3 nghịch lý kinh điển trong "Chữ người tử tù" góp phần làm nổi bậc nhân vật và tư tưởng của tác phẩm
"Chữ người tử tù" là truyện ngắn xuất sắc nhất trong tập "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân. Ở đó nhà văn đã xây dựng những nghịch lý kinh điển góp phần làm nổi bật nhân vật và tư tưởng tác phẩm.
Nguyễn Tuân là một nhà văn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông là người đã góp phần thúc đẩy thể tùy bút, bút kí đạt tới trình độ nghệ thuật cao; làm phong phú thêm ngôn ngữ văn học dân tộc; đem đến cho nền văn xuôi hiện đại một phong cách tài hoa độc đáo. “Chữ người tử tù” là truyện ngắn xuất sắc nhất trong tập “Vang bóng một thời” của nguyễn Tuân. Thành công của tác phẩm này không chỉ ở nội dung độc đáo mà còn ở nghệ thuật biểu hiện sắc sảo, điêu luyện của nhà văn. Đặc biệt, nhà văn đã xây dựng nên những nghịch lí kinh điển, góp phần làm nổi bật nhân vật và tư tưởng của tác phẩm. Thủ pháp đối lập được đẩy lên đến đỉnh cao: giữa kẻ tử tù với viên quản ngục, đặc biệt là trong cảnh cho chữ cuối truyện, khi vị trí của các nhân vật trong tác phẩm hoàn toàn bị đảo lộn để nâng cao vị thế của Huấn Cao – đại diện cho thiên lương trong sáng, trong chốn ngục tù tăm tối, bẩn thỉu, tà ác.
– Nghịch lý thứ nhất: viên quản ngục, một cai ngục, kẻ đại diện cho cái xấu, cái ác lại có thú vui thanh nhã và cao quý: thích sở hữu và thưởng thức chữ đẹp. Làm cái nghề coi tù, sống giữa lũ người quay quắt, hàng ngày chứng kiến bao cảnh xô bồ, hỗn tạp, viên quản ngục lại biết kính mến khí phách, biết trọng người tài, biết day dứt “chọn nhầm nghề”, đặc biệt lại có một sở nguyện thiêng liêng: “treo ở nhà mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. Chơi câu đối, thưởng thức nét chữ đẹp của con người tài hoa là một thú vui tao nhã, mang tính dân tộc, thắm đượm vẻ đẹp văn hóa truyền thống. Cái thú vui ấy thường chỉ có ở những bậc văn nhân, tài tử. Vậy mà, một kẻ coi tù lại đang khao khát. Bắt được “cái thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”, cái “ăng ten” thẩm mĩ của nhà văn thật tinh nhạy. Bởi đó là một nghịch lý mà người bình thường, hời hợt không dễ gì nhận biết được.
– Nghịch lý thứ hai: Quản ngục, người đại diện cho bộ máy đàn áp của thống trị, một cái mắt của xích xiềng – mà lại cung kính và chí biệt đãi Huấn Cao – kẻ đã phạm trọng tội, kẻ ở phía bên kia! Để làm việc này, quản ngục phải vượt qua không ít khó khăn. Với thầy thơ lại, với bọn lính, ông ta thận trọng đã đành. Với Huấn Cao, ông càng phải giữ gìn. Bị ông Huấn cố ý làm ra khinh bạc, sỉ nhục, quản ngục không “nổi trận lôi đình, báo thù và những thủ đoạn tàn bạo” như ông Huấn nghĩ, trái lại, chỉ lễ phép lui ra với một câu: “xin lĩnh ý”. Rồi lo lắng, băn khoăn mai mốt ông Huấn bị hành hình, không kịp xin chữ sẽ ân hận suốt đời. Rồi “tái nhợt người đi” khi biết tin ông Huấn ngày mai bị giải vào kinh. Quả thật, ôm ấp mong ước đã khó, biến nó thành hiện thực lại khó hơn nhiều. Song cái đẹp, cái thanh cao bao giờ cũng sẽ tìm được tri kỷ, tri âm. Cái sở nguyện, cũng là linh hồn của một đời người của quản ngục đã được chia sẻ, cảm thông xứng đáng. Trước là từ thầy thơ lại. Sau là từ ông Huấn Cao. Nhất sinh, không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối, cả đời Huấn Cao chỉ viết chữ tặng ba người bạn thân. Vậy mà lần này, ông nhận lời cho chữ viên quản ngục. Ông nghĩ: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài… Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng…”. Cuộc tương ngộ của những “tấm lòng” như thế là hoa trái làm đẹp cho cuộc đời đầy rẫy bất công, làm dịu nỗi cô đơn, đau đớn cho con người. Dù có khinh bạc, ngất ngưởng đến đâu, ông Huấn lúc này đã ắt hẳn đã thực sự xúc động. Phải chăng đó cũng là giây phút hạnh phúc mà viên tiểu lại kia ban tặng người anh hùng? Kẻ xin chữ, người cho chữ cùng nhau phá vỡ cái nghịch lí của đời thường để tìm đến sự thuận lý mang chất văn hóa, nhân văn.
– Nghịch lí thứ ba: Cảnh viết chữ – “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Nhìn Huấn Cao viết chữ trong tư thế “cổ đeo gông, chân vướng xiềng”, đứng cạnh “cái thầy thơ lại gầy gò, run run bưng chậu mực”, viên quản ngục hẳn đã vô cùng cảm động mỗi khi cúi xuống cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ trên phiến lụa óng. Ông Huấn nói: “… bức lụa trắng trẻo với những… thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững …”. Được ông Huấn đỡ cho đứng thẳng người và khuyên bảo những lời như thế, quản ngục đã trưởng thành lên một bước. Cái sở nguyện mang tính văn hóa được nhận thức sâu thêm, mang ý nghĩa đạo đức, nhân cách. Được nhìn chữ đẹp, ngửi mùi mực thơm là một niềm vui. Niềm vui chỉ trọn vẹn khi biết sống cho đẹp, cho thơm một cuộc đời con người. Hình ảnh cuối cùng “Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẻ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” là bước ngoặt quyết định về nhận thức và tâm hồn con người “chọn nhầm nghề” này.
Nhìn khung cảnh cho chữ với bao trớ trêu, đối nghịch, ta cứ ngỡ đó là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Song đó lại là một điều tất yếu, như quy luật của muôn đời. Bởi vì, tuy ba con người, thực ra là hai thế giới nhân sinh ở hai vị thế xã hội trái nhau, song đã có sự hòa đồng bên trong. Viên quản ngục và thầy thơ lại tuy tự do về nhân thân nhưng đang bị cầm tù về nhân cách. Còn Huấn Cao, tuy bị cầm tù về nhân thân, lại đang rất tự do về nhân cách. Họ đều chung nhau một cái ách nặng cuộc đời, một hoài bão tháo cũi, sổ lồng. Họ đến với nhau, nương tựa vào nhau, nâng đỡ nhau lên để vươn tới.
Ngòi bút tài ba của tác giả đã miêu tả một khung cảnh đầy kịch tính. Đó là sự trái ngược giữa cái nền tối nhà lao ẩm ướt đầy tổ rệp, phân chuột, phân gián và tấm lụa trắng tinh, căng phẳng. Đó là sự trái ngược giữa chốn nhà tù chuyên việc đánh đập khảo tra giả man với ánh sáng văn minh văn hóa. Người ta viết chữ tặng nhau, người ta nâng niu từng nét bút, thưởng thức mùi thơm của từng dòng mực, khoan thai, trang trọng. Đó là sự trái ngược giữa bóng tối và ánh sáng, của xã hội vạn ác và bản chất lương thiện trong con người. Tất cả những kịch tính, xung đột ấy đều lần lượt được giải tỏa. Dưới ánh sáng của bó đuốc đỏ rực – đuốc của trí tuệ và niềm tin yêu ba trái tim hòa chung nhịp đập. Cuộc gặp ấy vừa có ý nghĩa nhân văn vừa mang tầm triết lý sâu sắc. Thiên truyện dừng lại, nhân vật chia tay, nhưng dư vị của câu chữ, nhất là cái hồn của văn chương luôn đeo đẳng trong lòng người đọc.
Xem thêm: Đọc Nguyễn Tuân nhiều năm nhưng ít ai biết ý nghĩa lời đề từ "Người lái đò sông Đà" là gì?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận