Nghề báo có khá nhiều thách thức với người tu

Không chuyên tâm tu hành tại tự viện, Đại đức Thích An Đạt, chùa Thiên Trúc (quận 7 – TP HCM) chọn cho mình con đường hoằng pháp bằng con đường viết báo, dù đây là công việc có khá nhiều khó khăn, thách thức với một người tu sĩ.

Hoài Lương
11:02 01/08/2021 Hoài Lương
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Duyên đưa đến với nghề

Năm 2005, sau chuyến đi học ngắn ngày tại xứ hoa anh đào, đại đức Thích An Đạt có dịp tiếp xúc với phóng viên Báo Giác Ngộ và được gợi ý viết một bài về vấn đề văn hóa và ảnh hưởng của Phật giáo đối với đất nước Nhật.

Sau khi bài viết được đăng, một vị lãnh đạo của Báo Giác Ngộ đã tìm gặp và khuyên đại đức sau khi học xong đại học Luật hãy về làm nghề báo tại tòa soạn.

nghe-bao-co-kha-nhieu-thach-thuc-voi-nguoi-tu-01
Một nhà sư làm báo có khá nhiều thách thức, đòi hỏi phải có trình độ, lòng yêu nghề và tâm huyết với công việc

Lúc đó, đại đức An Đạt cảm thấy rất băn khoăn, nhưng cũng dậy lên sự ham muốn khám phá, được đi nhiều nơi, tiếp xúc để học hỏi thêm về giáo lý đối với các bậc Trưởng Thượng của Phật giáo, sử dụng ngòi bút của nghề báo để hoằng pháp, vì thế thầy đã quyết định nộp đơn vào Báo Giác ngộ.

Bước chân vào con đường truyền thông nghề báo, lại học Luật ra nên đại đức gặp không ít khó khăn. “Trước đây thầy thích làm giáo viên, sau khi vào đại học lại học ngành Luật, bây giờ đi làm nghề báo. Đúng là duyên đến với nghề”, đại đức An Đạt cười nói.

Lần đầu tiên về làm báo thầy phải học hỏi các quý thầy đi trước rất nhiều, liên hệ và làm quen với những nhà báo ở đời thường… nhằm tìm hiểu để thực hiện tốt công việc được giao.

nghe-bao-co-kha-nhieu-thach-thuc-voi-nguoi-tu-02
Nhà sư làm báo phải luôn chú ý đến cách đi lại và cách chụp ảnh sao cho không mất đi oai nghi của một người tu

Vượt qua khó khăn làm tốt nghề báo

Trải qua suốt 7 năm hành nghề, đại đức Thích An Đạt cho rằng: “Đối với công việc làm báo, người tu hành gặp khá nhiều khó khăn, để nắm thông tin viết bài, thầy phải thường xuyên đi đây đi đó để tác nghiệp, nên thời gian ở chùa không được cố định, thời gian sống chung với đại chúng (quý thầy sống cùng chùa – PV) không nhiều.”

Một điều khó khăn cho việc làm báo của người đi tu nữa là không được lăn xả, chen lấn để tác nghiệp như những phóng viên bình thường của các tờ báo khác. Ví dụ phóng viên bình thường có thể leo cây, dẫm đạp… vào nơi diễn ra sự kiện để có những góc ảnh đẹp, kiếm những thông tin cần thiết cho bài báo mà mình đang viết, còn với người tu hành thì điều đó khó mà chấp nhận được.

Chắc chắn sẽ có người cho rằng: “Ông đã đi tu rồi sao còn không lo tu tập, chen lấn, giành giật, bon chen như người đời làm chi…” đại đức An Đạt cười.

“Chính vì những lý do đó nên khi tác nghiệp thông thường thầy hay chọn trước cho mình một điểm thuận tiện để có những góc ảnh đẹp. Chuẩn bị câu hỏi phỏng vấn trước và nếu cần thiết thì nhờ một Phật tử nam hay một phóng viên ảnh nào đó hỗ trợ”

Khó khăn, bất tiện khác mà người tu đi làm báo đó là khi đi tác nghiệp xa, việc ăn uống không thuận lợi (vì thầy ăn chay mà nhiều lúc ở nơi tác nghiệp không có đồ ăn chay), môi trường sinh hoạt không được thanh tịnh như ở chùa… Cũng có người cho rằng nhà sư làm báo sẽ không giữ được tính cách điềm đạm, hiền từ. Tuy nhiên công việc của người làm báo bắt buộc cần phải năng động, nhanh nhạy...

“Thực ra một nhà sư làm báo có khá nhiều thách thức, đòi hỏi phải có trình độ, lòng yêu nghề và tâm huyết với công việc. Khi tác nghiệp phải hợp lý, không nên để có ảnh đẹp mà làm mất đi ấn tượng tốt đẹp của một nhà sư, mà quan trọng là cách chạy và cầm máy ảnh, với lại oai nghi nhà Phật không cấm điều đó. Phải làm sao không xấu đi hình ảnh của một nhà tu hành.

nghe-bao-co-kha-nhieu-thach-thuc-voi-nguoi-tu-03
Ngoài làm phóng viên, đại đức Thích An Đạt còn tích cực tham gia các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Hiện nay nhà sư làm báo chí còn rất ít, tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi các thầy phải chuẩn bị kỹ lưỡng về công năng tu tập và chuyên môn để hòa nhập và dấn thân. Song cho dù ở đâu, thầy vẫn luôn giữ sắc thái cho riêng mình, từ đi, đứng, ăn, mặc sao cho đúng với đạo phong của một người thầy.” thầy An Đạt tâm sự

Được biết, đại đức Thích An Đạt xuất gia tại chùa Thiên Trúc (quận 7, TP HCM) lúc lên chín tuổi. Đại đức đã học xong thạc sĩ Luật, cử nhân Phật học, đang đảm nhiệm vai trò là Chánh thư ký Ban Văn hóa Thành hội Phật giáo TP HCM; Chánh thư ký tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và hiện là Phóng viên của Báo Giác ngộ.

Nghề không lương... trong Phật giáo

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận