"Hắn vừa đi vừa chửi..." - Câu văn mở đầu siêu ấn tượng trong truyện ngắn Chí Phèo
Câu văn mở đầu rất quan trọng, nó là cách nhà văn xác định hướng phát triển của câu chuyện mình muốn kể... Và Chí Phèo đã có câu văn mở đầu rất ấn tượng.
"Hắn vừa đi vừa chửi", đây là câu văn mở đầu kiệt tác Chí Phèo chỉ có năm chữ nhưng chứa đủ các thông tin về nhân vật chính và sức nổ của tư tưởng-chủ đề tác phẩm: "hắn" là đại từ chỉ nhân vật, khi gọi ai đó là hắn cũng đủ biết thái độ của nhà văn đối với đối tượng được miêu tả; hơn thế cũng có thể thấy được địa vị xã hội, tình cảnh sống của họ. Một người vừa đi vừa chửi, chắc chắn tâm trạng không bình thường (người ấy chắc đang rất buồn, thậm chí đầy giận dữ một cách vô cơ vì một điều vô nghĩa lí nào đó). Thậm chí câu mở đầu truyện ngắn cũng có thể cho ta biết được cái phong vị văn chương, thậm chí cả phong cách của nhà văn. Câu văn mở đầu cho ta biết được lối tư duy nghệ thuật của nhà văn, một lối tư duy khúc chiết, sáng rõ như tư duy của một nhà toán học.
Câu văn mở đầu truyện ngắn cũng cho ta biết được phương pháp viết văn của Nam Cao, chúng tôi tạm gọi đó là phương pháp giãn cách. Phương pháp giãn cách được ứng dụng trong sáng tác và diễn xuất kịch, nó yêu cầu diễn viên phải tạo một khoảng cách giữa mình với vai diễn, không được hòa tan, không được đánh mất sự tỉnh táo để ngộ nhận cái ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc đời. Trong trường hợp này, nhà văn Nam Cao đã giữ một khoảng cách cần thiết giữa mình và nhân vật Chí Phèo.
Câu văn mở đầu cũng cho ta nhận biết một lối văn có tốc độ của Nam Cao, tốc độ này tạo cho tác phẩm 1 nhịp điệu riêng. Câu văn mở đầu cũng đồng thời có thể giúp người đọc nhận biết được giọng văn của nhà văn trong tác phẩm này. Trong ngôn ngữ giao tiếp, người ta chú ý đến ngữ điệu, còn trong tác phẩm văn chương người ta chú ý đến giọng điệu. Giọng là hạt nhân của phong cách nghệ thuật ngôn từ trong sáng tác thơ cũng như văn xuôi. Câu văn mở đầu truyện Chí Phèo cho ta nhận biết ngay một giọng đặc trưng, đặc sắc của Nam Cao-giọng bình thản, lạnh lùng, khách quan và đôi khi có vẻ "tàn nhẫn". Giọng này có đặc tính như nhận xét của nhà văn Pháp A.Phơrăngxơ về G. Môpatxăng, đại ý, đằng sau sự lạnh lùng tàn nhẫn là giọt nước mắt ấm nóng nhỏ xuống những kiếp người nhỏ bé, đáng thương, những con người bình thường nhưng tâm hồn và nhân cách thánh thiện.
Viết được câu văn mở đầu hay là nhà văn đã xác định được hướng phát triển của câu chuyện mình muốn kể với bạn đọc, là xác định được giọng điệu kể chuyện mà mình theo đuổi trong suốt chiều dài tác phẩm. Câu văn mở đầu cũng giống như cánh cửa, mở ra, dẫn người đọc vào ngôi nhà vừa xây cất xong. Đứng ở ngưỡng cửa nhìn vào, ta có thể biết chủ nhân của ngôi nhà này là người như thế nào (giàu có hay nghèo hèn, có mến khách không, có giàu có về tâm hồn không, có đáng tin như một người bạn chân chính không,...)
Trong nghệ thuật truyện ngắn, đoạn mà đầu (mà quan trọng nhất là câu văn mở đầu) và đoạn kết thúc liên hệ khăng khít với nhau, có những mối liên hệ "ngầm" mà độc giả tinh ý mới nhận ra được. Một nhà văn tài danh thế giới có viết, đại ý, nếu ở đầu truyện anh tả một khẩu súng treo trên tường, thì ở cuối truyện cần cho nó nhả đạn. Trở lại câu văn mở đầu truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao "Hắn vừa đi vừa chửi" sẽ ngầm báo cho chúng ta biết, cuối truyện khẩu súng sẽ nhả đạn như thế nào (Chí Phèo đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình, nhưng câu chuyện về nhân vật này chưa thể kết thúc bởi "Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua,...).
Câu văn mở đầu truyện ngắn Đời thừa (1943) của Nam Cao được nối dài hơn với tám chữ "Từ ngẩng mặt lên nhìn Hộ ba lần". Câu văn mở đầu truyện ngắn này có sắc thái khác hẳn câu văn mở đầu truyện Chí Phèo. Khác, không phải vì số chữ tăng lên mà vì hành động nhìn của nhân vật Từ được nhấn mạnh: ba lần. Vì sao Từ lại nhìn chồng (Hộ) theo cách ấy? Vì "Từ thấy sợ...". Vì sao người vợ lại sợ người chồng, mặc dù chính Hộ đã mở rộng vòng tay cứu vớt Từ? Câu văn mở đầu đã khơi gợi ở người đọc trí tò mò để phải đọc cho hết truyện nhằm giải mã câu hỏi này.
Nếu đọc lại truyện ngắn của nhà văn Nam Cao trước năm 1945 một cách kỹ lưỡng, vừa với tư cách người thưởng thức, vừa với tư cách người nghiên cứu, chúng ta sẽ nhận biết nghệ thuật vào truyện, đặc biệt là nghệ thuật viết câu văn mở đầu truyện ngắn của ông là khó có thể bắt chước. Cổ nhân có câu, "vạn sự khởi đầu nan", hoặc "đầu xuôi đuôi lọt" là hàm chứa nhiều nghĩa lí của nó. Câu văn mở đầu truyện ngắn là rất quan trọng, tại sao không?!
(Nhà văn Bùi Việt Thắng/VH&TT số 3/2012)
Xem thêm: 3 nghịch lý kinh điển trong "Chữ người tử tù" góp phần làm nổi bậc nhân vật và tư tưởng của tác phẩm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận