Văn học có thể mang những phận người rất xa lại gần nhau
Văn chương, trước hết nó kết nối con người với cuộc sống xung quanh. Bởi lẽ, “văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” (Nguyễn Minh Châu).
ĐỀ BÀI:
“Văn học kỳ lạ thế, nó mang những phận người rất xa nhau lại gần nhau, nó kết nối những nỗi đau tưởng chừng như không thể chia sẻ” (Thanh Thảo).
Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh (chị) hãy bình luận về ý kiến trên.
BÀI LÀM:
Đại dịch Covid-19 xuất hiện đã cướp đi hàng triệu sinh mạng. Biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến môi trường sống của con người. Các giá trị đạo đức đang dần bị băng hoại và đảo lộn… Đứng trước những biến động ấy, nhân loại đã phải hứng chịu không ít tổn thương và dần xa cách nhau. Và văn chương, tựa như một loại ánh sáng diệu kỳ, soi rọi vào trái tim của người đọc. Để từ đó, nó gắn kết những tâm hồn và khiến chúng ta sống gần nhau hơn. Văn chương sở hữu sức mạnh kết nối ấy, như cách nhà thơ Thanh Thảo đã cất bút viết rằng: “Văn học kỳ lạ thế, nó mang những phận người rất xa nhau lại gần nhau, nó kết nối những nỗi đau tưởng chừng như không thể chia sẻ”.
Văn chương giúp cho con người “sống gần người hơn” (Nam Cao). Bởi, nó có khả năng phá tan mọi xiềng xích để chạm đến trái tim của bạn đọc. Vì lẽ đó, nhà thơ Thanh Thảo mới cho rằng nó thật “kỳ lạ”. Kỳ lạ, hay cũng chính là sự kỳ diệu của văn chương khi nó mang đến sự gắn kết. Nó “mang những phận người rất xa nhau lại gần nhau”, tức văn chương gắn kết những tâm hồn đồng điệu, xóa bỏ mọi khoảng cách để con người sống cạnh nhau và vì nhau hơn, cùng nhau hướng đến những giá trị nhân bản nhất. Và, nó còn “kết nối những nỗi đau tưởng như không thể chia sẻ”. Văn chương len lỏi vào lòng người để xoa dịu cho những vết thương, cởi trói cho những gông xiềng trong trái tim để con người bước ra cuộc đời, thấu hiểu và yêu thương đồng loại mình. Như vậy, sự cất bút của nhà thơ Thanh Thảo cũng đồng thời là lời khẳng định cho sức mạnh kết nối và sẻ chia của văn chương, rằng “thơ ca, nếu không có người, tôi đã mồ côi” (Raxun Gamzatop).
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng tâm sự: “Tôi bắt đầu tin văn chương cũng có lửa, làm tan chảy những bức tường thép mà mỗi người dựng lên; văn chương cũng là băng, gắn kết những ốc đảo người thành một khối”. Văn chương, trước hết nó kết nối con người với cuộc sống xung quanh. Bởi lẽ, “văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” (Nguyễn Minh Châu). Tựa như thần Ăngtê chỉ sở hữu sức mạnh khi chạm chân trên đất mẹ Gai-a, văn chương chỉ có thể tác động đến người đọc khi được bắt nguồn từ đời sống. Người nghệ sĩ tồn tại trên đời để gom nhặt những “hạt ngọc tâm hồn”, từ đó viết nên những tác phẩm chứa đầy hình ảnh hiện thực. Song, đời sống trong tác phẩm không chỉ gói gọn trong một thời đại, một quốc gia nào đó. Lớp ngôn từ hàm súc, giàu sức gợi đã giúp cho văn chương “vượt qua mọi bờ cõi và giới hạn, trở thành một tác phẩm chung cho cả loài người” (Nam Cao). Sức phản ánh của văn chương là vô cùng tận và nó phá vỡ mọi chiều kích tồn tại để người đọc sống nhiều cuộc đời khác nhau. Là một người sống trong thời đại đổi mới, nhưng ta vẫn có thể cảm nhận nỗi đau của nàng Kiều trong thời đại phong kiến, trước một xã hội đày đọa nhân phẩm con người “chẳng qua vì tiền”. Văn chương mang hiện thực vào tác phẩm, nhưng qua lăng kính thẩm mỹ của nhà văn. Do vậy, bạn đọc được kết nối với thế giới, hay cũng chính là sống trong cảm quan của người nghệ sĩ. Qua đó, người đọc sẽ có cơ hội nhìn thấy những vẻ đẹp tìm tàng, khuất lấp để thấu cảm nỗi đau của đồng loại mình. Ấy là giây phút ta nhận ra một khao khát sống lương thiện mãnh liệt ẩn sau nhân hình “con quỷ dữ” (Chí Phèo - Nam Cao), là giây phút ta xúc động trước tình mẫu tử của người đàn bà hàng chài xấu xí (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu)... Như vậy, thông qua hiện thực trong tác phẩm, nhà văn đã kết nối độc giả với cuộc sống. Ta nhìn thấy và nhận thức được những gì diễn ra xung quanh, để từ đó thấy người và thấy mình. Nhờ vậy, ta thêm đồng cảm và yêu thương con người, và rồi sống gần nhau hơn.
Song, văn chương còn kết nối con người với con người. Để viết một tác phẩm, nhà văn phải hòa mình vào cuộc sống của nhân dân, bước ra cuộc đời và giao tiếp với mọi người. Do đó, “chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép” (Chế Lan Viên). Vậy nên, viết văn là hoạt động giúp nhà văn giao tiếp với nhân dân. Từ những áng văn, câu thơ kia, người nghệ sĩ gửi gắm những tâm tư, tình cảm của mình. Kết hợp cùng một cấu trúc gợi mở, nhà văn đã tạo nên những cuộc đối thoại trong văn chương. Qua cuộc đối thoại ấy, bạn đọc được thấu hiểu và kết nối với người nghệ sĩ. Qua những câu thơ của thi sĩ Huy Cận, bạn đọc có thể cảm nhận được nỗi sầu vạn cổ, đồng cảm với “một chiếc linh hồn nhỏ/mang mang thiên cổ sầu”. Với mối dây liên kết tâm hồn ấy, nhà văn đã giao tiếp với bạn đọc về một vấn đề nhân sinh. Văn chương không phải là cái loa phát thanh tư tưởng của người cầm bút, mà là nơi để họ trải lòng, “giãi bày và gửi gắm tâm tư” (Lê Ngọc Trà). Thấu hiểu những trăn trở của nhà văn, bạn đọc sẽ tự vỡ lẽ ra những vấn đề trong cuộc sống. Đó mới chính là quy luật hoạt động của văn chương - quy luật của tình cảm. Không chỉ kết nối với các cây bút, văn chương còn hướng người đọc đến một mối liên kết bền chặt và ý nghĩa hơn: kết nối giữa người với người. Các tác phẩm len lỏi vào trái tim, thắp cho ta ngọn lửa để nhìn thấy nhiều mảnh đời cơ cực, tạo cho ta một tình cảm chân thành để yêu thương và bao dung, khao khát muốn sống cùng người khác và vì người khác. Qua đó, người đọc sẽ được chữa lành và gắn kết tâm hồn. Nhà văn Nam Cao đã từng tâm sự với người đọc khao khát có được một “tác phẩm siêu việt” của nhân vật Hộ trong “Đời thừa”. Nhờ đó, ta thêm yêu và trân trọng thành quả nghệ thuật của người nghệ sĩ, bởi họ phải hy sinh để “mang lĩnh giùm nỗi buồn của nhân gian”. Có thể thấy, văn chương thật sự là một mối dây liên kết giữa người với người, khi nhà văn trải lòng với bao số phận trong đời, khi bạn đọc tâm tình với người cầm bút, khi độc giả bước ra khỏi trang sách và sống gần nhau hơn.
Văn chương là cầu nối giữa con người với cuộc sống. Sinh ra trong một thời đại biến động, đã bao lần tôi nhớ đến tác phẩm “Đại gia Gatsby” của Scott Fitzgerald. Tác giả đã tái hiện thành công hình ảnh nước Mỹ vào những thập niên hai mươi - bốn mươi của thế kỷ XX qua hình ảnh “cặp mắt của bác sĩ T.J.Eckleburg trên tấm biển quảng cáo cao”. Bởi lẽ, đôi mắt khổng lồ dựng lên lừng lững ở thung lũng tro bụi đã gián tiếp tạo cho Gatsby suy nghĩ về một niềm tin và sự vỡ mộng về tình yêu. Đôi mắt ấy cũng đồng thời là xạ ảnh cho những đôi mắt thuộc “thế hệ mất mát”: là đôi mắt trống rỗng của Daisy, đôi mắt xấc xược của Tom hay đôi mắt mộng mơ của Gatsby,... Đôi mắt của Gatsby luôn hướng về “ánh sáng xanh” nơi bến tàu nhà Daisy, về tình yêu lý tưởng trong quá khứ mà anh đã có được. Nhưng còn đôi mắt vĩ đại kia, ngự trị ở thung lũng chết chóc, tựa như đôi mắt của Chúa. Ngài thấu tỏ mọi sự: sự tương phản giữa giàu - nghèo, con người đầy dục vọng và tàn nhẫn. Nhưng, đôi mắt Chúa lại nhìn thờ ơ vào khoảng không vô định, mặc con người với những lầm lạc của mình phiêu dạt trong cõi hư vô. Có chăng, Ngài đang nhìn vào chính tâm hồn của tất cả mọi người? Để rồi, ta chợt nhận ra “hình ảnh cái bản ngã Hoa Kỳ đã bị xóa bỏ”, một “thế hệ mất mát” giàu có về vật chất nhưng tan vỡ trong tâm hồn. Có thể thấy, qua lời tâm sự của tác giả, ta lại một lần nữa được nhìn thấy những biến động trong “thời đại nhạc Jazz”. Nếu đôi mắt của Gatsby chất chứa giấc mộng của xã hội đương thời, một kỷ nguyên tan vỡ cùng những con người chỉ biết tiến về quá khứ, thì đôi ở thung lũng tro bụi giúp cho ta nhận ra sự đổ vỡ của “giấc mơ Mỹ” hào nhoáng, hư vô.
Chữa lành những nỗi đau cũng là cách để con người kết nối với chính bản thân mình. Từ hiểu đời, hiểu người, văn chương cho ta một thoáng đi sâu vào tâm hồn mình, bằng việc soi chiếu bản thân mình với các hình tượng. Văn chương không cập nhật tin tức một cách nhanh chóng như thời sự, không sống động như bản Sonate Ánh Trăng của Beethoven hay bức họa “nàng Mona Lisa” của Leonardo Da Vinci; nó cho ta trải nghiệm cuộc sống ở “những tầng mức và chiều sâu đáng kinh ngạc” (Thanh Thảo). Văn chương giúp ta hiểu giá trị của bản thân mình, từ đó tự cởi giải cho những thương tổn của bản thân. Văn chương giúp ta sống một cuộc đời sâu sắc, từ đó nhận ra những nỗi đau đang vang vọng để thấu cảm và sẻ chia. Mặt khác, sáng tạo nghệ thuật cũng là cách nhà văn kết nối với chính họ. “Thi sĩ như con chim sơn ca ngồi trong bóng tối cất lên những tiếng êm dịu để làm vui cho sự cô độc của chính mình” (B.Shelly). Người nghệ sĩ cầm bút, ấy là lúc anh ta đối diện với bản thân mình để lắng nghe, và rồi chữa lành cho mình và nhân loại. Như vậy, văn chương không chỉ là chuyện đời, chuyện muôn người mà còn là chuyện của chính nhà văn và mỗi bạn đọc. Có thế, ta mới lắng nghe được tiếng nói từ suy nghĩ và trái tim mình.
Những nỗi đau sẽ tự được chữa lành thông qua con chữ trên trang văn của người nghệ sĩ. Đại dịch tàn ác xuất hiện đã khiến cho tất cả mọi người, và cả tôi, phải sống cô đơn trong những chiếc khẩu trang, trong ngôi nhà của mình khi không thể giao tiếp với bất kỳ ai. Trong giây phút ấy, tôi tình cờ đọc bài thơ “Một cõi quên” của Hàn Mặc Tử:
“Cơn gió lập đông buốt lạnh lùng
Tứ bề gom lại một cõi không
Lặng nghe - Tôi nhé, nghe tôi khóc
Hiện hữu mà chi? chỉ nghẹn lòng”
Giọng thơ khẩn khoản, khắc khoải như lời van xin đầy thương đau cất lên trong không gian mờ ảo, mơ hồ . Hàn Mặc Tử cô đơn! Phải chăng, dấu gạch nối nằm giữa “lặng nghe” và “tôi” chính là sự níu kéo thế giới tươi đẹp ngoài kia? Hay có chăng, Hàn đã tự chia cắt mình với cuộc đời vì nỗi mặc cảm về thân phận? Hàn Mặc Tử để lại một câu hỏi đầy âm vang “hiện hữu mà chi?” cùng giọt nước mắt rơi xuống trong đêm tối. Liệu rằng, có ai đang đến và “lặng nghe” nhà thơ khóc, hay tất cả chỉ là những hình ảnh hiện lên trong tâm tưởng thi nhân khi đã quá cô độc? Mảnh vỡ của những băn khoăn, hoài nghi đã ghép thành một vũ trụ nội tâm đầy đau thương. Sự cô đơn chính là một nỗi đau của loài người! giây phút đắm chìm trong thơ Hàn cũng là lúc tôi đối diện với sự cô đơn của bản thân. Và, Hàn Mặc Tử đã dùng nỗi đau của mình để gọi thức nỗi đau của nhân loại, vang lên tiếng nói tri âm từ “những giọt lệ vàng linh diệu” để chữa lành cho linh hồn cô đơn của tất cả mọi người. “Lặng nghe - Tôi nhé,...”
Như vậy, văn chương quả thật mang sức mạnh kết nối như nhà thơ Thanh Thảo đã cất bút viết. Nó gắn kết con người với cuộc sống, để ta không thờ ơ với thời cuộc và người đời. Nó gắn kết con người với con người, để ta tìm thấy tiếng nói tri âm, tri kỷ và sống gần nhau hơn. Hơn hết, nó chữa lành nỗi đau để nối con người với chính mình. Do vậy, văn chương không chỉ là những con chữ nằm im trên trang sách mà còn bức phá khỏi giới hạn của mình để bước vào đời sống của bạn đọc, trở thành một sợi dây liên kết và xoa dịu nhân loại
Sức mạnh ấy của văn chương cũng đồng thời đặt ra yêu cầu cho những vị khách văn chương. Bước vào nghề “phu chữ”, nhà văn phải mở rộng biên độ tâm hồn mình để lắng nghe cuộc đời, trải nhiều số phận khác nhau để thấu hiểu mọi nỗi đau đời. Từ đó, anh ta chọn lọc nguyên liệu, “cân nghìn miligam quặng chữ” để viết nên trang văn. Còn độc giả, để có thể bước vào những cuộc đối thoại, ta phải đọc tác phẩm bằng cả tấm lòng của mình, phải trau dồi năng lực cảm thụ văn chương để hiểu hết cái tâm, cái tài của người cầm bút. Có thế, tác phẩm mới trở thành những buổi đàm thoại của tâm hồn, để từ đó tìm thấy sự kết nối và sẻ chia.
“Rồi nhân dân sẽ còn trìu mến tôi mãi mãi vì tôi đã dùng thơ để đánh thức những tình cảm tốt lành, vì trong thế kỷ tàn khốc của chúng ta, tôi ca ngợi tự do và lòng thương những kẻ khốn cùng” (Puskin). Văn chương sẽ mãi giữ được sức mạnh kết nối, cũng bởi người nghệ sĩ đã hy sinh hồn mình để viết nên trang văn. Nhà thơ Thanh Thảo không chỉ khiến chúng ta nhìn nhận lại bản chất của văn chương, mà còn cho ta một niềm tin vào sự sống mà nó đã tạo ra thông qua sự kết nối và chữa lành. Đã bao lần tâm hồn tôi được sưởi ấm nhờ văn chương nghệ thuật, bởi tôi nhìn thấy ở đó, một sức mạnh kết nối diệu kỳ đến muôn đời…
(Bài viết của Nguyễn Phúc Duyệt - Lớp luyện thi HSG 12 - Trung tâm Duy Thanh/ 2021 - 2022)
Xem thêm: Sáng tạo ngôn từ là 'căn cước văn chương" của nhà văn?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận