Người phụ nữ không tay nặng 15kg mang bầu, đi đẻ không ai tin và hành trình 9 năm nuôi con bằng chân
Trước đây chị Nhung khiến người ta ngưỡng mộ bởi tình yêu cổ tích với người đàn ông tên Vũ Phương. Giờ đây, chị được mọi người cảm phục bởi hành trình 9 năm nuôi con bằng chân.
Hợp 1 thập kỷ trôi qua với bao khó khăn, vất vả, nguy hiểm khi mang bầu và sinh con nhưng chị Nhung và anh Phương vẫn sánh bước vượt qua. Hiện tại cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng anh chị luôn cảm thấy hạnh phúc với những gì ông trời đã ban tặng, nhất là cô con gái 9 tuổi bụ bẫm, khỏe mạnh.
Quyết tâm mang bầu, sinh con dù chỉ nặng 19kg
Chị Lâm Hồng Nhung sinh ra và lớn lên ở vùng quê Kiên Giang. Số chị khổ, vừa sinh đã bị khiếm khuyết cả hai cánh tay. Chính vì thấy cuộc sống sau này đều cậy nhờ vào hết hai bàn chân. Ngoài ra chị còn bị cong vẹo cột sống do thuở nhỏ đi học phải đi qua cầu khỉ chênh vênh, hai mẩu tay phải bám víu vào cầu thì mới di chuyển được nên dần dần cột sống lưng bị vẹo theo.
Dù cơ thể khiếm khuyết khiến chị không thể phát triển như một cô gái bình thường nhưng bù lại chị tìm được bến đỗ, chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời, đó là anh Vũ Phương (quê ở Sóc Trăng). Vượt qua rào cản của hai bên gia đình, tháng 12/2011, anh Phương và chị Nhung về chung nhà. Hiện tại, gia đình chị Nhung đang sinh sống ở Đồng Nai.
Cảm động trước tình nghĩa của vợ chồng chị Nhung, chẳng lâu sau, ông trời ban tặng cho họ sợi dây kết nối tình yêu, đó là một đứa con. Chị Nhung từng kể, chỉ vài tháng sau khi kết hôn chị có bầu. Vợ chồng lúc ấy vui vô cùng nhưng cũng sợ em bé sinh ra sẽ khiếm khuyết như mẹ và sợ hơn là trong thời kỳ đầu của thai kỳ sẽ không giữ được em bé.
"Biết tin mình mang bầu, cả nhà sợ lắm vì lúc đó mình có 19kg, sợ mang bầu không chịu nổi, sợ em bé giống mình. Trước mình cũng nói với anh hay là bỏ đi nhưng anh không chịu, cỡ nào cũng để để, sinh con ra có tật hay không anh cũng nuôi", chị Nhung tâm sự.
Hồi mới cưới nhau, vợ chồng chị Nhung khó khăn lắm, chuyện cơm áo gạo tiền bủa vây khiến anh chị chẳng nghĩ được gì nhiều. Anh đi làm thêm suốt ngày đêm để trang trải chi phí gia đình. Vì kinh tế khó khăn nên chẳng có tiền đi khám thai. Mãi đến khi bầu được 4, 5 tháng, anh Phương mới đưa chị Nhung đi siêu âm xem em bé có khỏe mạnh không.
Sau một hồi siêu âm, bác sĩ báo em bé khỏe mạnh, không có dị tật gì, vợ chồng chị vỡ òa hạnh phúc. Anh chị không thể tin nổi em bé trong bụng là một đứa trẻ hoàn toàn bình thường như bao đứa trẻ khác.
"Mình nói thật là mình sinh con ra mà chồng có bỏ mình cũng cố gắng để nuôi con. May mắn, chồng mình thương lắm, mình có bầu thương nhiều hơn. Lần đó đi khám, bác sĩ bảo mình thiếu canxi, sắt nên kê cả đống thuốc cho uống. Thấy hoàn cảnh 2 vợ chồng, bác sĩ siêu âm cho thuốc miễn phí luôn", chị Nhung kể lại.
Kể từ lúc mang bầu cho đến khi sinh, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng chị đi siêu âm. mặc dù bác sĩ nói hàng tháng qua kiểm tra miễn phí cho nhưng từ nhà đến phòng khám khoảng 7km, đi xe ôm cũng mất 100.000 đồng mà vợ chồng đang khó khăn nên chị không đi khám nữa. Vả lại, lần khám đầu tiên bác sĩ bảo con ổn nên chị cũng yên tâm.
Trong suốt thai kỳ, chị Nhung bị nghén suốt, chẳng ăn được gì chỉ uống nước, ăn hạt sen và cá chồng khó. Có một điều rất lạ, chị Nhung ăn cơm nhà thì nôn hết nhưng ăn cơm tấm lại không sao cả. Biết vợ vậy, anh Phương chạy đôn chạy đáo cố gắng mua về cho vợ, dù lúc đó rất khó khăn.
Cả thai kỳ chị Nhung tăng được 4kg nên không thấy rõ bụng, chị đi chợ chẳng ai biết mang bầu. Nhìn thoáng qua cũng chỉ thấy giống như người ăn cơm no. Nhưng những ngày cuối thai kỳ thì vất vả hơn, bụng nặng và nhiều nguy hiểm hơn.
Biết vợ mang bầu khó khăn, anh Phương chỉ đi làm đến trưa, chiều bắt đầu đi kiếm cá cải thiện bữa ăn cho vợ. Thời gian còn lại luôn ở cạnh vợ, lúc thì xoa bóp, lúc đỡ vợ đi lại. Anh liên tục nói, anh thương vợ vì "bà nhỏ con".
"Từ lúc lấy nhau đến nay, anh làm hết việc nhà, nấu cơm, rửa chén, làm tất cả mà không khó chịu bao giờ dù rất mệt. Tối về, mình bảo "em đói bụng quá" mà nhà không có là anh lại chạy đi mượn nợ mua sữa cho mình. Hay 12h đêm mình kêu đói là anh thức dậy làm đồ ăn ngay", chị Nhung tự hào kể về người chồng tuyệt vời của mình.
Ca sinh mổ có "1 - 0 - 2" tại Việt Nam
Chị Nhung sinh sớm hơn 1 tháng so với dự kiến. Chị nhớ mình sinh đúng ngày mẹ lên Sài Gòn làm phụ hồ với chồng còn chị ở nhà với chị dâu. Khi thấy bụng đau, chị gọi điện báo cho mẹ nhưng nghĩ là đau bụng bình thường nên cố chịu.
"Đêm đó mình đi vệ sinh hoài, đến sáng kêu bác Năm xóm bên qua nhờ đi mầm gà cho ăn vì thèm. Nhưng chưa ăn được miếng nào thì lại đau bụng không chịu nổi. Bác Năm và mọi người liền đưa đi viện. Tới viện không ai ngó ngàng tới vì họ không tin mình mang bầu. Mình nói không tin thì đi siêu âm và khi siêu âm xong mọi người mới tin. Lúc đó mình mở 1 phân nằm từ sáng đến tối không ai vào khám, cho thuốc vì không ai nghĩ mình mang thai", chị Nhung kể.
Vì cơ thể chị Nhung khác với người thường nên được chuyển sang bệnh viện khác. Và vì chưa tới ngày sinh nên chị được cho uống thuốc dưỡng thai và khám siêu âm liên tục từ 10h tối đến sáng. Vì chị sinh khó nên gia đình lại xin chuyển lên bệnh viện Cần Thơ. Tại đây chị nằm viện theo dõi 3 ngày mới mổ. Tổng thời gian nằm viện trước sinh của chị là 7 ngày. Trong 7 ngày này chị vô cùng đau đớn, kiệt sức, ngất xỉu nhiều lần.
Trước khi chị Nhung sinh, gia đình phải đối diện với 2 lựa chọn, một là chọn mẹ, 2 là chọn con khi bước vào sinh mổ. Bởi đây là ca sinh khó, chị Nhung loại ốm đau, gù lưng, nằm ngửa khó, không có tay để đo huyết áp, truyền dịch...
Khi đó, gia đình quyết định để bác sĩ đưa chị Nhung vào phòng mổ. Người thực hiện ca bắt con đó là bác sĩ người Pháp. Chị Nhung đau đớn vì co thắt tử cung còn bác sĩ thì liên tục an ủi chị hãy yên tâm. Và ca mổ thành công, con nặng 1,3kg. Chị Nhung sau sinh đứng lên bàn cân còn 15kg.
Biết vợ và con đều bình an, anh Phương Mình lắm. Sau thời gian "ngàn cân treo sợi tóc" đó, anh Phương nói với vợ: "Tôi nói thiệt nhen, tôi mất bà thì tôi biết sống làm sao, tôi thương bà, có con tôi cũng thương".
Sau khi chị Nhung được đưa về phòng sau sinh để chăm sóc thì con gái cũng được về cùng mẹ. Trộm vía, bé ăn ngoan và háu ăn, bút tốt. Chị Nhung nằm lại bệnh viện Cần Thơ 7 ngày cho đến khi bác sĩ cắt chỉ thì mới ra viện.
Nhớ lại những ngày sinh con, chị Nhung cảm thấy biết ơn bệnh viện và các bác sĩ rất nhiều. Chị kể: "Mình nằm viện 7 ngày, bác sĩ cắt chỉ cho. Mọi người giúp đỡ nhiều. Bệnh viện cũng cho gia đình mình tiền trước ca mổ, liên kết với các mạnh thường quân rồi cho tiền taxi đi về. Bác sĩ người Pháp cũng đến nhà thăm, cho bé sữa".
Những năm tháng sau khi sinh, chị Nhung cùng chồng thức khuya dậy sớm để chăm con. Chị kể, người thường nuôi con đã khó, đây chị chẳng có tay, nuôi con càng khó hơn. Những lúc chồng đi làm, chị Nhung chăm con bằng hai chân, dù khó khăn nhưng làm lâu cũng quen, lúc con ăn tốt, con cười chị càng có động lực hơn.
Suốt 9 năm qua, đó là một hành trình đầy khó khăn nhưng cũng giống như một giấc mơ. Chị không thể ngờ được mình có thể mang bầu, sinh con và nuôi dưỡng con trở thành một cô bé 9 tuổi hoạt bát như bây giờ.
Chị Nhung tâm sự, dù là người khuyết tật nhưng sẽ cố gắng nuôi con và trở thành người mẹ hoàn hảo nhất trong lòng con gái.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận