3 nhà khoa bảng Hán học phê phán tật xấu của người Việt [Kỳ 1]: Phan Bội Châu chỉ ra 5 "điều ngu"

Sinh thời, Phan Bội Châu không ngần ngại chỉ ra nhiều tật xấu của dân ta, nhất là tình trạng mê tín dị đoan, xa hoa lãng phí.

Đỗ Thu Nga
10:00 09/06/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Phan Bội Châu tên thật là Phan Văn San, tự là Hài Thu, bút hiệu là Sào Nam, Thị Hán, Độc Kinh Tử, Việt Điểu, Hàn Mãn Tử, v.v... Theo gia phả họ Phan, ông sinh ngày 26/12/1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha ông là Phan Văn Phổ, mẹ là Nguyễn Thị Nhàn.

Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh. Năm 6 tuổi học 3 ngày hết Tam Tự Kinh. Lên 7 tuổi, ông đã đọc hiểu sách Luận Ngữ, 13 tuổi ông thi đỗ đầu huyện. Thuở thiếu thời ông đã sớm có lòng yêu nước.

Năm 17 tuổi ông viết bài Hịch Bình Tây Thu Bắc đem dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng việc Bắc Kỳ khởi nghĩa kháng Pháp. Năm 19 tuổi (1885) ông cùng bạn Trần Văn Lương lập đội nghĩa quân Cần Vương chống Pháp nhưng việc không thành.

Gia cảnh khó khăn, ông đi dạy học kiếm sống và học thi, nhưng thi suốt 10 năm không đỗ, lại can tội "hoài hiệp văn tự" (mang văn tự trong áo) án ghi "chung thân bất đắc ứng thí" (suốt đời không được dự thi). Năm 1896, ông vào Huế dạy học, do mến tài ông nên các quan xin vua Thành Thái xóa án "chung thân bất đắc ứng thí".

Tat-xau-cua-nguoi-Viet-qua-goc-nhin-Phan-Boi-Chau
Phan Bội Châu - Nhà yêu nước, một chí sĩ cách mạng Việt Nam

Khi được xóa án, ông dự khoa thi hương năm Canh Tý (1900) ở trường Nghệ và đậu Giải nguyên. Có tài liệu cho rằng bài làm của ông quá xuất sắc đến nỗi khi yết bảng, trường thi đã làm 2 bảng, 1 bảng ghi 5 chữ to "Giải nguyên Phan Bội Châu", bảng kia ghi tên những người thi đỗ còn lại. Câu Bảng một tên lừng lẫy tiếng làng văn từ đó mà ra.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, sống trong môi trường Nho giáo nhưng ông không ngần ngại chỉ ra nhiều tật xấu của dân ta. Nhất là tệ mê tín dị đoan, xa hoa, lãng phí, người giàu kẻ nghèo đều bị những hủ tục này trói buộc. 

Ông từng nói rằng: "Mê tín sinh ra những việc nực cười. Ngày giờ nào cũng là trời bày định mà bảo rằng có ngày dữ ngày lành; núi sông nào cũng là đất tự nhiên mà bảo rằng có đất tốt đất xấu; vì nấu ăn mới có bếp mà bảo rằng có ông thần táo; vì che mưa gió mới có nhà mà bảo rằng có ông thần nhà; cho đến thần cửa thần đường, thần cầu tài, thần cầu tử, trăm việc gì cũng trông mong vào thần; kết quả thần chẳng thấy đâu, chỉ thấy những cửa nát nhà tan, của mòn người hết, tin thần bao nhiêu thì tai họa bấy nhiêu…”, (Cao đẳng quốc dân, 1928).

Phan Bội Châu phê phán việc tang ma tốn kém tiền của: “Có người nhân việc cha mẹ chết, muốn lấy tiếng là có hiếu mà giết bò giết dê thổi kèn đánh trống ầm ĩ suốt ngày lấy việc buồn làm việc vui. Bạn bè thân thích, họ hàng làng xóm đáng lẽ không nỡ nhìn cảnh xa xỉ phí phao ấy, như thế mới đúng. Nay lại đòi hỏi rượu tiền, sắm sanh lễ vật, thử hỏi đạo làm người có nên như thế không? Cốt cho no say, vô ích đối với người sống, vô ích đối với người chết, những việc hao tiền tốn của kể không biết bao nhiêu ức vạn triệu”, (Việt Nam quốc sử khảo, 1908).

Trong lúc hô hào, tổ chức nhân quần chống Pháp, tức là đang rất cần sự ủng hộ của đông đảo đồng bào nhưng Phan Bội Châu vẫn không e dè, né tránh chỉ ra, phê phán những thói hư tật xấu, những nhận thức nông cạn, tầm nhìn hạn chế của dân mình cản trở công cuộc duy tân cứu nước. 

Trong sách Việt Nam quốc sử khảo, chương Sự thịnh suy của dân quyền và dân trí của nước ta, ông viết: “(...) Vì vậy, giờ đây tôi xin kể những điều tai nghe mắt thấy để quốc dân cùng biết:

"Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất.

"Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai.

"Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba.

"Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư.

"Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm.

"Dân được cường thịnh là nhờ có sự nghiệp công ích. Nay những việc đó, người nước ta đều không thể làm được. Hỏi vì sao không làm được, thì nói là vì không có tiền của. Sở dĩ không có tiền của là vì đã tiêu phí vào những việc vô ích xa hoa rồi”.

Sự phê phán này thiết nghĩ cũng là nhằm mở mang tầm nhìn cho quốc dân.

Xem thêm: Chuyện hi hữu trong sử Việt: Vị tiến sĩ bị ăn đòn vì chấm rớt bài thi của cha

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận