Vì trẻ em: "Người cha" độc thân cưu mang gần trăm trẻ bị bỏ rơi
Những đứa trẻ được phát hiện ở bãi rác, nghĩa trang... đều được ông Lâm ôm về cưu mang, dưỡng dục.

Ông là Nguyễn Văn Lâm, (49 tuổi), đang nuôi dưỡng gần 100 đứa trẻ bị bỏ rơi lúc vừa lọt lòng tại mái ấm tình thương Phúc Lâm, ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Đứa trẻ còn dây rốn, lạnh ngắt trong thùng rác…
Cách đây 12 năm, khi đó ông Lâm vẫn đang là một chàng thanh niên độc thân nhiều hoài bão, trên đường đi làm về ngang qua xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, ông Lâm thấy nhiều người vây quanh một bãi rác bàn tán rất ồn ào. Thì ra là một người phụ nữ quét rác kêu thất thanh khi phát hiện một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong thùng rác. Tò mò, ông đến gần và giật mình thấy một đứa trẻ đỏ hỏn, kiến bu cắn nát cả mặt mày, tay chân. Không ai dám động vào, cũng không ai nghĩ đứa trẻ đã tím tái đó có thể sống sót.
“Lúc đó, tôi không nghĩ ngợi gì cả, chỉ cảm thấy trong người có một thứ gì đó thôi thúc khiến tôi ào tới ôm đứa trẻ không tội tình kia, đi thẳng tới bệnh viện trước sự ngỡ ngàng, hoài nghi của mọi người xung quanh. Đứa trẻ lúc đó còn chưa được cắt dây rốn, toàn thân lạnh ngắt” - ông Lâm hồi nhớ lại khoảnh khắc gắn bó đời mình với việc chăm sóc, bảo bọc những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Cháu bé bị bỏ rơi cách đây 12 năm bây giờ đã lớn khôn, được học hành đầy đủ có tên là Nguyễn Ngọc Phương Vy.

“Chữ Ngọc ở đây là tên của mẹ tôi, như một sự hiếu kính tôi dành cho mẹ vì đã đồng cảm, chia sẻ với việc làm của tôi mà không hề mảy may hờn trách” - ông Lâm chia sẻ nguồn động lực giúp ông có thể xây dựng nên một cơ ngơi nuôi dạy gần trăm “thiên thần” tới bây giờ.
Ông Lâm chia sẻ, ban đầu khi ông chỉ nhận hai đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi về nuôi thì mẹ ông đã ngăn cản vì lo cho tương lai của một chàng thanh niên trẻ tuổi, còn chưa lập gia đình. Nhưng rồi những đứa trẻ bị bỏ rơi vẫn tiếp tục xuất hiện trước mắt ông, có đứa thì người ta gọi điện tới nhận về, có đứa thì ông lại tình cờ phát hiện được, ông phải thuê nhà trọ, giấu mẹ để tiếp tục nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi khác.
Tiền ông dành dụm được đều dùng để thuê phòng, thuê người nuôi trẻ và tiền sữa, tiền thuốc cho các “con” của mình. Nhưng rồi sau 6 tháng, “gồng” không nổi khi hai đứa nuôi ở nhà, vài đứa khác nuôi ở nhà trọ, ông đành thú nhận với mẹ ông thì bất ngờ nhận được câu trả lời: “Trời ơi thằng này khùng quá! Lỡ lụm (lượm-PV) rồi thì mang về đây má nuôi cho tử tế chứ”.

Từ thời điểm đó, ngôi nhà ông Lâm ở với gia đình ngày càng chật chội vì ngày càng nhiều đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được đưa về, gia đình ông phải gom góp tiền bạc để ông Lâm xây dựng mái ấm riêng cho các cháu nhỏ trên mảnh đất tổ tiên để lại và bây giờ đã trở thành mái ấm tình thương Phúc Lâm do ông Nguyễn Văn Lâm sáng lập với gần 100 trẻ. Chàng trai Nguyễn Văn Lâm ngày nào giờ cũng đã trở thành người tu hành có pháp danh Thích Minh Tâm.
Mỗi ngày làm việc 20 tiếng vì những cảnh đời mồ côi
Chúng tôi tới mái ấm tình thương Phúc Lâm vào giờ trưa, lúc các cháu đang ngủ ngon. Phòng các cháu ở được chia theo độ tuổi một cách khoa học, hàng chục chiếc nôi được dành riêng cho các bé sơ sinh mới được tiếp nhận về. Bên trong các phòng đều rất sạch sẽ và được trang bị máy lạnh.
Trong giấc ngủ trưa bình yên của các cháu đều ẩn chứa một số phận mồ côi khác nhau. Có cháu được tìm thấy ngoài bờ mả (nghĩa trang), rốn bị nhiễm trùng nặng, có cháu thì được tìm thấy trong bụi chuối, hoặc có người đưa đến. Ông Lâm chỉ cho chúng tôi cháu Nguyễn Hoàng Phúc Nhàn, là con của một nữ công nhân. Mẹ cháu khi mang thai cháu được bảy tháng tuổi thì đã uống thuốc độc tự tử. Đứa bé may mắn được cứu sống, nhưng đã mồ côi mẹ, người cha không tới nhận nên ông Lâm đã mang bé nuôi lồng kính cho tới khi cứng cáp thì mang về mái ấm Phúc Lâm chăm sóc.

Còn Nguyễn Hoàng Phúc Hậu là con gái bị bỏ trong bọc đen, chó tha ngang cửa mái ấm, người dân tưởng bọc chứa mèo nên xua đuổi, con chó bỏ chạy để lại chiếc bọc đen, mở ra là một đứa bé đỏ hỏn người đầy xây xước, nặng chỉ 700 gram, phải nuôi lồng kính 3 tháng.
Nguyễn Hoàng Phúc Nhân thì thật đáng thương, em được tìm thấy vào tháng 8/2016, trong bụi chuối có chiếc giỏ đựng đứa trẻ bị dị tật, với miệng và mũi là một, hai con mắt chỉ là một cục thịt… “Sau 3 ca mổ rồi mà cha vẫn chưa lấy lại được hình hài cho con” - ông Lâm khóc khi nói về Phúc Nhân.
Trong gần 100 đứa con của ông Lâm thì đã có 52 cháu đã đến tuổi phải đi học. Hàng ngày ông Lâm phải cùng với các cô bảo mẫu do ông thuê phải chuẩn bị 52 phần ăn sáng, 52 chiếc cặp cho các cháu kịp giờ để tài xế chở các cháu đi học rồi mới yên tâm đi làm.
“Một ngày của tôi bắt đầu từ 2 giờ sáng, tôi dậy hầm cháo, khuấy bột chuẩn bị trước để kịp cho các cô bảo mẫu sáng đến cho các cháu ăn. Sau đó tôi ra chợ đầu mối đẩy dù thuê cho tiểu thương, rồi giữ xe cho người đi chợ, còn tài xế rước các con đến trường. Tôi đi làm việc ở công ty tới tối đến thì còn làm pha chế cho quán cà phê, đến 22h đêm mới trở về nhà với các con” - ông Lâm chia sẻ một ngày làm việc 20 tiếng của mình.

Ông Lâm chia sẻ lý do ông làm việc đến quên cả sức khỏe là vì ông đang muốn xây dựng một lớp mẫu giáo cho các em ngay tại mái ấm, thay vì hàng ngày phải chở các cháu đi học vất vả.
“Khi đã là một người đàn ông nuôi đến gần 100 đứa con, tôi mới thấy cái hết cảnh ngộ của một đứa bé mất cha mất mẹ. Dù tôi có thương yêu bé đến thế nào đi chăng nữa, cũng không bằng tình mẫu tử ruột rà. Khi một đứa bé bị bệnh tôi cảm thấy rất tủi thân vì cháu chỉ biết gọi tiếng cha chứ chưa biết gọi tiếng mẹ là gì.
Lúc đó, tôi mới nghĩ dù có thế nào khi đã được sinh ra trên thế giới này thì phải có cha có mẹ, để không thiệt thòi, đến trường không bị nói là mồ côi, bất hạnh khi bước vào đời. Suy nghĩ này, tôi xin gửi tới các bạn trẻ hãy sống có trách nhiệm trước khi làm cha, làm mẹ” - ông Lâm nhắn gửi.
(Theo Lao động)
Xem thêm: Vì trẻ em: Mái ấm cả trẻ mồ côi, khuyết tật giữa lòng thành phố mang tên Bác
Đọc thêm
Phụ huynh học sinh có gửi tiền khi cho con đến học nhưng "cô giáo" Lý từ chối nhận vì: "Tôi không bán chữ, nên không nhận tiền...".
Mặc dù không có chứng chỉ sư phạm nhưng người phụ nữ tên Liêu Thị Mỹ Hiếu (Ninh Kiều, TP Cần Thơ) luôn được gọi là "cô giáo". Cô đã cưu mang, dạy miễn phí cho rất nhiều trẻ lang thang, cơ nhỡ.
Chùa Yên Ninh (Đông Trang Tự) ở xã Ninh An (Hoa Lư, Ninh Bình) là mái ấm cưu mang những mảnh đời bất hạnh, đùm bọc rất nhiều trẻ lang thang cơ nhỡ.
Bài mới

Trong suốt cuộc đời cống hiến vì dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ coi sinh nhật của mình là một dịp đặc biệt. Thế nhưng, với đồng bào và đồng chí, ngày 19/5 hằng năm luôn là thời khắc thiêng liêng – không chỉ để bày tỏ lòng thành kính đối với vị lãnh tụ vĩ đại, mà còn là dịp để mỗi người tự soi chiếu bản thân qua tấm gương đạo đức sáng ngời, lối sống giản dị và trái tim bao dung, trọn vẹn vì nước, vì dân của Bác.

Jenny Huỳnh là một trong những Gen Z sở hữu chuỗi thành tích “khủng”, không chỉ là nhà sáng tạo nội dung nổi bật nhất tại Việt Nam, trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ mà cô nàng còn được vinh danh trong danh sách "30 Under 30 Asia" của Forbes – một cột mốc khẳng định tài năng, bản lĩnh và sức ảnh hưởng của Jenny trên phạm vi châu lục.

TikToker Tina Thảo Thi nổi lên như một hiện tượng “siêu cấp đáng yêu” khi tạo dựng được “vũ trụ” content sạch. Không chạy theo những trend nóng, Tina chọn cho mình một lối đi riêng, từ những video truyền động lực với câu khẩu hiệu “Peek A Boo” cho đến series “góp điều nhỏ bé” đều ghi điểm tuyệt đối với sự gần gũi, ấm áp. Bằng sự tử tế bình dị, sự sáng tạo và năng lượng tích cực, Tina không chỉ “chữa lành” những mảnh đời khó khăn mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng.

Trong thế giới mạng xã hội đầy ồn ào và cạnh tranh, TikToker Quan không gờ lại âm thầm xây dựng hành trình riêng, không kèn không trống, nhưng đủ lay động triệu con tim. Anh không cố "làm nội dung" mà chỉ ghi lại hành trình tận tay trao quà, lắng nghe và sẻ chia với những mảnh đời còn khó khăn. Sự giản dị, không dàn dựng ấy khiến người xem cảm nhận rõ một điều: đây là từ thiện thật, tử tế thật!

Đến với TikTok, người ta dễ bị thu hút bởi những video ồn ào, xu hướng “giật gân”, trào lưu nhất thời. Nhưng giữa những ồn ã, xô bồ ấy lại có một chàng trai trẻ âm thầm dùng ẩm thực và lòng tử tế để kết nối những trái tim yêu thương - TikToker Vĩnh Thích Ăn Ngon. Anh không chỉ review đồ ăn mà còn lặng lẽ chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời bên lề cuộc sống. Và hành trình ấy, bất ngờ thay, lại truyền cảm hứng sâu sắc đến hàng triệu người.

Giữa muôn vàn nội dung giải trí trên TikTok có một người phụ nữ chậm rãi, an nhiên kể về cuộc sống đời thường ở quê, về buôn làng, về những mảnh đời và về vùng đất cô đi qua. Không giật tít, không kịch tính, những video của TikToker An Đen vẫn khiến hàng triệu người xúc động, bởi chúng được kể bằng một trái tim rất thật.