Ôn thi tốt nghiệp: 2 chi tiết "vàng" trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa"

Chi tiết là "bụi vàng" của tác phẩm văn học. Bụi vàng, nhỏ bé nhưng lấp lánh ánh sáng. Và trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" cũng sở hữu những "bụi vàng" như thế.

Đỗ Thu Nga
11:00 24/05/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

1. Chi tiết “giọt nước mắt” của người đàn bà hàng chài

Nếu Kim Lân - cây bút về truyện ngắn chuyên viết về “ đời thường, người thường” về cuộc sống nông thôn chân chất bình dị thì với Nguyễn Minh Châu, ông cho rằng “nhân quyền giống như món trang sức đắt tiền trong tủ kính mà những đôi bàn tay lam lũ không thể chạm vào” và mỗi con người đều có trong mình những “vẻ đẹp khuất lấp”. Một Nguyễn Minh Châu suốt đời cầm bút chỉ để đi tìm những hạt ngọc ẩn chứa trong tâm hồn. Và người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” là một viên ngọc như thế. Tôi nhớ như in những giọt nước mắt của người đàn bà ấy, nó tựa như những viên ngọc đang lăn dài trên má, lấp lánh, ngời sáng. 

Người ta nói khi giọt nước mắt của một ai đó rơi xuống cũng là lúc trái tim họ đang vỡ nát bởi những tổn thương vô cùng. Tổn thương đó có thể bắt nguồn từ những lớn lao trời bể, thậm chí còn từ những vụn vặt đời thường. Dẫu là từ đâu thì trái tim họ vẫn mang những vết thương khó liền. Và giọt nước mắt đã đi vào văn chương như một cách để diễn tả những nỗi đau vô cùng, vô tận của nhân vật. 

Tôi nhớ trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, giọt nước mắt của người đàn bà nhỏ xuống bởi những đớn đau của tâm hồn, nỗi đau xé nát tâm can của một người mẹ. Lúc dơ lưng chịu những trận đòn “như lửa cháy” của chồng, dù đau đến mấy chị vẫn không hề kêu xin, khóc lóc. Nhưng khi nhìn thấy đứa con chứng kiến được toàn bộ tấn bi kịch gia đình, chị đã không cầm nổi những giọt nước mắt đau đớn. Sự xuất hiện của đứa con như “một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt”. Làm sao diễn tả được sự tan nát của trái tim người mẹ khi chứng kiến cảnh đứa con mình “nhảy xổ vào bố nó như một con sói con”, “giằng được chiếc thắt lưng, liền rướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực” ông ta. Cái phản ứng tự nhiên của một tâm hồn trẻ thơ thương mẹ, lại khiến cho người mẹ “dường như lúc này mới cảm thấy đau đớn – vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã”. Bà gọi tên con, “ôm chầm lấy nó ”, rồi lại buông ra “chắp tay vái lấy vái để rồi lại ôm chầm lấy ”. Có phải bà đau đớn vì rốt cuộc đã không sao tránh được cho con khỏi bị tổn thương vì bạo lực gia đình. Bà xấu hổ, nhục nhã vì phải giấu giếm con tình trạng khốn khổ của mình, dù bà đã hết sức che chắn. Bà xót xa vì niềm tin trong trẻo của con thơ đã bị rạn vỡ. Bà “vái lấy vái để” đứa con để “tạ tội” với nó, hay cầu xin nó đừng căm thù người cha đẻ của mình, đừng trở nên độc ác như bố nó. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của người mẹ lúc này? Ẩn sâu trong trái tim đang rỉ máu của người mẹ, là lòng yêu thương con vò xé tâm can. Những giọt nước mắt đau đớn chứa đựng biết bao sự nhọc nhằn chỉ thực sự rơi khi thấy đứa con yêu của mình chứng kiến cảnh tượng mình bị chồng đánh, chỉ thực sự rơi khi có người khách lạ chứng kiến. Giọt nước nơi người đàn bà hàng chài khiến tôi nhớ đến giọt nước mắt ròng ròng chảy xuống không sao ngăn lại được của bà cụ Tứ. Giọt nước mắt của những người mẹ thương con, hết lòng vì con, những người phụ nữ cả một đời lam lũ khổ sở.

Tôi còn nhớ Nguyễn Thanh Tú từng nói “Một tác phẩm được ví như dây bóng đèn điện thì những chi tiết hay như những sợi dây tóc phát sáng”. Và giọt nước mắt của người đàn bà hàng chài là dây tóc phát sáng ấy. Bởi giọt nước mắt ấy đã phơi bày hiện thực bạo lực gia đình trong xã hội sau chiến tranh, một hiện thực nghèo đói lam lũ và vất vả của những con người nhỏ bé, đáng thương nơi đáy của xã hội. Đồng thời cũng mang đến cho người đọc sự cảm thương sâu sắc và khẳng định tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

on-thi-tot-nghiep-2-chi-tiet-vang-trong-tac-pham-chiec-thuyen-ngoai-xa

2. Chi tiết “tấm ảnh nghệ thuật”

Nguyễn Minh Châu là nhà văn của những biểu tượng. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu sau 1975 đạt được sự hàm súc, đa nghĩa một phần là nhờ nhà văn đã sáng tạo được những hình ảnh, chi tiết giàu giá trị biểu tượng. Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa là một trường hợp như vậy.

Tấm ảnh trong bộ lịch cuối năm đã khép lại tác phẩm nhưng đọng lại mãi với những suy tư, tự nghiệm của nghệ sĩ Phùng và người đọc: “Không những trong bộ lịch năm ấy …hoà lẫn trong đám đông”.  Không khó khăn mấy người đọc cũng nhận thấy ở đây dường như có hai bức ảnh trong một khuôn hình.

Trước hết đó là một bức ảnh thuần nghệ thuật dành cho những nhà sành nghệ thuật: Một bức ảnh mang vẻ đẹp toàn mĩ, vốn là một cảnh đắt trời cho, kết tinh công phu và sự may mắn của người nghệ sĩ (sau hàng tuần mai phục, Phùng đã chộp được). Một bức ảnh về con thuyền được chụp từ ngoài xa với vẻ đẹp hài hoà giữa con người và cảnh vật. Một cảnh đẹp được ghi lại bằng một ấn tượng thuần tuý nghệ thuật. Một bức ảnh không chỉ đem đến một niềm hạnh phúc cho người sáng tạo mà còn đủ sức thuyết phục với cả những nhà sành nghệ thuật và có sức sống lâu bền “ mãi mãi về sau”…

Đằng sau bức ảnh nghệ thuật đó là một bức ảnh cuộc sống hiện thực trần trụi, lam lũ mà trung tâm là hình ảnh người đàn bà vùng biển cao lớn với dáng người thô kệch…bước những bước chậm rãi, bàn chân đặt trên mặt đất chắc chắn, hoà lẫn trong đám đông. Một hình ảnh không còn thơ nữa mà rất đời. Hình ảnh này đã trở thành một ám thị đối với Phùng “mỗi lần ngắm kĩ tôi vẫn thấy”. Nhưng tại sao chỉ riêng Phùng mới thấu thị như vậy mà những người khác thì không? Phải chăng vì Phùng biết nhìn kĩ, nhìn lâu, nhìn thẳng; biết nhìn xuyên qua màu hồng hồng của ánh sương mai, nhìn cho ra được những “thô kệch, ướt sũng, nhợt trắng, bạc phếch...” Và điều quan trọng nhất là Phùng biết nhìn bằng trải nghiệm. Hay nói khác đi Phùng không chỉ nhìn mà còn sống trong cuộc đời, đau đáu nỗi đau của người đàn bà hàng chài, lắng nghe câu chuyện của chị.

Dùng nghệ thuật tương phản kết hợp với một chút phi lí (bức ảnh đen trắng nhưng lại nhìn ra màu hồng hồng), Nguyễn Minh Châu đã dựng lên một ẩn dụ nghệ thuật với bao nhiêu thông điệp, nhận thức:

Thứ nhất, nghệ thuật cất lên từ cuộc sống nhưng giữa cái đẹp của nghệ thuật và cuộc sống luôn có khoảng cách. Đôi khi ngay đằng sau cái đẹp mơ màng và tưởng như toàn bích kia lại chứa đựng trong đó những hiện thực cuộc sống còn đầy khiếm khuyết, nhức nhối. Không cẩn thận cái đẹp thuần tuý nghệ thuật lại trở thành cái đẹp giả dối…

Thứ hai, cần phải nhìn thẳng vào cuộc sống dù nó không phải thơ mộng như chúng ta muốn.

Thứ ba, cần phải kéo gần khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống, muốn phản ánh trung thực cuộc sống người nghệ sĩ phải đi đến với cuộc đời, cúi xuống thật gần những số phận cá nhân vốn nhiều bi kịch, lắng nghe câu chuyện của họ…

Chi tiết này đã gieo ra một tình huống tự nhận thức mà ở đó người ta thấy rõ hơn về nhân vật Phùng: Phùng không phải tìm kiếm ở đâu mà anh đang cày xới, lật lại, đào sâu hơn vào chính bức ảnh của mình, chính thứ nghệ thuật tưởng như đã hoàn mĩ của mình. Không ai bắt anh làm thế và không ai biết anh làm thế, nhưng với trách nhiệm, lương tâm của một nghệ sĩ chân chính buộc anh phải liên tục trăn trở như vậy. Con người Phùng hay cũng chính hình ảnh nhà văn đã từng đặt mệnh lệnh cho mình: Không có quyền miêu tả cuộc sống một cách hời hợt. Sự lo lắng cho con người đã trở thành nỗi quan hoài thường trực.

Không phải đến cuối chi tiết bức hình mới xuất hiện và cũng không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Minh Châu lại kết thúc truyện ngắn của mình bằng chi tiết này: Phùng nhận nhiệm vụ chụp ảnh cho bộ lịch cuối năm là anh đã khoác vào mình một thiên chức quan trọng của nghệ thuật (làm sao phải đẹp để thoả mãn nhà xuất bản và thị hiếu mọi người nhưng đồng thời lại nói được trung thực nhất về cuộc sống). Phùng đã làm nên bức ảnh bằng tất cả niềm đam mê và trách nhiệm và anh đã có được niềm vui của một người nghệ sĩ chân chính. Nhưng khép lại tác phẩm, chính bức ảnh ấy lại làm anh không dứt khỏi những ưu tư, vỡ ra bao nhiêu nhận thức. Chi tiết bức ảnh đã trở thành một cấu tứ cho truyện ngắn này. 

Xem thêm: Ôn thi tốt nghiệp: Mẹo làm đọc hiểu và cấu trúc phần thi đọc hiểu

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận