Chuyện bi hài 'độc nhất vô nhị' trong sử Việt: Vua đi chơi đêm về bị cướp chặn đường lấy mất bảo đao và ấn tín

Sinh thời, Trần Dụ Tông ham vui. Vua mở sòng bạc trong cung đình, hay tụ tập vui chơi, thưởng ngoại phong cảnh núi sông. Và cũng vì ham vui mà có lần nọ vua đi chơi đêm về bị cướp chặn đầu lấy mất gươm và ấn báu...

Đỗ Thu Nga
07:00 26/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trần Dụ Tông (22/11/1336 - 25/5/1369), tên thật là Trần Hạo, tên dùng khi ngoại giao với nhà Minh là Trần Nhật Khuê. Ông là con trai thứ 10 của Thượng hoàng Trần Minh Tông. Mẹ là Hiến Từ Tuyên Thánh Hoàng hậu - con gái của Huệ Vũ Đại vương Trần Quốc Chẩn. 

Năm 1341, vua Trần Hiến Tông băng hà, Thượng hoàng Minh Tông đón Trần Hạo về cung lập làm vua. Nhà vua mới 5 tuổi nên Thượng hoàng quyết định mọi việc, chính sự ban đầu khá tốt đẹp. 

Sau khi Thượng hoàng qua đời, Dụ Tông đích thân chấp chính. Tuy hăng hái về chính sự nhưng Dụ Tông lại thích hưởng lạc nhiều. Đây chính là căn nguyên khiến cơ nghiệp nhà Trần suy yếu.

tran-du-tong-va-chuyen-di-choi-dem-ve-muon-mat-bao-dao-va-an-bau-7

Và cũng vì chơi bời vô độ mà sức khỏe dần suy yếu, mất mà không có con nối, đến nỗi truyền ngôi cho Trần Nhật Lễ, con nuôi của cố Cung Túc vương Trần Nguyên Dục (anh Dụ Tông). Nhật Lễ định đổi sang họ Dương thì bị con thứ ba của Minh Tông là Trần Phủ lật đổ và giết chết.

Cuộc đời trụy lạc, đi chơi đêm về muộn bị cướp mất bảo bối

Ở thời kỳ đầu trị vì đất nước, Trần Dụ Tông cũng đã làm được nhiều việc có ích. Nhưng sự chuyên tâm ấy chẳng dài lâu. Vua dần lười nhác chuyện chính sự, thích ăn chơi hưởng lạc. Chính vì thế, chính sử khi nhắc đến Dụ Tông thường có vài câu khen ngợi nhưng lại dài nhiều trang để chế trách.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Vua tính rất thông tuệ, học vấn cao minh, chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di thần đều phục. Đời Thiệu Phong, chính sự tốt đẹp; từ năm Đại Trị về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó" .

Trần Dụ Tông mê chơi bời. Ông từng mở cuộc thi về các trò chơi vào năm Nhâm Dần (1362). Ông còn hay rượu chè, từng thi uống rượu với một bề tôi là Bùi Khoan vào tháng 4 năm Giáp Thìn (1364). Vua còn thích cờ bạc, thậm chí mở sòng bạc tại cung đình. Sách Việt sử tiêu án có lời phê rằng: "Làm vua một nước mà mở sòng đánh bạc để lấy hồ... thật đáng bỉ".

Phải nói rằng, thời kỳ phong ký của Việt Nam, vua Dụ Tông ăn chơi số hai thì không ai dám nhận số một. Thậm chí đến vua phương Bắc cũng không sánh bằng.

Đại Việt sử ký toàn thư còn chép rằng, vào tháng 10 năm Quý Mão  (1363) vua sai "đào hồ ở vườn ngự trong hậu cung. Trong hồ xếp đá làm núi, bốn mặt đều khai ngòi cho chảy thông nhau. 

Trên bờ hồ trồng tùng, trúc, thông, tre và các thứ hoa thơm cỏ lạ. Lại nuôi chim quý, thú lạ trong đó. Phía tây hồ trồng hai cây quế, dựng điện Song Quế, lại gọi tên điện là điện Lạc Thanh, tên hồ là hồ Lạc Thanh. 

tran-du-tong-va-chuyen-di-choi-dem-ve-muon-mat-bao-dao-va-an-bau-6

Lại đào riêng một hồ nhỏ khác, sai người ở Hải Đông chở nước mặn chứa vào đó, đem các thứ hải vật như đồi mồi, cua, cá nuôi ở trong hồ. Lại sai người Hóa Châu chở cá sấu đến thả vào. Lại có hồ Thanh Ngư để thả cá thanh phụ (cá diếc). Đặt chức khách đô để trông coi". 

Trong Việt sử tiêu án bình như sau: "Chứa nước mặn, nuôi cá sấu lại là kỳ tưởng; vua Tùy Dưỡng Đế, Tống Huy Tông cũng có núi, có biển nhưng không được cái chân thú này như vua".

Cũng vì cái thói chơi bời, lười nhác chính sự của Trần Dụ Tông mà gốc rễ cường thịnh bao năm của nhà Trần dần suy thoái. Sau này khó tránh vận sụp đổ. 

Trong quãng thời gian ăn chơi vô độ của Trần Dụ Tông không thể không nhắc đến câu chuyện "vua bị trộm ấn báu, gươm báu". Đại Việt sử ký toàn thư chép: Vào một đêm mùa hạ, tháng 6 năm Bính Ngọ (1366), sau khi đến chơi nhà Thiếu úy Trần Ngô Lang (hương Mễ Sở, nay là Hưng Yên) đến canh 3 mới trở về kinh, khi đến sông Chử Gia (nay là huyện Văn Giang, Hưng Yên) thì vua bị mất trộm ấn báu, gươm báu.

"Vua đến chơi hương Mễ Sở. Mễ Sở là nơi ở của Thiếu úy Trần Ngô Lang. Vua đi thuyền nhỏ đến nhà ông, tới canh 3 mới về kinh. Thuyền đi đến sông Chử Gia bị mất trộm ấn báu và kiếm báu".

Bộ sử thời Nguyễn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép tương tự: "Nhà vua đi chiếc thuyền nhỏ, đêm đến chơi nhà riêng của Thiếu uý Trần Ngô Lang, nửa đêm đi về, khi đến bãi Chử Gia, bị kẻ trộm lấy mất cả ấn báu và gươm báu. Tự biết là điềm chẳng lành, nhà vua lại càng buông thả ăn chơi dâm dật" (Trích Đại Việt sử ký toàn thư).

Sử chép như vậy là để tránh một chuyện bi hài "độc nhất vô nhị" trong lịch sử Việt Nam. Đó là chuyện vua bị kẻ cướp chặn đường lấy mất cả bảo đao lẫn ấn báu.

Theo những gì mà chính sử chép thì có thể thấy, đêm đó, vua Trần Dụ Tông đi thuyền nhỏ, tức là số người theo hầu không nhiều. Vua lại đi bằng đường thủy nên trộm bơi theo, đột nhập vào thuyền để lấy trộm. 

Nếu kẻ trộm là người trong đám tùy tùng thì xét rất dễ dàng. Bởi ấn báu và bảo đao là những vật khá cồng kềnh, khó có thể giấu được trên thuyền nhỏ.

Vậy nên, sách Việt sử địa dư đã viết sự thật như sau: "[Trần Dụ Tông] niên hiệu Đại Trị năm thứ 9 (1366), vua đi chơi hương Mễ Sở, khi trở về đến bãi Chử Gia bị cướp, mất cả ấn báu và gươm báu".

Bài học cho hậu thế

Thấy cảnh vua Trần Dụ Tông ăn chơi vô độ, quên chuyện chính sự, thầy Chu Văn An liền dâng "thất trảm sớ" xin chém đầu bảy tên gian thần. Nhưng vua không nghe theo. Biết không khuyên can nổi, thầy Chu Văn An treo ấn từ quan lui về Chí Linh (Hải Dương) mở trường dạy học.

Có thể nói, triều đình thời Trần Dụ Tông cai quản thối nát vô cùng. Vua lệnh cho các vương hầu mở hội thi hát tuồng, bày trò tạp kỹ. Cho bọn nhà giàu vào cung đánh bạc mua vua, các quan thi nhau rượu chè... 

Tình hình kinh tế trong nước khó khăn, nhưng về mặt đối ngoại, vua Trần Dụ Tông vẫn sai Trần Thế Hưng và Đỗ Tử Bình đi đánh Chiêm Thành (năm Đinh Mùi 1367), bị thất bại, vì vậy mà tình hình kinh tế nhà Trần lại ngày càng kiệt quệ.

tran-du-tong-va-chuyen-di-choi-dem-ve-muon-mat-bao-dao-va-an-bau-0
Chu Văn An liền dâng "thất trảm sớ" nhưng Dụ Tông không nghe

Nhân cơ hội đó, vào năm sau - năm Mậu Thân (1368), vua Chiêm Thành cho người sang đòi đất Hóa Châu, mấy lần đem quân đánh phá kinh thành Thăng Long khiến vua tôi nhà Trần bỏ chạy tan tác.

Năm 1369, Trần Dụ Tông băng hà, hưởng dương 33 tuổi. Ông làm vua 28 năm. Cũng vì ăn chơi hưởng lạ nên không có con nối dõi, buộc phải nhận Trần Nhật Kiên (con của anh trai Trần Nguyên Dục) làm con nuôi, làm người nối dõi.

Oái oăm thay, Trần Nhật Kiên lại không phải con đẻ của Trần Nguyên Dục. Bởi mẹ của Trần Nhật Kiên đã mang thai với người chồng họ Dương trước khi trở thành tỳ thiếp của Trần Nguyên Dục. Tên chính thức của Trần Nhật Kiên là Dương Nhật Lễ.

Vậy là từ thân phận con một đào hát, Dương Nhật Lễ trở thành hoàng đế nhà Trần. Đây là trường hợp hi hữu trong nghìn năm sử Việt. Sau khi đăng cơ, Dương Nhật lễ bỏ bê công việc, ham chơi, rượu chè. Đón cha ruột là Dương Khương vào triều giữ chức Lệnh Thư gia, có ý đổi sang họ Dương khiến các quan trong triều bất bình. Triều đình nhà Trần càng thêm đổ nát. May mắn, cuối cùng, các công thần đã ra tay dẹp loạn, phế truất Dương Nhật Lễ, lập Trần Phủ (Trần Nghệ Tông) lên ngôi.

Đánh giá về vị vua này, sách Việt giám thông khảo tổng luận viết: "Dụ Tông tính rất thông mẫn, học vấn cao minh, sửa sang văn vũ, man di phục theo; vào thời Thiệu Phong, Đại Trị, chính sự đều được ban hành, dường như có phần khả thủ. Song về sau tin dùng Trâu Canh làm điều loạn luân, mở sòng đánh bạc, hoang dâm vô độ, đói kém xảy ra luôn, cơ nghiệp nhà Trần từ đấy suy dần".

Xem thêm: Vua Trần Anh Tông nổi tiếng anh minh nhưng lại suýt mất ngôi vì say rượu

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận