Lý luận văn học: Câu thơ hay đánh thức bao ký ức ngủ quên
"Câu thơ hay là câu thơ có khả năng đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong ký ức của con người" - Chu Văn Sơn.
ĐỀ BÀI:
Lí luận văn học: "Câu thơ hay là câu thơ có khả năng đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người." (Chu Văn Sơn). Bằng hiểu biết văn học, anh/ chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
BÀI VIẾT:
Mỗi ngày trôi qua cùng nhịp thở hơi đập của cuộc sống có biết bao nhiêu thứ xảy ra, xoay quanh chúng ta. Có thứ đáng nhớ, có thứ cần quên và cũng có thứ vô tình bị bỏ lại phía sau dĩ vãng. Nhưng không phải vì thế mà mọi thứ đều bị chôn vùi. Kỉ vật sinh ra từ đây, làm chiếc kho cất giữ những tình cảm và sự việc đã qua. Vừa hay không có câu thơ nào là không chất chứa cảm xúc, không có bài thơ nào mà ẩn đằng sau đó không mang một câu chuyện. Thật đúng như Chu Văn Sơn từng nói: “Câu thơ hay là câu thơ có khả năng đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người”. Cũng vừa hay bài thơ “Tây Tiến” - của nhà thơ Quang Dũng có đoạn:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Từng câu, từng chữ như đang “đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên” đó.
Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: viết thơ, làm văn, vẽ tranh, soạn nhạc, nhưng ông được biết đến trước hết với tư cách của một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Ông xuất thân là một người lính của binh đoàn Tây Tiến, một đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt - Lào và đánh tiêu hao sinh lực địch ở vùng thượng Lào và miền Tây Bắc Bộ Việt Nam. Các chiến binh Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội trong đó có nhiều học sinh, sinh viên như Quang Dũng. Đoàn quân Tây Tiến sau một thời gian hoạt động ở Lào trở về Hòa Bình thành lập trung đoàn 52. Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh – một làng ven bờ sông Đáy, Quang Dũng viết bài “Nhớ Tây Tiến” sau đổi tên thành “Tây Tiến” in trong tập “Mây đầu ô” (1986). “Tây Tiến” là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ.
Thơ: là một thể loại văn học được sáng tác bằng phương thức trữ tình, thường có vần có nhịp, dùng để thể hiện tình cảm, cảm xúc của người viết. “Câu thơ hay” là câu thơ có giá trị, mang đến rung cảm mãnh liệt cho người đọc. Đồng thời câu thơ ấy còn phải “đánh thức”, làm sống dậy, thức tỉnh những nhận thức, những cảm xúc, những rung động về đời sống, về con người mà mỗi người đã từng được chứng kiến, được trải nghiệm nhưng bị lãng quên. Theo Chu Văn Sơn, những vần thơ có thể giúp ta đi về miền ký ức, sống lại với những kỉ niệm vốn đã ngủ yên trong quá khứ sẽ là một bài thơ hay. Câu nói này nhận định về nội dung và sức nặng của câu thơ. Văn học mượn ngôn từ làm phương tiện, cuộc sống làm chất liệu, đôi cách cảm xúc để thăng hoa. Truyện ngắn hay tiểu thuyết cũng làm được điều đó nhưng thơ đặc biệt hơn ở chỗ có đặc tính gợi nhiều hơn kể. Chỉ một vần thơ mấy chữ cũng có thể cho người đọc cảm xúc tuôn trào, làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực để bàn về nó. Trong “Tây Tiến”, mỗi câu thơ đều hàm chứa nỗi nhớ của tác giả gửi về miền đất khi xưa chiến đấu với những kỉ niệm bên đồng chí đồng đội. Tâm tư ấy đong đầy đến nỗi Quang Dung đổi tên tác phẩm từ “Nhớ Tây Tiến” sang “Tây Tiến” bởi không cần chữ nhớ kia thì tình cảm cùng với những kỉ niệm qua từng câu chữ cũng đã tự tràn đầy.
Thời gian quay quắt bên khung cửa sổ đã cũ, lớp bụi già phủ mờ những kí ức, Quang Dũng gạt tay, nhẹ nhàng lau mờ đi lớp phủ mở đó, làm sáng rõ lại những kỉ niệm cùng đồng chí, đồng đội, nhân dân trong những đêm liên hoan lửa trại:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
“Doanh trại” ở đây ý chỉ nơi đoàn quân Tây Tiến dừng chân tạm nghỉ giữa những cuộc hành quân. Vốn những người lính phải di chuyển trong đêm tối, luồn lách qua những rừng núi, nay có thời gian tạm nghỉ quý giá nên được đồng bào vui mừng tiếp đón. Tình cảm đẹp đẽ ấy, đã hơn một lần ta đã gặp trong những vần thơ:
“Các anh về mái ấm nhà vui
Tiếng hát câu cười
Rộn ràng xóm nhỏ
Các anh về tưng bừng trước ngõ
Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nâu
Vui đàn con ở rừng sâu mới về.”
(“Bộ đội về làng” - Hoàng Trung Thông)
Và ở trong những vần thơ của Quang Dũng vẫn là thứ tình cảm quân dân cá nước chứa chan đến vậy! Niềm hân hoan đón tiếp được thể hiện hết trong từ “bừng”, giống như Tố Hữu từng viết:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim”
Nếu từ “bừng” của Tố Hữu là nhãn tự câu thơ, thể hiện cảm xúc như vừa được chiếu sáng, vừa được tỏa sáng trong vầng hào quang chân lý của Đảng thì từ “bừng” của Quang Dũng còn mang ý chỉ ngọn lửa bốc lên mạnh mẽ. Ý thơ dứt khoát, gợi hình chỉ trong một chữ nhưng làm sáng rực cả câu thơ, truyền đến bạn đọc nguồn năng lượng kì diệu. “Đuốc hoa” vốn là đèn trong phòng tân hôn nay được tác giả lấy ra để chỉ ngọn lửa trại cho người đọc những tưởng tượng thú vị. Ngọn lửa kia bừng bừng sáng không chỉ bởi nhiên liệu đốt mà còn bằng tình cảm quân dân nghĩa tình, truyền hơi ấm không chỉ xua đi giá lạnh đêm trên núi cao mà còn nồng nàn lòng người. Trong không gian đó, có những con người gây thương nhớ xuất hiện. Đó là những cô gái xinh đẹp nơi miền sơn cước trong bộ “xiêm áo” lộng lẫy đang múa hát bên tiếng khèn, tiếng nhạc. Những sơn thôn thiếu nữ ấy cũng từng xuất hiện trong thơ Hồ Chí Minh:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”
Những nàng thiếu nữ xay ngô ấy mang vẻ đẹp khác hoàn toàn với hình ảnh trong thơ Quang Dũng. Từ “kìa” cho thấy sự ngỡ ngàng của người lính trước vẻ đẹp của những cô gái sơn cước. Họ đã chờ sẵn “tự bao giờ” để múa lên điệu “e ấp”. Là tiếng khèn hay vẻ đẹp đã quyện lên cái ý, cái tình mộc mạc của những chàng lính tuổi mười tám đôi mươi và những nàng thiếu nữ. Họ đều là thanh niên mang trong mình tâm hồn phơi phới lãng mạn. Nghỉ chân và nhận được sự đón tiếp của đồng bào như trạm sạc năng lượng tuyệt vời cho những người lính sau những chặng đường vất vả. Bốn câu thơ dù ngắn gọn nhưng đánh thức được một miền kí ức xa xôi, đánh thức được cả tâm hồn bạn đọc. Vì để đánh thức được những ấn tượng đó chứng tỏ nhà thơ đã dẫn dắt bằng tất cả những cảm nhận, trải nghiệm chân thực nhất của bản thân. Những gì Quang Dũng viết ra có thể không thân thuộc với tất cả bạn đọc nhưng ta lại cuốn theo những thước phim kí ức ấy, được sống cùng kí ức tác giả và đánh thức trong mình những rung cảm mãnh liệt về hình ảnh những chàng lính bình dị đời thường. Từ đó cao cả hơn là hình thành những tình cảm lớn lao với đất nước. Bạn đọc sẽ tự cảm nhận được trách nhiệm của bản thân với đất nước xuất phát từ cách “đánh thức” những cảm xúc này. Đó là thành công đổi bằng cả tài năng và tâm huyết của nhà thơ.
Quá trình sáng tạo nghệ thuật không kết thúc ở việc tác phẩm được khai sinh, mà còn ở quá trình tác phẩm sống trong lòng người đọc. Khi bạn đọc tiếp cận với “Tây Tiến” thì ngay lúc đó “Tây Tiến” đã trở thành vùng kí ức của họ. Càng đào sâu khai phá, những trắc ẩn chưa xa lại ùa nhau kéo về và bạn đọc cũng chính là người đồng sáng tạo với tác giả. Chia li thì ai cũng sẽ từng trải qua ít nhất một lần trong đời và những cảm xúc trong cuộc chia li ấy được Quang Dũng đánh thức, khơi mở thật khéo léo:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Chia tay luôn là lúc người ta bị rịn, không lỡ chia xa:
“Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ”
(Ca dao)
Chia tay cũng luôn là khoảnh khắc kỉ niệm người ta nhớ về:
“Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”
(“Việt Bắc” - Tố Hữu)
Trong khung cảnh chia tay của người lính Tây Tiến, tác giả không nói rõ là ai đi. Có thể là những người chiến sẽ chia tay đồng bào, cũng có thể là cuộc chia tay của nhà thơ khi rời xa đồng chí đồng đội. Dù là ai đi, ai ở thì đó đều là giây phút kỉ niệm đáng nhớ. Gam màu tươi sáng của lửa trại, của xiêm áo thiếu nữ đoạn thơ trước đã thay bằng màu khói sương, màu lau trắng xám hiu hắt. Cũng trái với sự ấm áp của lửa trại, trời sương tiễn người đi thật buồn, thật lạnh. “Chiều sương ấy” cũng là khoảng thời gian bất định. Có lẽ buổi chia tay bên sông này tồn tại nhiều hơn trong miền kí ức của Quang Dũng nay được tác giả nhớ về khi ở Phù Lưu Chanh, bởi lẽ:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Thiên nhiên mang “hồn” là bởi nhà thơ có cái nhìn hào hoa nhạy cảm hay bởi nơi đây còn vương vất linh hồn của những đồng đội của nhà thơ? Câu hỏi tu từ với phép điệp “có thấy”, “có nhớ” dồn dập như gọi về biết bao kỉ niệm của một thời đã xa. Trong tâm tưởng của nhà thơ, cây lau tưởng như vô tri vô giác cũng mang hồn. Cách nhân hoá có thần đã khiến thiên nhiên trở nên đa tình thơ mộng hơn. Trong thơ, “hồn lau” dường như luôn mang một tâm tình, một suy ngẫm, một nỗi buồn man mác nhớ thương:
“Ngàn lau cười trong nắng
Hồn của mùa thu về
Hồn mùa thu sắp đi
Ngàn lau xao xác trắng”
(“Lau mùa thu” - Chế Lan Viên)
Bên cạnh thiên nhiên, hình ảnh con người thấp thoáng ùa về trong hồi ức của Quang Dũng . “Trên độc mộc”- chiếc thuyền làm bằng cây gỗ lớn, bóng dáng con người hiện lên đầy kiêu hùng, dũng cảm mà tài hoa khéo léo giữa dòng nước xối xả, mạnh mẽ đặc trưng của miền Tây. Phải chăng tư thế đó đủ để người đọc nhận ra vẻ đẹp riêng của con người Tây Bắc, của đoàn binh Tây Tiến trong những năm tháng gian khổ mà hào hùng? “Dáng người” ở đây có thể là dáng hình của người Tây Bắc, cũng có thể là chính những chiến sĩ Tây Tiến đang đối mặt với thách thức của thiên nhiên dữ dội chăng? Dù hiểu theo cách nào, dáng người trong thơ Quang Dũng cũng luôn khắc sâu trong tâm trí nhà thơ, luôn hiên ngang kiêu hùng mà uyển chuyển, tài hoa và khéo léo. “Dáng người” ấy hình như cứ trở đi trở lại giữa những vần thơ được Quang Dũng gửi tình, như ta đã gặp:
“Bến vắng chiều xuân hoa gạo rơi
Sông xanh hiền triết lặng trôi xuôi
Đò ngang một chuyến qua mưa bụi
Nhớ mãi người đi... bóng dáng người”
Và đây:
“Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Có thể khẳng định rằng, đây là một trong những chi tiết “đắt” nhất mà Quang Dũng tạo nên cho bức tranh thiên nhiên miền Tây, đoá hoa giữa dòng là hội tụ của cái nhìn đa tình vốn có trong tâm hồn người lính Hà Thành trẻ tuổi và vẻ thơ mộng của cảnh sắc nơi đây. Nói như thế là bởi, ta nghiệm ra rằng, hình ảnh “hoa đong đưa” khi đang “trôi dòng nước lũ” là hình ảnh đối lập không thể có trong thực tại nhưng lại rất hợp lý khi đặt giữa mạch cảm hứng trữ tình của bài thơ. Cánh hoa như đôi mắt đong đưa, lúng liếng với người lính trẻ hay bởi tâm hồn các anh quá hào hoa, quá lãng mạn yêu đời nên mới có thể nhìn thiên nhiên bằng cái nhìn đa tình đến như thế? Bằng bút pháp lãng mạn với phép nhân hoá, Quang Dũng đã vẽ nên nét vẽ thần tình, thâu tóm trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc, gửi gắm vào đó cả nỗi nhớ niềm thương luôn cháy bỏng trong trái tim ông. Phải yêu lắm đồng đội, yêu lắm thiên nhiên và con người nơi đây thì Quang Dũng mới có thể diễn tả tinh tế vẻ đẹp của chiều sương Châu Mộc một cách tự nhiên đến như vậy!
Đoạn thơ hay đúng như Chu Văn Sơn nhận định “có khả năng đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người”. Suy cho cùng những tác phẩm độc đáo nhất là những tác phẩm cá nhân nhất bởi nó chỉ có thể được kể từ một người. Tính độc đáo của tác phẩm chính là những kí ức đặc biệt được lưu giữ và thể hiện lại bằng tâm hồn và tài năng người nghệ sĩ. Với ngòi bút độc đáo, Quang Dũng dường như đã dẫn dắt người đọc về miền ký ức của một thời hoa lửa. Nó gợi nhắc về những kỉ niệm không thể nào phai của nhà thơ khi hoạt động và chiến đấu cùng đoàn binh Tây Tiến, cũng gợi nhắc về một thời oanh liệt của đất nước. Thể thơ bảy chữ được Quang Dũng sử dụng linh hoạt không hề gò bó, ngôn từ đắt giá kết hợp cùng bút pháp lãng tạo nên “ốc đảo riêng” cho thơ Quang Dũng. Lưu giữ những kỉ niệm có lẽ cũng sứ mệnh của của Tây Tiến, sứ mệnh của văn chương. Chiến tranh đã ngủ yên nhưng những kỉ niệm của một thời kỳ vẫn mãi sống động trong từng dòng thơ.
Tôi vẫn còn nhớ Văn Cao đã từng viết trong tác phẩm thời gian của mình:
“Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỉ niệm trong tôi
Rơi như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ còn xanh
Riêng những bài hát còn xanh”
Những vần thơ này thật đúng với những gì Quang Dũng đã để lại cho đời. Và bài ca “Tây Tiến” sẽ mãi là dấu mốc đánh dấu lịch sử, là chiếc chuông đánh thức quá khứ, là kỉ niệm phẩm vô giá trong lòng bạn đọc. Mặc cho dòng thời gian trôi chảy, thế hệ hiện tại như chúng ta có quyền tự hào về lịch sử của đất nước mình, trân trọng những giá trị mình đang có, đang lưu giữ và biết ơn thế hệ cha anh đã không hề ngần ngại hy sinh thân mình cho Tổ quốc. “Tây Tiến” quả thực là bài thơ, là bước ngoặt quan trọng giúp tên tuổi của Quang Dũng ở lại với đời.
(Nguồn: Học văn chị Hiên)
Xem thêm: Vài mẩu chuyện nhỏ về nhà thơ Huy Cận [kỳ 1]: Tặng thơ cho người sửa chữa xe máy
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận