Sử Việt chắc khó có ai dụng thủy binh đỉnh cao như vua Lê Đại Hành
Sử chép, vua Lê Đại Hành là 1 người nổi danh về thủy chiến. Tài dùng thủy binh của vua được thể hiện rõ nét nhất qua trận đánh quân Tống năm 981.
Vua Lê Đại Hành là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Vua là người anh minh, quả quyết, mưu trí, dụng binh khéo như thần, cho nên khu sách các anh hào, vang động cả quân Mán, người Tàu.
Đặc biệt, vua Lê Đại Hành được đánh giá là người cực giỏi trong việc dùng thủy binh với trận đánh quân Tống năm 981. Nhà vua chặn đánh đoàn quân xâm lược của nhà Tống bằng kế đóng cọc ngăn sông Bạch Đằng, khiến đạo quân thủy của Lưu Trừng từ cửa biển tiến vào bị cầm chân suốt 2 tháng.
Sử Tống mô tả, quân của Lưu Trừng sau khi tránh khỏi chốt chặn ở Bạch Đằng, hợp với quân của Tôn Toàn Hưng theo đường thủy thủy tiến đến thôn Đa La, nhưng không gặp quân ta lại trở về Hoa Bộ.
“Đến đây, Lê Hoàn giả vờ xin hàng để đánh lừa Nhân Bảo. Nhân Bảo bèn bị giết chết”, sử Tống viết.
Còn sử nước ta, bộ Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng, đạo quân bộ do Hầu Nhân Bảo chỉ huy, khi tiến công đến sông Chi Lăng, bằng kế giả hàng, quân ta dụ bắt được Hầu Nhân Bảo đem chém, khiến thủy quân Tống thua to.
Cánh quân của Trần Khâm Tộ theo đường sông Hồng vào đến Tây Kết (Khoái Châu, Hưng Yên), nghe tin thủy quân thua phải rút quân về, bị quân ta đuổi đánh, giết quân Tống quá nửa, thây chất đầy đồng, quân ta bắt sống được các tướng Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân.
Từ đấy, đất nước yên bình.
Chiến thắng của thủy quân nhà Tiền Lê trên sông Bạch Đằng đã góp phần quan trọng giúp cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược giành thắng lợi vẻ vang, nền độc lập dân tộc được bảo toàn.
Sử sách Trung Quốc như Tống sử bản kỷ hay Tục tư trị thông giám có phần nói về trận chiến Bạch Đằng cũng có đề cập đến số liệu về thủy binh của ta, như: “Thái Bình Hưng quốc năm thứ Sáu, tháng Ba ngày Kỷ Mùi (28/4/981), Giao Châu hành doanh lại phá được giặc Giao Chỉ ở sông Bạch Đằng, cướp được 200 chiến hạm. Nhưng tướng Hầu Nhân Bảo lại bị quân Giao Chỉ giết chết ở trận này”.
Ngoài trận chiến nổi tiếng trên sông này, vua Lê Hoàn cũng thể hiện tài năng trong việc điều khiển thủy quân trong các chiến dịch đường biển khác.
Theo đường biển đánh vào Nam
Chiến dịch đường biển lớn đầu tiên của nước ta thời Tiền le,e diễn ra vào năm Thiên Phúc thứ 3 (982), khi vua Lê Đại Hành đem quân đi đánh Chiêm Thành. Đại Việt sử ký toàn thư viết: Vua thân đi đánh Chiêm Thành, thắng được.
Nguyên nhân của chiến dịch là việc vua Chiêm Thành bắt hai vị sứ giả của vua Lê là Từ Mục và Ngô Tử Canh. Sử viết: “Vua giận, mới đóng thuyền chiến, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém được Phê Mị Thuế tại trận, Chiêm Thành thua to, bắt sống được binh sĩ không biết bao nhiêu mà kể”.
Sử này chép khá sơ lược, may vẫn còn ghi lại việc vua sắp thuyền bè để tham chiếnn, chứ không nói chi tiết quân đi thế nào, đánh ra sao. Có lẽ chiến dịch diễn ra không dễ dàng, vì Toàn thư viết rằng, vua xuất quân đi “vừa một năm mới trở về kinh sư”.Về đường đi của thuyền chiến, may là ở đoạn sử chép sự kiện năm sau, cho biết: Khi vua đi đánh nước Chiêm, qua núi Đồng Cổ (ở Yên Định, Thanh Hóa) đến sông Bà Hỏa (ở phía Nam huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), đường núi hiểm trở khó đi, đường biển thì sóng to khó đi lại, mới sai người đào đường kênh, đến khi xong, thuyền bè đi lại đều được tiện lợi.
Năm 990, khi nhà Tống sai hai sứ thần là Tống Cảo và Vương Thế Tắc sang phong cho vua Lê Hoàn thêm hai chữ “Đặc tiến” (trước đó vua đã được phong làm An Nam đô hộ Tĩnh hải quân tiết độ sứ Kinh triệu quận hầu), ta thấy nhà vua sai Nội chỉ huy sứ là Đinh Thừa Chính đem 9 chiến thuyền với 300 binh sĩ sang tận Thái Bình quân, tức Liêm Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc để đón sứ bộ.
Lần này, sử ghi rõ là quá nửa tháng thì đoàn đón sứ về đến sông Bạch Đằng, theo nước triều mà đi về tận kinh đô Hoa Lư.
Khi sứ đoàn đến gần kinh đô, vua Lê Hoàn ra tận ngoại thành để đón. Có lẽ tự hào với lực lượng thủy quân của mình, vua “bày thủy quân và chiến cụ để khoe”.
Vượt biển đánh ra Bắc
Không chỉ thủy quân của triều đình Tiền Lê lớn mạnh, trong dân gian, nghề sông nước cũng dạn dày. Như sự kiện 995, các quan binh nhà Tống thông báo lên vua về việc có 100 chiến thuyền của dân Giao Chỉ sang cướp trấn Như Hồng, thuộc Khâm Châu ở Quảng Đông, Trung Quốc.
Mùa hạ năm ấy lại có người châu Tô Mậu, tức vùng Nà Dương, Đình Lập của Lạng Sơn ngày nay, đem 5.000 hương binh sang đánh cướp thành Ung Châu nước Tống, bị viên Đô tuần kiểm là Dương Văn Kiệt đánh đuổi trở về.
Vua Tống muốn vỗn yên dân ta, không muốn dụng binh nên bỏ việc đó không hỏi đến. Viên Vận chuyển sứ Quảng Tây lộ là Trương Quan cũng tâu dối về triều đình là vua Lê Hoàn bị họ Đinh đuổi, phải đem dư chúng ra ngoài hải đảo, cướp bóc để tự cấp, nay đã chết rồi, nên bọn Trương Quan dâng biểu mừng. Tuy nhiên vua Tống chưa tin, sai Thái thường thừa là Trần Sĩ Long làm Thái phỏng sứ để dò xem hư thực thế nào, mới biết vua Lê không có chuyện gì.
Năm 996, có người ở trấn Triều Dương, tức vùng Tiên Yên, Vạn Ninh thuộc Quảng Ninh ngày nay, làm loạn rồi trốn sang đất Như Tích bên Tống, được tướng nhà Tống chứa chấp. Đến khi nhà Tống cử viên chuyển vận sứ Quảng Tây mới là Nghiêu Tẩu đến Như Tích, tra ra chuyện chứa giấu đó, gọi trấn tướng Triều Dương của Đại Cồ Việt là Thành Nhã sang giao cho nhận về.
Vua Lê Hoàn cảm ơn nhà Tống, sai sứ sang tạ ơn, lại nói rằng bắt được bọn giặc biển 27 người giao cho chuyển vận sứ. Khi nhà Tống sai Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư và đai ngọc sang ban cho vua, vua vẫn ra ngoài đón, không chịu làm lễ rồi bảo Nhược Chuyết rằng: “Việc cướp trấn Như Hồng là bọn giặc biển cõi ngoài, hoàng đế có biết đó không phải là quân Giao Châu không?”.
Thậm chí vua Lê Hoàn còn dõng dạc nói với sứ Tống: “Nếu Giao Châu muốn làm phản thì đầu tiên đánh vào Phiên Ngung (thủ phủ của Quảng Đông), rồi đánh đến Mân Việt, há chỉ có trấn Như Hồng mà thôi ư?”. Nói xong lời tuyên bố hùng hồn này, vua Lê Hoàn mới cúi đầu tạ lỗi.
Năm 997, nhà Tống phong vua làm Nam Bình vương, vua Lê Hoàn sai sứ sang thăm nước Tống đáp lễ, được vua Tống ban chiếu thư khen ngợi. Trước kia, vua Tống thường mượn tiếng đòi nước ta cống nước mắm để nhân thể bắt đóng góp. Đến năm đó, Tống Chân Tông lên ngôi, nghe chuyện ấy, nên chỉ sai quan giữ biên giới đến nhận mệnh, không sai sứ sang nữa.
Việc dùng thủy quân của vua Lê Hoàn còn được ghi vào năm 1001, trong sự kiện nhà vua đi đánh dẹp ở Cửu Long, tức vùng đất Mường thuộc huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa ngày nay. Khi quân giặc rút lui, vua cho thuyền theo dọc sông để đuổi. Trận này quân giặc bày trận ở hai bên bờ sông để chống lại thuyền binh của vua bị hãm ở sông, bắn chết vua cũ nhà Đinh là Vệ vương Đinh Toàn tại trận. Vua Lê Hoàn thương tiếc, kêu trời ba tiếng rồi thúc quân đánh giặc tan vỡ.
Để phục vụ đường thủy, năm 1003, vua Lê Hoàn lại đi Hoan Châu (Nghệ An ngày nay), cho vét kênh Đa Cái, tức là kênh Hương Cái, ở huyện Hưng Nguyên, đoạn kênh này nối kênh Sắt với sông Lam, vua cho nối thẳng đến Ân Củng trường ở Ái Châu (Thanh Hóa).
Đánh giá về công trạng của vua Lê Đại Hành, sử thần Ngô Sĩ Liên cho rằng: “Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái sỉ nhục phiên di bắt giữ sứ thần, phá tan quân Triệu Tống để bẻ cái mưu vua tôi ăn chắc, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy”.
(Theo Wikipedia, VTC)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận