Nam sinh học để gỡ xích chân cho bố xin nhường học bổng cho bạn khó khăn hơn
Dũng muốn được đi học, có tương lai tốt hơn. Em ước mong xây được căn nhà nhỏ, có phòng riêng cho bố ở để không phải xích chân bố như này nữa.
Thủ khoa khối B00 chăm học, hiếu nghĩa
Bùi Mạnh Dũng (17 tuổi, dân tộc Mường) trú tại xã Gia Mô (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) là thí sinh có điểm thi cao nhất khối B00 của trường Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, em lại có hoàn cảnh rất khó khăn.
Một năm trước, ông Bùi Văn Hay (47 tuổi, bố của Dũng) phát bệnh nặng, gia đình đành phải dùng sợi dây xích buộc cổ chân ông lại. Cầm trên tay sợi dây xích nặng trịch, Dũng nói sợi dây này là chắc chắn nhất từ trước đến nay, chứ trước đó gia đình đã thay sợi dây xích chân cho bố đến 5-6 lần.
Dũng kể lúc lên cơn bố thường đập phá, vứt đồ đạc, tìm cách tháo phăng dây xích ra. Có lần tháo được, bố xách cả dây xích nặng trịch đi cùng khiến cả nhà tá hỏa đi tìm, mãi đến sáng hôm sau mới thấy bố đang ngủ ngoài đường. Lần nữa bố đi lang lang mấy ngày trời chẳng ai tìm được, may mắn được các chú công an tìm thấy và gọi điện báo cho gia đình đến đón về.
"Lúc quyết định xích bố lại, em cảm thấy rất thương bố, nhưng đó là quyết định cuối cùng rồi, không còn cách nào khác", Dũng giãi bày.
Những lúc tỉnh táo, ông Hay "ngồi ngoan" trong góc nhà, hễ thấy Dũng đến ngồi cạnh bố hoặc có khách đến trò chuyện là ông "tỏ ra tỉnh táo". "Chưa bao giờ bố đánh em đâu ạ", Dũng cầm lấy đôi tay gầy guộc của bố nói.
Khi Dũng ngồi cạnh bên, ông Hay thường hay nhoẻn miệng cười và rất khoái chí khi được "so vai" hoặc khoác vai con trai. Sức vóc khỏe mạnh của chàng trai tuổi 17 "bẻ gãy sừng trâu" dường như là niềm tự hào của bố, khiến ông cứ nhích lại gần từng chút một và dừng lại khi bờ vai gầy guộc của ông chạm vào bờ vai vạm vỡ của con.
Dũng kể hồi chưa phát bệnh nặng, bố vẫn có sức để đi làm đồng, làm ruộng phụ giúp cho mẹ. Nhưng về sau bệnh nặng hơn, bố uống rượu nhiều hơn, Dũng nghĩ có lẽ do "ma men" đã tàn phá sức khỏe của bố. Dù hoàn cảnh gia đình như vậy nhưng cậu nói chưa bao giờ thấy tự ti hay tủi thân, ngược lại là động lực để em cố gắng, tiến bộ hơn mỗi ngày, để cố gắng giúp bố bớt "khùng", vượt qua bệnh tật.
"Nhìn thấy bố như thế này, ước mơ của em là xây một căn nhà nhỏ để có phòng riêng cho bố ở, để không phải xích chân bố như thế này", Dũng tâm sự.
Dũng cho biết sau khi mẹ mất, có khoản tiền tang lễ nho nhỏ nên em dành tiền đó để làm chi phí sinh hoạt, trang trải tiền học. "Dù mẹ còn sống hay đã mất, em tin mẹ vẫn luôn ủng hộ em bước tiếp trên con đường đã chọn. Với số tiền đó, em phải quyết tâm, cố gắng hơn nữa để không làm mẹ thất vọng", Dũng bày tỏ.
Dũng sống trong căn nhà sàn xiêu vẹo. Trong nhà ngoài ông nội còn có một người đàn ông ngồi thu mình với sợi dây xích quấn quanh cổ chân. "Bố em đấy ạ", Dũng nói rồi hướng mắt về phía bố.
Học để gỡ xích chân cho bố
Năm ngoái, mẹ Dũng mất vì ung thư. Ngày trước, mọi việc đều do mẹ quán xuyến, giờ đây đều nhờ ông nội lo toan. Hằng ngày, ông đan lát giỏ tre bán kiếm tiền đỡ đần cho cháu có tiền ăn học, tiền sinh hoạt phí. Nhưng ở cái tuổi "gần đất xa trời", cụ Chén cũng chẳng biết có đủ sức để lo được cho cháu quãng đường dài sắp tới hay không.
"Lo chứ, không biết làm thế nào để ra tiền, để cháu nó có tiền đi học. Lo nên ở nhà đan giỏ, lúc cháu về cũng có cái ăn, lúc cháu đi cũng lo được cho nó ít tiền", cụ Chén giãi bày.
Cụ Chén nhớ có lần nhìn thấy Dũng về nhà nằm dài ra sàn nhà học bài vì không có bàn học, cụ đã đi khắp nơi hỏi xin chiếc bàn cho cháu. Người ta thương tình cho cụ chiếc bàn con, về nhà cụ Chén gia công lại thành chiếc bàn học gắn bó với Dũng cho đến ngày hôm nay.
Hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng nhìn những bằng khen cũ, mới treo thẳng thớm trong nhà, người ông lại dấy lên niềm tự hào. Với 30 tấm bằng khen của Dũng trong suốt 12 năm học, ông nội đã bửa cây để chuốt lại thành khung trang trọng để khoe phần thưởng của cháu.
Bên bếp lửa, ông nội dặn dò cháu trai dù nhà có khổ, có nghèo đến thế nào cũng phải cố gắng học tập, không phải lo nghĩ chuyện ở nhà vì đã có ông trông bố giùm. Cụ Chén dự tính nếu nhà không có tiền sẽ tự kiếm cái ăn, có cây rau, cây măng ở ngoài rừng cũng sẽ ráng qua bữa. "Nếu học giỏi, cháu gắng học, không phải lo cho ông. Ở nhà có ông lo cho bố, anh em cũng gom góp mỗi người một ít để đỡ đần cháu đi học", cụ Chén nói.
Cứ tranh thủ những ngày nghỉ là Dũng lại lo chuyện nhà cửa, thay ông chăm bố. Lúc rảnh rỗi, chàng trai trẻ dân tộc Mường lại thả hồn vào tiếng sáo lúc lảnh lót trong trẻo, lúc trầm bổng vang vọng giữa núi rừng mang theo ước vọng bay cao, bay xa mãi...
Xin dừng nhận hỗ trợ học bổng để nhường cho người khó khăn hơn mình
Báo Tuổi trẻ cho biết, sau khi nhận được sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng, em Bùi Mạnh Dũng đã có được một khoản tiền đủ để trang trải bước đầu. Em quyết định xin dừng nhận hỗ trợ học bổng để có thể chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
"Chị ơi cho em xin nhường suất học bổng Tiếp sức đến trường cho bạn khó khăn hơn được không ạ?", Bùi Mạnh Dũng ngập ngừng trong điện thoại.
Cũng theo Báo Tuổi trẻ, sau khi nhận được đường link về cách thức đăng ký quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo, Dũng đã quyết định sẽ không ứng tuyển để nhường lại cho các trường hợp khác.
Sau khi bài báo hoàn cảnh của Dũng được đăng tải rất nhiều bạn đọc đã liên hệ chia sẻ với cậu học trò vừa hiếu nghĩa vừa hiếu học. Cùng với đó, trên mạng xã hội cũng lan tỏa câu chuyện của Dũng và chung tay chia sẻ với em trong lúc khó khăn. Ai cũng mong được giúp cậu học trò nghèo tiếp tục hành trình theo đuổi tri thức để có một tương lai tươi sáng hơn.
Báo Tuổi trẻ cho biết, Dũng đã quyết định nhường suất ứng tuyển vì vừa rồi nhờ cộng đồng chia sẻ mà em đã có một khoản tiền hỗ trợ ban đầu. Em cũng thông báo vừa trúng tuyển vào một quỹ học bổng khác với hỗ trợ trong suốt 4 năm học.
"Em muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ em trong lúc khó khăn. Em cũng mong muốn mọi người có thể tiếp tục giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn như em, thậm chí khó khăn hơn em nữa trên khắp đất nước mình", Dũng chia sẻ.
Em còn cho biết, với số tiền được hỗ trợ em sẽ gửi tiết kiệm và chỉ sử dụng lúc cần thiết nhất. Còn lại khi bước vào đại học, em sẽ cố gắng tìm kiếm một công việc làm thêm để trang trải cho việc học.
Cô giáo Hà Thị Hồng - hiệu trưởng Trường tiểu học - trung học cơ sở xã Lỗ Sơn (huyện Tân Lạc, Hòa Bình), là người đã chia sẻ về hoàn cảnh của Dũng đến với báo Tuổi Trẻ - không giấu được xúc động trước quyết định của cậu học trò.
Cô cho biết sau khi được cộng đồng giúp đỡ một khoản tiền đủ để trang trải bước đầu, Dũng quyết định xin dừng nhận thêm tiền ủng hộ để nhường cho hoàn cảnh khác. Em còn mong muốn được san sẻ số tiền nhận được cho các bạn khó khăn hơn mình.
"Mong là em sẽ giữ mãi được lòng nhân ái và phẩm chất như vậy", cô Hồng bộc bạch.
(Theo Báo Tuổi trẻ)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận