Người mẹ nuôi tử tế và hành trình tìm lại đôi chân cho cậu bé Nùng
Câu chuyện về tình mẫu tử "bất đắc dĩ" của Chiến và chị Vy lấy đi nhiều nước mắt của y bác sĩ tại bệnh viện St John of God Berwick. Các tờ báo ở Australia, Hoa Kỳ, Anh… gọi đó là ca mổ lịch sử.
3 năm trước, Lù Văn Chiến ngày ngày vẫn lết đôi chân lủng lẳng đến lớp. 3 năm sau, cậu bé ấy đã có thể chạy, đạp xe khắp xóm… Tất cả đều nhờ hành trình yêu thương từ một người phụ nữ xa lạ.
Ngày Chiến rời quê nhà với đôi chân còi cọc, khòng khoèo, chỉ có thể di chuyển bằng cách bò lết nửa người. Nay trở về, cậu bé đã chạy nhảy, đạp xe tung tăng. Ngày ra đi, Chiến nhớ cuộc sống lay lắt bên bà nội già yếu. Nay trở về, Chiến đã có một gia đình với đầy đủ mẹ cha...
Theo thông tin từ báo CAND, ở vùng núi cao heo hút thuộc xã Nậm Khòa, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, bố mẹ của cậu bé Lù Văn Chiến lấy nhau khi còn rất trẻ . Lúc sinh ra Chiến, nhìn thấy hai bàn chân con nhỏ xíu và quặp chặt một cách bất thường, mẹ em lẳng lặng bỏ đi biệt tích từ bấy đến nay. Sau đó, bố Chiến vướng vòng lao lí, phải đi chấp hành án. Ông bà nội bao bọc đứa cháu tật nguyền. Nhưng rồi ông nội cũng mất vì bạo bệnh, chỉ có bà nội già yếu nuôi Chiến trong căn nhà cũ kĩ.
Tuy hình hài dị biệt nhưng gương mặt của Chiến sáng lắm, nhất là đôi mắt to tròn và khôn ngoan. Bởi thế, bà nội vẫn cho Chiến vào lớp 1. Quãng đường từ nhà đến trường xa xôi, gập ghềnh nên Chiến đi học trên lưng của bà và của bạn, được ăn ở, học hành trong vòng tay yêu thương của các thầy, cô giáo. Cậu học trò bò lết nhanh như một con sóc và ham học đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà trường.
Có lẽ, phận sống nhỏ nhoi của Chiến sẽ mãi là bí mật nơi chân núi nếu như không có một ngày năm 2019, Giáo sư Mạch Diệp - một Việt kiều ở Na Uy khi đi từ thiện đến xã Nậm Khòa, đã phát hiện ra Lù Văn Chiến. Hình ảnh cậu bé gầy gò có đôi chân khoèo quặp chặt đang lê lết nửa người dưới đất, nhọc nhằn bò theo các bạn, áo quần lúc nào cũng bê bết bùn đất đã khiến đoàn từ thiện của giáo sư Mạch Diệp vô cùng thương cảm. Bà cất công tìm hiểu về bệnh của Chiến, tìm cách liên lạc tham vấn một số bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nhưng những câu trả lời như không thể phẫu thuật, phải tháo khớp để lắp chân giả..., làm bà muốn bỏ cuộc vì không nỡ điều trị theo hướng đó.
Rồi những thông tin về hoàn cảnh ngặt nghèo của Chiến và câu hỏi "ai có thể giúp cậu bé này" được bà đăng tải trên Facebook, nhận được sự quan tâm của nhiều người, trong đó có nhóm thiện nguyện "Kết nối yêu thương" do chị Võ Thảo, một Việt kiều ở Mỹ làm nhóm trưởng. May mắn, nhóm đã kết nối được với giáo sư, bác sĩ Trần Anh Tôn - một chuyên gia về phẫu thuật chỉnh hình hiện đang sống và làm việc ở thành phố Melbourne, Australia. Ông đã nhận lời chữa cho Chiến nhưng phải có người ở Việt Nam lên tận nhà Chiến để ông có thể nhìn thấy bé qua cuộc gọi video.
Dù chưa một lần đặt chân tới Hà Giang nhưng từ thành phố Kon Tum, chị Trần Mai Vy - thành viên của nhóm "Kết nối yêu thương" bị ấn tượng mạnh về hình ảnh cậu bé Chiến 7 tuổi nhưng chỉ nặng 11kg, suy dinh dưỡng nặng, hai chân bị teo cơ bé xíu, bò lết khắp nơi. Chị xung phong tới Hà Giang gặp trực tiếp bé Chiến. Sợ chồng và hai con lo lắng, chị Vy chỉ nói sẽ bay ra Hà Nội. Từ Hà Nội, chị cùng một người bạn mò mẫm tìm đường lên Hoàng Su Phì, Hà Giang. Một ngày cuối tháng 8-2019, vượt quãng đường gần 1.500km, chị đã đến được xã Nậm Khòa.
Bên cạnh đó, theo thông tin báo Dân Trí, lần đầu chứng kiến hình ảnh cậu bé da bọc xương, bò dưới đất lấm lem, xung quanh đầu bị người nhà cắt lởm chởm tóc vì những vết sẹo chằn chịt… chị Vy đã òa lên khóc nức nở.
"Bản năng làm mẹ khiến mình yêu thằng bé vô cùng. Và có điều đặc biệt nào đó, Chiến bình thường không bao giờ nói chuyện nhưng hôm đó bỗng gọi mình bằng mẹ. Khoảnh khắc ấy, mình quyết bằng mọi giá phải đưa thằng bé rời khỏi đỉnh núi này để đi tìm chân…", chị Vy kể.
Hôm sau, để hội chẩn trực tuyến với bác sĩ Trần Anh Tôn, chị Vy quyết định ở lại Trường Tiểu học nội trú Nậm Khòa bởi đây là nơi duy nhất trong xã có mạng Internet. Sóng điện thoại chập chờn liên tục, vết thương ghép ra lắp vào chi chít đang hoại tử trên người Chiến khiến mọi người sốt ruột.
Cuối cùng sau vài giờ, bác sĩ Tôn nhận định hoàn toàn chữa lành cho cậu bé mà không cần cắt chân. Thế nhưng, ca phẫu thuật ấy chỉ được thực hiện tại Australia.
Chứng kiến quyết tâm đưa đứa trẻ xa lạ ra nước ngoài điều trị của vợ, anh Nghĩa (chồng chị Vy) vô cùng lo ngại. Anh nói: "Nhà mình đã có một đứa bại não, giờ thêm cậu bé này, em đủ sức không?",
Trước câu hỏi đo của chồng, chị Vy vẫn khẳng định: "Em là một người bình thường, nhưng em muốn sống cuộc đời không bình thường…"
Với quyết tâm của mình, chị Vy nhanh chóng làm thủ tục để đưa Lù Văn Chiến sang Australia. Thế nhưng, một lần nữa mọi chuyện lại rơi vào bế tắc. Thứ nhất, chị Vy không có quan hệ máu mủ với Chiến. Thứ hai, bố bé đang trong trại giam, mẹ ở bên kia biên giới, thời điểm đó không ai có thể chứng nhận ủy quyền cho chị thực hiện nguyện vọng. Thậm chí hôm ở lãnh sự quán, đứng trước yêu cầu phải sang Trung Quốc tìm bằng được mẹ Chiến, chị Vy chỉ biết gượng cười, không lời đáp.
"Khó khăn chồng chất khó khăn, đôi lúc nản lòng ghê gớm. Mỗi đêm nhắm mắt, thấy hình ảnh con lấm lem bùn đất, mình bật khóc nhiều lắm. Có lẽ chính tình yêu thương và sự kiên cường ấy, nhiều người trong và ngoài nước, lẫn chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã tham gia giúp sức", chị Vy kể và cho biết cuối cùng lá thư mong mỏi cứu giúp Chiến của mình gửi đến lãnh sự quán Australia đã khiến tất cả đều xúc động.
Ngày 21/11/2019, chị Vy cùng con trai và bé Chiến lên đường sang nước ngoài để thực hiện ca phẫu thuật. Thời điểm đó, tại Bệnh viện St John of God Berwick ở Melbourne, Chiến bị một loại vi-rút nguy hiểm tấn công khiến da thịt cậu liên tục lở loét, chảy máu.
Trước tình cảnh đó, chị Vy đành gửi con cho vợ bác sĩ Trần Anh Tôn để bản thân có điều kiện chăm cho Chiến tăng thêm 4 kg. Việc này nhằm giúp bé trai đủ điều kiện sức khỏe tham gia mổ.
Ngày 25/9, ca phẫu thuật của Chiến kéo dài 9 giờ đã thành công. Tỉnh dậy trên giường bệnh, Chiến nhìn chị Vy òa lên nức nở khiến chị không kìm nước mắt.
Khoảng thời gian sau đó, cả hai đồng hành cùng nhau tập vật lí trị liệu. Những bước đi đầu tiên của Chiến luôn bắt đầu và kết thúc trong máu và nước mắt. Thế nhưng, chưa bao giờ cậu bé rên la.
Một lần từ ngoài trở về, Vy thấy cậu hí hoáy viết trên đôi chân bó bột. Một bên, Chiến viết "Con yêu mẹ", chân còn lại có chữ "Mẹ Vy" kèm thêm hình trái tim. Lúc này, chị nhận ra, cậu bé là người xa lạ đã yêu thương mình đến nhường nào.
"Mình không suy nghĩ và cảm thấy vất vả gì hết. Mình chỉ biết với Chiến, đó là một sợi dây định mệnh", chị Vy kể.
Câu chuyện về tình mẫu tử "bất đắc dĩ" của Chiến và chị Vy lấy đi nhiều nước mắt của y bác sĩ tại bệnh viện St John of God Berwick. Các tờ báo ở Australia, Hoa Kỳ, Anh… tìm tới và viết bài về hai mẹ con. Họ gọi đó là ca mổ lịch sử, bởi nó không chỉ được viết nên bằng y học mà còn là cả tình người vô bờ bến. Người dân Australia cũng đặt biệt danh thân mật cho Chiến là "Lucky boy"
Trải qua một mùa Giáng sinh tại Australia, cuối năm 2019, chị Vy cùng hai con trở về Việt Nam. Thời điểm đó, Chiến đã tự thân di chuyển nhưng chân vẫn còn đeo nẹp định vị. Nghĩ đến chuyện đưa con trở về Hà Giang, người thân không biết cách chăm sóc sẽ khiến tình trạng trở về như cũ, chị Vy quyết định thuyết phục gia đình lần nữa cho Chiến ở lại Kon Tum.
"Mẹ có một em bé bị tật nguyền, không có gia đình. Mẹ muốn đưa em về nhà, con thấy sao?", câu hỏi đó chị Vy đặt ra với đứa con út qua điện thoại trước giờ lên máy bay.
"Đừng bỏ em! Tội lắm! Mẹ đưa em về đi, mình có cái gì thì em ăn cái đó, có chỗ ngủ con chia cho em…", đứa trẻ 10 tuổi thủ thỉ với mẹ.
Tháng 7 vừa qua, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gia đình chị Vy đã lái ô tô đưa Chiến trở về quê hương. Ngày đoàn tụ, cả xã nhỏ Nậm Khòa đều vỡ òa hạnh phúc vì giờ đây Chiến đã tự chạy nhảy, vui đùa.
Chị Vy cũng đã gọi điện cho cha Chiến sau khi anh ra tù với mong mỏi cho anh gặp con. Thế nhưng, người cha giờ đã có gia đình mới.
Chị Vy đã hỏi ý kiến gia đình rồi lập kế hoạch giúp Chiến có gia đình trọn vẹn. "Hôm mình ghi tên con vào hộ khẩu, chị vẫn đề tên con là Lù Văn Chiến. Chiến thắc mắc: Tại sao cả gia đình họ Trần, riêng con họ Lù? Mình chỉ cười và nói với con rằng ba con họ Lù nên con cứ để vậy, còn con mãi mãi là con của mẹ. Câu nói ấy làm Chiến càng yêu mình hơn", người phụ nữ với gương mặt phúc hậu tâm sự.
Bây giờ, Lù Văn Chiến đã học lớp 4, chậm hơn một lớp so với các bạn đồng lứa. Nhưng thay vì lết đôi chân đi tìm con chữ, cậu đã có thể đạp xe đến trường, chạy nhảy cùng chúng bạn, đêm đêm nghe các anh chỉ dạy bài toán khó và quây quần bên mâm cơm có mẹ có cha… Đó mãi mãi là một kì tích.
"Có hôm chồng mình hỏi vui là Chiến sau này lớn nuôi ai? Chiến đáp luôn mẹ Vy. Mình bèn hỏi sẽ làm nghề gì để nuôi? Con nhanh nhảu bảo bác sĩ, vừa để trả ơn mình, vừa để trả ơn đời. Tất cả bao nhiêu đây thôi đủ là điều an ủi và hạnh phúc trong suốt năm tháng vượt muôn trùng khó khăn của chị và con…", chị Vy cười..
(Theo Hội nhập)
Xem thêm: Tử tế không kể giàu nghèo: Bà cụ ngày ngày đi mót củi nuôi 2 đứa trẻ bị bỏ rơi
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận