Nữ sinh dân tộc K'Ho đi làm thuê làm mướn nuôi chị vào đại học

Sau thời gian dài làm đủ nghề để có tiền nuôi chị gái học ngành Y, Ka Xuân mới nghĩ đến tương lai của mình khi quyết định thi đại học.

Đỗ Thu Nga
15:00 17/01/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ka Xuân (20 tuổi), tân sinh viên ĐH Khoa học xã hội Nhân Văn TP HCM là người dân tộc K’Ho ở thôn K’Brạ, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh là con út trong gia đình có 7 anh chị em.

Khi mang bầu Xuân, mẹ cô đau ốm liên miên. Thầy cúng phán đứa trẻ trong bụng là quái thai nên phải bỏ nếu không muốn rước họa. Nhưng người mẹ thương con nên giữ lại. Ka Xuân chào đời được vài tháng thì mẹ mất vì bạo bệnh, để lại khoản nợ hàng trăm triệu đồng tiền cúng bái, trừ ma.

Nhà nợ nần, anh trai cả của Xuân đang là sinh viên ở Đà Lạt đành bỏ học về thay mẹ nuôi các em và trả nợ bởi bố suốt ngày chìm trong men rượu.

Từ khi còn nhỏ xíu, Xuân đã theo anh chị đi làm thuê đủ việc, từ hái cà phê, rửa bát, làm ruộng. Vất vả là vậy nhưng bữa ăn của Xuân quanh năm chỉ có cơm trắng trộn muối, họa hoằn mới thêm quả trứng nhưng phải chia đôi, nửa cho bữa trưa, nửa cho bữa tối. Đường đến trường của cô bé dân tộc K’Ho cũng gập ghềnh hơn bạn đồng trang lứa.

Gia đình nghèo nên các anh của Xuân lần lượt nghỉ học, nhường cơ hội cho hai em gái út vì có lực học tốt hơn. "Có kiến thức chắc chắn thay đổi được vận mệnh", anh cả động viên. Điều mà người anh mong muốn là thấy các em tốt nghiệp được cấp hai để đủ điều kiện xin đi làm công nhân.

Thành tích của hai em gái lại vượt quá sự kỳ vọng của anh trai. Chị em Xuân lần lượt vào cấp 3. Thời điểm này các anh trai lần lượt lập gia đình. Theo phong tục người K’Ho là đàn ông phải ở rể, chăm lo gia đình mới. Xuân và chị gái từ đó phải tự chủ hoàn toàn.

nu-sinh-dan-toc-kho-di-lam-thue-lam-muon-nuoi-chi-vao-dai-hoc
Ka Xuân học bài ở ký túc xá Đại học Khoa học xã hội Nhân văn TP HCM, tháng 11/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ năm lớp 11, Xuân phải dậy từ 5h đạp xe đi lau dọn quán ăn. Sau buổi đến trường, chiều cô bé đi hái cà phê thuê, tối lại dọn dẹp cho quán hàng cách nhà chục km và kết thúc lúc 22h. Về nhà, cô bé không còn sức để làm việc gì nên thường tranh thủ ngủ đến 1h sáng dậy học bài. Làm việc liên tục với cường độ cao, ăn uống thiếu chất khiến Xuân nhiều lần kiệt sức.

Ngày Ka Xuân vào lớp 12 cũng là năm chị gái tên Ka Hậu bước vào năm thứ nhất Đại học Y Tây Nguyên. Vì đặc thù ngành học nên Hậu không thể làm thêm, mọi gánh nặng về chi phí sinh hoạt và học tập dồn lên vai Xuân. Mỗi tháng ngoài gửi 500.000 đồng sinh hoạt phí cho chị, cô em gái còn đóng góp cùng các anh lo trả lãi khoản vay sinh viên cho Ka Hậu đóng học phí.

Đi làm nhiều nên Xuân nghỉ học cũng nhiều. Thấy học sinh ít đến lớp, thầy Nguyễn Văn Quý, chủ tịch Hội chữ thập đỏ trường THPT Di Linh làm đơn xin miễn giảm học phí cho cô trò nhỏ. "Ka Xuân là trường hợp hiếm hoi trong các bạn học sinh dân tộc K'Ho có sức học tốt và nghị lực vươn lên như vậy", thầy Quý nói. Nhờ đó, Xuân được nhà trường giảm tiền học tăng cường cuối cấp, những khoản phí khác cũng được miễn trừ.

Tốt nghiệp THPT nhưng cô bé người K'Ho quyết định không thi đại học, tập trung đi làm dồn tiền cho chị gái.

"Chị cố tốt nghiệp rồi đi làm, sau này đỡ khó khăn em sẽ đi học lại", Xuân trấn an khi chị gái. Dù vậy, trong những giấc mơ, cô luôn thấy mình được ngồi trên giảng đường, khoác chiếc áo cử nhân vào ngày tốt nghiệp.

Giữa năm 2021, Xuân lên Sài Gòn làm công nhân may. Với mức lương 7 triệu đồng mỗi tháng, cô dành cho mình ba triệu để ăn uống, thuê trọ, số còn lại gửi cho chị gái. Hơn một năm sau, vì phải đứng 12 tiếng mỗi ngày trong nhà máy nên Xuân thường xuyên bị bong gân, sức khỏe suy giảm.

"Em còn trẻ đã như thế này, đến năm 40 tuổi chắc chắn bị sa thải. Lúc đó biết làm gì để kiếm sống?", chị gái Xuân nói. Sau nhiều đêm suy nghĩ, lại nhớ tới câu nhắn nhủ của chị "đứt gánh việc học chính là đứt gánh tương lai", Xuân chấp nhận đền bù hợp đồng để nghỉ việc. Với số tiền tiết kiệm được, cô lên Đăk Lăk gần nơi chị ở, quyết tâm ôn thi đại học trong ba tháng.

Ban đầu, Xuân dự định thi sư phạm vì sẽ đỡ được khoản học phí. Nhưng cô lại nhớ tới khoản nợ của gia đình bao năm chưa trả hết chỉ vì hủ tục của buôn làng nên chuyển sang khoa Công tác xã hội trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn TP HCM. Tâm nguyện của Xuân là muốn thay đổi cách nghĩ và cách sống của đồng bào mình.

Tháng 8 năm nay, Xuân nhận được kết quả thi với 26,5 điểm, trong đó đạt điểm 10 môn lịch sử.

Với thành tích đạt được và là hộ cận nghèo, Xuân được ở miễn phí trong ký túc xá của trường cùng tiền hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng. Để duy trì việc chu cấp cho chị gái, dù mới nhập trường nhưng cô đã xin đi làm thêm tại một công ty marketing với mức lương 1,5 triệu đồng mỗi tháng.

Ước mơ của cô gái K' Ho là sau khi tốt nghiệp sẽ trở về buôn làng truyền đạt kiến thức cho các em nhỏ còn thiếu thốn. Xuân luôn tin, nếu có mục tiêu rõ ràng cùng với khát khao thay đổi, giấc mơ trở thành nhà công tác xã hội sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa.

(Theo VnExpress)

Xem thêm: Nữ sinh dân tộc Thái ẵm học bổng toàn phần của Mỹ với bài luận về khăn Piêu: Khát khao mang quê hương vươn tầm thế giới

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận