Bức tượng Quách Thị Trang nơi vòng xoay Bến Thành xưa: Cô gái bất tử tuổi trăng rằm

Công trường Quách Thị Trang ở Sài Gòn từng là một vòng xoay ngay mặt tiền chợ Bến Thành. Tên công trường gắn liền với cô gái trẻ đã anh dũng hi sinh ở tuổi 15.

Thùy Nguyễn
15:00 13/12/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ngày nay, Sài Gòn mang vẻ đẹp của một thành phố trẻ năng động và sáng tạo. Tuy nhiên, vi vu khắp các nẻo đường Sài Gòn, đôi khi chúng ta vẫn bắt gặp một vài cảnh xưa. Từ những ngôi trường lâu năm, những cung đường đã thay tên đổi họ… 

Đi qua chợ Bến Thành, dù là ngày xưa hay ngày nay, nơi đây luôn được xem như một trong số những biểu tượng của Sài Gòn. Công trường Quách Thị Trang nơi đây từng là một vòng xoáy giao thông nằm ngay mặt tiền chợ Bến Thành. Chính giữa công trường là nơi từng đặt bức tượng Quách Thị Trang - nữ sinh đã hi sinh anh dũng ở tuổi 15. 

buc-tuong-quach-thi-trang-noi-vong-xoay-ben-thanh-xua-2
Bức tượng Quách Thị Trang

Sinh ra trong gia đình mộ đạo

Nữ sinh Quách Thị Trang sinh năm 1948 tại làng Cổ Khúc, quận Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình (nay là huyện Đông Hưng, Thái Bình). Cô sinh ra trong một gia đình có 6 anh em, đứng hàng thứ tư, thân phụ là ông Quách Văn Bội, thân mẫu là bà Hà Thị Vân.

buc-tuong-quach-thi-trang-noi-vong-xoay-ben-thanh-xua-3
Ảnh chụp gần hơn

Năm 1954, cả 6 anh em Trang theo mẹ vào Nam sinh sống. Gia đình sống tại khu vực Chí Hòa, Sài Gòn. Cha của Trang bị kẹt lại ở miền Bắc. Khoảng 3 tháng sau đó, cả nhà đau đớn khi nghe tin ông đã qua đời. 

buc-tuong-quach-thi-trang-noi-vong-xoay-ben-thanh-xua-4
Tượng Quách Thị Trang khi chưa có tượng đài Trần Nguyên Hãn
buc-tuong-quach-thi-trang-noi-vong-xoay-ben-thanh-xua-5
Bàn thờ Quách Thị Trang giữa bùng binh chợ Sài Gòn

Mấy mẹ con Trang sống trong một xóm lao động nghèo. Bà Vân rất siêng năng, tần tảo buôn bán nên đều cho các con học hành đàng hoàng. Quách Thị Trang theo học tại trường tư thục Trường Sơn. Sau giờ học, cô cùng các anh em trong nhà phụ mẹ buôn bán. 

Gia đình Trang là gia đình Phật tử rất mộ đạo, từ nhỏ cuộc sống hiền lương đã thấm vào máu các anh em trong nhà. Họ luôn quan niệm phải sống đạo đức, lương thiện và tốt đẹp. Đặc biệt là Trang, cô luôn sống rất hiếu thuận và thương người. 

Cô gái bất tử tuổi trăng rằm

Ngày 25/8/1963, Trang tham gia một cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên chống lại thiết quân luật của chế độ Ngô Đình Diệm. Cô đã bị bắn chết. Trang là nữ sinh trẻ nhất của Sài Gòn đã anh dũng ngã xuống trước họng súng của quân thù tàn bạo. Cái chết của cô gái 15 tuổi trước hàng ngàn sinh viên, học sinh và Phật tử trước cửa chợ Bến Thành đã gây xúc động lớn trong lòng người dân. 

buc-tuong-quach-thi-trang-noi-vong-xoay-ben-thanh-xua-6
Một cuộc biểu tình diễn ra ngay bức tượng Quách Thị Trang

Đám tang của Quách Thị Trang (Pháp danh Diệu Nghiêm) đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân Sài Gòn. Sau đó, Hội Sinh viên – Học sinh Sài Gòn đã quyên góp, vận động ủng hộ để xây bức tượng nữ học sinh anh hùng tuổi 15. 

Đầu tháng 8/1964, tượng đài liệt nữ Quách Thị Trang được Hội Sinh viên – Học sinh Sài Gòn cùng những sinh viên cảm tình với Phật giáo xây dựng để kỷ niệm một năm ngày mất của cô. Bức tượng được đặt ngay tại công trường Diên Hồng, trước cửa chính chợ Bến Thành ngày nay trước sự chứng kiến của hàng ngàn người. 

buc-tuong-quach-thi-trang-noi-vong-xoay-ben-thanh-xua-7
Sài Gòn năm 1970, người dân đi lại tấp nập quanh khu vực tượng Quách Thị Trang
buc-tuong-quach-thi-trang-noi-vong-xoay-ben-thanh-xua-8
Hình ảnh bùng binh Quách Thị Trang xưa

Sự hi sinh anh dũng của cô gái 15 tuổi đã dấy lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ, sục sôi của giới học sinh sinh viên và người dân thành phố Sài Gòn chống lại chế độ Ngô Đình Diệm. Sau năm 1975, Quách Thị Trang được Nhà nước công nhận là liệt sĩ. Theo đó, công viên đặt tượng đài chính thức được đặt tên là “Công trường Quách Thị Trang”.

buc-tuong-quach-thi-trang-noi-vong-xoay-ben-thanh-xua-9
Ngay phía sau là chợ Bến Thành

Nhiều người cho rằng, bức tượng của Quách Thị Trang được đặt cạnh tượng của Trần Nguyên Hãn đã có trước đó. Tuy nhiên, theo nhiều tư liệu lịch sử cùng ảnh chụp năm 1964, chính quyền Sài Gòn đã ra lệnh cho quân lực của mình xây dựng lên một biểu tượng của đơn vị ở các công viên hoặc công trường trong thành phố. Theo đó, tượng Trần Nguyên Hãn chính thức được dựng lên ở trước chợ Bến Thành còn tượng Trần Quốc Tuấn được dựng tại công trường Mê Linh.

Xem thêm: Ngắm nhìn cuộc sống người dân Sài Gòn những năm 1990 qua hình ảnh của nhiếp ảnh gia người Mỹ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận