Tổng hợp đề Văn ở Trung Quốc qua các năm [P1]: Đề khó nhưng hay, phát huy được óc sáng tạo của thí sinh

Đề thi Ngữ văn Trung Quốc qua các năm luôn khiến dư luận bất ngờ bởi độ hấp dẫn. Hầu như các đề thi đều được đánh giá là khá thách thức thí sinh nhưng rất hay, có thể phát huy tính sáng tạo của người viết.

Đỗ Thu Nga
09:00 21/09/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đề thi năm 1990 giúp thí sinh phát huy óc sáng tạo

Một người mẹ đưa hai cô con gái của mình đến vườn hoa hồng. Cô con gái thứ nhất nói với mẹ rằng: “Ở đây nguy hiểm lắm mẹ, vì có gai dưới mỗi bông hoa!”, cô con gái còn lại nói: “Thật đẹp, có bông hoa mọc trên mỗi chiếc gai!”. Viết bài văn nghị luận về đề tài trên.

Đề thi năm 2003 và bài văn đạt 10 điểm

Đề thi năm đó liên quan đến câu chuyện ngụ ngôn “Trí tử nghi lâm” của Hàn Phi Tử (câu chuyện về một người giàu có nghi ngờ hàng xóm ăn cắp đồ nhà mình, chứ không hề nghi chính con trai mình), và yêu cầu thí sinh dựa vào chủ đề mối quan hệ giữa tình cảm và lí trí để làm bài.

Bài thi đạt điểm tối đa của thí sinh Ngô Bân đến từ tỉnh Thiểm Tây đã gây chấn động khắp Trung Quốc. Ở phần thi văn, Ngô Bân đã viết nên bài thơ “Vô đề” chỉ có 209 chữ, và chính bài thơ này đã gây nên một cuộc tranh cãi gay gắt trong giới giáo dục Trung Quốc.

Nhiều thầy giáo tuyên bố bài thi này phạm quy (không đủ 800 chữ) thì chỉ đáng 0 điểm, và việc cho điểm tuyệt đối một bài thi phạm quy sẽ là gương xấu cho những năm tiếp theo.

Nhưng rất nhiều giáo sư và thí sinh khác lại lên tiếng bảo vệ rằng bài “Vô đề” rất xuất sắc, xứng đáng được điểm tối đa, hơn nữa thơ ca phải có ngoại lệ, đây là bước đột phá nên khuyến khích để thí sinh không ngừng phát huy tài năng sáng tạo.

Tong-hop-de-Van-o-Trung-Quoc-qua-cac-nam-Ky-1]

Bài thơ “Vô đề” của thí sinh Ngô Bân viết dưới thể tự do, dùng từ giản dị, hàm súc, ý nghĩa sâu xa. Nguyên văn như sau (Theo Duy Thị – Báo Tiền Phong tạm dịch):

“Vén rèm lên, phóng mắt ra ngoài nắng

Cho dù anh có thích hay chăng?

Ánh nắng vẫn chỉ bảy màu lấp lánh:

Đỏ da cam vàng lục tím lam chàm

Tình cảm, hắn vốn dĩ vô tội lỗi

Nhưng lại giống như chiếc kính đổi màu

Nhuộm lên cả thế giới sắc bi thương

Làm biến hình mọi gương mặt trăm phương

Rồi bày ra trước mặt anh – kẻ vô tri

Anh lập tức chỉ ngón tay bình phẩm:

“Cái này xấu, nhưng vật kia lại đẹp”

Xin đừng để lí trí có thời gian ngơi nghỉ

Vì nếu tình cảm như sương mờ ảo

Cẩn thận hắn sẽ che khuất bờ kia chân lý

Nếu tình cảm lại giống ánh trăng

Anh phải hiểu rằng hắn không thể sánh bằng màu nắng

Nói thế không phải vì tình cảm luôn lừa dối

Nhưng có lúc hắn bị bóp méo đến khó nhận ra

Hãy thường xuyên lau sạch đôi mắt

Luôn để lí trí ngự trị bên mình

Vén rèm lên, phóng mắt ra ngoài biển

Liệu anh có nhìn rõ đá ngầm ngoài khơi sâu?

Nếu anh tự tin thì hãy căng buồm lên

Gió nổi lên rồi kìa anh xem

Đó là bến bờ nơi anh vươn tới!”

Đề thi năm 2007 được khen lạ và hay

Điều đặc biệt đề thi văn ở Trung Quốc năm 2007 nhận được sự khen ngợi vì lạ và hay, nhất là đề bài không có trong chương trình. Phần đề tập làm văn thuộc môn ngữ văn của Bắc Kinh năm 2007 đã khiến 12 vạn thí sinh thủ đô và cả nước ngỡ ngàng.

Nguyên đề văn như sau:

“Tế vũ thấp y khan bất kiến. Nhàn hoa lạc địa thính vô thanh”

(tạm dịch: Mưa mong manh thấm áo nhìn không tỏ. Hoa rụng đất nhẹ nhàng nghe không thấu) là câu thơ trích trong bài Biệt nghiêm sĩ Nguyên (tạm dịch: Tặng nghiêm sĩ Nguyên khi từ biệt) của nhà thơ đời Đường Lý Trường Khanh.

Có những lý giải khác nhau như sau về bài thơ:

1. Đây là bài thơ ca ngợi vẻ đẹp mùa xuân.

2. “Mưa mong manh”, “cánh hoa rụng” đặc tả nỗi cô đơn không người thấu hiểu.

3. “Nhìn không tỏ”, “nghe không thấu” không chỉ thái độ sống buông xuôi, mà thể hiện cách xử thế không màng danh lợi.

4. Quan niệm sống trong bài thơ không còn thích hợp với cuộc sống ngày nay…

Tong-hop-de-Van-o-Trung-Quoc-qua-cac-nam-Ky-1-7

Bằng cảm nhận của riêng mình về hai câu thơ, anh/chị hãy viết một bài văn theo những yêu cầu sau:

1. Đề bài tự đặt.

2. Thể thức hành văn không giới hạn.

3. Bài văn không dưới 800 chữ.

Đề văn của Bắc Kinh gây chấn động lớn cho toàn bộ thí sinh cả nước vì:

Thứ nhất, Tác giả Lý Trường Khanh không phải là một tác giả đời Đường quen thuộc cỡ Lý Bạch, Đỗ Phủ.

Thứ hai, các em thí sinh mười mấy tuổi liệu có thể trong một thời gian ngắn thông hiểu câu thơ được viết từ nghìn năm trước, nắm bắt được cái thần của bài thơ mình chưa từng đọc qua? Liệu có thể giải thích “mưa nhỏ”, “hoa rụng” có nội hàm gì? Ai oán, u sầu hay tươi đẹp ở đâu?

Thế nhưng, đề thi văn năm 2007 lại được giới chuyên môn đánh giá là “đề thi tôn trọng thí sinh” bởi:

Người ra đề cho học sinh hẳn bốn hướng đi, bốn cách lý giải này đều đúng (vì thế đáp án công bố sau đó cho học sinh cũng có bốn phần). Học sinh chỉ cần tự chọn cho mình một ý để phát triển mở rộng bài viết. Nếu chỉ đơn thuần phân tích từ hai câu thơ này (không sử dụng các dẫn chứng từ các bài thơ khác), với lý giải (1) học sinh có thể sử dụng lối văn tả, tả cảnh mùa xuân đẹp, hấp dẫn lòng người, từ đó có thể tán dương vẻ đẹp mùa xuân như biểu tượng một xã hội.

Những học sinh nào chọn ý (2), (3) có thể sử dụng văn chứng minh và phát biểu cảm nghĩ để so sánh và đối chiếu quan niệm sống, giá trị quan giữa xưa và nay. Những học sinh nào chọn cảm nhận (4) có thể dùng văn nghị luận.

(Còn tiếp...)

Xem thêm: Lùi để mà biết - Bài văn đạt điểm 10 của thí sinh Thiên Tân trong kỳ thi Đại học 2013

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận