Tâm sự của người ngoại quốc yêu Việt Nam nồng nàn: "Lòng tốt của họ đã lấy mất trái tim tôi"

Vì quá si mê con người Việt Nam mà nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Canada, Langevin Suzanne đã chọn Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình" để ở lại trọn phần đời còn lại.

Đỗ Thu Nga
08:00 13/07/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Yêu Việt Nam nồng nàn

Đặt chân đến xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) thăm người bạn, sau những lời chào hỏi, anh khoe sẽ giới thiệu với tôi một nhân vật đặc biệt. Cùng bạn ghé một căn hộ bên dòng Nhật Lệ, tôi bất ngờ khi gặp Suzanne, tuy không cùng lĩnh vực nhưng tôi đã không ít lần thấy những bức ảnh của bà trên các trang bìa báo nổi tiếng của Canada, Mỹ, châu Âu... Một nhiếp ảnh gia nổi tiếng tầm thế giới đang chọn sống phần đời còn lại tại vùng đất mà theo bà là vì “mê phong cảnh và lòng người nơi đây”.

Năm 2018, sau những biến cố mất mát người thân, Langevin Suzanne (sinh năm 1955, quốc tịch Canada) quyết định đi du lịch Đông Nam Á. Nước cuối cùng bà đặt chân đến là Việt Nam. Hạ cánh tại phi trường Tân Sơn Nhất, bà lên Đà Lạt bằng xe máy và không may bị nước cuốn ở thắng cảnh Dray Sap. Tai nạn khiến Suzanne gãy 3 cái xương sườn, một chân bị nhiễm trùng. Trong cơn hoạn nạn ấy, bà nhận được hỗ trợ y tế tuyệt vời từ các nhân viên khu du lịch. Sau một đêm, bà được đưa lên bệnh viện ở TPHCM.

tam-su-cua-nguoi-ngoai-quoc-yeu-viet-nam-nong-nan-8
Việt Nam trong mắt nhiếp ảnh gia Langevin Suzanne

Trước đó, trong con mắt bà, Việt Nam là một đất nước xa lạ và đơn giản chỉ là điểm đến cuối cùng vùng Đông Nam Á. Nhưng việc được chữa trị tốt và hiểu được tình người nơi đây, sau khi ra viện, Suzanne không về nước mà mua một chiếc xe máy rồi bắt đầu hành trình đi phượt khắp Việt Nam. Nơi đâu, bà cũng được đón chào nồng nhiệt và tình cảm. Cuối năm đó, Suzanne về nước nhưng trong lòng đã quyết định sẽ quay lại Việt Nam vì những trải nghiệm chưa hề có trong đời.

“Đầu năm 2019, tôi quay lại Việt Nam. Tôi muốn về lại Đồng Hới, tìm về vùng đất này bởi những giúp đỡ trong chuyến đi trước. Tại đó, tôi đã gặp những con người nhiệt tình và hào phóng, nhớ những nụ cười đầy thân thiện của người dân, những người sẵn sàng giúp đỡ tôi. Và điều mà tôi thấy ấn tượng nhất là không ai, ở bất cứ đâu chịu nhận tiền mà tôi đưa để cảm ơn sự giúp đỡ của họ. Khi biết hoàn cảnh tài chính khó khăn của mọi người, tôi rất sốc trước việc họ từ chối tiền và đồng thời cảm động trước sự giúp đỡ hoàn toàn vô tư từ họ...”, nữ nhiếp ảnh gia kể.

Một mình đến Đồng Hới và đi khắp Việt Nam trong năm đó, khi quay về lại vùng đất Quảng Bình để trả lại căn hộ nhỏ, lúc đứng ngắm những con sóng bạc đầu trên bãi biển Đồng Hới, Suzanne tràn ngập nỗi buồn vì sắp rời xa mảnh đất “chữa lành các vết thương của mình”. Trong tích tắc đó, bà đã có quyết định trọng đại với cuộc đời mình. Trở về lại Canada, Suzanne bán toàn bộ nhà cửa có được để xin visa sống ở Việt Nam đến hết đời. Khi có người thân hỏi về lý do, bà nói: “Bởi tôi yêu nồng nàn đất nước Việt Nam”.

“Tôi chọn Đồng Hới làm ngôi nhà cuối cùng của mình”

Suzanne chia sẻ, khi về lại Đồng Hới, bà bị ngã té xe. Một cặp vợ chồng bán tạp hóa đã tất bật đi mua bông băng, rửa sạch vết thương cho bà, dán miếng băng thật lớn để khỏi ảnh hưởng vết thương, đưa bà đi cơ sở y tế điều trị, nhưng khi bà đưa tiền, cặp vợ chồng ấy đã không lấy một đồng nào.

“Trái tim tôi bị thuyết phục vì lòng tốt như thế”, bà Suzanne xúc động. Bà kể thêm, khi vào một nhà hàng ở Đồng Hới, bà bỏ tiền “boa” cho nhân viên, họ chạy theo trả lại cho bằng được, vì nghĩ bà trả quá nhiều. Một lần khác bà bị lạc đường, một phụ nữ tình nguyện chở bà mà không lấy một đồng thù lao…

“Tôi đã gặp những người dân địa phương luôn mở rộng vòng tay với tôi. Khi tôi cần giúp đỡ, mọi người đều ân cần tình nguyện mà không mong đợi được đáp lại. Tôi đã đi du lịch đủ để biết rằng tiền “boa” không bao giờ bị từ chối. Lòng tốt của người Việt Nam đã lấy mất trái tim tôi. Đặc biệt là Đồng Hới, tôi cảm thấy mình không muốn sống ở nơi nào khác ngoài nơi này”, bà Suzanne cho hay.

tam-su-cua-nguoi-ngoai-quoc-yeu-viet-nam-nong-nan-7
Nữ nhiếp ảnh gia Canada, Langevin Suzanne trong một chuyến phượt khắp Việt Nam bằng xe máy

Nhưng dĩ nhiên, mọi thứ trên đời không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khi thuê căn hộ ở một khu du lịch với mục đích ở lâu dài, bà đã ký hợp đồng với một công ty xây dựng để hoàn thiện nội thất căn hộ theo ý tưởng riêng. Tiền đã ứng, tuy nhiên đơn vị này không làm đúng các cam kết từ chất liệu gỗ đến ý tưởng...

“Cực chẳng đã, tôi phải kiện công ty này ra tòa. Nhiều người nói tôi sẽ thua, vì tôi là người nước ngoài. Tôi không tin, bởi tôi đã gặp rất nhiều người tốt. Và tôi đã đúng. Thẩm phán ra phán quyết buộc công ty đó bồi thường thiệt hại cho tôi trong 5 tháng, để tôi chuyển đến ngôi nhà mới của mình...”, nữ nhiếp ảnh gia kể.

Với biến cố như vậy, vì sao bà vẫn chọn Việt Nam, chọn Quảng Bình để ở lại trọn đời? Nữ nhiếp ảnh gia trả lời: “Tôi chọn Đồng Hới làm ngôi nhà cuối cùng của mình vì nơi đây thật đẹp, thật yên bình, không ô nhiễm, khói bụi, không xe cộ ồn ào như các thành phố công nghiệp, là thành phố gần biển nhưng không quá nhiều khách nước ngoài... Và điều quan trọng nhất nơi đây là con người tình cảm, mến thương. Trải qua 5 năm, tình cảm của tôi vẫn vẹn nguyên với nơi đây”.

“Cảnh đẹp Việt Nam là nơi tôi chưa từng trải trong đời, đặc biệt là cảnh đẹp ở Sa Pa. Tôi đã dành nhiều thời gian lên vùng đất này, có những bộ ảnh, tấm ảnh rất đẹp về phong cảnh hùng vĩ của Sa Pa đăng trên các tạp chí quốc tế mà tôi cộng tác. Thời gian tới, tôi sẽ thực hiện các dự án nhiếp ảnh của mình nhằm góp phần quảng bá Việt Nam ra với thế giới, dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em, học tiếng Việt để tìm hiểu văn hóa bản địa và văn hóa Việt Nam mỗi khi đi phượt các vùng miền của đất nước”, nữ nhiếp ảnh gia Langevin Suzanne chia sẻ.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng Online)

Xem thêm: Chuyện của người đàn ông ngoại quốc: Chế tạo xe lăn cho chó mèo khuyết tật và tình yêu đặc biệt với Việt Nam

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận