Quỹ thiện nguyện Tâm Thương và những suất cơm 1K: Giúp người nghèo với phương châm "của cho không bằng cách cho"
Với phương châm "của cho không bằng cách cho", quán cơm đặc biệt này đã trở thành địa chỉ quen thuộc, lan tỏa tinh thần "tương thân tương ái" đến mọi người.

Những suất cơm tình nghĩa
Chỉ vừa mới ra mắt vào thứ hai hằng tuần trong 3 tháng qua, địa chỉ "405 Bạch Đằng" (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã quen thuộc với rất nhiều người khó khăn. Họ đến đây để nhận những suất cơm đầy đặn, ngon lành với mức giá tượng trưng chỉ 1.000 đồng. Hơn thế, điều họ nhận được là tình cảm, sự sẻ chia rất "thực tế" đúng tinh thần "tương thân, tương ái".
Là người sáng lập Quỹ thiện nguyện Tâm Thương, anh Nguyễn Anh Vũ với kinh nghiệm hơn 7 năm tham gia hành trình thiện nguyện, cho biết, từng có thời gian dài làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, bắt gặp nhiều mô hình thiện nguyện tương tự nên đã ấp ủ sẽ triển khai tại Hà Nội. Nhưng anh lo lắng người dân không dễ dàng đón nhận mô hình này bởi còn tâm lý e dè, mặc cảm và quan niệm “của cho là của nợ”.
“Để xóa bỏ tâm lý này, tôi và các thành viên đã bắt đầu thử nghiệm bằng những đợt phát cơm chỉ với giá tượng trưng 1.000 đồng, thực hiện phát tờ rơi thông báo hay mang cơm tới những nơi tập trung nhiều lao động nghèo để lan tỏa địa chỉ của quán cơm từ thiện. Nhờ vậy, khi cần, họ có thể tìm đến đây vào khung giờ cụ thể để nhận những phần cơm đỡ đần khi thiếu thốn”, anh Nguyễn Anh Vũ nói.

Sau những đợt phát cơm thử nghiệm, quán cơm 1.000 đồng chính thức ra mắt tại địa chỉ “405 Bạch Đằng” vào ngày thứ hai hằng tuần với đầy đủ khẩu phần cơm, rau, cá, thịt…, được thay đổi đa dạng, nhanh chóng thu hút “khách hàng” tìm tới.
Người đến với quán cơm là những người bán hàng rong, người “chạy xe ôm”, bệnh nhân nghèo và cả các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn... Mỗi người mang trong mình những lo toan, vất vả riêng, tìm đến đây đều nhận được sự chia sẻ, động viên, dù nhỏ mà thiết thực.
“Quán cơm đông khách cũng có nghĩa là việc làm của chúng tôi đã mang lại ý nghĩa nhất định, được cộng đồng đón nhận. Mỗi khoảnh khắc gửi gắm phần cơm ấm nóng tới tay người khó khăn và nhận về những nụ cười rạng rỡ, chúng tôi đều thấy vô cùng hạnh phúc”, anh Nguyễn Anh Vũ chia sẻ.
Ấp ủ thêm nhiều hoạt động tương trợ người nghèo
Biết tới quán cơm từ những ngày đầu mở cửa, cô N.Th.T (65 tuổi), bán hàng rong tại khu vực Bạch Đằng, cho biết rất cảm kích trước việc làm của nhóm thiện nguyện. "Giữa trưa lỡ bữa, đến đây nhận về 1-2 suất cơm cho mình và con, với số tiền gần như không thể mua được gì trong thời buổi này, tôi cảm thấy mình được động viên, an ủi rất nhiều. Đôi khi chỉ những điều đơn giản như thế cũng đủ khiến cuộc sống trở nên dễ thở hơn nhiều. Mong rằng, thành phố sẽ có nhiều hơn những mô hình như vậy, giúp người nghèo vơi bớt gánh nặng mưu sinh", cô N.Th.T chia sẻ.

Được biết, trung bình mỗi ngày, quán cơm “405 Bạch Đằng” bán ra từ 70-80 suất cơm cho những khách hàng đặc biệt và chi phí để duy trì hoạt động của quán đều từ nguồn đóng góp của các thành viên Quỹ thiện nguyện, người thân, bạn bè - những người cùng chung nguyện vọng dành những quan tâm, sẻ chia ý nghĩa với người nghèo.
Khi được hỏi về mục tiêu trong tương lai, anh Nguyễn Anh Vũ hy vọng mô hình này sẽ còn được nhân rộng hơn nữa. “Trước sự đón nhận của người dân, chúng tôi đang ấp ủ kế hoạch nhân lên buổi phát cơm trong tuần, thay vì một ngày duy nhất như hiện giờ”, anh Nguyễn Anh Vũ thông tin.
Còn theo chị Hoàng Dung, thành viên nhóm Quỹ thiện nguyện Tâm Thương: Đồng hành với những người cùng chung tâm nguyện, lại rất chỉn chu, trách nhiệm trong từng công việc được giao, tôi thực sự rất vui và cảm kích, sẵn lòng hỗ trợ hết mình, chia sẻ công việc với các thành viên để việc làm này tiếp tục được lan tỏa, giúp cho những người lao động nghèo có thể tiết kiệm thêm chút tiền để trang trải cuộc sống mà vẫn có một bữa ăn no, ngon lành.

Được biết, ngoài quán cơm 1.000 đồng duy trì các thứ hai hằng tuần, anh Nguyễn Anh Vũ cùng nhiều thành viên còn triển khai nhiều hoạt động từ thiện ý nghĩa khác, như: Mở tủ đồ miễn phí; tổ chức chuyến xe nghĩa tình đưa bà con làm ăn xa về quê ăn Tết; tổ chức các hoạt động quyên góp, chuyên chở thực phẩm, đồ dùng… tới các vùng sâu, vùng xa dành tặng đồng bào nghèo…
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Chương Dương Vũ Thị Bích Hằng, chính quyền địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hoạt động thiện nguyện vì người nghèo, bởi đây là việc làm có ý nghĩa, thiết thực với xã hội.
(Theo Hà Nội Mới)
Xem thêm: Những suất cơm 0 đồng ấm bụng cho người vô gia cư của nhóm bạn sinh viên TP.HCM
Đọc thêm
Quán cơm miễn phí được anh Lê Hùng Dương xây dựng để giúp đỡ người lao động nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn.
Cứ 3 buổi 1 tuần, lớp học yoga đặc biệt dành cho các bệnh nhân Khoa Ung bướu phụ khoa Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) lại được tổ chức.
Những tấm lòng thơm thảo, những hành động ý nghĩa xuất hiện ở mọi ngóc ngách trên đất nước Việt Nam. Điển hình như những ngày hè nắng nóng tại Hà Tĩnh xuất hiện nước miễn phí, dừa 0 đồng...
Bài mới

Trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg được công bố mới đây, Bill Gates lần đầu tiên sau nhiều năm rơi khỏi top 10 người giàu nhất thế giới. Giá trị tài sản ròng của ông giảm 30%, tương đương 52 tỷ USD, sau khi Bloomberg điều chỉnh cách tính để phản ánh chính xác hơn các khoản quyên góp từ thiện khổng lồ của vị đồng sáng lập Microsoft.

Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai thứ hai 18 tuổi lén mẹ đăng ký đi kháng chiến chống Mỹ và không trở về. Hơn 60 năm nay, mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lang (Hội An, Quảng Nam cũ) vẫn ôm ấp niềm hy vọng một ngày nào đó có thể tìm được hài cốt con trai thay vào ngôi mộ gió được lập nhiều năm nay.

Giữa những trang giấy đã úa màu thời gian, 109 bức thư mà bà Vũ Thị Lui nâng niu gìn giữ chính là những mảnh hồn xưa còn sót lại của một thời đạn lửa. Mỗi con chữ đều thấm đẫm tình yêu thương, nỗi mong nhớ và cả tinh thần bất khuất của một thế hệ đã sống, đã yêu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Những bức thư ấy đã theo chân người lính qua rừng sâu, suối cạn, qua những năm tháng hành quân gian khổ và hôm nay, chúng vẫn còn đó như những nhân chứng thầm lặng kể lại bản anh hùng ca của một thời không thể nào quên.

Từ nữ sinh đầu tiên của Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế đến chuyên gia y tế cộng đồng, thạc sĩ Phan Vũ Diễm Hằng dành trọn hành trình sự nghiệp cho những việc tử tế. Ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn bền bỉ với những dự án giáo dục vùng cao, xây ký túc xá, bảo trợ học sinh nghèo và lan tỏa tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”.

Xung phong đi xã, được chỉ định làm Bí thư xã ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), Phó giáo sư Đoàn Văn Trường (SN 1989) nguyên Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần nhiệt huyết: “Tôi mong muốn được phát triển, thay đổi những vùng đất khó, giúp người dân miền núi có cuộc sống tốt hơn”.