Hồ Quý Ly và chuyện xây thành Tây Đô: "Đức bất tại hiểm"
Ngay khi xây thành Tây Đô, quan Khu mật chi sự Nguyễn Như Thuyết đã thở dài nói rằng "đức bất tại hiểm". Ấy là đạo trị quốc cốt ở "đức" chứ không phải ở việc xây thành hiểm yếu. Nhưng Hồ Quý Ly không nghe.
Hồ Quý Ly (1336 - 1407) có tên húy Hồ Nhất Nguyên. Năm 1400, Hồ Quý Ly chiếm ngôi từ tay nhà Trần, đặt quốc hiệu Đại Ngu. Thế nhưng các quan thời quân chủ của Đại Việt sau này khi biên soạn các bộ sử của triều đình như Đại Việt sử ký toàn thư hay Khâm định Việt sử Thông giám cương mục đã không coi nhà Hồ như một triều đại chính thống. Họ đã chỉ trích việc giết vua cướp ngôi, các chính sách làm mất lòng dân của Hồ Quý Lý. Và họ coi việc họ Hồ thất bại trước nhà Minh là kết cục tất yếu.
Một trong những việc làm được coi là sai lầm của Hồ Quý Ly chính là cho xây thành ở Thanh Hóa để làm kinh đô mới, đặt tên là thành Tây Đô. Sau khi Hồ Quý Ly cướp ngôi thì thành này được gọi là thành nhà Hồ. Đến nay, một số đoạn tường thành vẫn còn tương đối nguyên vẹn.
Ngay khi thành được khởi công xây dựng, quan Khu mật chi sự là Nguyễn Như Thuyết đã không đồng tình. Ông nói, "đức bất tại hiểm". Có nghĩa là trị quốc dùng đức chứ không phải thành hiểm. Nhưng vua Hồ không nghe theo.
Đôi nét về địa thế phong thủy thành nhà Hồ
Thành nhà Hồ (Thành Tây Đô) được xây dựng ở xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cách phía trước thành 4km về phía đông nam là núi Đốn Sơn làm tiền án, phía tây bắc có núi Song Tượng chầu vào, phía tây tây nam có 6 ngọn núi đá voi ở khu động An Tôn.
Trước khi xây dựng, Hồ Quý Ly nghiên cứu phong thủy khá kỹ càng. Ông nói rằng, đây là đất "thạch bàn Long - Xà - Lục thập niên ký" - tức là đất rồi chầu, rắn cuộn - vững như bàn thạch, có thể trụ được đến 60 năm.
Thế nhưng, Hồ Hán Thương sau khi xem xét kỹ càng lại nói rằng, đây là vùng đất "rồng chầu rắn cuộn" nhưng đất còn non nên chỉ là "Long - Xà ẩm thực - Lục niên ký chủ" - tức là vùng đất chỉ trụ được 6 năm.
Thượng thư bộ Lại Thái sử lệnh Đỗ Tĩnh - người trực tiếp xây thành đã nói với Hồ Hán Thương rằng: "Cuộn đất ở động An Tôn còn non, tôi xem xây thành thì sự nghiệp không được bền vững, có thể tìm nơi khác không?".
Hồ Hán Thương khi ấy chỉ biết đáp: "Tôi cũng biết điều đó, nhưng việc quá gấp vì nếu ta chậm trễ mà giặc Minh kéo đến sớm, ta biết chạy ẩn núp ở đâu? Hiện nay tiềm lực ta chưa đủ mạnh để bảo đảm phòng vệ được Thăng Long khỏi cuộc tấn công của giặc".
Trong khi đó, Đỗ Tĩnh - người phụ trách kiến trúc xây dựng cũng như chọn đất xây thành cũng tính thấy đất này không thể giữ mệnh đế vương được bền vững. Nhưng cũng chỉ biết than rằng:
"Rồng ở vực sâu khó bay cao?
Sông phù, núi khuyết biết làm sao?
Sông cứ hướng đông mà chảy mãi
Núi ngoảnh về sau tỏ phụ phàng
Không duyên khó gặp Thiên địa hội
Trời đã biểu vậy, biết làm sao.
Từ bài thơ của Đỗ Tĩnh có thể thấy, địa thế phong thủy của nhà Hồ không đẹp như Hồ Quý Ly tưởng. Nhưng vì không còn thời gian để thay đổi do nhà Minh nhòm ngó nên thành Hồ vẫn tiếp tục được khởi công xây dựng.
Năm 1400, Hồ Quý Ly lập ra nhà Hồ, 6 năm sau (1406) thì thất thủ, năm 1407, cha con Hồ Quý Ly bị bắt.
Thành nhà Hồ khiến lòng dân oán than
Thành nhà Hồ không chỉ không có phong thủy đẹp như Hồ Quý Ly tưởng mà việc xây dựng nơi đây cũng tạo ra một câu chuyện đầy sóng gió khiến nhân dân oán than. Theo tìm hiểu, thành rộng lớn với loại đá lớn nặng 4 – 5 tấn, có nhiều phiến đá đặc biệt lớn dài tới 7 m, cao 1,5 m, nặng chừng 15 tấn .
Di tích thành đến ngày nay cho thấy có nhiều phiến đá nặng 10 đến gần 30 tấn được nang lên cao rồi ghép với nhau một cách tự nhiên. Những bức tường bằng loại đá khổng lồ này vẫn trường tồn cùng thời gian cho đến tận bây giờ.
Vì gấp rút xây dựng để chống nhà Minh, nhà Hồ đã huy động lực lượng nhân công lớn, làm việc xuyên ngày đêm. Thành có chu vi trên 3,5km, rộng khoảng 150 hecta, nhưng các hạng mục xây dựng chính được xây dựng chỉ vỏn vẹn trong vòng 3 tháng.
Với thời gian gấp rút như vậy, lại xây dựng một công trình đồ sộ, có thể tưởng tượng được binh lính, dân phu đã bị nhà Hồ huy động nhiều đến thế nào.
Ngày nay, vẫn còn lưu truyền câu chuyện nàng Bình Khương có chồng xây thành nhà Hồ bị chết, đã đập đầu vào tường thành chết theo chồng. Dân chúng thương xót lập đền thờ cúng.
Dù Hồ Quý Ly chọn Thanh Hóa làm kinh đô nhưng khắp đất này dường như không có am, miếu nào thờ Hồ Quý Ly, Trong khi đó có đến 70 đền thờ Trần Khát Chân - danh tướng nhà Trần bị Hồ Quý Ly sát hại.
Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần vốn đã không thuận lòng dân. Nhà Hồ lại không dùng "đức" kêu gọi nhân dân đồng lòng chống giặc mà chọn cách dựng thành kiên cố, đào hào sâu, dùng súng thần công của Hồ Nguyên Trừng. Trong cuộc chiến đấu ngắn ngủi với nhà Minh, nhà Hồ phải đơn phương độc mã chiến đấu, chẳng ai ủng hộ. Hậu quả chính là hai từ "THẤT BẠI".
Xem thêm: Thành nhà Hồ cùng hàng loạt bí ẩn chưa lời giải đáp
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận