May mắn như danh tướng Ông Ích Khiêm: 2 lần được đồng liêu 'giải cứu', nhẹ nhàng biến nguy thành an

Ông Ích Khiêm vốn là người có tài nhưng do “cái tính khí cương cường nóng nảy, phàm việc không chịu ở sau người và vâng theo mệnh người” nên thường bị các quan lại, tướng lĩnh đương quyền ghen ghét, ám hại, nhiều lần bị vua cách chức, giáng chức.

Đỗ Thu Nga
07:00 29/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ông Ích Khiêm - cử nhân nhỏ tuổi nhất nhà Nguyễn

Ông Ích Khiêm (1829 - 1884) tự Mục Chi, là danh tướng nhà Nguyễn. Ông là người làng  Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là khu vực Phong Lệ Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng).

Tổ tiên của Ông Ích Khiêm vốn là người dân tộc miền núi xuống định cư làm ruộng ở miền xuôi. Cha ông là Ông Văn Điều và mẹ là Võ Thị Cốt. Sinh ra trong một gia đình nông dân đông con, gồm 8 trai 5 gái, ông Khiêm là người con thứ tư sau ba chị gái, nhưng lại là người con trai đầu.

Thuở nhỏ, ông thường vừa chăn trâu cắt cỏ, vừa theo học với người chú là Ông Văn Trị. Ông vốn thông minh lại chăm học nhưng hơi nghịch ngợm. Khi lớn lên, ngoài tài gồm văn võ, ông còn nổi tiếng là người chính trực, là một vị tướng khẳng khái, mưu lược và biết đánh giặc.

ong-ich-khiem-va-2-lan-thoat-nan-nho-duoc-dong-lieu-giai-cuu-8
Tranh minh họa của Sỹ Hòa

Nói về con đường khoa bảng của Ông Ích Khiêm, sử sách chép: Khoa thi năm 1847, dưới thời vua Thiệu Trị, ông cùng chú mình đã vượt qua kỳ thi Đầu xứ ở địa phương. Cả hai chuẩn bị lều chõng đến trường ở Bình Định để tham dự kỳ thi hương. Năm đó, Ông Ích Khiêm mới 15 tuổi.

Chủ khảo trường thi năm ấy là Trạng Bồng Vũ Duy Thanh khi xem bài đã chấm đỗ với lời phê: “Bài này tuy lời văn không được chải chuốt, chữ viết xấu nhưng ý tứ dồi dào. Qua bài này, ta thấy thí sinh phải là người có lòng yêu dân thương nước cao, có chí ngang tàng, có lòng cương trực thì mới viết được như thế”. (Theo “Truyện hay nhớ mãi” của Thái Vũ).

Khi danh sách sĩ tử đỗ đạt trình lên, vua Thiệu Trị thấy có sĩ tử mới 15 tuổi thì cảm thấy lạ, liền cho người đưa Ông Ích Khiêm đến để thi ngay trước mặt vua. Đầu dề nhà vua đưa ra là "thiếu niên đăng cao khoa" có nghĩa là tuổi trẻ đỗ cao. Dù lần đầu vào triều, lại diện kiến và làm bài trước mặt nhà vua nhưng cậu thiếu niên vẫn không hề sợ hãi. 

Sự kiện này được ghi chép trong “Đại Nam chính biên liệt truyện” như sau: “Ông Ích Khiêm đỗ hương tiến mới 15 tuổi. Vua Thiệu Trị cho mời vào điện cho thử lại bằng bài thơ lấy đầu đề là ‘Thiếu niên đăng cao khoa’. Bài làm của ông được vua ban khen”. Đỗ cử nhân, Ông Ích Khiêm được cử làm Tri huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Danh tướng có tài, có công

Ông Ích Khiêm là một nhà quân sự tài năng. Đời làm võ quan, Ông Ích Khiêm từng lập nhiều chiến công, góp phần bảo vệ quốc phòng - an ninh đất nước. Ông Ích Khiêm có tham gia chống lại cuộc tấn công xâm lược của quân đội Pháp để bảo vệ tổ quốc nhưng không phải trong cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải năm 1858 ở quê nhà - cùng với huyền thoại trận Mù U mang đậm màu sắc dân gian - mà là trong cuộc phòng thủ kinh thành Huế năm 1882 ở cửa biển Thuận An. Và do vậy, phần lớn chiến công của ông là kết quả tiễu trừ thổ phỉ Trung Quốc đang hoành hành ở các tỉnh biên giới phía Bắc.

Theo Báo Đà Nẵng, chiến công lớn nhất của Ông Ích Khiêm là bắn chết thủ lĩnh thổ phỉ Trung Quốc Ngô Côn tại một trận giao chiến ở sông Đuống vào cuối năm Canh Ngọ 1870. Không phải ngẫu nhiên, người cùng quê gọi ông là "Cụ Tiễu Phong Lệ" mặc dầu ông không chỉ giữ chức tiễu phủ sứ và đây cũng không phải chức vụ cao nhất của ông. Bởi chức vụ cao nhất của Ông Ích Khiêm là Binh bộ Tả Thị lang được phong vào năm 1867, tức quan chức cao cấp thứ tư trong bộ Binh triều Nguyễn, sau quan Thượng thư và hai quan Tả Tham Tri/Hữu Tham tri - Binh bộ Tả Tham Tri/Hữu Tham tri tương đương chức thứ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay.

Vua Tự Đức có thiện cảm đặc biệt với Ông Ích Khiêm. Vua chính là người đã cho đổi họ Ông/ 螉 (có chữ Trùng) của Ông Ích Khiêm thành họ Ông/ 翁 (không có chữ Trùng) và nhiều lần cho Ông Ích Khiêm cơ hội được đoái công chuộc tội sau những trắc trở trục trặc trên quan lộ do tính cách Quảng Nam quá mức cương trực ấy. Có lẽ tài năng quân sự vượt trội của Ông Ích Khiêm đã vào mắt xanh người đứng đầu vương triều, giống như lần đầu tiên trong đời đi thi, tài năng văn chương hơn người của Ông Ích Khiêm đã vào mắt xanh quan chánh chủ khảo…

ong-ich-khiem-va-2-lan-thoat-nan-nho-duoc-dong-lieu-giai-cuu-4
Vua Tự Đức

Vua Tự Đức từng có lời dụ rằng: "Ngươi (Ông Ích Khiêm) vốn là người học thức mà ra, phải cái tính khí cương cường nóng nảy, phàm việc không chịu ở sau người… Việc ngươi đánh dẹp bọn phỉ ở tỉnh Bắc, khí tiết, công lao, trẫm đều rõ hết… Thế mà gần đây được tin là ngươi đến đâu phần nhiều dung túng cho quân sĩ làm càn. Nếu quả thực như vậy thời dân còn trông mong gì nữa! Nếu ngươi còn hối cải để khỏi phụ cái ơn tri ngộ, thì là điều mà trẫm rất mong mỏi. Bằng cứ võ biền, quên lời ân cần dạy bảo, thời trẫm phó mặc ngươi cho công luận triều đình, dù ngươi có tài cũng không tha luôn mãi được...”.

Ngay như một người vốn không thiện cảm với Ông Ích Khiêm là Nguyễn Văn Tường cũng từng đánh giá về Ông Ích Khiêm như sau: "Ông Ích Khiêm, khí chất hung hãn, hơn mười năm nay từng trải trăm trận, tuy trong khoảng đó có lúc cậy công nhưng gặp lúc hiểm nghèo đã vâng mệnh, lâm cơ ứng biến, binh lính đều chịu sai phái, kẻ địch cũng sợ hãi cho nên các bầy tôi ở quân thứ hiện nay không ai vượt qua. Nếu gặp được vị thống soái tài hiểu biết, có uy vọng hơn hẳn thì có thể làm cho ông ta kính sợ, mới có thể từ bỏ hết lỗi lầm mà tỏ rõ công lao, đó cũng là vị lương tướng ngày nay vậy. Duy tài lộ ra ở khí, hàm dưỡng chưa sâu, mà kẻ đồng sự lại chưa có ai hơn mình, cho nên vì khinh nhờn mà sinh kiêu căng, vì cưỡng cường mà sinh ngỗ ngược, đến nỗi tự mắc vào lỗi lầm đáng tiếc...”.

Sau khi vua Tự Đức mất (1883), Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết làm phụ chính nắm hết mọi quyền bính trong triều. Ông Ích Khiêm thẳng thắn phê phán những hành động sai trái của họ mà bị buộc tội đày vào Bình Thuận, và mất tại đây (1884).

Lăng mộ Ông Ích Khiêm tại nghĩa trang xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, đã được công nhận Di tích Quốc gia.

Ông Ích Khiêm được coi là thần đồng văn chương, danh tướng trận mạc, cuộc đời ông là một chuỗi thăng trầm của những chiến công và bản án. Cuối cùng, vị “Kiêu Dũng nam” kết thúc cuộc đời trong lao tù, nhưng tài năng, phẩm giá kiên trung của ông vẫn còn được ghi dấu trong lịch sử và sự ca tụng của người đời.

Chuyện về người 2 lần "giải cứu" Ông Ích Khiêm

Phạm Phú Thứ (1821-1882), người xã Đông Bàn, tổng Đa Hòa Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 24 tuổi, ông đỗ Hội nguyên và đứng đầu bảng Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Hội năm Quý Mão (1843). Ông là người biết trân trọng nhân tài và dũng cảm đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Sách Phạm Phú Thứ toàn tập (NXB Đà Nẵng, 2014) cho biết, ông đã hai lần “giải cứu” đồng hương và đồng liêu Ông Ích Khiêm.

“Giải cứu” bằng cách... khéo giáo hóa

Ông Ích Khiêm là người có tài năng nhưng do “cái tính khí cương cường nóng nảy, phàm việc không chịu ở sau người và vâng theo mệnh người” (lời phê trách của vua Tự Đức), Ông Ích Khiêm thường bị các quan lại, tướng lĩnh đương quyền ghen ghét, ám hại, nhiều lần bị vua cách chức, giáng chức. Lấy cớ có bệnh, năm 1873, ông xin về quê điều trị.

Biết tài năng và tính cách của người đồng hương (cùng ở phủ Điện Bàn) và cũng là đồng liêu (cùng làm quan đương triều) kém mình 8 tuổi, Phạm Phú Thứ, lúc này là Thự Hải An Tổng đốc đã ra tay “giải cứu”.  Nhân chuyến được vua cho về thăm cha mẹ, ông đã đích thân qua sông Cẩm Lệ thăm Ông Ích Khiêm.

Khi về triều, Phạm Phú Thứ có ngày sớ tâu ngày 13 tháng 11 năm Tự Đức thứ 27 (1874) đề đạt nhà vua “phải có người để giữ vững bờ cõi ta, khiến cho thế của phỉ ngày càng cô lập, người Tây không thể xem thường”. Theo ông, “gần đây, tướng tài ở đất Bắc chỉ có bề tôi là Tôn Thất Thuyết và viên bị cách là Ông Ích Khiêm khá hơn cả”.

ong-ich-khiem-va-2-lan-thoat-nan-nho-duoc-dong-lieu-giai-cuu-0
“Trạng sư” Phạm Phú Thứ

Phạm Phú Thứ mạnh dạn tiến cử Ông Ích Khiêm hàm Tán tương quân thứ Bắc Ninh coi việc giữ yên vùng giáp Đông Bắc và địa hạt Hải An để ông chuyên tâm lo liệu việc dân chính, thương chính. Lý lẽ đưa ra khá thuyết phục: "Xét lời ông ta (tức Ông Ích Khiêm - NV) cùng với người thường dân ngồi trao đổi lâu thì hỏa tính giảm hẳn. Thần nhân hỏi về sự trạng gần đây, cứ lời ông ta nói là từ ngày đội ơn được về quê điều trị, ngày ngày nhắc nhở ơn vua và duy trì phương thuốc, từ đó bệnh ngày một giảm...

Khi trước, tỉnh quan đến hỏi, ông ta đã nguyện tăng gấp điều trị để sớm công hiệu mà báo đáp. Và như năm qua, khi Hà Nội xảy ra sự biến, ông đã từng đem việc nhà phó cho con, cháu để ngày tiếp ra Kinh xin đi, nhưng chứng bệnh chợt phát, cho nên nửa chừng lại thôi. Điều đó làng xóm đều biết. Lòng ông ta chưa quên báo đáp vậy. Nay thì bệnh ngày đã bớt, mà răng khuyển mã cũng ngày một dài, không ra mà báo đáp thì phụ ơn, phụ tấm lòng dâng lên vua”.

Lời tâu ngay thẳng của một bề tôi thân tín khiến vua động lòng và châu phê: “(Ông Ích Khiêm) sửa đổi hết sai lầm trước, không buông lung cho lính cướp bóc, không ỷ mạnh mà vô lễ, không khoe tốt che xấu... Giao cho ngươi (tức Phạm Phú Thứ - NV) khéo giáo hóa”.

"Giải cứu" khỏi cảnh ngục tù

Sau khi tiễu phỉ thắng lợi ở Mỏ Diêm (Bắc Ninh), Ông Ích Khiêm rút binh về, đóng nghỉ ở Bố Hạ, Hữu Lũng. Tổng đốc Tôn Thất Thuyết do có hiềm khích cá nhân từ trước, lấy cớ Ông Ích Khiêm đánh giặc thương tổn nhiều, tự tiện thu quân về không theo lệnh tướng, liền bắt giam ông.

Hay tin, Phạm Phú Thứ có ngay sớ tâu vua. Ông hết mực bênh vực đồng liêu: “Ích Khiêm từ khi nhậm chức đến nay đã thắng nhiều trận, trước đã thu hồi đủ, khi thắng trận trở về tỉnh cũng thường mở tiệc ăn mừng. Việc thắng trên kéo quân về chỉnh đốn xét ra cũng thường có. Đến khi thắng ở Mỏ Diêm, khi trở về bên này (tức bên Tôn Thất Thuyết - NV) lại nói không triệu, bên kia (tức bên Ông Ích Khiêm - NV) bảo là đã trình. Mà xét vì bọn phỉ tan, dịch lệ dấy lên nên trở về, ban đầu không hỏng việc quân, còn lỗi ở trận không biết có không”.

Phạm Phú Thứ cũng không e ngại tâu vua về nỗi lòng, nỗi lo của Ông Ích Khiêm khi nhậm chức: “Ích Khiêm lúc mới tới, có ghé tỉnh Đông của thần, ngụ ở công quán..., có nói với chúng thần rằng: Tính tình tôi vốn thô lỗ, sợ người không thể dung. Chúng thần đã tuân chỉ lấy việc giữ khí bình hòa mà khuyên. Vừa mới tháng hơn, báo tiệp liên tiếp mà lại xảy ra việc này”.

Phạm Phú Thứ cho rằng, sự việc chẳng qua là do hiềm khích cá nhân giữa Ông Ích Khiêm và Tôn Thất Thuyết mà thôi: “Vả lại, Ích Khiêm từ chân thư sinh theo việc quân mười mấy năm thân trải qua hơn một trăm mấy chục trận, thắng bại ít nhiều mà chưa từng thiện tiện giết một hiệu, một ngũ. Vì thế, khi sánh với người (tức Tôn Thất Thuyết - NV), khiến người không thể không tức giận. Huống chi, lời nói lại nhiều khi không kiềm chế khiến mất lòng người”. Ông còn lên án hành động tự tiện giam cầm Ông Ích Khiêm của Tôn Tổng đốc: “Do hiềm khích gì mà không đợi chỉ, lại vội giam cầm như một loài giặc dữ”.

Cuối bản tấu, Phạm Phú Thứ không quên đề cao uy tín và vai trò không thể thiếu được của danh tướng Ông Ích Khiêm trong việc tiễu phỉ - một nhiệm vụ không kém phần quan trọng của triều đình lúc bấy giờ: “Bọn phỉ ở Bắc Kỳ vốn sợ tên này (tức Ông Ích Khiêm - NV). Hào dũng các tỉnh phần nhiều vui sướng được dùng. Cho nên khi đánh thường thắng. Nay không vì lỗi lớn, chỉ vì một việc kéo quân về, đã vội thiện tiện giam cầm, nếu viên ấy uất lên mà chết, tướng hiệu vì đó mà giải thể. Bọn côn đồ nghe được không khỏi lại thêm nhiều việc”. Ông khẩn khoản nhà vua ân chuẩn “phái bậc đại viên công bằng chính trực nhanh đến tra rõ để chính tội danh và phòng trở ngại”.

Nhờ tài thuyết phục của “trạng sư” Phạm Phú Thứ, Ông Ích Khiêm được “giải cứu” lần thứ hai!

Xem thêm: Nguyễn Tri Phương - Danh tướng quyết chống Pháp đến hơi thở cuối cùng

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận