Đức Phật xác định sự bình đẳng giữa nam và nữ

Vai trò của người phụ nữ trước khi Phật ra đời rất mờ nhạt, không có địa vị trong gia đình, địa vị xã hội lại càng không. Thế nhưng đức Phật khi xuất hiện đã chỉ ra sự bình đẳng giữa nam và nữ.

Hoài Lương
17:27 18/06/2021 Hoài Lương
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vai trò phụ nữ ngày càng được nâng cao

Nhưng đến khi đức Phật thành đạo và bước vào con đường giáo hóa thì giá trị và vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng cao.

Đầu tiên phải nói đến hình ảnh Phật tôn vinh vai trò to lớn của người nữ trong cộng đồng xã hội. Điều này chúng ta thấy trong kinh Tương ưng bộ, tập 1, khi vua Pasenadi, quốc chủ của Kosala đang tham vấn đạo lý với đức Phật,  được tùy tùng báo tin là hoàng hậu Malikà vừa hạ sanh một người con gái thì nhà vua tỏ vẻ buồn. Sau khi biết được ý vua, Phật đã nói lên bài kệ sau:

      “ Này nhân chủ, ở đời,

       Có một số thiếu nữ

      Có thể tốt đẹp hơn,

     So sánh với con trai,

     Có trí tuệ, giới đức,

     Khiến nhạc mẫu thán phục.

    Rồi sinh được con trai,

    Là anh hùng quốc chủ,

    Người con trai như vậy,

    Của người vợ hiền đức,

    Thật xứng là Đạo sư,

     Giáo giới cho toàn quốc” 

phu-nu-trong-giao-ly-phat-da1
Đức Phật đề cao vai trò của nữ giới ngang tầm nam giới

Qua bài kệ chúng ta thấy có hai điều mà Phật đã đề cập. Một là Ngài đề cao vai trò của nữ giới ngang tầm nam giới, thậm chí có phần vượt trội hơn. Vì chính những người phụ nữ có đức hạnh, trí tuệ, tài giỏi mới sinh được những người quốc chủ, là những anh hùng mở mang bờ cõi, đem lại hạnh phúc cho quê hương đất nước.

Thậm chí chính đức Phật hay bất kỳ những vị tôn sư cao quý nào ở trên đời cũng đều được mẹ sanh ra. Hai là Phật ngầm bảo rằng, nếu là người nam mà không có đức hạnh, không tài giỏi, thì không những không làm lợi ích cho gia đình, xã hội mà còn là kẻ phá gia chi tử, làm ảnh hưởng đến uy tín gia đình, làm cho cha mẹ buồn rầu, mọi người xa lánh.

Những người này so với những người phụ nữ chân chính, giỏi dang thì không bằng. Vì chính một người phụ nữ tốt, tài giỏi mới sinh ra và dạy dỗ những đứa con tốt, trong đó có những đấng nam nhi chi chí.

Cũng cùng vấn đề này, Phật dạy trong Kinh Giáo thọ Thi- ca- la- việt người chồng có năm cách đối xử với vợ: “Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ, trung thành với vợ, giao quyền hành cho vợ, sắm đồ nữ trang cho vợ” . Và ngược lại người vợ cũng có năm cách đối xử với chồng.

Qua năm điều trên chúng ta thấy điều nào đức Phật cũng nâng cao giá trị của người phụ nữ ngang tầm với người nam. Không có điều nào là Phật cho phép người đàn ông làm tổn hại đến người nữ từ tinh thần đến vật chất. 

Cũng vấn đề bình đẳng giới mà trong kinh Đại bát Niết- bàn  Phật đã hóa độ cho Ambapàli, một dâm nữ nổi tiếng ở Vesàli bằng một bài pháp. Sau khi nghe pháp xong nàng ta rất hoan hỷ với lời dạy của Phật và thỉnh Ngài và chư thánh chúng về cúng dường ngọ trưa ngày hôm sau.

Phật đã hứa khả. Khi Ambapàli vừa đi khỏi có một nhóm công tử Licchavi  cũng đến thỉnh Phật đến nhà họ để được cúng dường nhưng Phật không nhận lời vì đã hứa thọ thực tại nhà Ambapàli rồi. 

Qua câu chuyện này cho chúng ta thấy được quan niệm bình đẳng và tôn trọng người khác được biểu hiện một cách rất rõ rệt. Nếu là một vị Tông sư khác thì có lẽ họ sẽ nhận lời nhóm công tử Licchavi và gởi lời từ chối đến cô dâm nữ vì những lý do sau:

Nhóm Licchavi rất giàu có, danh giá. Nếu nhận lời mời của họ thì danh dự và uy tín sẽ được tăng lên, được nhiều lợi ích. Rồi sau này trên con đường hành đạo sẽ được những người này ủng hộ, đó sẽ là một lợi thế rất lớn.

phu-nu-trong-giao-ly-phat-da2
Tinh thần bình đẳng hóa độ của đức Phật đối với chúng hữu tình,

Còn đối với dâm nữ Ambapàli thì  ngược lại, là một người không có địa vị trong xã hội, lại làm một nghề rất là nhạy cảm,… nếu nhận lời của người này không khéo sẽ bị mang tiếng,…

Nhưng đức Phật không vì những lý do trên mà từ từ chối Ambapàli. Không phải vì Ngài là một Bậc Đạo sư nên phải giữ uy tín, mà đơn giản là Phật dùng sự chân thành và sự cảm thông để đáp lại tấm lòng thành tín của cô dâm nữ mà thôi.

Đây cũng chính là nét đặc biệt, gần gũi và giản dị của đức Phật đối vơi mọi người. Đồng thời cũng khẳng định được tinh thần bình đẳng hóa độ của đức Phật đối với chúng hữu tình, không phân biệt sang hèn, nam nữ. Rồi cũng trong Trường bộ kinh, tập 1, bài Kinh Đại bát niết bàn, khi ác ma nhắc lại lời hứa của đức Phật sẽ nhập niết bàn khi nào tứ chúng được độ xong.

Thì Phật trả lời: “Này Ác ma hãy yên tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay. Như Lai sẽ diệt độ” . Đây chính là lời tuyên bố của Phật sẽ nhập niết bàn sau khi đã hoàn thành xong nhiệm vụ giác tha. Như trước khi lời nói này đã xác quyết thì Ngài đã nói gì với ác ma khi nó yêu cầu Ngài nhập niết bàn.

“Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỷ- kheo của Ta chưa trở thành những vị đệ tử chân chánh, sáng suốt có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì chánh pháp, thành tựu chánh pháp,…”  

“Những Tỷ- kheo ni của Ta” … “những nam cư sĩ của Ta” … “những nữ cư sĩ của Ta chưa trở thành những vị đệ tử chân chánh sáng suốt,…” . 

phu-nu-trong-giao-ly-phat-da3
Ta hoá độ cho tất cả những ai biết hướng về con đường thiện lành

Qua các đoạn trích trên, cho chúng ta thấy tính bình đẳng giữa nam và nữ một lần nữa được đức Phật xác định. Nếu đức Phật là người trọng nam khinh nữ thì trên bước đường giáo hoá của mình đức Phật đã không cho người nữ xuất gia, không hoá độ cho các nữ cư sĩ,…

Nhưng với lòng từ bi, sự bình đẳng hoá độ người hữu duyên, Phật đã hoá độ cho tất cả những ai biết hướng về con đường thiện lành. Những lời mà Phật trả lời với ác ma chẳng qua là một lần nữa Phật khẳng định tứ chúng của Ngài có đủ cả Tỷ- kheo, Tỷ- kheo ni, Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ.

Và cũng chính câu trả lời này cũng giúp cho chúng ta hiểu rằng vị trí người nam và người nữ trong mắt Ngài đều bình đẳng như nhau. Vì thế mà trong đại chúng của Ngài có hai chúng nam, hai chúng nữ. 

Nếu có một người nào đó trong chúng ta nói đức Phật là người trọng nam khinh nữ thì người

viết cho đó là một điều sai lầm. Vì nếu là bất bình đẳng thì trong tứ chúng của Ngài có thể sẽ có ba chúng nam, một chúng nữ, hoặc cũng có thể cũng không có chúng nữ nào. Nhưng ở đây số lượng chúng nam và chúng nữ là đều nhau nên vấn đề bất bình đẳng không có xảy ra ở trong giáo lý của đức Phật. Và điều này chúng ta sẽ bắt gặp trong câu pháp cú số 332:

“Vui thay, hiếu kính mẹ!

Vui thay, hiếu kính cha!

Vui thay, kính Sa- môn!

Vui thay, kính Hiền thánh!” 

Qua câu Pháp cú này cho chúng ta thấy điều gì? Hình ảnh người mẹ được gắn liền với người cha, với bậc Sa- môn, hiền thánh. Mà người mẹ là đại diện cho những người phụ nữ, người cha đại diện cho những người nam. Cha và mẹ được đặt ngang hàng nhau, điều này có nghĩa là người nam và người nữ có một vị trí như nhau, không cao không thấp, không sang không hèn. 

Qua một số minh chứng nêu trên cho chúng ta thấy vai trò của người phụ nữ trong giáo lý của đức Phật chiếm một vị trí hết sức đặc biệt, luôn đứng ngang hàng với vị trí của những người cao quý khác trong xã hội mà không ai phủ nhận được. Vì trong mắt của Thế Tôn không có người nam, người nữ mà chỉ có những chúng sanh đau khổ cần được độ mà thôi.

Hoài Lương - Huệ Sĩ

Người phụ nữ "xấu nhất thế giới" và bài học về nghị lực sống truyền cảm hứng cho hàng triệu người 

 

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận