Người phụ nữ đơn thân và bếp ăn thiện nguyện giữa lòng Sài Gòn
Với người phụ nữ đơn thân này, cơm từ thiện phải thật ngon, thật sạch sẽ. Như thế người nhận cơm mới thực sự có bữa ăn ấm lòng.
Với người phụ nữ đơn thân này, cơm từ thiện phải thật ngon, thật sạch sẽ. Như thế người nhận cơm mới thực sự có bữa ăn ấm lòng.
Nấu phải thật ngon, thật sạch
Từ phía sau, một phụ nữ đứng tuổi bê một thau bắp đã chặt thành từng khúc nhỏ đổ vào thùng nước đang sôi. Những khúc bắp vàng rực, tươi rói nổi trên mặt nước.
Bên hông quán phở, ba người phụ nữ khác đang tất bật với công việc. Người rửa bắp cải, người gọt và chẻ đôi từng chiếc nấm rơm. Một chiếc xe gắn máy ghé vào.
Người thanh niên bê từng gói bánh canh nặng sắp đầy trên chiếc bàn kệ tạm... Thau nguyên liệu nào hoàn thành sẽ có người bê ra, trút vào thùng. Chẳng mấy chốc, thùng nước đã đặc sệt.
Các chị đều là những người làm công việc thiện nguyện. Mỗi tháng cứ vào ngày 14 và 30 âm lịch, họ tập trung về quán phở 464 Hòa Hảo (phường 5, quận 10, TP.HCM) để tổ chức bữa ăn sáng từ thiện cho những mảnh đời neo đơn cơ nhỡ.
Chị Đặng Thị Bạch Huệ (48 tuổi), chủ quán phở và cũng là người đầu tàu cho công việc từ thiện này cầm chiếc vá cán dài quậy đều thùng nước. Chị đậy nắp và chờ cho nước sôi trở lại.
Chị cho biết: "Chúng tôi thường làm bánh mì chả lụa nhưng hôm nay vì một lý do riêng chủ hàng không giao kịp hàng nên phải chuyển sang nấu bánh canh.
Bánh canh hay bánh mì chúng tôi đều cố gắng làm cho thật ngon. Đừng nói thức ăn từ thiện miễn phí thì muốn nấu sao cũng được. Mình nấu dở người ta không ăn, bỏ đi thì rất lãng phí".
Quán vẫn còn đông khách. Chị Huệ khá vất vả. Hết lo cho quán phở lại chạy đến lo cho nồi bánh canh chay từ thiện. Hôm nay chị nấu 400 phần. Nhiều người đến tại chỗ để nhận. Số còn lại sẽ chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1.
Nồi nước đã sôi. Chị Huệ đến lấy bịch muối, bịch đường phèn và nhiều gia vị khác cho vào nồi. Dường như đã quen, chị không cần lường. Chị bỏ vào quấy thật đều rồi múc một muỗng nếm thử.
"Vừa rồi đó. Bây giờ mình chỉ cần để cho nó tới thì múc được rồi", chị nói với các chị cùng làm.
Nhóm người làm từ thiện bắt đầu phân bánh canh vào túi. 2 đứa con trai của chị Huệ cũng tham gia. Thằng bé út, mang bao tay, bốc từng miếng tàu hủ cho vào từng túi. Những chị khác, người nêm ngò, người bốc bánh.
Mọi người làm việc thật nhiệt tình và rất vui vẻ. Họ không bận tâm đến lời, lãi vì đây là hàng tặng. Họ không màng đến danh phận bởi đây là công việc từ thiện. Tất cả đều vì người nghèo vì người kém may mắn...
Bên ngoài nhiều người đã đến. Một chị bán vé số nói với chị Huệ: "Em xin chị 10 phần đem về cho các cụ già trong nhà trọ". Chị Huệ cười rất tươi gật đầu và bắt đầu múc.
10 bịch bánh cánh đã xong, cho vào túi lớn, chị vé số mang đi. Tiếp tục đến người khác... Niềm vui thoáng hiện trên gương mặt những người cơ nhỡ, trên đôi môi những tấm lòng nhân ái.
"Đời đã cho mình, mình phải báo đáp"
Bà bước đến. Bà đội nón lá, mặc áo nâu sòng, với nhiều túi xách trên tay. Trên vai bà còn đeo thêm một túi nặng trong đó có vỏ lon bia và ve chai.
Gương mặt bà thoáng buồn và hơi khắc khổ. Bà là "khách hàng" quen thuộc từ nhiều năm nay. Cứ mỗi đợt từ thiện bà đều tìm đến. Lần nào cũng thế, bà được tiếp đón ân cần và chu đáo.
Bà ngồi trên tam cấp của nhà đối diện. Bà kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh của bà. Bà tên Nguyễn Thị Châu (82 tuổi), là thành viên của CLB hưu trí. Bà có 6 người con nhưng không ai chịu nuôi bà. Ban ngày bà đi xin, tối về tìm một xó nào ngủ tạm...
Nhìn bà chúng tôi vô cùng ái ngại. Bà đã nuôi được 6 người con vậy mà giờ đây khi đã xế chiều không đứa con nào đoái hoài tới. Bà vẫn phải lầm lũi mưu sinh.
Thằng bé con trai út của chị Huệ bước đến bên bà. Nó cúi gập người, hai tay bê hộp bánh canh đến trao cho bà. Nó thưa chuyện với bà thật lễ phép. Nhìn cử chỉ của thằng bé chúng tôi mới thấy của cho không bằng cách cho. Bà đón nhận hộp bánh canh, cám ơn thằng bé rồi bắt đầu ăn...
Từ xa, chị Huệ nhìn con mỉm cười. Chị kể cho chúng tôi nghe, chị quê ở thị xã Kiến Tường (Long An), có 2 con trai. Đứa lớn vừa tốt nghiệp đại học, ngành công nghệ thông tin. Người em đang học cấp 2. Cả 2 đều rất ngoan và là niềm tự hào của chị.
Chị làm mẹ đơn thân đã 8 năm nay. Cuộc tình của anh chị không vui nhưng bù vào đó các công việc thiện nguyện mà chị đã liên tục thực hiện từ 10 năm qua cũng làm cho chị vơi đi phần nào nỗi nhọc nhằn.
Tâm sự với chúng tôi, chị cho biết công việc làm ăn của chị đến nay cũng có nhiều kết quả tốt. "Có được như vậy thì mình phải nghĩ đến báo đáp. Cách báo đáp hay nhất là mình giúp những người kém may mắn hơn mình", chị nói.
Chị bắt đầu làm từ thiện từ năm 2008.
Ban đầu chị nấu bánh canh, được vài năm chuyển qua bánh cuốn. Sau này, có người góp ý với chị chuyển sang bánh mì chả lụa chay. Từ đó, cứ một tháng 2 lần mỗi lần chị phát từ 600 - 1.000 ổ bánh với chả lụa, dưa leo chan nước tương... Hôm nay, do không được giao hàng nên họ phải làm tạm bánh canh.
Trước, một mình chị gánh tất cả kinh phí thực hiện công việc từ thiện này. Gần đây, nhiều người biết chuyện tìm đến góp sức với chị.
Từ 6 năm nay, mỗi lần phát quà từ thiện, "cô Bảy" (một người không muốn nêu tên) đã đều đặn đóng góp một số tiền phụ với chị, tăng thêm suất ăn cho bà con.
Từ giã chị, trên đường về, nụ cười của chị làm cho chúng tôi nhớ mãi. Dường như ai cũng thế, làm việc thiện luôn đi đôi với nụ cười...
(Theo VietNamNet)
Xem thêm: Mỗi ngày một việc tốt: Sư thầy Thích Đăng Nguyện và bếp ăn 0 đồng ấm lòng nghèo
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận