Sứ mệnh gieo yêu thương: Những chuyến xe thiện nguyện "0 đồng" lan tỏa yêu thương từ các bản làng xa xôi
Những chuyến xe "0 đồng" len lỏi về tận những bản làng xa xôi giúp đỡ người khó khăn. Bên cạnh đó, còn nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa khác.
Không ít lần nghe lời càm ràm “ôm chuyện bao đồng” nhưng anh Trần Minh Tuấn cũng như các thành viên trong nhóm thiện nguyện “Người phụng sự” chuyên vận chuyển những chuyến xe “0 đồng” đều bỏ ngoài tai.
Với họ, được làm việc thiện và lan tỏa những yêu thương là đủ để họ cảm thấy hạnh phúc.
Hàng trăm chuyến xe “0 đồng” lăn bánh
Một ngày đầu tháng 8, cơn bão Mulan với những trận mưa tầm tã không ngăn được chuyến xe “0 đồng” của anh Trần Minh Tuấn đón bệnh nhân nghèo được ra viện, trở về ở Hà Giang.
Một ngày trước chuyến đi, nhận được lời đề nghị từ một cán bộ Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thông tin về chuyến đi nhanh chóng được đẩy lên group của nhóm thiện nguyện. Thu xếp công việc của mình, anh Tuấn nhanh chóng tiếp nhận chạy chuyến xe này.
Nhóm “Người phụng sự” rất nhiệt tình phối hợp cùng bệnh viện giúp đỡ bệnh nhân nghèo, chưa khi nào từ chối lời đề nghị cho dù nhiều lúc thời gian rất gấp. Không chỉ giúp những chuyến xe “0 đồng”, nhóm còn có nhiều hoạt động thiện nguyện thiết thực khác giúp các bệnh nhân khó khăn. Chúng tôi rất trân trọng tấm lòng các anh chị dành cho người bệnh", anh Nguyễn Phúc Thịnh, Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Đúng 14h theo lịch hẹn, chiếc xe cứu thương “0 đồng” có mặt ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để đón 3 bố con ông Nguyễn Văn Cường, người dân tộc Tày (63 tuổi, ở xã Du Già, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) về nhà. Lơ lớ tiếng Kinh, anh Nguyễn Đức Văn (con rể ông Cường) xúc động cho biết: “Bố khỏi được thế này là đều nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, của bệnh viện. Chữa bệnh hết hơn 200 triệu mà đi vay mượn mãi mới được 50 triệu. Không được người tốt giúp thì bố chết rồi. Giờ lại được đưa về quê hương, may mắn quá!”.
Chặng đường hơn 400km từ Thủ đô về vùng sâu của huyện miền núi Yên Minh, Hà Giang như ngắn lại, ấm áp hơn bởi câu chuyện giữa tài xế và ba bố con ông Cường. “Đường về nhà xa lắm, phải lên xuống xe mấy lần mới về được tới nơi. Mà bố thì cơ thể vẫn yếu, trong túi lại chẳng đủ tiền xe cho 3 bố con”, anh Văn nói.
Chia sẻ với PV, anh Tuấn cho hay, hành trình đưa gia đình người bệnh về Hà Giang lần này được nhóm chia hai đầu “tiếp ứng”. Anh Tuấn chạy xe từ Hà Nội đến Phú Thọ và một xe từ Hà Giang xuống đón bệnh nhân đưa về nhà.
“Với chặng Hà Giang, nếu bố trí được, chúng tôi hay chia hai đầu tiếp ứng nhau. Anh em trên Hà Giang thông thuộc địa hình, còn anh em Hà Nội thì rành đường phố. Hơn nữa cũng giảm bớt áp lực trên suốt chặng đường xa. Tuy nhiên, nếu cần kíp, chúng tôi vẫn có thể chạy hàng trăm km xuyên đêm”, anh Tuấn cho hay.
Anh Trần Minh Tuấn, vốn là một cán bộ cầu đường, trước đây cũng lăn lộn khắp các tuyến nhưng những năm gần đây, công việc của anh bớt bận rộn. Cũng nhờ vậy anh có điều kiện đến với những hành trình thiện nguyện của chuyến xe “0 đồng”. Hơn 2 năm qua, anh cùng với các thành viên khác trong nhóm đã vận chuyển hàng trăm chuyến xe miễn phí, đón đưa bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở các bệnh viện lớn.
Theo lời anh Tuấn, nhóm thiện nguyện này do sư thầy chùa Vân - Tịnh Viện Vân Sơn (xã Hồ Sơn, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) thành lập với mục đích chia sẻ với những cảnh đời kém may mắn, lan tỏa tình người trong cuộc sống.
Hiện nhóm có 4 xe cứu thương. 2 xe được đặt tại Hà Nội chuyên chở bệnh nhân nghèo đã qua đời, bệnh nhân nặng bệnh viện trả về do không còn cơ hội cứu chữa hoặc chuyển viện cho bệnh nhân nghèo; 2 chiếc đặt tại xã Tân Quang, Bắc Quang, Hà Giang, dùng chuyển tuyến các bệnh nhân nghèo về các bệnh viện Trung ương tại Hà Nội điều trị, đưa các bệnh nhân không qua khỏi về quê nhà, phục vụ cấp cứu 24/24h trong phạm vi địa bàn.
Gắn kết yêu thương
Trong nhóm thiện nguyện, ngoài các thành viên là nam giới, còn có sự góp mặt của nhiều chị em.
Với chị Hàn Thị Hồng Tân (Hà Nội), cung đường Hà Nội đến các điểm heo hút ở Hà Giang không còn xa lạ bởi những chuyến xe “0 đồng” mà chị cầm lái hay đồng hành cùng các anh/chị em khác trong nhóm dường như đã mòn lối. Chị cũng không đếm được mình lái bao nhiều chuyến xe như vậy, chỉ nhớ nhiều người đã may mắn có cơ hội sống nhờ những chuyến xe thiện nguyện ấy.
Nhớ lại những chuyến vất vả đón bệnh nhân người dân tộc về Hà Nội thăm khám, chị Tân cho hay: “Có ca trẻ nhỏ ốm bệnh hay bị bỏng nước sôi nhưng người nhà chỉ đi cúng hay hái lá cây rừng để đắp, uống chữa bệnh. Khi bệnh trở nặng cứ nằm chờ chết ở nhà vì nghĩ “ma bắt”.
Nhóm các anh chị trên Hà Giang biết chuyện, vượt đường rừng núi, vào tận nhà nài nỉ họ cho con đi chữa bệnh. Thậm chí khi đã thuyết phục rồi, trên đường đi, họ nhất quyết đòi về vì… lo bị bán sang Trung Quốc!”.
Hay như trường hợp một sản phụ người dân tộc đang ở thai kỳ 25 tuần phát hiện ung thư với khối u lớn bằng thai nhi được chuyến xe “0 đồng” đưa về Hà Nội điều trị. Lúc đó, đúng đợt dịch Covid-19 bùng phát, nên đi khắp 4 - 5 bệnh viện, cuối cùng chỉ có Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận điều trị.
“Được sự hỗ trợ của các nhân viên y tế, người mẹ đã hạ sinh một em bé mạnh khỏe. Ngày đón 2 mẹ con từ bệnh viện về, chứng kiến cảnh nhà nghèo xơ xác, nằm heo hút tận lưng chừng núi, chúng tôi đã nhận đỡ đầu cho em bé”, chị Tân kể.
Theo chị Tân, những chuyến xe “0 đồng” được trợ duyên bởi nhiều tấm lòng thiện nguyện, bằng cách này hay cách khác: “Nhiều khi cùng bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân ghé quán ăn nào đó trên hành trình, chủ quán không lấy tiền, hay khi xe gặp trục trặc, chủ tiệm cũng miễn phí… Thực sự những điều thiện vẫn đang lan tỏa trong cuộc sống này”, chị Tân nói.
Với chị Tân, anh Tuấn, hay nhiều thành viên khác trong nhóm “Người phụng sự”, điều khiến họ thấy hạnh phúc, sung sướng nhất là sau mỗi chuyến xe, người bệnh trở về mạnh khỏe.
Nhóm “Người phụng sự” có khoảng 10 thành viên, phần lớn kinh doanh tự do nên có thể chủ động bố trí thời gian phục vụ người bệnh trên các chuyến xe “0 đồng”. Kinh phí chạy xe được các thành viên cùng các phật tử, nhà hảo tâm góp thành quỹ chi tiêu xăng dầu, sửa chữa xe. Còn chi phí đi đường, ăn uống hay lo cho bệnh nhân trên đường thường do chính các thành viên đóng góp.
Ngoài kết nối với phòng công tác xã hội các bệnh viện, nhóm còn công bố số gọi xe miễn phí để nhiều người bệnh nghèo có thể liên lạc, nhờ giúp đỡ.
(Theo Báo Giao thông)
Xem thêm: Chân dung người đàn ông bán cả "xe quý" của mình lấy tiền sửa xe 0 đồng giúp bà con về quê
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận