Nụ cười... khi làm vãi ở chùa

Rất nhiều Phật tử về chùa Hoàng Pháp (Hóc Môn, TP HCM) nấu cơm phục vụ chư Tăng và quý Phật tử, họ làm việc tự nguyện bằng chính cái tâm.

Hoài Lương
16:00 27/06/2021 Hoài Lương
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nghề không có tiền lương

Đến chùa Hoàng Pháp (Hóc Môn – TP HCM), ai cũng có thể thấy một lượng Phật tử không nhỏ từ vài ngàn đến mấy chục ngàn người về tham dự các khóa tu Phật thất, khóa tu mùa hè, đặc biệt là khóa tu mỗi ngày tại chùa.

Để đáp ứng cho việc ăn uống của những người đến tu tập, nhà chùa phải thành lập một đội chuyên nấu ăn ở dưới bếp của chùa. Đội nấu ăn này do quý thầy và một số Phật tử trực tiếp đứng nấu từ 3 giờ sáng cho đến khi xong việc.

nu-cuoi-khi-lam-vai-o-chua1
Để đảm bảo cung cấp đủ thức ăn cho người đến chùa, các vãi phải nấu từ lúc 3 giờ sáng đến trưa mới xong việc

Ngoài đội nấu ăn còn có cả trăm người khi tới đây cũng xuống phụ giúp theo. Những người này có thể là doanh nhân, quan chức, kỹ sư, bác sĩ, người nhà giầu, người nổi tiếng, người của công chúng…  tất cả khi vào đây đều tự động xắn tay áo và làm

Việc phục vụ ăn uống cho các Phật tử tại đây chỉ có một bữa ăn sáng và trưa. Mặc dù chỉ là đồ chay nhưng để đáp ứng cho vài ngàn đến mấy chục ngàn người thì khối lượng công việc quả thất là không nhỏ.

Chị Hoàng Thị Quyên, quận Tân Phú thường xuyên lên chùa phụ giúp tâm sự: Bữa sáng thì ăn đơn giản hơn, có khi chỉ là tô mì, ổ bánh mì kẹp nhân chay... Đơn giản vậy đó nhưng để thu dọn và rửa tô, đũa muỗng cho bữa sáng cũng phải cả trăm người phục vụ.

Còn bữa trưa chỉ là cơm chay đơn giản nhưng cũng phải có đủ từ bốn đến năm món ăn. Chính vì thế số lượng xoong, nồi, bát chén và những công việc không tên để hoàn thành một bữa ăn tại đây là khá lớn

nu-cuoi-khi-lam-vai-o-chua2
Đa số các vãi đến chùa phụ việc đều không có lương mà tự nguyện làm

Làm vì niềm vui của người khác

Điều đặc biệt của nghề làm vãi tại bếp chùa Hoàng Pháp là không thấy có người chỉ huy, vậy mà hơn trăm người vẫn làm việc miệt mài, không ngơi tay, không ai đùn đẩy việc cho ai, ai cũng làm việc với một trách nhiệm cao nhất.

Người làm công quả ở đây có cả nam và nữ từ người già bảy, tám mươi tuổi đến trẻ em tám, chín tuổi. Tùy theo khả năng mà mỗi người tìm công việc phù hợp cho mình như sắp đũa, nhặt rau, rửa chén…

Ai cũng làm việc hết sức im lặng và chăm chú. Dù phải làm công việc trong điều kiện nóng nực, khói, hay hai tay dính đầy nhỏ nồi, quần áo ướt nhèm vì lau chùi xoong, nồi, bát chén… Vậy mà không một ai tỏ vẻ mệt nhọc, không có một tiếng than mà chỉ có những nụ cười.

Nguyễn Thị Giang, sinh viên năm 2, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM tâm sự: “Mỗi lần đến chùa phụ làm bếp, em cảm thấy khi làm không mệt mà vui, nhưng về đến nhà thì toàn thân rã rời. Hai bàn tay thì thâm đen do nhặt rau và nhọ hồi, da thì nhăn và nhợt nhạt do phải tiếp xúc lâu với nước rửa chén… các ngón tay mõi nhừ nhưng em vẫn muốn tiếp tục lần sau làm tiếp

nu-cuoi-khi-lam-vai-o-chua3
Các bạn trẻ cũng rất nhiệt tình trong việc cung cấp thức ăn cho Phật tử về chùa trong các khóa tu

Đa số các vãi đều cho rằng mình làm việc này vì muốn đóng góp sức nhỏ bé của mình cho khóa tu. Có người cho rằng mình đã có điều kiện để thường xuyên nghe Pháp bất cứ lúc nào vì vậy tự động đi phụ việc nhà bếp để dành cho người khác không có điều kiện được thảnh thơi tu tập.

Tuy nhiên cũng có nhiều người quan niệm mang tiền ra làm công quả tốt hơn là đi làm những việc lặt vặt, thấp kém này. Chỉ cần bỏ ra ít tiền là mọi việc sẽ có người làm xong hết, để dành thời gian đó nghe pháp và kiếm tiền hay hơn.

Lý giải điều này, thầy Thích Giác Thông, tu tại chùa Hoàng Pháp chia sẻ: “Có thể mới đầu làm quý anh chị sẽ cảm thấy khó chịu và mệt mõi. Tuy nhiên sau mỗi buổi làm quý vị sẽ từ cao ngạo, hay quát tháo bắt người khác phải cung phụng, quan tâm, không bao giờ biết xin lỗi người dưới khi làm sai… sẽ trở lên trân trọng tất cả mọi người, cảm thông, chia sẻ, bình tâm, dịu dàng, nhẫn lại, nhỏ nhen, ích kỷ cũng dần biến mất, cái tôi không còn ngự trị trong tâm …

Được biết chùa Hoàng Pháp dù phải chuẩn bị rất nhiều thức ăn cho cả mấy chục ngàn Phật tử nhưng chưa lần nào nơi đây bị ngộ độc thực phẩm. Tất cả những điều này có được là nhờ những người vãi tận tâm làm việc để đem lại an vui cho những người về tu tập.

Hoài Lương

Chuyện ấm lòng ở Bệnh viện K2 Tam Hiệp: Sư cô cùng phật tử nấu cơm tặng bệnh nhân cách ly

 

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận