Vì sao ở cùng nhà lại tốn thêm phí chuyển Căn cước công dân gắn chip?
Hiện nay người dân ở nhiều tỉnh đang thắc mắc, ở cùng nhà, vì sao tốn thêm chi phí chuyển căn cước công dân gắn chip theo đường bưu điện?
Báo Thanh Niên đưa tin, những ngày gần đây, lực lượng chức năng và người dân Quảng Trị đang khẩn trương thực hiện thủ tục cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Trong quá trình thực hiện quy trình cấp CCCD gắn chíp đã phát sinh nhiều vấn đề, đáng quan tâm nhất là thắc mắc về mức thu phí khi sử dụng dịch vụ chuyển trả thẻ CCCD theo đường bưu điện.
Người dân nêu ý kiến, ngoài phí làm thẻ 15.000 đồng/người, họ còn đóng thêm 26.000 đồng/người nếu muốn được trả thẻ tận nhà theo đường bưu điện. Tuy nhiên, thường người dân đi làm CCCD gắn chip theo hộ gia đình (nghĩa là từ 2 người trở lên) nên nhiều hộ thắc mắc vì sao các thẻ CCCD gắn chip về cùng một nhà (một địa chỉ) nhưng bưu điện vẫn tăng thu phí dịch vụ theo cấp số nhân?
"Ví dị nhà tôi có 1 hay 10 người thì CCCD cũng chỉ phát 1 lần về cùng một địa chỉ, vì sao họ lại thu tiền theo cách cứ thêm người thì thêm tiền?", một người dân đặt câu hỏi.
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 14/4, bà Lê Thị Hà Nhung - Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Trị trả lời tờ Thanh Niên như sau: Đối với dịch vụ trả thẻ CCCD, theo quy định của Bộ TT-TT và Tổng công ty bưu chính Việt Nam, giá cước sẽ là 26.000 đồng/thẻ.
Song khi triển khai ra thực tế, do có vấn đề phát sinh nên Bưu điện Quảng Trị đã có văn bản quy định về giá cước đối với nhiều người trong một hộ. Cụ thể: đối với người đầu tiên, giá cước vẫn là 26.000 đồng, người thứ 2 giá cước là 75% của 26.000 đồng, bắt đầu từ người thứ 3 trở đi giá cước là 50% của 26.000 đồng…
Cũng theo bà Nhung , cách áp dụng giá dịch vụ vừa nêu là di CCCD phải phát đúng người, trong khi CCCD dù là của người cùng một nhà thì cũng chưa chắc được phát về một lần (vì hiện bưu điện cũng không kiểm soát được lúc nào thì thẻ mới về, về bao nhiêu thẻ). Ngoài ra, Bộ TT-TT và Tổng công ty bưu chính Việt Nam không có hướng dẫn nếu phát nhiều thẻ về cùng một địa chỉ thì mức giá thu như thế nào.
"Ban đầu, hồi tháng 3 làm hơi lộn xộn, phần vì có người ghép hộ, có người không, phần vì nhân viên của chúng tôi cũng có tùy tiện khiến người dân so sánh vì sao giá khác nhau. Chính vì thế, chúng tôi ban hành giá cước cụ thể và bắt buộc nhân viên phải dán niêm yết giá tại các điểm làm CCCD, xuất biên lai cho người dân”, bà Nhung nói.
Được biết, Công an tỉnh Quảng Trị ra mục tiêu đến 1/7 địa phương sẽ làm 550.000 thẻ CCCD, nhưng hiện bưu điện tỉnh chưa có con số chính xác về việc bao nhiêu người sẽ sử dụng dịch vụ chuyển thẻ CCCD theo đường bưu điện.
“Còn phụ thuộc vào việc bên công an vận động được bao nhiêu người đi làm căn cước và trong số đó có bao nhiêu người đồng ý chuyển phát qua đường bưu điện. Vì việc chuyển phát là tự nguyện”, bà Nhung nói.
Về lệ phí khi đổi qua CCCD gắn chíp được quy định tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân quy định về mức thu lệ phí như sau:
1. Công dân chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ căn cước công dân: 30.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
2. Đổi thẻ căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
3. Cấp lại thẻ căn cước công dân khi bị mất thẻ căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
Điều 5 Thông tư số 59/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân quy định về các trường hợp miễn, không phải nộp lệ phí như sau:
1. Các trường hợp miễn lệ phí
a) Đổi thẻ căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính;
b) Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;
c) Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
2. Các trường hợp không phải nộp lệ phí
a) Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lần đầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 19, Khoản 2 Điều 32 Luật căn cước công dân;
b) Đổi thẻ căn cước công dân theo quy định tại Điều 21 và Điểm a Khoản 3 Điều 32 Luật căn cước công dân;
c) Đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận