Tình mẫu tử trong "Chiếc tuyền ngoài xa"

Đề bài: Cảm nhận vẻ đẹp của tình mẫu tử nơi người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”.

Đỗ Thu Nga
11:00 30/05/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tôi thường chìm đắm trong những cuốn sách về người mẹ và biết đến tác giả Moriya Takeshi - một nhà sản xuất phim và cũng là một người con tuyệt vời qua cuốn sách  “Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?”. Có lẽ, điều tôi ám ảnh khôn nguôi khi đọc quyển sách này chính là những câu hỏi thống thiết mà ông đã đặt ra cho mẹ mình: Tuổi thanh xuân của mẹ đã trôi qua như thế nào? Sự có mặt của con có ý nghĩa như thế nào? Mẹ của những năm tháng ấy đã phải chiến đấu với điều gì, trốn chạy điều gì hả mẹ?... Từng câu hỏi mang sứ mệnh của chiếc tàu du hành, đưa người mẹ trở về từng cột mốc thời gian trong quá khứ, nỗi đau, vết thương lòng hay những sự kiện muốn quên nhất đã lần lượt được tái hiện vẹn nguyên. Khi Moriya Takeshi cất lên câu hỏi cuối cùng: “Mẹ ơi, mẹ có hạnh phúc không?”, ông đã nhận được chữ “Có” đầy bình an mà mẹ dành cho mình - “Có. Mẹ hạnh phúc con à!”. Sau hết thảy những gian truân của cuộc đời, điều quan trọng nhất của người mẹ là luôn mong các con được sống hạnh phúc – niềm hạnh phúc của các con cũng chính là hạnh phúc của người mẹ.

Cũng giống như tình mẫu tử thiêng liêng mà người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” đã dành cho những đứa con của mình. Hạnh phúc lứa đôi trong hôn nhân của chị chỉ như một đại lộ thênh thang hoa lệ, lung linh và xa xỉ, chị ngàn lần muốn chạm tới nhưng đều phải bất lực chịu đựng đòn roi, thương tổn vận vào số mệnh mình. Nhưng ta nhiều lần tự hỏi, chính điều gì đã thôi thúc chị, tiếp thêm sức mạnh để chị nhẫn nhịn từng ngày mà chấp nhận bị đánh, chấp nhận sống cùng người chồng vũ phu kia? Ta lại không ngừng tìm kiếm đáp án cho câu hỏi ấy qua tình thương yêu sâu sắc và cảm động mà chị dành cho đàn con. Sau những câu hỏi và cuộc đối thoại cùng chánh án Đẩu, chị lí giải tường tận nguyên do khiến mình nhẫn nhục trước sự tàn nhẫn của người chồng: “Đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa”. Chị hiểu thấu sự vất vả, nhọc nhằn của một đời ngư phủ, của cuộc sống lênh đênh trên sóng nước hòng tìm cái ăn, cái uống để nuôi sống sấp con mình. Tôi nhớ đến những câu hát trong bài nhạc chế “Ðời ngư phủ” từ bài gốc “Chuyện ba mùa mưa”: “Cuộc đời đi biển nắng mưa bão giông khó lường, vì tiền ta phải đánh đổi máu xương người ơi;… cuộc đời ngư phủ tháng năm thấy đâu là bờ, mệt nằm lăn ngủ có khi cũng không được yên. Ai ơi, đi biển đôi khi trời mưa gió lạnh mà ta vẫn phải làm...”.

Đời ngư phủ sóng gió là thế, người bàn bà hiểu rõ mình và đàn con cần sự chèo chống vững chãi của người đàn ông chân chữ bát luôn bước từng bước chắc chắn ấy. Bởi trên thuyền, nếu không có người đàn ông thạo nghề, khoẻ mạnh chèo chống qua bao phong ba, làm sao con thuyền mưu sinh ấy có thể chống chịu tới cuối cùng? Người đàn bà hàng chài luôn ý thức được vai trò quan trọng của chồng mình trong hành trình nhọc nhằn mưu sinh, kiếm sống. Chị càng mong mỏi những đứa con mình có thể có đầy đủ cha lẫn mẹ, lớn lên không thiếu vắng bóng dáng, tình thương và sự chở che sức dài vai rộng của cha mình. Đó là mong mỏi mà bất kì người mẹ nào cũng đã và đang giữ lấy, dù trong những người mẹ Việt Nam ấy, có bao người đang phải gồng mình chống chịu nỗi đau, sự lừa dối, nạn bạo hành lên đôi vai bé nhỏ của mình. Ta càng đi sâu vào cách nghĩ, cách cảm nhận của người đàn bà hàng chài, ta càng thấu suốt được giá trị vô ngần của tình mẹ trên cõi đời mênh mông. Chị luôn cho rằng tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng và cũng là thứ tình cảm đương nhiên mà một người mẹ phải hết lòng dành trọn cho con mình: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Chị hiểu rõ bất kì sự cam chịu nào cũng “phải gánh lấy cái khổ”, nhưng từ trong thâm tâm đến mọi hành động, chị luôn chứng minh mình là người sẵn sàng sống với cái khổ ấy, miễn là đàn con có cha, miễn là chúng có thể lớn lên khoẻ mạnh trong một gia đình đủ đầy thành viên. 

tinh-mau-tu-trong-chiec-tuyen-ngoai-xa

Với bút pháp khắc hoạ và miêu tả tâm lí nhân vật vô cùng độc đáo, nhà văn đã đi sâu vào từng cung bậc cảm xúc, suy nghĩ và sự từng trải trong tấm lòng người đàn bà hàng chài, cũng là thay bao người phụ nữ, bao người mẹ ngoài kia nói lên tiếng lòng sâu thẳm. Người đàn bà hàng chài dành hơn nửa cuộc đời lênh đênh với sóng biển, cùng chiếc thuyền nhỏ dựa vào biển để mưu sinh. Cuộc đời chị cũng chìm nổi theo ngọn sóng, hiểu rằng “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!”. Chị hiểu đó là một suy nghĩ “lạc hậu”, nhưng vẫn mong mỏi được “thông cảm cho”, được “lượng tình” thấu hiểu. Chị liên tục hạ mình để nhận hết lỗi lầm về mình, nhưng qua đó, ta càng cảm nhận được sự sâu sắc trong tấm lòng người mẹ nghèo đáng thương ấy. “Mong các chú cách mạng thông cảm cho”, “Mong các chú lượng tình cho”, từng câu van lơn và lời khẳng định chắc chắn về quyết định của mình như dội vào tâm trí Phùng và Đẩu một nhát cứa bất ngờ và lạ lẫm: “Các chú đừng bắt tôi bỏ nó!”. Nhát cứa ấy không còn là tiếng súng đạn gằm ghè của thời chiến, mà chính là sự hiểu chuyện và chấp nhận thiệt thòi về mình đến cố chấp của người đàn bà giữa thời bình. Nhưng rồi, Phùng và Đẩu cũng hiểu được đó chính là cách một người mẹ thống khổ đang cố bảo vệ lấy gia đình, tổ ấm của mình. Ngay cả chú chim mẹ ngoài kia, khi ra ngoài kiếm ăn hay tha mồi về tổ cho những chú chim non vẫn sẽ cố gắng bảo vệ chiếc tổ của mình, huống chi đó là một người mẹ có hơn mười đứa con, yêu thương con hơn cả bản thân chị. Người đọc chứng kiến từng chi tiết, hành động nhỏ nhất mà người đàn bà hàng chài bảo vệ con mình, từ việc ý thức phải nuôi con khôn lớn, phải bên cạnh con như một lẽ đương nhiên; nhẫn nhục gánh chịu đòn roi để giữ cho những đứa con có đầy đủ cha mẹ; đến việc cố gắng gửi bé Phác - đứa con chị yêu thương nhất lên rừng sống với ông ngoại để tránh việc con có những phản ứng quyết liệt với cha để bảo vệ mẹ mình. Thậm chí, chị còn chấp nhận sự thoả hiệp đến khó hiểu khi xin chồng lên bờ mà đánh, chị dùng đôi cánh thiên thần rách bươm vì thương tổn của một người mẹ để dốc hết sức mình bảo vệ con khỏi những rạn vỡ về tinh thần, tránh mọi tổn thương khi nhìn cảnh cha đánh mẹ không thương tiếc. 

Không chỉ có mặt âm thầm trong đời sống của cộng đồng như một dòng chảy văn hóa bền bỉ và nhẫn nại, hình ảnh người mẹ, tình mẹ còn là đề tài da diết và bất tận của văn học và nghệ thuật. Mỗi nhà văn, mỗi nghệ sỹ, đầu tiên, và mãi mãi, luôn là những đứa con thương yêu của mẹ mình. Cũng như cách cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết rằng: “Nếu thân xác đi mà linh hồn vẫn còn lại thì bạn hãy tin rằng, mẹ sẽ là người đau khổ nhất chứ không phải là bạn. Ở nơi linh hồn đó, mẹ biết rằng từ nay không còn ai đủ tình yêu để chăm sóc và an ủi bạn trong những phiền muộn chập chùng của cuộc đời”. Gót chân trần chai sạn kiếp mưu sinh, nếp nhọc nhằn vương trên khoé mắt, người đàn bà hàng chài chắt chiu từng nụ cười sớm mai khi thấy con vẫn khoẻ mạnh hình hài, từng ngày lớn khôn. Nỗi đau hoá đá, nước mắt lặn vào trong cho đến khi nhìn thấy con mình lầm lỗi. Chị đau đớn đến kiệt cùng! Có ai đo lường được nỗi đau, đo lường được hạnh phúc? Ta chỉ có thể bấu víu vào ngọn đèn hạnh phúc mờ mờ tỏ tỏ, chua chát nhặt chút ánh sáng niềm tin còn sót lại sau những trận đòn thua thiệt, oan ức. Người mẹ trong “Chiếc thuyền ngoài xa” đã vun chăm cho từng đứa con, nhưng thằng bé Phác ấy lại như cây dại xanh rờn, cành tươi lá biếc của cảm xúc hận thù - yêu thương len lỏi trong từng thớ tế bào của Phác, vỡ ra, trở thành hình hài của những nhát quất lạnh lùng vào người đàn ông. Có phải trong người đàn bà lúc ấy, chị đã nhớ những chiều co ro cuối nắng, làm vội bữa cơm lấm lem, thầm khấn nguyện cho chiếc thuyền bình yên trong giông bão, thầm ước ao thoát khỏi dâu bể cuộc đời. Để rồi, “Người đàn bà dường như lúc này mới cảm thấy đau đớn - vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã” mà cất lên tiếng gọi thống khổ như van lơn: “Phác, con ơi!”.

Niềm đau đớn của một người mẹ phải chứng kiến con mình đánh cha nó để bảo vệ mình, nỗi khổ đè nén của một người vợ phải chứng kiến cảnh chồng mình đánh con không thương tiếc, tất cả cảm xúc ấy bủa giăng, đớn đau, quằn quại trong từng thanh âm của người đàn bà đang “miệng mếu máo gọi”. Cứ phải gồng mình vực dậy suốt bấy lâu, người đàn bà bây giờ mới “ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé”, những chất chứa trong lòng như đi qua từng kiếp luân hồi mà vẫn cố chấp chẳng chịu rời xa. Chị “ôm chầm lấy” đứa con “rồi lại buông ra”, “chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy”. Đau thắt trong lòng, nhìn con chịu cảnh đòn roi mà tấm lòng người mẹ như bị xé ra trăm mảnh, chị ôm con vào lòng để ủi an cho những nỗi đau con phải gánh thay mình, chị chắp tay vái con - một hành động đi ngược lại với tất cả luân thường đạo lí để mong con dịu lòng, mong con đừng hành động dại dột, đừng hại, đừng đánh cha mình. Chị ngàn lần không muốn nhìn thấy tính cách đứa con yêu thương của mình trở nên căm hận, bồng bột, phản ứng vô cùng quyết liệt và sẵn sàng làm bị thương người thân ruột thịt của mình; chị đau khi con phải phát triển trong một môi trường đầy tăm tối, u uất, hận thù và bạo lực khi nhìn “Thằng nhỏ cho đến lúc này vẫn chẳng hề hé răng, như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt, nó lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ lên khuôn mặt người mẹ như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt”. Năm tháng mưu sinh cuống cuồng quắt quay, biết bao trận đòn chị đã chịu, nhưng giờ đây, hai cái tát mà thằng Phác phải nhận từ cha nó lại khiến lòng chị hoá bão giông, thét gào, mọi giới hạn như một chiếc gương vỡ, mắc cạn nơi chiếc thuyền đang neo kia. Giọt nước mắt ngược vào lòng ngày nào lặng buồn quên chảy, giờ “rỏ xuống” vừa nặng nề mà cũng vừa ráo hoảnh. Ta thầm nghĩ, giá chị có thể khóc cho thoả nỗi lòng, khóc cho tháng năm quên thân mình, oằn vai gánh nặng một đời khắc khổ vì con. Bàn chân to bè khổ cực, bàn tay vất vả chai sần đắng cay thầm lặng, nỗi đau quặn lòng vì thương con, thương cho tuổi thơ của con bị vấy bẩn bởi vết nứt trong cuộc hôn nhân của cha và mẹ, thương con không có một gia đình trọn vẹn hạnh phúc, từng chút hiện về trong từng giọt nước mắt rơi ấy. Từng dòng đắng chát. Nhưng có lẽ, ngay cả quyền được khóc chị cũng không cho mình thực hiện lâu hơn vài giây phút. Nỗi sợ hãi và sự cam chịu tù túng đã quấn chặt nghĩ suy của chị, cái giá lạnh tái tê của lòng người chồng bạc nhược cũng không khiến chị thôi hy vọng về chân trời gia đình phía trước, vì thế, chị bất ngờ “buông đứa trẻ ra, đi thật nhanh ra khỏi bãi cát xe tăng hỏng, đuổi theo lão đàn ông” và “Cả hai người lại trở về chiếc thuyền”. Khi ở Toà án huyện, một lần nữa chị đã khóc khi Phùng nhắc đến bé Phác, từng lần từng lần nước mắt rơi xuống khi đứa con mình thương yêu nhất phải chịu tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần. Trái tim chai sần vết sẹo của chị vẫn quyết định tiếp tục hứng chịu nhát dao của bạo hành, mong mỏi giữ ấm gia đình tròn vẹn, tha thiết nâng niu từng mầm non mình sinh ra. 

Đối với người đàn bà hàng chài, niềm vui của một người mẹ như ngủ giấc say giật mình bật dậy khi nhắc về khoảnh khắc ấm áp của gia đình mình: “Ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”.  Đó là lần đầu tiên Phùng nhìn thấy “trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười” - thứ mầm hạnh phúc mà chị chắt chiu, giấu vào trái tim, đong niềm da diết gửi chính bản thân mình để vượt qua mỗi ngày đau đớn. Trong bất giác, Phùng đã đột nhiên hỏi: “Cả đời chị có một lúc nào thật vui không?”, người mẹ ấy không ngần ngại khẳng định ngay lập tức: “Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…”. Dấu chấm lửng bỏ ngỏ như nối dài cảm xúc mãn nguyện, an lòng của người đàn bà hàng chài, chị ươm nắng trong từng mùa hoa nở,  kết hình hài niềm vui bằng chính sự no đủ, ấm áp và lớn khôn của những đứa con thơ. Từng câu chữ “hoà thuận, vui vẻ”, “vui nhất” nối đuôi nhau như tạm xoá nhoà giây phút đắng cay, nỗi đau đớn bất lực trước đó. Người mẹ hiền yêu thương con hết mực ấy đã luôn chắt chiu, điểm tô niềm hy vọng, kí thác vào trái tim đã vỡ của mình những niềm vui bé nhỏ được gom góp khó nhọc theo từng tháng năm. 

(Theo Thưởng Thức Sách)

Xem thêm: 4 bài viết mẫu dành cho tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận