Vì sao Tết Đoan Ngọ 5/5 cha mẹ hay lên chùa xin dấu vào áo cho trẻ em?

Tết Đoan Ngọ 5/5 được gọi là "Tết kỳ lạ của người Việt", bởi trong ngày này chúng ta có nhiều tục kỳ lạ. Đơn cử như việc lên chùa xin dấu lên áo cho trẻ em.

Đỗ Thu Nga
14:19 02/06/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vì sao Tết Đoan Ngọ 5/5 cha mẹ hay lên chùa xin dấu vào áo cho trẻ em?

Tết Đoan Ngọ 5/5 năm 2022 rơi vào đúng Thứ Sáu ngày 3/6/2022 dương lịch. Tết Đoan Ngọ còn có tên gọi khác là Tết diệt sâu bọ. 

Theo TS Trần Long, Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, Khoa Văn hóa học, Trường ĐHKHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM): Người Việt xưa ăn Tết vào tháng 11 âm lịch. Do đó, tháng 5 là thời điểm giữa năm, cùng lúc với việc kết thúc vụ Chiêm bước vào vụ Mùa. 

Thời điểm này, người dân có truyền thống làm nông thường tổ chức lễ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên, ăn mừng mùa vụ... nên gọi gọi là Tết nửa năm. Như vậy, ngày này là ngày đặc trưng của nền văn hóa lúa nước.

Vi-sao-Tet-Doan-Ngo-5-5-cha-me-hay-len-chua-xin-dau-vao-ao-cho-tre-em-9

TS Trần Long cũng chia sẻ thêm: Đoan có nghĩa là bắt đầu; Ngọ có nghĩa là giờ ngọ, tức là khoảng thời gian nắng nóng nhất trong ngày (từ 11h đến 13h chiều). Đoan Ngọ có thể hiểu là "ngày mở đầu chuỗi ngày nắng nóng nhất năm". Chính nghề trồng lúa nước đã buộc người nông dân phải quan sát, để ý đến thời tiết. Vậy nên phong tục Tết Đoan Ngọ được hình thành. 

Một trong những điều khiến người ta tò mò về Tết Đoan Ngọ chính là những tập tục kỳ lạ của người Việt xưa. Cho đến nay, còn kha khá tập tục vẫn được duy trì. Tiêu biểu như tập tục ngày Tết Đoan Ngọ 5/5, người ta sẽ lên chùa xin dấu vào áo cho trẻ em. 

Vi-sao-Tet-Doan-Ngo-5-5-cha-me-hay-len-chua-xin-dau-vao-ao-cho-tre-em

Trong cuốn sách "Kỹ thuật của người An Nam" có miêu tả về tập tục này. Tác cho biết, với quan niệm xua đuổi tà khí và tránh các tác động có hại của tự nhiên như nóng, rắn rết tấn công và mong con khỏe mạnh, vào Tết Đoan Ngọ 5/5, các bà mẹ thường mang áo lụa mới đến chùa, đình xin ấn song rồi mang về cho trẻ con mặc. 

Trong cuốn Việt Nam phong tục toàn biên của Vũ Ngọc Khánh cũng có viết, chuyện dân gian kể rằng vào ngày này, những loại rắn, thằn lằn đều trốn đi đâu mất cả, cho nên mới có câu thành ngữ: “Len lén như rắn mùng Năm”.

Ngoài tục xin dấu áo cho trẻ mặc, trong ngày Tết Đoan Ngọ 5/5, người xưa còn nhuộm móng chân, móng tay cho trẻ. Chất liệu để nhuộm móng là cây lá móng. Lá móng sau khi lấy về sẽ được giã nhỏ, thêm vài giọt nước chanh, trộn đều rồi đắp vào các móng tay (trừ móng trỏ) và móng chân. Ngoài ý nghĩa thẩm mỹ, tục này còn có ý nghĩa trừ tà, làm cho ma quỷ tránh xa trẻ em. 

Tết Đoan Ngọ 5/5 của Người Việt có tập tục kỳ lạ nào nữa?

Cuốn "Kỹ thuật của người An Nam" có chép lại rất nhiều tục lệ kỳ lạ khác của người Việt trong Tết Đoan Ngọ, đó là:

Tục đeo bùa ngũ sắc

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, người lớn thường đeo cho trẻ nhỏ chùm bùa ngũ sắc. Túi vải hình vuông đựng hạt mùi khô ở ngực, buộc chỉ ngũ sắc ở cổ tay và cổ chân.

Dân gian tin rằng: Chỉ ngũ sắc ứng với màu ngũ hành giúp trừ tà; bột hùng hoàng có tác dụng xua đuổi rắn, rết; hạt mùi kỵ gió; trái cây ngụ ý giết sâu bọ. Những túi bùa ngũ sắc được may bằng vải lụa với các màu sắc sặc sỡ, khâu thành hình trái đào, quả khế, quả quất, buộc chỉ ngũ sắc kết tua.

Tục xâu lỗ tai

Xâu lỗ đeo khuyên tai là một tục có từ thời nguyên thủy, phổ biến ở mọi tộc người. Xuất phát từ nhiều quan niệm khác nhau như là một tín vật để làm đẹp, chữa bệnh, đánh dấu sự trưởng thành hay cầu mong sức khỏe.

Theo thời gian, tục này chỉ chú trọng dành cho các bé gái. Dân gian chọn ngày mùng 5 tháng 5 để xâu lỗ tai cho các bé gái.

Vi-sao-Tet-Doan-Ngo-5-5-cha-me-hay-len-chua-xin-dau-vao-ao-cho-tre-em-7

Tắm nước lá mùi

Thông thường, vào ngày mùng 5 tháng 5, sau khi đã ăn cơm rượu để giết sâu bọ, mọi người sẽ tắm bằng nước đun lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre… Người xưa cho rằng: tắm lá mùi để mồ hôi toát ra, có cảm giác khoan khoái dễ chịu, thơm tho làm cho con người phấn chấn.

Cách tắm này lại trị được cảm mạo bởi lá mùi là vị thuốc nam.

Tục gội đầu, xông lá thơm

Chống lại cái nóng oi bức của giờ ngọ (ngày hè), mọi người già, trẻ thường đun các loại lá như bưởi, mùi, tía tô, kinh giới, sả, tre... để tắm, xông phòng bệnh cảm mạo.

Đặc biệt, phụ nữ còn gội đầu, mong muốn có một mái tóc đen, mượt, dài. Đây là một phương pháp chữa bệnh của người xưa, giúp cơ thể thải độc, tinh thần thư thái, phấn chấn.

Tục hái lá mùng 5

Từ xa xưa, ở các vùng quê đã hình thành phong tục độc đáo hái lá mùng 5. Người xưa cho rằng lá cây hái vào giờ ngọ (11 - 13 giờ) ngày 5/5 âm lịch là lúc dương khí mạnh nhất, có được tinh túy của đất trời nên có công dụng chữa được nhiều thứ bệnh.

Lá mùng 5 có rất nhiều loại và mỗi vùng lại khác nhau, nhưng người dân thường hay cắt các loại lá ngải cứu, đinh lăng, ích mẫu, tía tô, bồ công anh, sen, vòng, vối…về phơi để uống dần.

Tục đổ bệnh cho cây

Trong dân gian ở một số vùng thường truyền nhau vào đúng giờ ngọ Tết Đoan Ngọ làm một số “mẹo” để phòng và chữa bệnh như: cởi áo đánh trần xoa lưng vào cây chuối sẽ hết rôm sảy; chị em phụ nữ lấy dây quấn vào cây sẽ hết đau lưng; đúng giữa trưa ngửa mặt lên trời hoặc nuốt hoa vừng sẽ khỏi các bệnh về mắt...

Vi-sao-Tet-Doan-Ngo-5-5-cha-me-hay-len-chua-xin-dau-vao-ao-cho-tre-em-5

Tục khảo cây

Đây là tục khá ấn tượng trong ngày Tết Đoan Ngọ xưa. Ở mỗi vùng miền lại có một cách khảo cây khác nhau, nhưng tất cả đều diễn ra vào đúng 12 giờ trưa. Những cây bị khảo thường là những cây ăn quả trong vườn nhưng ra ít quả, hoặc không ra quả, hay bị sâu bệnh.

Để khảo cây, cần có hai người. Một người đảm nhận nhiệm vụ trèo lên các cây ăn quả trong vườn để “đóng vai” là cây và một người cầm dao đứng dưới gốc cây. Người đứng dưới gốc hỏi tại sao cây chậm ra quả và dọa sẽ chặt bỏ. Người trên cây giả giọng cây van xin được tha, hứa ra thật nhiều quả.

Tục treo lá ngải vào ngày Tết Đoan Ngọ

Dân gian lấy ngải treo trước cửa nhà tránh đau ốm và trừ tà. Tùy theo năm con giáp mà ngải được kết thành hình con vật cầm tinh năm đó, chẳng hạn năm Sửu kết hình con trâu, năm Hợi kết hình con lợn... Một số vùng thay treo ngải bằng nhánh xương rồng, lá liễu... hoặc đặt chậu xương rồng trong nhà.

Chúc Tết - Sêu Tết

Tết Đoan Ngọ là dịp thăm hỏi người thân như ông bà cha mẹ đến những người mang ơn thầy giáo, thầy thuốc...

Đặc biệt, Tết Đoan Ngọ xưa có lệ những chàng trai đã hỏi vợ nhưng chưa cưới phải đi sêu nhà bố mẹ vợ tương lai. Vật phẩm mang đi tết là vài chục con chim ngói, đôi ngỗng, gạo nếp, đậu xanh, đậu đen, đường đen và hoa quả…

Xem thêm: Vì sao Tết Đoan Ngọ 5/5 âm phải tắm nước lá mùi?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận