Ngôi nhà lam của trẻ mồ côi
Ni cô Thích Nữ Minh Viên đã mở rộng vòng tay nhân ái cứu mang những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi giữa dòng đời cơ cực.
Cái duyên với trẻ thơ
Tuy cực khổ nhưng lòng cô luôn ấp ủ tìm những điều kiện có thể để giúp đỡ những trẻ lang thang, cơ nhỡ và hoành dương chánh pháp. Thế rồi mười năm sau, ước mơ đó đã thành sự thật nhờ vào sự hậu thuẫn của người chị gái.
Năm 1997, ni cô Thích Nữ Minh Viên về trụ trì chùa Pháp Lạc tại thôn Tân Phú, xã Bù Nho, huyện Bù Gia Mập. Ngôi chùa nằm khuất trong con hẻm nhỏ ít người biết đến. Lúc đầu, chùa chỉ là một căn nhà bằng ván ghép, nhiều đêm, kê ván ngủ mà sư cô cứ thấp thỏm sợ rắn, rết, bò cạp bò vào nhà.
Năm 2008, trong chuyến đi từ thiện giúp đồng bào gặp thiên tai tại huyện Hòa Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, cô đã nhận về nuôi đứa trẻ đầu tiên. Hoàn cảnh của bé thật đáng thương: mẹ tâm thần, ba bỏ rơi, sư cô đã đến UBND xã Hòa Sơn ( huyện Hòa Vang) xin nhận nuôi bé.
Nhớ lại lần nhận bé đầu tiên, cô kể: “Hôm đầu tiên gặp bé, nhìn thấy bé ăn ngẫu nghiến vì bị bỏ đói lâu ngày, lòng tôi thắt lại, nhìn bé mà đôi mắt ngấn lệ. Giờ thì bé rất khỏe mạnh, đang học lớp 2 trường Tiểu học Long Phú gần chùa.”
Qua từng năm đi làm từ thiện, khi thì ở Bình Định, lúc ra mãi tận Thanh Hóa, bắt gặp từng hoàn cảnh, sư cô đưa từng bé về nuôi, nhỏ thì vài tháng tuổi, lớn nhất thì 10 tuổi.
Hiện trong chùa đã nuôi 13 bé, từ hơn một tuổi đến 12 tuổi. Mỗi đứa được cô đặt cho một cái tên với biết bao nhiêu gửi gắm ý nghĩa như: An Hòa, An Tâm, Đức Nhân, Đức Hiếu, Đức An…
Mong các con bớt khổ!
Kể từ khi về ở chung tại ngôi nhà lam, các bé luôn được cô dạy về cách sống, sinh hoạt thông qua những bài học về lòng nhân hậu, sự vị tha của nhà phật. Bé Đức An đang học lớp 4 trường tiểu học Long Phú cho biết: “Cháu ở đây rất vui, được học, được chơi với các bạn, các em cháu rất thích”.
Cũng nhờ sự dạy bảo chu đáo của sư cô Minh Viên mà tất cả các bé đều rất ngoan ngoãn, đáng yêu. Mỗi cháu một cảnh đời nhưng đều biết nhường nhịn, chia sẻ cho nhau.
Cháu lớn biết chăm em, quét chùa; các bé nhỏ biết vâng lời, tự chơi. Một bà mẹ nuôi một đứa con đã thấy vất vả, nhưng mình sư cô nuôi mười mấy đứa trẻ sẽ đối mặt với biết bao khó khăn, gian truân… Vì vậy, nhiều nhà hảo tâm, Phật tử khi biết đều hết lòng hỗ trợ và khâm phục đức hạnh của sư cô.
Nói về các bé Sư cô Minh Viên cho biết thêm: “Các bé trước khi đến đây đều đã bị đưa đẩy, dập vùi ngoài đời nên các cháu luôn mang tâm lý né tránh, đề phòng như “chim bị bắn hụt sợ cành cong Ví dụ như bé Đức Hiếu, khi mới về đây cứ thấy người lạ đi tới là co dúm lại, chỉ im lặng co ro trong bóng tối. Một thời gian bé đã lấy lại niềm tin, rất hoạt bát, hiếu động, đặc biệt có trí nhớ rất tốt.”
Tuy vất vả nhưng không vì thế mà cô muốn rời xa các bé. Đã có nhiều người tới xin nhận làm con nuôi nhưng cô không đồng ý. Theo cô, mình đã gắn bó với các cháu rồi thì thấy thương lắm. Một phần không nỡ rời xa, một phần cô sợ, cuộc đời bé đã khổ vì mồ côi, nếu không may các bé lại rơi vào cảnh không được chăm sóc tử tế thì bé sẽ thêm phần bất hạnh, đáng thương.
Nhưng nếu cha mẹ, gia đình các bé nhận con cháu về nuôi thì cô sẽ sẵn sàng để bé về đoàn tụ với gia đình. Sư cô tâm sự: “Mình chỉ mong các cháu có được đầy đủ cơm ăn, áo mặc, được đến trường và sẽ cố gắng tạo cơ hội cho các cháu có một tương lai tốt đẹp hơn”.
Được chăm sóc, được yêu thương như thế, với các bé chùa Pháp Lạc, đó là niềm hạnh phúc quý giá biết bao. Giờ đây những số phận không may mắn, thiếu vắng tình cảm gia đình, các bé đã được sư cô Minh Viên bù đắp bằng tất cả tình yêu thương vô bờ bến.
Người đàn ông tặng gia tài 100 tỷ đồng cho trẻ mồ côi
Hoàng An – Hoài Lương
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận