Tấm lòng hào hiệp của lão nông 73 tuổi: Cho đất, hiến đất không hề tiếc
Không chỉ cho đất để người ta xây nhà, ông Quảng còn hiến đất làm nhà văn hóa, làm đường giao thông. Ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn cần mẫn làm đồng...
Bao lần, tôi ngược dốc núi lên Đồng Vân (giờ là tổ dân phố Đồng Vân, P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) đến với những con người giàu lòng hiếu khách. Nơi đây khung cảnh hoang sơ, những căn nhà nằm bên thửa ruộng bậc thang và rừng cây xanh mướt, đẹp tựa tranh vẽ. Lòng người rộng mở giữa núi đồi bao la. Họ gắn bó với đất đai của cha ông để lại như máu thịt, chẳng nỡ rời xa, dẫu cuộc sống thuở trước vô vàn khốn khó.
Vậy nên vào những năm 80 của thế kỷ trước, mọi người đồng lòng bám trụ thay vì chuyển vào Cát Tiên (Lâm Đồng) xây dựng vùng kinh tế mới. Khi ấy, thôn Đồng Vân cách trở vì chẳng có đường nên đói nghèo vây quanh. Rồi tuyến đường lớn được mở xuyên qua thôn sau bao năm mong đợi. Ruộng vườn hai bên đường trở thành "đất vàng" với bao người. Nhưng thay vì gìn giữ, cựu chiến binh Dương Văn Quảng tự nguyện hiến đất mở đường, xây nhà văn hóa và cho 4 hộ dân làm nhà bên đường, dẫu gia cảnh "chẳng giàu có gì" như nhiều người nhận xét.
Một thuở gian khó
17 tuổi, ông Quảng vào du kích. Sau đó, ông vào bộ đội. Đất nước thanh bình, ông tham gia công tác tại xã Phổ Thạnh 3 năm rồi xin nghỉ để lo cho gia đình vì cuộc sống hết sức khó khăn. Ngày ngày, ông còng lưng cày cuốc, vun trồng trên những thửa ruộng bậc thang bạc màu hay gò đồi trơ sỏi đá.
Thuở trước, Đồng Vân cách trở với bên ngoài bởi chưa có đường giao thông. Người dân nơi đây cuốc bộ men theo lối mòn vượt qua núi đồi, lội suối khe đến trung tâm xã bán nông sản và mua những vật dụng thiết yếu trong gia đình. Khoảng cách chừng 4 cây số nhưng mất cả buổi đi về, mệt bở hơi tai, chân tay rã rời. Mùa mưa, đường mòn trơn tuột nên thường bị trượt chân té ngã, quần áo lấm lem, cơ thể va vào đá hay cây rừng đau buốt. Nhiều người chỉ quanh quẩn nơi xóm làng, cần mẫn trên gò đồi hay ruộng đồng chứ ngại ra bên ngoài vì đi lại quá gian nan. "Phải có chuyện gì hết sức cần thiết thì mới xuống Sa Huỳnh chứ đi lại gian nan lắm. Bởi thế, bà con có nuôi trồng được thứ gì thì đem bán cũng hết sức khó khăn", ông Lê Trung Thu, Tổ trưởng tổ dân phố Đồng Vân, cho biết.
Tấm lòng hào hiệp
Rồi, nhà nước đầu tư san ủi, mở đường lớn chạy qua làng sau bao năm mong đợi. Con trẻ nô nức chơi đùa, rượt đuổi nhau trên đường. Người già ra đứng ngắm con đường với niềm vui mừng mà nước mắt rưng rưng. Thế nhưng, nhiều ngôi nhà cách xa đường lớn, nằm lẻ loi bên chân núi đìu hiu. Nhiều người phải vượt lối mòn gập ghềnh băng qua núi đồi, men theo những thửa ruộng bậc thang để ra đường lớn với bao nỗi gian truân. Đói nghèo vẫn đeo bám, dù gắng sức lao động bất kể đêm ngày.
Cảm thông với những phận đời cơ cực, ông Quảng ngỏ ý cho đất để xây nhà cạnh đường trước sự ngỡ ngàng của người nhận. "Nói thật, đất của ông bà để lại quý lắm chứ! Nhưng thấy bà con khổ vì ở cách xa đường nên tôi cho họ để làm nhà, bất kể anh em bà con hay người dưng", ông nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc cùng ông Quảng dạo quanh ngôi nhà đang xây dựng nằm cạnh đường bê tông dẫn đến quốc lộ 1A. Ông Quảng đưa tay sờ từng viên gạch, mạch vữa gắn kết, lộ vẻ mừng vui, nói: "Vậy là nó sắp có ngôi nhà vững chắc, đỡ lo sợ khi mưa bão". Bà Ngọc cũng hết sức vui mừng khi cầm trên tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 160 m2 nằm bên đường. "Tôi luôn nhớ ơn anh Sáu Quảng. Nhờ ảnh cho đất mà tôi mới có được chỗ ở đây chứ lúc trước sống ở trong kia đi lại cực lắm...", bà bộc bạch.
Vừa thấy dáng ông Quảng lội bộ trên đường, ông Nguyễn Văn Phụng đon đả mời vào nhà nhấp ngụm trà nóng tỏa hương thơm dịu nhẹ. Sau hồi trò chuyện, ông Quảng chậm rãi: "Mày vào lấy sổ đỏ ra coi thử hồi đó tao cho diện tích bao nhiêu! Chú em đây và ông Thu tổ trưởng dân phố hỏi mà tao chẳng nhớ là cho bao nhiêu mét nữa".
Ông Phụng gãi đầu giãi bày: "Lúc anh cho thì em rào xung quanh rồi làm nhà và công trình phụ chứ chưa làm sổ đỏ. Vậy nên em cũng chẳng biết là bao nhiêu mét nữa". Ông Quảng nhắc nhở: "Vậy thì mày mau nhờ cán bộ địa chính lên đo đạc để rồi tao viết giấy chuyển nhượng mà đi làm sổ đỏ. Tao cứ nghĩ mày lo giấy tờ xong rồi, để lâu thì càng thêm mệt. Lỡ có quy hoạch dự án xây dựng trên đất này thì họ không đền bù nhà cửa đừng có la làng nghe chưa!". Mọi người có mặt cùng cười ngả nghiêng.
Tôi hỏi: "Sao ông cho đất người ta làm nhà bên mặt đường còn mình thì ở trong xóm phải đi đường nhỏ?". Ông Quảng tươi cười: "Vì căn nhà đó vợ chồng tôi ở lâu rồi. Việc đi lại cũng đỡ vất vả hơn bà con được tôi cho đất nên vẫn ở vậy, chẳng cần dời ra bên đường lớn làm chi".
Nói xong, ông chào mọi người ra về để "tranh thủ cắt cho mấy con bò bao cỏ chứ gần tối rồi". Bóng ông đổ dài trên đường dẫn vào xóm nhỏ nằm cạnh núi đồi và ruộng đồng bốn mùa lộng gió.
Tổ dân phố Đồng Vân có 52 hộ với gần 250 nhân khẩu, bà con trong tổ sống chan hòa. Theo ông Lê Trung Thu, Tổ trưởng tổ dân phố Đồng Vân, ước lượng diện tích ông Quảng cho 4 hộ gia đình xây dựng nhà khoảng 600 m2 "đất vàng" bên đường bê tông. Không chỉ vậy, khi thôn cần mảnh đất bên đường xây nhà văn hóa, ông Quảng cũng sẵn lòng hiến thêm mấy trăm mét vuông đất nữa. Con đường dẫn vào xóm nhỏ hẹp khiến việc đi lại khó khăn, ông cũng tự nguyện hiến đất mở rộng. "Hiếm có người nào được như ổng. Vậy nên bà con trong thôn quý trọng ổng lắm...", ông Thu nói.
Xem thêm: Chuyện già làng Đinh Yem hiến đất làm đường, chia đất cho dân nghèo
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận