Những quyết định lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám

Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám là mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Đó là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc mà ý nghĩa của những tư tưởng đó vẫn còn giá trị lâu dài.

Đỗ Thu Nga
09:31 19/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Hôm nay (19/8) - kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám thành công. Đây là cuộc cách mạng vĩ đại của nhân dân ta trong thế kỷ 20. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào mùa thu năm 1945 đã tạo ra bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản vận mệnh đất nước và dân tộc ta, chính quyền về tay nhân dân.

Trong thắng lợi đó, không thể không nhắc đến vai trò lĩnh xướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Người đã có những quyết định quan trọng, góp phần to lớn tạo nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, làm thay đổi vận mệnh nước nhà.

nhung-quyet-dinh-lich-su-cua-bac-ho-o-cuoc-tong-khoi-nghia-thang-tam-8
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc mà ý nghĩa của những tư tưởng đó vẫn còn giá trị lâu dài.

Quyết định đầu tiên

Quyết định có ý nghĩa vô cùng quan trọng đầu tiên chính là việc người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911. Từ Bến cảng Nhà Rồng, với quyết tâm cháy bỏng "nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành,” trải bao khó khăn, vất vả Người đã tiếp cận với Luận cương của V.I. Lenin, từ đó hình thành nên con đường cứu nước.

Quyết định thứ hai

Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Sự ra đời của Đảng với hệ thống tổ chức chặt chẽ và cương lĩnh cách mạng đúng đắn đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về lãnh đạo cách mạng kéo dài mấy chục năm đầu thế kỷ 20.

nhung-quyet-dinh-lich-su-cua-bac-ho-o-cuoc-tong-khoi-nghia-thang-tam-8
Chủ tịch Hồ Chí Minh - linh hồn của cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945

Sự ra đời của Đảng là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính chất quyết định cho những bước phát triển trong tiến trình lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam, được mở đầu bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ngay từ ngày mới thành lập, Đảng đã giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như Mặt trời, xé tan màn đêm tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân vững vàng trên con đường thắng lợi của cuộc cách mạng phản đế, phản phong.

Quyết định thứ ba

Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước vào ngày 28/1/1941 và chọn Cao Bằng là nơi xây dựng căn cứ cách mạng. Ở đây, Người và các đồng chí bắt tay vào công tác vận động, tập hợp và tổ chức lực lượng quần chúng.

Sau thời gian xây dựng thí điểm các đoàn thể cứu quốc, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh ngày 19/5/1941. Đây là quyết định về tổ chức có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cách mạng Việt Nam lúc này.

nhung-quyet-dinh-lich-su-cua-bac-ho-o-cuoc-tong-khoi-nghia-thang-tam-6
Lán Nà Nưa (Tuyên Quang) - nơi Bác Hồ làm việc trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc. Những văn kiện, chỉ thị, các chủ trương kế hoạch đều được Bác khởi thảo từ căn lán này

Cùng với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là sự phát triển mạnh mẽ của các đoàn thể trong mặt trận, như Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc…

Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, mọi tầng lớp nhân dân yêu nước được tập hợp, đoàn kết tham gia phong trào đánh đổ thực dân giành lại độc lập tự do. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là yếu tố quyết định cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.

Song song với việc thành lập Mặt trận Việt Minh để làm cơ sở và nòng cốt cho đấu tranh chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho xây dựng lực lượng vũ trang mà đầu tiên là thành lập đội vũ trang Cao Bằng, làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng, huấn luyện chính trị quân sự cho các đội tự vệ, dân quân du kích địa phương, hậu thuẫn cho các cuộc đấu tranh của quần chúng.

nhung-quyet-dinh-lich-su-cua-bac-ho-o-cuoc-tong-khoi-nghia-thang-tam-5
Quần chúng nhân dân Thủ đô đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ, ngày 19/8/1945

Đến tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Ngay sau khi thành lập đội đã gây được tiếng vang lớn với chiến thắng diệt gọn 2 đồn địch ở Phay Khắt và Nà Ngần. Uy tín của đội lan tỏa khắp cả nước và nhiều địa phương cũng đã chủ động thành lập các đội vũ trang.

Lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh đã tạo điều kiện vô cùng quan trọng cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám lịch sử

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về căn cứ cách mạng, tổ chức chính trị, lực lượng cách mạng đặc biệt là đội quân vũ trang tinh nhuệ, cùng với yếu tố thuận lợi về thời cơ cách mạng, quân và dân ta đồng loạt đứng dậy tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.

Từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhận định thời cơ đã đến, quyết định Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Lúc này, thời cơ thắng lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.”

Đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa đã ra Quân lệnh số 1, phát lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng do Người làm Chủ tịch. Trong thư kêu gọi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.”

Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8).

nhung-quyet-dinh-lich-su-cua-bac-ho-o-cuoc-tong-khoi-nghia-thang-tam-4
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội gây tiếng vang lớn trong cả nước. Cuộc khởi nghĩa nổ ra thắng lợi ở Hà Nội đã góp phần làm tan rã nhanh chóng toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền tay sai của Nhật trong cả nước.

Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn người dân nước Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên của độc lập, tự do, tạo thế và lực cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.

76 năm đã qua, tinh thần của Cách mạng tháng Tám, chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn luôn ngời sáng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất, bảo vệ và thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Xem thêm: Dàn diễn viên gạo cội của "Sao Tháng Tám" ngày ấy giờ ra sao?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận