru còn sử dụng cơ thể của vật chủ để làm phương tiện di chuyển hoặc trốn khỏi những kẻ săn mồi.
Candiru có tên khoa học là Vandellia Cirrhosa, là một chi của cá trê nhưng nó lại có kích thước nhỏ hơn cá trê Amazon rất nhiều. Cơ thể Candiru hầu như trong suốt, dài khoảng 5cm và chỉ nhỏ như cây tăm, mảnh mai và rất khó nhận biết khi ở trong nước.
Với kích thước siêu bé, cá Candiru như lọt thỏm giữa sự rộng lớn của Amazon cũng như số lượng khổng lồ của những sinh vật cư trú tại đây. Loài cá này có cách thức sinh tồn rất dị biệt, đó là ký sinh trên cá chủ và hút máu để tồn tại.
Điều đáng nói, loài cá nhỏ bé này có thể nhận biết con mồi dựa theo mùi phát ra trong nước, sau đó sẽ tiếp cận và chui vào các mang của những con cá lớn. Cá Candiru rất nhanh nhạy trong việc dùng những chiếc răng nanh mọc ngược lên để cắm thẳng vào mang cá chủ và hút máu. Bởi vậy, nó còn được biết đến với tên gọi “ma cà rồng của Brazil”.
Nổi tiếng và đáng sợ không kém và những câu chuyện về việc cá Candiru bị thu hút bởi nước tiểu của con người ở dưới sông, sau đó sẽ bơi lên niệu đạo của họ. Thế nhưng, chưa có bằng chứng về việc Candiru thích tấn công “chỗ hiểm” của con người.
Cho đến nay, chỉ có một báo cáo được coi là bằng chứng về việc cá Candiru xâm nhập cơ thể con người. Đó là vào năm 1977, một bệnh nhân nam ở Manaus, Brazil được chuyển vào viện với một con Candiru trong niệu đạo. Sau nhiều giờ phẫu thuật, cuối cùng các bác sĩ đã kéo được xác cá ra khỏi dương vật nạn nhân.
Tháng 4/2019, Chiara Lubich - một nhà thủy học tại Đại học Liên bang Amazonas ở Manaus, Brazil cùng các đồng nghiệp khi đang tiến hành khảo sát và thu thập các loài cá ở một con sông nhánh chính của Amazon thì phát hiện một thứ gì đó kỳ dị dính bám vào hai bên hông của cá trê gai Doras phlyzakion.
Sau này, những con ký sinh này được xác định là chi Paracanthopoma của cá Candiru. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện tổng cộng có 9 con cá trê gai cùng hơn chục con Candiru ký sinh. Những con Candiru được đưa vào phòng thí nghiệm để xem xét bằng kính hiển vi xem thứ có trong dạ dày của chúng là gì.
Kết quả, các nhà nghiên cứu không tìm thấy gì cả: Không có máu, da, thịt hoặc chất nhầy. Theo như các phát hiện được công bố trên tạp chí Acta Ichthyologica et Piscatoria, cá Candiru không ăn gì trên cơ thể vật chủ mà chỉ bám theo như một loài cá ép thường bám trên người cá mập.
Có thể, loài cá Candiru đang khai thác kích thước cùng khả năng bơi lội của vật chủ để di chuyển nhanh hơn trên đường sông. Bên cạnh đó, cá Candiru vốn gần như trong suốt, thế nên việc ẩn mình vào cơ thể của một loài cá lớn hơn để kẻ săn mồi không thể phát hiện là một điều vô cùng dễ dàng.
Xem thêm: Cá mập cắt bánh quy: Khi ngoại hình không hề đáng yêu như tên gọi
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận