Xót xa ước mơ của mẹ già 90 tuổi: Mong trước lúc chết 2 con thần kinh có căn nhà kiên cố để ở
Nhẽ ra ở cái tuổi thập cổ lai hy này cụ Tân phải được con cháu phụng dưỡng. Thế nhưng không, giữa trời mùa đông rét căm căm, cụ Tân vẫn còng lưng gom phế liệu để kiếm vài đồng bạc lẻ nuôi 2 đứa con thần kinh...
Theo báo Dân trí, ba mẹ con cụ Trần Thị Tân (90 tuổi) hiện đang sống tại thôn 7, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trong những ngày cuối năm rét căm căm, mấy mẹ con chỉ có một căn nhà nhỏ lụp xụp rộng chừng 15m2 để chắn gió chắn mưa. Ngoài 3 mẹ con cụ Tân, còn có cả gà, vịt, chó, mèo ở cùng. Chật chội vô cùng.
Trong nhà, chăn màn, quần áo, xoong chảo để lộn xộn, mùi ẩm mốc, khó chịu nồng nặc. Nhưng biết khách đến nhà, cụ Tân vội vã thu dọn lại nhà cửa, thu dọn đồ đạc mà các con vứt lung tung.
Nhìn cậu con trai 60 tuổi ngồi ngẩn ngơ trước sân như đứa trẻ lên ba, thỉnh thoảng ngửa mặt lên trời cười sảng trong vô thức, cụ Tân mắt trùng xuống kể: "Cái thân già này đi còn không vững, dọn đằng trước chúng nó bày đằng sau, khổ lắm cô ạ. Gà, vịt chúng không có chỗ ở, lạnh quá sợ nó chết nên đành nhốt ở trong nhà luôn".
Những ngày cận Tết, trời thì lạnh, trong nhà thì chẳng còn hạt gạo nào, ba mẹ con cụ Tân phải trông chờ vào những thứ đồng nát người ta cho để bán kiếm bữa qua ngày. Hoàn cảnh của gia đình cụ Tân, làng trên xóm dưới ai cũng biết, ai cũng thương.
Ở cái tuổi thập cổ lai hy này, nhẽ ra cụ Tân được thảnh thơi nghỉ ngơi để con cháu phụng dưỡng. Thế nhưng, cái khổ cứ đeo bám mãi không tha cho cụ. Cả đời cụ Tân là một chuỗi ngày dài sống trong khốn khổ, bất hạnh, đói nghèo. Chồng mất sớm, sinh hai người con thì: Cô con gái đầu 63 tuổi bị viêm đa khớp, nhiều lúc lên cơn động kinh; con trai thứ 2 thì tâm thần. Cụ bảo cái chết có khi còn sung sướng hơn gấp nhiều lần cuộc sống này.
Vừa nhặt nhạnh mấy tấm bìa carton, vỏ lon bia, cụ Tân vừa kể về những ngày tháng chăm con bộn bề với giọng nghẹn đắng chỉ trực trào nước mắt. Thế nhưng, nước mắt của cụ căn bản đã bạn từ rất lâu rồi.
Ngày còn khỏe, cụ Tân đi mò cua, bắt ốc nuôi các con, giờ già yếu, cơ thể mang nhiều bệnh tật thì chỉ có thể đi lang thang nhặt đồng nát. Nhưng cun cũng không dám đi đâu xa vì hai đứa con ý thức không bình thường của mình.
Làng xóm láng giềng thương thì cho cái nọ cái kia, cụ lại gom góp vào đem đi bán đồng bát. Mỗi ngày, may mắn thì kiếm được 20.000 đồng, có hôm chỉ được 5.000 đồng, 10.000 đồng. Cứ thế, ba mẹ con có bữa đói, bữa no, gồng gánh nhau đi qua suốt 60 năm qua.
"Thằng Tuấn (con trai thứ 2 của cụ) nó bỏ đi lang thang suốt ngày, trước đây khỏe phải đi tìm nó suốt đêm đến bật cả máu chân, giờ yếu không đi tìm được thì hôm nó về hôm nó ngủ ngoài đường, thương con cả đêm tôi cũng không chợp mắt được", cụ Tân buồn rầu cho biết.
Rồi cụ Tân tâm sự, căn nhà đã xuống cấp quá rồi. Trời mưa trên nóc nhà nước dột tứ tung, dưới thì nước ngập vào trong. Ba mẹ con cứ co ro ngồi một xó. Hôm trước, chính quyền địa phương cho người xuống lấy bạt giăng che cho đỡ mưa, đỡ gió thốc vào nhưng đứa con tâm thần của cụ lên cơn giật sạch, nhà lại tan hoang.
Và điều mà cụ sợ nhất chính là không biết bao nhiêu ngày nữa cụ theo tổ tiên. Lúc ấy, hai đứa con dại của cụ phải làm sao? "Chúng dại người, dại nết, giờ mấy chục tuổi đầu rồi còn đánh nhau, tranh nhau cả chỗ ngủ thì ai mà nuôi nổi chúng đây", cụ Tân nghẹn ngào nói.
Lãnh đạo địa phương cho biết, gia đình cụ Tân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cụ đã 90 tuổi, các con thần kinh nên địa phương rất quan tâm. Tuy nhiên, cũng rất trăn trở bởi vì chỉ hỗ trợ được một phần nào đó.
Chính quyền địa phương và người dân trong xóm ai ai cũng mong cộng đồng và các mạnh thường quân có thể dang tay giúp đỡ để mẹ con cụ Tân có cuộc sống tốt hơn.
Mọi sự hỗ trợ xin gửi trực tiếp về:
Cụ Trần Thị Tân, thôn 7, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa
(Theo Nguyễn Thùy/Dân trí)
Xem thêm: Nghẹn đắng trước cảnh 3 đứa trẻ thơ còng lưng mò ốc kiếm tiền nuôi cha ung thư, mẹ hở van tim
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận