3 ác nghiệp do suy nghĩ bất thiện gây ra quả báo khổ của đời người

Suy nghĩ bất thiện sẽ trở thành động cơ thúc đẩy lời nói và hành động bất thiện khiến con người chịu quả báo khổ không chỉ trong đời này mà còn cả đời sau.

Loan Nguyễn
08:00 18/06/2021 Loan Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Phật dạy: Cố ý tạo nghiệp, phải nhận quả báo

Tài liệu ghi chép lại, khi Đức Phật du hóa tại nước Xá Vệ, ở rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Ngài bảo các tỳ kheo rằng:

Nếu kẻ nào cố ý tạo nghiệp, Ta nói rằng kẻ ấy phải thọ lấy quả báo. Hoặc thọ ngay trong đời hiện tại, hoặc thọ vào đời sau. Nếu tạo nghiệp mà không cố ý, Ta nói rằng người ấy không nhất thiết phải thọ quả báo.

Ở đây, thân cố ý tạo ba nghiệp bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ khổ quả. Miệng có bốn nghiệp, ý có ba nghiệp bất thiện, đưa đến khổ báo, thọ khổ quả.

(Trích: Kinh Trung A-hàm, phẩm Nghiệp tương ưng, kinh Tư, số 15)

Mỗi ngày chúng ta gây không biết bao nhiêu là Nghiệp. Mỗi Nghiệp gây ra do tác động của Thân, Ý hay Ngôn ngữ tức lời nói.

Khi chúng ta đánh đập người hay ra tay giết hại bất cứ loài vật nào thì chúng ta đã tạo nghiệp Thân, mà đó là nghiệp ác. Khi chúng ta vuốt ve vỗ về người khác giúp người đó vượt qua sự buồn đau, hay giúp đỡ dẫn dắt người bệnh, người già hay người mù, hoặc bảo vệ môi trường sống như lượm rác, lượm đinh ngoài đường sá, hay vét mương, thông cống, trồng cây thì đó là chúng ta đã tạo Thân nghiệp, nghiệp này được coi như nghiệp lành, nghiệp tốt.

Còn ngôn ngữ lời nói tức Khẩu nghiệp. Khi chúng ta nói lời hay lời đẹp khuyên dạy con cháu làm việc lành tránh việc dữ, dùng lời nói đúng đắn không biện xảo nịnh hót gây chia rẻ mọi người thì đó là chúng ta đã tạo khẩu nghiệp, đây là nghiệp lành. Ngược lại mở miệng đay nghiến mắng chửi người khác, có nói không, không nói có tạo nên sự hiểu lầm thù hận giữa người này với người kia là chúng ta đã tạo Khẩu Nghiệp và đây là ác nghiệp.

Ý nghiệp hay tâm nghiệp là hành động tạo tác của Ý tưởng như suy nghĩ những điều thiện lành, khởi những ý nghĩ tốt về mọi người như khởi tâm tuỳ hỷ khi có người làm việc thành công hay có ý tốt muốn tham gia làm việc thiện. Những tư tưởng này đã tạo thành Ý nghiệp mà là nghiệp tốt. Còn trong đầu phát ra những ý nghĩ tìm cách hại người thì đó là nghiệp ác.

Trong tam nghiệp, nghiệp Ý là hệ trọng hơn hết. Chính Ý là chủ chốt nghĩ ra việc phải làm, Thân và Khẩu chỉ là tòng phạm làm theo mà thôi. 

3-ac-nghiep-do-suy-nghi-bat-thien-gay-ra-qua-bao-kho-1

Trong Kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu. Đức Phật đã dạy rằng: "1) Ý dẫn đầu các pháp. Ý làm chủ, ý tạo. Nếu với Ý ô nhiễm. Nói lên hay hành động. Khổ não bước theo sau. Như xe, chân vật kéo. 2) Ý dẫn đầu các pháp. Ý làm chủ, ý tạo. Nếu với Ý thanh tịnh. Nói lên hay hành động. An lạc bước theo sau. Như bóng, không rời hình". Khi trong đầu đã tác ý suy nghĩ muốn làm một cái gì tốt hay xấu là chúng ta đã tạo Nghiệp Ý. Tiếp theo chúng ta sẽ hành động và phát ngôn theo chiều hướng của Ý tạo thêm Thân nghiệp và Khẩu nghiệp.

Nội dung Kinh văn nói đầy đủ các nghiệp bất thiện thuộc về thân, miệng và ý. Trong đó ba ác nghiệp của ý, do những suy nghĩ bất thiện gây ra, sẽ khiến con người phải chịu quả báo khổ.

 "Quả báo" theo Phật giáo là đền trả lại những gì chúng ta đã tạo ra ảnh hưởng đến người khác. Những gì chúng ta đã làm dù tốt hay xấu, dù vô tình hay cố ý đều sẽ hoàn trả lại cho chúng ta một cách sòng phẳng không thiếu sót khi hội đủ nhân duyên. 

Có ba loại "báo": 

Hiện báo: Quả báo phải chịu trong đời hiện tại đối với những hành vi mà chúng ta đã gây từ nhiều đời trước hay đời này.

Sinh báo: Quả báo phải chịu trong đời sau do hành động của chúng ta làm trong đời này.

Hậu báo: Qua nhiều đời nhiều kiếp sau khi đủ duyên mới trả quả báo.

3 ác nghiệp do suy nghĩ bất thiện gây ra

Tham lam

Lòng tham lam chính là mong muốn lấy của người khác về cho mình. Ý suy nghĩ tham lam thì ai cũng có nhưng phải biết chế ngự và chuyển hóa chúng. 

Người nào tham muốn nhiều thì ắt phải trả giá, khổ đau càng thêm chồng chất. Người biết đủ sẽ luôn thấy hạnh phúc, an nhiên và tự tạo ra tài sản bằng công sức và trí tuệ của mình. 

Mỗi người nên nỗ lực chuyển hóa tham vọng thành hoài bão, mong ước được làm lợi ích cho xã hội và phụng sự tha nhân.

3-ac-nghiep-do-suy-nghi-bat-thien-gay-ra-qua-bao-kho-2

Sân nhuế

Đó là sự nóng nảy, giận dữ, oán ghét, hận thù, mong người khác bị tổn hại, khổ đau. Giận dữ giống như hỏa hoạn sẽ thiêu rụi tất cả các điều tốt đẹp ở đời. Nóng giận với người khác chính là ta đang tự mình uống thuốc độc.

Khi nổi giận thì người ta không còn tỉnh táo và khôn khéo nữa, dễ gây ra những hành động để lại hậu quả nghiêm trọng.

Nóng giận nếu bị nén vào trong thì chuyển thành căm hận. Người mang tâm sục sôi thù hận, toan tính báo thù, tìm mọi cách hại người khác. Sự nóng giận khiến con người ân hận cả đời, sự tàn phá của nó không chỉ ở đời này mà kéo dài đến tận đời sau.

Tà kiến (si mê)

Là có quan điểm sai trái, nhận thức lầm lạc. Quan điểm đã sai thì không thể hành động đúng, chắc chắn tạo ra nhiều hệ lụy cho mình và người. Người nào không tin đời sau, phủ nhận nghiệp và quả báo của nghiệp, hoài nghi về quả phước của những việc thiện lành, nhất là không tin vào sự chứng đạo của các bậc hiền trí thì chẳng có việc ác nào mà họ không dám làm. Vì vô minh, tà kiến mà đánh mất tàm quý và liên tục tạo ác nghiệp để chịu quả khổ về sau.

Từ 3 ác nghiệp của ý mà trở thành động cơ thúc đẩy lời nói và hành động bất thiện. Chính vì thế, dù chỉ là trong suy nghĩ sâu kín mà tác hại khôn lường. Con người sống ở đời, cần tu dưỡng để chuyển hóa tham lam, sân nhuế, tà kiến thành vô tham, vô sân và vô si. Điều đó giúp hoàn thiện nhân cách, khiến đời này cũng như đời sau đều được an vui.

Tu dưỡng thế nào nhận quả tốt?

Đức Phật khuyên chúng ta nên hành thiện không bỏ qua bất cứ việc thiện nhỏ nhặt nào và xa lìa những hành động xấu ác làm tổn thương người khác đồng thời hãy tu tập giữ tâm thanh tịnh không gợn ý xấu tốt về bất cứ chuyện gì.

3-ac-nghiep-do-suy-nghi-bat-thien-gay-ra-qua-bao-kho-3

Trong kinh A-Hàm Đức Phật dạy: "Người gây nhân bất thiện, biết tu thân, tu giới, tu tâm thì quả sẽ đổi thay. Nếu người gây nhân bất thiện mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm thì gây nhân nào sẽ thọ quả nấy".

Như vậy chúng ta thấy rõ muốn thoát Nghiệp phải tu tập tích lũy công đức, càng nhiều công đức thì chúng ta mới có thể hòa tan dần dần để đi đến xóa bớt Nghiệp mà chúng ta đã tạo,  nên mới nói "Tu là chuyển Nghiệp" hay "Tu là giải Nghiệp".

Lời Phật dạy được thể hiện qua bài kệ: "Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật Giáo". Nghĩa là: "Những việc ác không nên làm, Vâng làm những việc lành. Khéo giữ tâm thanh tịnh. Đó là lời Phật dạy".

Hiểu được "Luật Nhân Quả hay Nghiệp Quả Báo Ứng" nhà Phật, chúng ta sẽ thấy bản thân sống trên thế gian đang chịu sự vay trả, trả vay của Nghiệp mà chúng ta gây ra từ bao đời bao kiếp trước. Quả tốt hay quả xấu chúng ta đang chịu ở đời này là do Nghiệp chúng ta tạo trước kia.

Cuộc sống của chúng ta vui vẻ, hạnh phúc trong đời này là do kết quả của Nghiệp tốt mà chúng ta đã tạo trong quá khứ. Chúng ta đau khổ, dằn vặt hôm nay là kết quả của Nghiệp xấu chúng ta đã làm trong quá khứ. Vì thế, chúng ta sẽ không oán trách hay đổ lỗi cho bất kỳ ai.

Nghiệp sẽ tạo ra Quả, khi Quả chín muồi và đủ duyên sẽ trổ và chúng ta sẽ là người hứng chịu những Quả đó. Khi chúng ta biết rằng chính chúng ta sẽ chịu trách nhiệm về những hạnh phúc và khổ đau của chúng ta trong tương lai, mỗi người sẽ tự chọn cách sống trong hiện tại. 

Hãy nghe lời Phật dạy, tu Thân, tu Giới và tu Tâm để cuộc sống luôn an vui và được như ý muốn. Chúng ta tu tập để làm chủ Nghiệp, không cho phép Nghiệp dẫn dắt chúng ta vào con đường xấu.

Xem thêm: 4 nổi khổ lớn nhất của đời người theo lời dạy Phật

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận