Nhà Trần đã biến Đại Việt thành "ông lớn" phương Nam như thế nào?

Dưới triều Trần, lực lượng quân đội đặc biệt được chú trọng phát triển để dẹp thù trong, giặc ngoài. Bên cạnh đó, nhà Trần đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế giúp Đại Việt để khẳng định vị thế.

Đỗ Thu Nga
09:00 28/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhà Trần thay ngôi nhà Lý

Từ cuối thế kỉ XII, nhà Lý ngày càng suy yếu. Chính quyền không còn chăm lo đến đời sống của nhân dân như trước, hầu hết quan lại lao vào ăn chơi sa đọa. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục: "Bấy giờ nhà vua vẫn cứ tiến hành mọi việc thổ mộc không ngừng, nghe nói ngoài kinh thành có giặc cướp, cũng giả vờ làm ngơ để bưng bít đi, chỉ ham thích của cải. Các bầy tôi (quan lại) đều bắt chước, tranh nhau bán quan buôn ngục, ngoài ra không còn nghĩ đến việc gì". 

Lụt lội, hạn hán, mất mùa liên tục xảy ra. Nhiều dân nghèo bán vợ, con làm nô tì cho các gia đình giàu có, một số bỏ vào chùa kiếm sống. Dân chúng khổ cực, lầm than. Ở Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình... dân nghèo nổi dậy đấu tranh. Trong tình hình đó, một số thế lực phong kiến ở các địa phương lại đánh giết lẫn nhau, quấy phá nhân dân và chống lại triều đình.

nha-tran-da-bien-dai-viet-thanh-ong-lon-phuong-nam-nhu-the-nao-5
Trần Thủ Độ chính là "đạo diễn" giúp nhà Trần thay thế nhà Lý (Ảnh minh họa)

Nhà Lý dựa vào thế lực họ Trần để chống lại các lực lượng nổi dậy nên đã tạo cơ hội cho họ Trần buộc Lý Chiêu Hoàng (vua cuối cùng của nhà Lý) phải nhường ngôi cho Trần Cảnh vào tháng 12 năm Ất Dậu (đầu năm 1226). 

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Trần Cảnh khi mới lên 8 tuổi,... "có chú họ là Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ, nên được vào hầu trong cung. Chiêu Hoàng thấy vua (Trần Cảnh) thì ưa. Năm Ất Dậu mùa đông, tháng 12 (đầu năm 1226), được Chiêu Hoàng nhường ngôi, lên ngôi Hoàng đế".

Vào những năm đầu tiên, do Trần Cảnh còn nhỏ nên toàn bộ quyền hành của nhà Trần đều do một tôn thất vai chú là Trần Thủ Độ nắm quyền. Chính Trần Thủ Độ đã là người âm thầm ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho cháu mình. Tuy Trần Thủ Độ  không có lễ giáo, thất học nhưng mưu sâu. Ông xử lý chuyện trong và ngoài triều tươm tất, giúp nhà Trần có những bước đầu vững chắc.

Củng cố chế độ phong kiến tập quyền

Sử viết, bộ máy quan lại nhà Trần cũng giống như nhà Lý, được tổ chức theo chế độ quân chủ trung ương tập quyền gồm 3 cấp: Triều đình, các đơn vị hành chính trung gian từ lộ đến phủ, huyện, châu và cáp hành chính cơ sở là xã. Đứng đầu triều đình là vua (thời Trần cũng thực hiện chế độ Thái thượng hoàng). Các vua thường nhường ngôi sớm cho con, tự xưng là Thái Thượng hoàng, cùng với vua quản lý đất nước.

Các chức quan văn, võ trong triều đều do người họ Trần nắm giữ. Hệ thống quan lại được tổ chức như thời Lý nhưng quy củ và chặt chẽ hơn. Nhà Trần còn đặt thêm một số cơ quan như: Quốc sử viện (đảm nhiệm việc viết sử), Thái y viện (coi việc chữa bệnh trong cung vua), Tôn nhân phủ (nắm sự vụ của họ hàng tôn thất) và một số chức quan như Hà đê sứ, Khuyến nông sứ, Đồn điền sứ... Nhà Trần còn quy định cụ thể thời hạn để xem xét việc thưởng, phạt quan lại.

nha-tran-da-bien-dai-viet-thanh-ong-lon-phuong-nam-nhu-the-nao-0
Nhà Trần được tổ chức theo chế độ quân chủ trung ương tập quyền

Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chép: "Theo thể lệ nhà Trần, cứ 15 năm nếu không có lỗi nặng thì thăng một bậc chức vụ. Việc thăng thưởng, bổ sung được quy định rõ ràng".

Các quý tộc họ Trần được phong vương hầu, ban thái ấp. Quan lại được cấp bổng lộc. Cả nước chia thành 12 lộ, đứng đầu là các chức chánh, phó An phủ sử. Dưới lộ là phủ, do tri phủ cai quản. Châu, huyện do các chức tri châu, tri huyện trông coi. Dưới cùng là xã do xã quan đứng đầu.

Sửa sang luật pháp, ban hành bộ luật mới

Nhà Trần chú trọng việc sửa sang luật pháp, ban hành luật mới gọi là Quốc triều hình luật. Hình luật của nhà Trần cũng giống  như thời Lý, nhưng được bổ sung thêm. Luật pháp xác nhận và bảo vệ quyền tư hữu tài sản, quy định cụ thể về việc mua bán ruộng đất.

nha-tran-da-bien-dai-viet-thanh-ong-lon-phuong-nam-nhu-the-nao-4

Cơ quan pháp luật cũng được tăng cường và hoàn thiện. Nhà Trần cũng đặt cơ quan Thẩm hình viện để xét xử các việc kiện cáo. Để chuông lớn ở thềm điện cho dân kêu oan. 

Xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng

Khi thay thế nhà Lý, nhà Trần không chỉ nhanh chóng chỉnh đốn triều chính, sửa sang luật pháp mà còn đặc biệt chú trọng việc ổn định xã hội, tổ chức lại quân đội, củng cố quốc phòng. Quân đội nhà Trần gồm cấm quân, quân ở các lộ. Cấm quân là đạo quân bảo vệ kinh thành, triều đình, nhà vua.

Cấm quân được tuyển chọn từ những trai tráng khỏe mạnh ở quê hương nhà Trần (Tức Mặc, Nam Định). Quân các lộ ở đồng bằng gọi là chính binh, ở miền núi gọi là phiên binh. Tại các xã thì có hương binh. Khi chiến tranh, còn có quân đội của các vương hầu.

nha-tran-da-bien-dai-viet-thanh-ong-lon-phuong-nam-nhu-the-nao

Đáng chú ý, quân đội nhà Trần được tuyển dụng theo chính sách "ngụ binh ư nông" và theo chủ trương "quân lính cốt tinh nhuệ, không cốt đông". Nhà Trần cũng làm công tác tư tưởng rất tốt để xây dựng sự đoàn kết trong quân đội.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: ""Khi trong nước không có việc thì cho quân lính về làm ruộng; khi có việc chinh chiến, thì hết thảy mọi người dân đều là quân lính. Thế quân cường thịnh... ".

Quân đội nhà Trần được học tập binh pháp, luyện tập võ nghệ thường xuyên. Nhà Trần cũng cử nhiều tướng giỏi cầm quân đóng giữ các vùng hiểm yếu, nhất là biên giới phía Bắc. Vua Trần còn thường xuyên đi tuần tra phòng bị các nơi.

Phục hồi, phát triển kinh tế

Sau khi ổn định chính trị, xã hội, quân sự, nhà Trình bắt tay vào thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi hồi và phát triển kinh tế:

Về nông nghiệp: Nhà Trần đẩy mạnh khẩn hoang, mở rộng diện tích sản xuất, đắp đê phòng lụt, đào sông, nạo vét kênh mương. Vua lệnh cho các lộ đắp đê từ đầu nguồn đến cửa biển để đề phòng nước sông lên to, gọi là đê Đỉnh nhĩ; đặt chức Hà đê sứ để trông coi, đốc thúc việc đắp đê; chỗ nào đắp vào ruộng đất của dân sẽ tính trả tiền lại.

"Năm 1266, nhà Trần cho phép các vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập những người phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tì đề khai khẩn ruộng hoang, lập điền trang. Vương hầu có điền trang từ đây", theo Đại Việt sử ký toàn thư. 

Nông dân cũng được nhà nước quan tâm, cố gắng tích cực cày cấy. Chính vì vậy, nông nghiệp nhanh chóng được phục hồi và phát triển.

nha-tran-da-bien-dai-viet-thanh-ong-lon-phuong-nam-nhu-the-nao-3

Về công nghiệp: Các xưởng thủ công nhà nước chuyên sản xuất gốm, dệt, chế tạo vũ khí. Thủ công nghiệp trong nhân dân có nhiều ngành nghề như đúc đồng, làm giấy, khắc ván in.. Các làng xã, chợ mọc ngày càng nhiều. Ở kinh thành Thăng Long, bên cạnh Hoàng thành, có 61 phường.

Các cửa biển Hội Thống (Hà Tĩnh), Hội Triều (Thanh Hoá), Vân Đồn (Quảng Ninh)... là nơi buôn bán tấp nập với thương nhân nước ngoài.

An Nam tức sự có đoạn: "Thuyền bè nước ngoài đến tụ hội ở đây (Hội Thống, Vân Đồn), mở chợ ngay trên thuyền. Cảnh buôn bán thật là thịnh vượng".

Về mặt thuế má: Có hai loại thuế là thuế thân và thuế điền. Thuế thân được đóng bằng tiền và ít nhiều tùy theo số ruộng có. Ai có dưới một mẫu ruộng thì được miễn thuế. Thuế điền thì đóng bằng thóc. Ngoài ra còn có thuế trầu cau, rau quả, tôm cá v.v. Về mặt tiền tệ, để tiện việc tiêu dùng - vàng, bạc được đúc thành phân, lượng và có hiệu của nhà vua.

Phật Giáo, Nho giáo, Đạo giáo phát triển rực rỡ

Có thể thấy, Nho giáo, Đạo giáo có ảnh hưởng rõ rệt ở triều đại này, tạo ra cục diện Tam giáo đồng nguyên, sự cân bằng ảnh hưởng của Phật giáo – Nho giáo – Đạo giáo. Trong 175 năm tồn tại, nhà Trần đã tổ chức 14 khoa thi (10 khoa chính thức và 4 khoa phụ), lấy 283 người đỗ. Có 2 khoa thi 1256 và 1266 lấy 2 trạng nguyên là Kinh trạng nguyên và Trại trạng nguyên nên tổng số có 12 người đỗ đầu trong các kỳ thi.

Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông được coi là một danh nhân văn hóa nổi tiếng, người bảo trợ Phật giáo và Đạo giáo, thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nổi tiếng và truyền đến đời nay. Bên cạnh đó, những danh thần Đoàn Nhữ Hài, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Trần Quang Triều,... là những cái tên nổi danh về tri thức, thơ văn, góp phần to lớn tạo nên thời kỳ nhà Trần hưng thịnh văn hóa.

Xem thêm: Thái sư Trần Thủ Độ - vị "đạo diễn" khởi dựng triều Trần, có lòng trung quân, ái quốc tột độ

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận