Giai thoại vui về Nguyễn Công Hoan: Nhà văn lão làng và tên lừa đảo "trẻ không tha, già không thương"

Nhà văn Nguyễn Công Hoan là người thông minh, hài hước. Cuộc sống của ông gắn với rất nhiều giai thoại vui trong đó có chuyện, ông bị kẻ khác "mạo danh" với mục đích lừa tình.

Đỗ Thu Nga
11:56 29/06/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhà văn lão làng và tên lừa đảo "trẻ không tha, già không thương"

Nhà văn Nguyễn Công Hoan từng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được xem là "người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây đắp nền móng cho nền văn xuôi hiện thực phê phán" (như nhận xét của GS Phan Cự Đệ). Mặc dù trong cuộc sống, Nguyễn Công Hoan từng nếm trải những mất mát, thương đau (mẹ ông và một số người thân trong gia đình bị bom địch sát hại; em trai và con đẻ hy sinh trên đường công tác), song ông cũng là người luôn biết kiềm chế những nỗi niềm riêng của mình.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan đem đến cho bạn bè, đồng nghiệp hình ảnh một người đàn ông thông minh, ưa hài hước, với những giai thoại vui trong đời thường. Một trong những chuyện đáng nhớ nhất là lần ông bị mạo danh.

Nha-van-Nguyen-Cong-Hoan-va-giai-thoai-bi-mao-danh-o-ngoai-tuoi-70-6
Bút tích của nhà văn Nguyễn Công Hoan

Lúc sinh thời, nhà văn Tô Hoài có kể lại rằng: Ở cái tuổi ngoài bảy mươi (nhà văn Nguyễn Công Hoan sinh năm 1903, mất năm 1977), Nguyễn Công Hoan bị 1 kẻ "mạo danh" với mục đích... lừa tình.

Hôm đó, cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam (bấy giờ còn ở 65 Nguyễn Du, Hà Nội) được tin báo có khách ở Gia Lâm sang. Khách gồm 2 người: Một chị công tác ở Hội Phụ nữ huyện và một bác làm thường trực UBND huyện. 

Với cương vị là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Tô Hoài ra tiếp khác. Và ông được bác thường trực UBND huyện thông báo rằng: "Chị phụ nữ đây sắp lấy nhà văn Nguyễn Công Hoan". Lý do bác ta tới đây là để tìm hiểu "Cậu nhà văn Nguyễn Công Hoan ấy lý lịch ra sao". Nhà văn Tô Hoài nghe vậy lấy làm kinh ngạc. Song, bằng sự nhạy cảm của mình, ông hiểu ngay vấn đề. Và ông tìm cách gợi chuyện để thông tỏ ngọn ngành… 

Thì ra, ở Gia Lâm có 1 gã thanh niên (tuổi chưa đầy ba mươi) vốn là một tay đánh bóng bàn rất cừ khôi, mạo xưng là "nhà văn Nguyễn Công Hoan" và đã "tà lưa" được chị phụ nữ kia, đến độ chị chàng đang có ý định tính chuyện trăm năm với gã. Rõ ràng, người phụ nữ có yêu văn chương thật, nhưng trình độ văn hóa quá thấp.

Nha-van-Nguyen-Cong-Hoan-va-giai-thoai-bi-mao-danh-o-ngoai-tuoi-70-g
Nhà văn Nguyễn Công Hoan (giữa) cùng ông Lê Tất Đắc và Đào Duy Kỳ trong kháng chiến chống Pháp

Sau khi nghe ra vụ việc, nhà văn Tô Hoài lim dim mắt, nói thủng thỉnh:

- Hội Nhà văn Việt Nam không có "cậu" Nguyễn Công Hoan nào, chỉ có "cụ" Nguyễn Công Hoan. Và về tuổi thì cụ Nguyễn Công Hoan có thể đẻ ra được tôi.

Nhà văn Tô Hoài kể với tôi chuyện trên, và nói thêm rằng, ông để ý sau câu trả lời của ông "sắc mặt cô gái chuyển sang tái ngắt".

Nhận thấy đây là một vụ lừa đảo rõ rệt, nhà văn Tô Hoài khuyên nạn nhân về làm đơn kiến nghị, kèm công văn của UBND huyện gửi tới Hội Nhà văn Việt Nam, trên cơ sở đó, Hội Nhà văn sẽ có kế hoạch khởi kiện cậu kia ra tòa. Song không biết vì lý do gì mà khi hai người khách kia cáo lui, mãi  vẫn không thấy ai quay trở lại. 

Đôi nét về nhà văn Nguyễn Công Hoan

Theo Wikipedia, nhà văn Nguyễn Công Hoan sinh tại làng Xuân Cầu, tổng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Ông xuất thân trong gia đình quan lại Nho học thất thế. 

Từ nhỏ ông đã được nghe và thuộc nhiều câu thơ, câu đối với những giai thoại có tính chất trào lộng, châm biếm, đả kích tầng lớp quan lại. Điều này ảnh hưởng lớn đến phong cách văn chương của ông sau này.

Nguyễn Công Hoan có 3 người anh trai đều tham gia hoạt động cách mạng, giữ cương vị quan trọng là Nguyễn Công Miều (Lê Văn Lương) nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyễn Công Bồng nguyên Phó Tổng Giám đốc Nha Công an và Nguyễn Công Mỹ nguyên Tổng Giám đốc đầu tiên của Nha bình dân học vụ.

Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm năm 1926, ôg làm nghề dạy học ở nhiều nơi cho đến khi Cách mạng tháng Tám nổ ra. Ông viết văn từ sớm, tác phẩm đầu tay Kiếp hồng nhan (viết năm 1920, được Tản Đà thư điếm xuất bản năm 1923) là một đóng góp cho nền văn xuôi Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ.

Nha-van-Nguyen-Cong-Hoan-va-giai-thoai-bi-mao-danh-o-ngoai-tuoi-70-j
Chân dung nhà văn Nguyễn Công Hoan

Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ chức Giám đốc kiểm duyệt báo chí Bắc Bộ, kiêm Giám đốc Sở Tuyên truyền Bắc Bộ. Sau đó ông gia nhập Vệ quốc quân, làm biên tập viên báo Vệ quốc quân, giám đốc trường Văn hóa quân nhân, chủ nhiệm và biên tập tờ Quân nhân học báo. Ông là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1948. 

Năm 1951 ông làm việc ở Trại tu thư của ngành giáo dục, biên soạn sách giáo khoa và sách Sử Việt Nam hiện đại từ Pháp thuộc đến năm 1950 dùng cho lớp 7 hệ chín năm. Ông cũng viết bài cho báo Giáo dục nhân dân, cơ quan ngôn luận đầu tiên của Bộ Quốc gia giáo dục lúc bấy giờ. Từ sau năm 1954, ông trở lại nghề văn với cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (khóa đầu tiên 1957-1958), Ủy viên Ban Thường vụ trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa sau đó. Ông cũng là Ủy viên Ban chấp hành Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, chủ nhiệm tuần báo Văn (tiền thân của báo Văn nghệ).

Ngày nay, tên của ông được đặt cho 1 con phố ở Hà Nội, 1 con đường ở TP Quảng Hới (Quảng Bình). Vào năm 2009, tên của ông còn được đặt cho trường THPT Nguyễn Công Hoan ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. 

Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Xem thêm: Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã "náo động" cõi văn chương thế nào?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận