Phần người quằn quại của Chí Phèo trong cái gầm trời mang tên "Vũ Đại"

Trong cái gầm trời mang tên "làng Vũ Đại", phần người của Chí Phèo bị bóp nghẹt, bị biến dạng, bị chặn đứng, bị ngoảnh mặt...

Đỗ Thu Nga
10:30 04/02/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Giai đoạn văn học hiện thực 1930-1945 là một “vùng đất hứa” cho những cây bút tài hoa đâm chồi biếc. Đặc biệt, khi những tài năng ở thời kỳ Mặt trận dân chủ như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan hay Vũ Trọng Phụng… không còn tạo thêm được tiếng vang thì Nam Cao lại xuất hiện với một màu sắc riêng biệt. Có nhà phê bình đã từng nói : “Nếu như với Vũ Trọng Phụng, đời là mảnh ghép của những nghịch cảnh, với Thạch Lam đời là miếng vải có lỗ thủng, những vết ố nhưng vẫn vẹn nguyên thì với Nam Cao đời là một tấm áo bị xé rách tả tơi - từ làng Vũ Đại tới mỗi gia đình, mỗi số phận.” Vậy nên, từ những mảnh vải rách ở đời nhà văn Nam Cao đã góp nhặt và xây dựng nên hình tượng nhân vật Chí Phèo - một điển hình nghệ thuật bất hủ trong tác phẩm cùng tên của nhà văn.

Nam Cao là một cây bút hiện thực xuất sắc với cảm quan hiện thực đặc biệt, mới lạ và hiếm có. Nhà văn đã không ngừng dấn thân, vượt qua mọi khuôn khổ cũ kĩ mà nhiều ngòi bút “tả chân” lúc bấy giờ đã miêu tả ở nông thôn. Nếu như những tác phẩm hiện thực lúc bấy giờ chủ yếu tố cáo những nạn sưu cao thuế nặng, nạn chiếm đoạt ruộng đất hay nạn tô tức, tham quan,... thì ông lại chọn cho mình một hướng đi khác biệt. Nhà văn đề cập tới vấn đề mang tính nhân sinh sâu sắc hơn cả. Đó là sự băng hoại của tâm hồn, hiện tượng tha hóa, tiêu mòn lương tri của người nông dân. Vì thế nên truyện ngắn của ông có tầm khái quát hơn cả bởi nó không chỉ “miêu tả trung thực những mối quan hệ thực”(Ăngghen) trong xã hội lúc bấy giờ mà còn nêu lên vấn đề nhân bản của con người. Tất cả những yếu tố ấy đều được quy chiếu, hội tụ trong nhân vật Chí Phèo. Khi Chí Phèo ngất ngưỡng bước ra từ những trang sách Nam Cao ta thấy rằng đây mới là kẻ khốn cùng nhất của nông thôn ta ngày trước.

Hình tượng nhân vật là nơi quy tụ mọi vẻ đẹp về phẩm chất cũng như nhân sinh phức tạp mà nhà văn muốn phản ánh trong cuộc sống, con người. Ở đó kết đọng những suy ngẫm, tư tưởng và tình cảm trong cái nhìn hiện thực của nhà văn. Và hình tượng Chí Phèo không chỉ là một sự dụng công tài tình của Nam Cao trong việc thể hiện quan điểm nghệ thuật, cảm hứng nhân đạo mà còn là hình thể sống động lưu động hình bóng của cả một thời đại lúc bấy giờ.

Đầu tiên hình ảnh Chí Phèo hiện lên với những bước chân loạng choạng trong tình trạng say khướt và “ hắn vừa đi vừa chửi”, “cứ rượu xong là hắn chửi”. Như thế ngay từ những trang đầu tiên Nam Cao đã khắc hoạ một tên “ma men” suốt ngày chỉ trào ra hơi rượu cùng những lời lẽ tục tĩu. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tác giả lại đặt hình ảnh ấy lên đầu tác phẩm. Để rồi tiếng chửi trở thành những ấn tượng khó phai trong lòng người đọc.

Phan-nguoi-quan-quai-cua-Chi-Pheo-trong-cai-gam-troi-Vu-Dai

Còn gì đau khổ hơn tiếng chửi của Chí, hắn chửi đời, chửi trời rồi lại phỉ báng đến mọi người trong làng Vũ Đại, thậm chí là cả những người sinh thành ra hắn. Hắn cứ thế chìm trong cơn say triền miên và bất tận. Ta thấy ở hắn quả là một tên ma men thực sự, không sợ trời cũng chẳng sợ đất, nhưng cũng chợt thảng thốt khi nhận ra chiều sâu bên trong tiếng chửi ấy. Có tên say nào lại chửi có lớp lang thứ bậc rõ ràng như hắn? Từ những gì xa xôi, trừu tượng nhất đến những đối tượng cụ thể như người dân làng Vũ Đại, những đứa nào không chửi nhau với hắn và cả đấng sinh thành của hắn. Người đọc cũng thật bất ngờ khi nhận ra ẩn chứa trong tiếng chửi ấy là ba giọng điệu khác nhau: đó là tiếng chửi căm phẫn, hằn học của Chí Phèo đối với mọi người xen lẫn là tiếng đay nghiến, đau đớn mà hắn tự sỉ vả mình. Ở đó còn chất chứa giọng văn đầy uất ức của nhà văn: “Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật!”. Ông như đang nhập thân vào nhân vật để buông lên tiếng chửi đầy căm phẫn, xót xa. Điều ấy đòi hỏi một sự thấu cảm và đồng điệu mà không phải nhà văn nào cũng có được. Như vậy, chênh vênh giữa hai bờ say – tỉnh, tiếng chửi của Chí Phèo không đơn thuần chỉ là lời bộc trực của một bản ngã vô can trong lúc say, mà còn là lời phẫn uất của một linh hồn cô độc tìm kiếm sự đồng vọng ở đồng loại. Thế nhưng xã hội này đã không còn ai coi hắn là người nữa rồi. Họ xem hắn như một sinh vật nguy hiểm và đáng sợ cần phải tránh xa. Con người đằng sau tư cách của cá thể riêng độc lập thì luôn là tư cách của con người với cộng đồng. Chúng ta không thể tồn tại như một con người đúng nghĩa nếu thiếu đi sự gắn kết với những người xung quanh. Nói như Nguyễn Văn Trung thì “hắn là một sự thừa thãi tuyệt đối.” Điều đó chẳng khác gì sự tồn tại của Chí Phèo là vô nghĩa: “Sự vô nghĩa sinh ra từ sự đối chiếu giữa lời kêu gọi của con người và sự im lặng của cuộc đời.”(A. Camuy).

Giữa không gian xơ xác vắng vẻ của làng Vũ Đại, tiếng chửi của Chí vang lên. Tiếng chửi như một tiếng thét gào của một linh hồn méo mó, đau khổ vẫn không ngừng khát khao được giao tiếp, được chứng nhận sự hiện diện của mình trên cõi đời. Vậy mà đáp lại lời hắn chỉ có tiếng sủa của ba con chó. Có thể thấy, từ những trang văn đầu tiên, Nam Cao phơi bày trước mắt người đọc bi kịch của một con người bị ruồng bỏ, bị chối từ giữa xã hội đầy lạnh lùng và khô héo tình yêu thương. Chẳng có không gian hay thời gian nào được Nam Cao miêu tả cụ thể, dường như ông muốn trải dài âm thanh đau đớn của khúc độc tấu ấy trên con đường đời dài dằng dặc, qua tháng năm thăm thẳm, để hắn cứ đi cứ chửi và xung quanh vẫn cứ lặng thinh đáng sợ.

Có lẽ cuộc đời Chí Phèo là hai chặng đường riêng lẻ: trước khi tha hóa và sau khi bị tha hóa. Trước khi bước vào con đường lưu manh, Chí Phèo từng là một anh canh điền chất phác, chăm chỉ và giàu lòng tự trọng. Từ khi sinh ra hắn đã là một đứa trẻ mồ côi đáng thương “trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không ”, ngay từ ban đầu hắn đã là một đứa trẻ không cha không mẹ, không nơi nương tựa, không một họ hàng thân thích. May sao, được sự cưu mang truyền tay những người nông dân nghèo khổ, hắn đã lớn lên bằng tình yêu thương giản dị của mọi người và trở thành anh canh điền thật thà chất phác được Bá Kiến tin dùng. Nhưng rồi, đáng thương thay, chàng trai hai mươi tuổi đầu ấy lại trở thành công cụ nhục thể của bà Ba - vợ Bá Kiến. Tuy nhiên, hắn đã không sa đà vào dục vọng, không để cái bản năng tầm thường chiếm lấy con người mình. Cái phần trong trẻo trong hắn đã nói lên rằng: “Hai mươi tuổi người ta không là đá nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt.” Con người đâu phải lúc nào cũng bị những thứ sắc dục tầm thường che mờ đôi mắt. Và có lẽ ở Chí Phèo, hắn luôn tìm kiếm những tình cảm đích thực. Cho đến khi gặp Thị Nở, hắn mới có sự thức tỉnh, sự rung cảm của một con người. Không may, con người đáng thương và đầy tội nghiệp ấy lại rơi vào cái hố ghen tuông nơi Bá Kiến. Để rồi bị đẩy vào tù oan, kể từ đây, cuộc đời Chí bước sang trang mới, một thế giới đầy tối tăm và tội lỗi.

Đến đây, ý nghĩa xã hội trong Chí Phèo mới được bộc lộ rõ nét. Chí Phèo là một hiện tượng điển hình cho thực tại đời sống khổ cực, bị đè nén dẫn tới con đường lưu manh hóa của người nông dân trong một xã hội trước Cách mạng. Khi từ nhà tù trở về, Chí Phèo đã hoàn toàn biến đổi về cả nhân tính lẫn nhân dạng. Bề ngoài của hắn là một tên lưu manh gớm ghiếc như quỷ dữ với “cái đầu trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen, hai mắt gườm gườm, cái ngực thì đầy những nét chạm trổ rồng phượng, hắn còn mặc quần nái đen với áo tây vàng”. Vừa ra tù hắn đã đi tới nhà Bá Kiến rạch mặt ăn vạ rồi sau đó trở thành tay sai cho lão, trượt dài trên con đường tha hóa, gây ra bao tội lỗi cho bao con người. Giờ đây Chí Phèo đã hoàn toàn nằm gọn trong tay bọn cường hào ác bá, trở thành một công cụ hữu hiệu cho chúng. Ta tự hỏi do đâu mà một con người lại thay đổi hoàn toàn như thế? Phải chăng, nhà tù thực dân, một nơi đầy tăm tối và tù đọng đã tạo điều kiện cho những cái tạp nham, xấu xa bẩn thỉu gặm mòn tâm hồn con người, biến một con người vốn thật thà chất phác như Chí lại trở thành một tên lưu manh đi rạch mặt ăn vạ kẻ khác? Hay sự ghen tuông đầy ích kỷ của Bá Kiến - kẻ đại diện cho cả một giai cấp thống trị độc ác ranh mãnh đã áp bức, chèn ép con người vào hoàn cảnh tội lỗi? Hóa ra ở Chí, chỉ là sự phản kháng trong cùng cực và tuyệt vọng.

Nhưng rồi, vẫn còn một thế lực vô hình tồn tại. Đó cũng là một vấn đề mang tầm phổ quát mà ta hiếm khi thấy được ở những tác phẩm văn học hiện thực khác - định kiến xã hội. Những lời cay độc của bà cô thị Nở chính là minh chứng rõ ràng cho cái khuôn khổ đáng sợ của xã hội. Khi một con người không còn vừa vặn những khuôn lề được định sẵn của xã hội, họ sẽ bị ném vào tình thế đầy nhục nhã, đứng trước hàng triệu mũi tên chế giễu cay độc của người đời. Và nói như nhà thơ Pháp Phrăngxoa Côpê: “Người ta chỉ xấu xa trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ”. Quả thật, cũng chính thế lực vô hình ấy đã thôn tính cái tình người ấm áp nhưng cũng thật mong manh của Thị Nở, cuốn phăng đi tất cả niềm tin và hy vọng của Chí Phèo, đẩy bi kịch của hắn lên đến tột cùng.

Bước ngoặt đầu tiên chính là buổi sáng khi Chí Phèo thức dậy sau một trận ốm nặng. Lần đầu tiên trong đời hắn tỉnh về cả lý trí lẫn tâm hồn. Hắn đã có thể thấy, có thể nghe những khung cảnh, âm thanh rất đời thường mà chẳng mấy khi hắn để ý. Tất thảy những thứ ấy lại gợi trong hắn cảm xúc “ nao nao buồn”, đẩy hắn về một triền ký ức, về những ước mơ xa xôi của một thời tuổi trẻ. “ Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn, cày thuê vợ dệt vải.”, đó là một giấc mơ rất đỗi giản dị của một anh thanh niên hiền lành chất phác. Giờ nhìn lại mới thấy, hắn già và cô độc. Hắn thấy cái cô độc mới thật kinh khủng làm sao, bởi hắn đã cô đơn suốt cả một đời dài. Sự hiện diện của hắn chẳng khác gì một ốc đảo lẻ loi, hoang vắng và tàn lụi. Thế mới thấy Chí Phèo vốn thật đáng thương. Ta thương cái phận người mà chẳng được kết nối với những kẻ ở quanh. Ta thương cái tâm hồn vốn thiện lương rồi bỗng chốc hoá quỷ dại. Vì đâu hắn khổ đến thế?

Ở ngay đó thôi, ngay trên những con chữ sắc sảo của Nam Cao, ta vẫn thấy tình người hiện hữu, đầy giản dị và ấm áp. Chính nhờ tình người ấm áp giản dị mà Thị đem đến đã khiến hắn tỉnh ngộ. Bát cháo hành ấm nóng mà thị nấu cho hắn chính là biểu tượng rõ rệt cho tình yêu thương nồng ấm, chân thành của một người đàn bà. Hắn từ ngạc nhiên, rồi mắt “hình như ươn ướt” khi lần đầu tiên được nhận một thứ mà không cần phải dọa nạt hay cướp giật. Lần đầu tiên trong đời Chí Phèo khóc, vì cảm động, vì vỡ òa trong hạnh phúc bất ngờ. Bởi đó là lần duy nhất trong đời hắn được săn sóc bởi một bàn tay “đàn bà” và hắn chợt cũng nhận ra một triết lí trong cuộc đời hắn: “ những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành rất ngon.” Chí Phèo hẳn cũng sẽ không thể cảm được cái tình người nồng ấm và quý giá đến đâu nếu không có bàn tay yêu thương của thị Nở. Thị là hiện thân của tình thương, tình người ấm áp. Nếu như nhân loại cũng có một tình thương giản dị như thế, thì biết bao kiếp người hẳn không chỉ là Chí Phèo đã không biến thành quỷ dữ. Từ tình thương của thị Nở, Nam Cao cũng gửi gắm đến người đọc một thông điệp sâu sắc về ý nghĩa của tình yêu thương giữa con người với con người, rằng đó là sức mạnh kì diệu có thể cứu rỗi một con người, giúp họ tìm về với cội nguồn nguyên sơ của mình.

Chính vì vậy ngay trên những trang văn sắc sảo còn ấp ủ cả một tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn. Trong suốt cuộc đời mình ông đã luôn đau đáu một điều: làm thế nào để có thể nhìn nhận bản chất lương thiện của người nông dân dẫu vẻ ngoài có thô kệch, xấu xa? Trong các tác phẩm truyện ngắn của mình ông đã xây dựng hàng loạt các nhân vật xấu xí dị dạng như: Chí Phèo, Thị Nở, Trạch Văn Đoàn, Mụ Lợi,..Dù có vẻ ngoài gớm ghiếc đến đâu bên trong họ vẫn tồn tại những phẩm chất đáng quý. Phải chăng đó là nhờ đôi mắt của tình thương để dù cho trên khuôn mặt chằng chịt sẹo của Chí Phèo hay vẻ xấu xí, ngơ ngẩn của Thị Nở, Nam Cam vẫn luôn nhìn thấy ở họ sáng ngời những vẻ đẹp đáng quý mà xã hội lúc bấy giờ chẳng mấy ai có được. Như cách mà nhân vật ông giáo trong tác phẩm “Lão Hạc” nghĩ: “Chao ôi ﺇ Đối với những người sống quanh ta , nếu ta không cố mà tìm hiểu họ, ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương”. Phải rồi, nếu không có tình thương thì con người đâu thể thấu hiểu và cảm thông cho nhau được? Thị Nở được tác giả giới thiệu là một người đàn bà xấu xí, dở hơi, góa chồng lại còn thuộc giống hủi. Nhà văn dường như đã đổ mọi sự mỉa mai của Hóa công lên người đàn bà đáng thương này. Tuy nhiên ông không hề sa vào thứ văn chương hạ thấp con người của chủ nghĩa tự nhiên mà nhiều người thường nhận xét. Từ nhân vật này nhà văn muốn đem tới một quan niệm mới mẻ về cách nhìn nhận con người. Đối lập với vẻ bề ngoài là một con người hồn nhiên và giàu lòng yêu thương, người phụ nữ ấy nói như Ngô Văn Giá là “một khối tự nhiên thô mộc” không ngờ lại có một tình cảm quý giá có thể cứu rỗi một con người. Soi chiếu vào nhân vật Chí Phèo , người đọc cũng nhận thấy đó là một con người cô độc và đáng thương, cũng là kẻ khốn cùng nhất trong dòng chảy văn học hiện thực. Hóa ra bên trong lớp vỏ xù xì thô kệch của một con quỷ dữ là một tình cảm đẹp, một khát khao được sống và hòa đồng trong thế giới bằng phẳng của những người lương thiện.

Thế nhưng càng khát khao bao nhiêu lại càng đau đớn bấy nhiêu khi quan hệ người đổ vỡ, hắn phải đối mặt với bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Đúng như Ngô Văn Giá đã từng nhận xét thị Nở là “ một khối không đồng nhất giữa các mặt của một tính cách”, thị vừa hồn nhiên, giàu tình cảm lại vừa mong manh dễ vỡ, dễ đổi thay. Trong phút chốc những lời gièm pha cay độc của bà cô đã bóp nghẹt tình người trong thị khiến thị quyết định ruồng bỏ Chí. Thế mới thấy quan hệ người đích thực trong cái xã hội này mới thật mong manh làm sao! Những định kiến của xã hội, tưởng chừng như vô hình, lại có sức mạnh thổi tan lửa tình, đóng chặt cánh của hoàn lương của Chí Phèo đẩy hắn đến bờ vực của tuyệt vọng, khổ đau. Trong nỗi bi lụy thống khổ của mình, hơi cháo hành hiện ra trong trí nghĩ của hắn như một sự trêu ngươi, cũng như một vết cứa đớn đau về một hạnh phúc mong manh, xa vời. Đến đây tiếng khóc đã bật ra và tuôn trào trong linh hồn đau khổ, hắn “ôm mặt khóc rưng rức”. Đã hơn một lần Nam Cao đưa ra những chi tiết có giọt nước mắt. Đó là những giọt nước mắt đắng cay và chua xót và bất lực của Hộ, là hàng lệ chói ngời nhân cách của lão Hạc và giờ đây là sự tuyệt vọng, bất lực của Chí Phèo. Nam Cao rất tin vào những giọt nước mắt bởi đó chính là biểu hiện rõ rệt nhất của tính người. Có người đã cho rằng Chí Phèo, ngay khi từ cõi quỷ trở về đã luôn trong tâm trạng chực chờ khóc. Bởi ngay từ trong tiếng chửi xuất hiện đầu tiên cũng đã phảng phất âm điệu bi thống của một linh hồn cô độc, bơ vơ giữa cuộc đời, cho đến buổi sáng sau khi thức dậy từ một trận ốm hắn cứ “vẩn vơ nghĩ mãi, thì đến khóc được mất”, khi đón nhận bát cháo hành ấm nóng của thị Nở, thấy “mắt hình như ươn ướt” và giờ đây là bị cự tuyệt thì nước mắt thực sự tuôn trào cho những đau khổ bấy lâu nay của hắn. Kẻ không nhận ra nỗi đau của mình sẽ không thể cảm thấy đau được, nhưng Chí Phèo đã không còn say nữa, cho dù uống rượu thì hắn “càng uống càng tỉnh”, lương tri đã tìm về và hắn đủ tỉnh táo để nhận ra bi kịch của mình. Những giọt lệ nóng hổi ứa ra chứng tỏ một sự thức tỉnh hoàn toàn cùng một phẩm chất đáng quý. Ta vẫn ám ảnh không thôi giây phút hắn chạy theo thị Nở và nắm lấy tay thị nhưng rồi bị gạt ra và giúp cho thêm một cái. Ấy là lần duy nhất hắn níu kéo một mối quan hệ người cũng là giây phút thảng thốt, chới với của một sinh linh đáng thương biết mình đã bị ruồng bỏ.

Từ nỗi đau tột cùng đã chuyển hóa thành sự căm phẫn tột độ, hắn xách dao đi đến nhà thị Nở để giết “con khọm già nhà nó”, ấy chính là bà cô thị Nở, cái loa phát thanh của xã hội, kẻ đã cắt đứt mối lương duyên của hắn. Nhưng lần này trái ngược với mọi khi, chất men say giờ đây không thể phủ mờ lên cái lí trí tỉnh táo của hắn nữa. Hắn đã biết trên con đường dằng dặc kia kẻ thù của hắn đang ở đâu. Kẻ đã gây ra bi kịch cho cuộc đời hắn, khiến hắn phải bán đi linh hồn của mình để rồi suốt đời quẩn quanh, bế tắc trong vòng tội lỗi, chẳng ai khác ngoài Bá Kiến- ngọn nguồn của mọi tội lỗi trong cuộc đời Chí.

Hành động cuối cùng của hắn là tiêu biểu cho việc lấy máu rửa thù của nhân dân ta. Nam Cao cũng giống như Ngô Tất Tố đã thấy trước cái không khí không yên ổn ở nông thôn ta lúc bấy giờ. Đó là mối xung đột giai cấp giữa nông dân và tầng lớp thống trị, giai cấp địa chủ độc ác, “khôn róc đời” như Bá Kiến tuy im ỉm ngấm ngầm nhưng thực chất có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Và cái chết của Bá Kiến chính là một minh chứng rõ ràng cho mối xung đột lên tới đỉnh điểm. Thế nhưng điều làm người đọc xót xa ở đây chính là cái chết của Chí Phèo. Có lẽ, bằng sự tỉnh táo hơn bao giờ hết, hắn đã nhận ra mình không thể tiếp tục sống trong một xã hội tàn ác như thế nữa, cho nên mới chọn cái chết như một sự giải thoát khi đã bước tới con đường cùng. Người đọc không khỏi ám ảnh, hụt hẫng và đau đớn trước sự ra đi đầy bi thảm của hắn: “ Mắt hắn trợn ngược. Mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói, nhưng không ra tiếng. Ở cổ hắn, thỉnh thoảng máu vẫn còn ứ ra.” Ta cũng từng thấy trên những trang văn của Nam Cao đã từng có một lão Hạc đau đớn, quằn quại bởi ăn bả chó để giữ gìn phẩm hạnh cho mình và giữ lại mảnh vườn cho con. Nay lại có một Chí Phèo cùng quẫn trong tuyệt vọng, chết lịm trong vũng máu tù đọng bế tắc của cuộc đời. Lời nói cuối cùng của hắn trước khi ra đi vừa đanh thép vừa chất chứa phẫn nộ, vừa mang sắc thái triết học, âm điệu bi thống, ám ảnh làm cho người đọc sững sờ, day dứt không thôi: “ Ai cho tao làm người lương thiện? Làm thế nào để mất đi những vết mảnh chai trên khuôn mặt này?”. Hắn đã nhận ra mình chẳng thể quay trở lại cuộc sống lương thiện của một người nông dân nữa, khuôn mặt chằng chịt sẹo và quá khứ ngang dọc những tội lỗi đã đẩy hắn ra xa thế giới loài người, biến hắn thành một sinh thể cô lập đầy tội lỗi. Ta đồng thời nhận thấy trong câu nói của hắn cũng chứa đựng một sự tỉnh táo rõ ràng, vì thế có người đã cho rằng:”Cả làng Vũ Địa đều say, duy chỉ có Chí Phèo là tỉnh.” Ý kiến đó, theo tôi là không hoàn toàn đúng, nhưng cũng phải ghi nhận rằng trong đám dân quê ngu ngơ yên phận của làng Vũ Đại chỉ có Chí Phèo mới nhận ra cái quy luật khắc nghiệt, nhìn thấu cái hiện thực tàn khốc của xã hội đương thời. Đó là khi nào xã hội còn tồn tại cường quyền bạo ngược thì cuộc sống của người nông dân vẫn mãi không thể ngóc đầu lên được. Người dân làng cứ bàn tán xôn xao mà chẳng biết nguyên nhân Chí Phèo giết Bá Kiến rồi tự tử cũng chẳng ngờ rằng vẫn còn những thế lực như Bá Kiến tồn tại ngất ngưởng ở trên đầu. Thế cho nên cuộc sống của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám thực sự mãi là một vòng bi kịch lẩn quẩn trong ao tù bế tắc.

Từ đó có thể thấy hình tượng nhân vật Chí Phèo được Nam Cao xây dựng một cách tài tình qua ngòi bút phân tích tâm lý điêu luyện của mình. Ông ít miêu tả ngoại cảnh mà thường đi sâu vào khai thác những mảng tâm lí phức tạp, “con người bên trong” và những tính cách không rõ rệt mang tính lương phân như trong tiếng chửi của Chí. Đồng thời nhà văn sử dụng lối kể chuyện linh hoạt kết hợp nhiều giọng điệu khác nhau tạo nên nhiều chiều kích trong tác phẩm. Bên cạnh đó, bút pháp tự sự cùng những lời văn thấm đẫm triết lý cũng tạo nên chiều sâu tư tưởng cho tác phẩm.

Mỗi một hình tượng nhân vật đều là một sản phẩm độc đáo của một cái tính sáng tạo riêng. Bởi bản chất của lao động nghệ thuật là sáng tạo và đó cũng chính là điều mà nhà văn luôn tâm niệm :”Nghệ thuật là hoạt động sáng tạo không ngừng.” Bởi thế dù xây dựng cả một hệ thống những nhân vật dị dạng song mỗi một nhân vật đều có một màu sắc riêng, thể hiện một cảnh đời, một số phận và một tính cách khác biệt. Chính điều đó tạo nên một bức tranh muôn màu của cuộc sống hiện thực khắc ghi vào lòng người đọc những ấn tượng khó phai. Dù vẫn giữ giọng văn lạnh lùng, khách quan, nhà văn đã thẳng thắn đứng ra vạch trần bộ mặt tối tăm của xã hội đồng thời lên tiếng, cãi trắng án cho những số phận người nông dân đáng thương.

Trong cảm hứng “vạch khổ” chung của các nhà văn hiện thực, Nam cao đã có những khám phá riêng trong nỗi thống khổ mênh mông của con người. Cho nên những nhân vật của Chí Phèo đã ra đời với tư cách là “ đứa con tinh thần” của Nam cao. Trong những trang văn của Nam Cao nhân vật Chí Phèo đã tồn tại với tính cách và hình hài như chính sự hiện diện của hắn ở ngoài đời. Ta tưởng như hắn bước ra từ trang sách, đang hiện hữu ngay giữa đời thường. Và trên nền một bức tranh xã hội đầy đặn và phúc tạp mà Nam Cao phản ánh thì nhân vật Chí Phèo đã từng bước phơi bày bản chất của một xã hội thực dân nửa phong kiến suy đồi , “tối ư vô lí” ( Sống mòn) và nói như nhiều nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng từng nhận định là “nổi váng lên”, đó là một xã hội tù đọng và tối tăm đồng thời cũng truyền tải những quan điểm triết lí nhân sinh đầy mới mẻ và tiến bộ của Nam Cao. Chí Phèo là cả một khối tâm tư, một công trình nghệ thuật mà Nam Cao đã hun đúc bằng tình cảm, tài năng và cái nhìn sâu sắc luôn dõi theo cuộc sống leo lắt của người nông dân. Vậy cho nên, có thể nói Chí Phèo là một điển hình nghệ thuật tiêu biểu của Nam Cao, một nhân vật bất hủ trong dòng chảy vĩ đại của văn học hiện thực.

Từ nhân vật Chí Phèo soi chiếu vào đời sống nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám với những mối xung đột giai cấp gay gắt và sự tan tác rời rã của các mối quan hệ người. Nhưng Nam Cao không hề thích “triển lãm các thứ rác rưởi”(Lê-nin) để hấp dẫn thị hiếu của người đọc mà thực sự là một nhà văn có bản lĩnh lớn bởi ông đã không gạt bỏ những số phận bé mọn tầm thường tửng như là thừa thãi nơi tận đáy ao tù của xã hội mà còn nhìn thấy ở họ lấp lánh những vẻ đẹp đáng quý. Bên cạnh đó, nhà văn cũng không ngừng mài sắc cái nhìn xã hội và luôn thấu hiểu cho nỗi khổ đau mênh mang của con người.

“ Khi một nhà văn mới xuất hiện, chúng ta bao giờ cũng tự hỏi: Anh ta là người như thế nào? Liệu anh ta có mang lại điều gì mới trong cách nhìn đời của chúng ta?” ( Lev Tolstoy). Khi Nam Cao xuất hiện, hẳn ai cũng tò mò về cây bút trẻ này. Cho đến khi hình ảnh Chí Phèo ngất ngưởng bước ra từ những trang văn nhạy bén, sắc sảo đã đem lại cái nhìn mới mẻ cũng những dư âm khó phai trong lòng người đọc. Trong tâm niệm còn nguyên vị đắng của cuộc đời quẫn bách, ta vẫn tìm thấy ở Nam Cao niềm tin và tình yêu thương của ông dành cho người nông dân cùng khổ nơi Chí Phèo. Hắn như sống mãi trong những trang sách, trong vị đắng chát của cuộc đời nghiệp ngã và trong trái tim luôn thổn thức của người đọc, thắp lên trong tim ta ngọn hải đăng sáng lòa giữa mịt mùng biển khơi để soi lối cho ta tìm về với cõi trong trẻo, hồn hậu, thẳm sâu của lương thiện.

(Bài viết của Lý Thái - Học sinh khóa LLVH và Luyện viết chuyên sâu của Thích Văn học)

Xem thêm: "Hắn vừa đi vừa chửi..." - Câu văn mở đầu siêu ấn tượng trong truyện ngắn Chí Phèo

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận