Thành nhà Hồ cùng hàng loạt bí ẩn chưa lời giải đáp

Tọa lạc tại Thanh Hóa, di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ cho đến nay vẫn ẩn chứa hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Thùy Nguyễn
15:00 11/10/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam, thành nhà Hồ được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào mùa xuân năm 1397. Nó còn có tên gọi là Tây Đô hoặc Tây Giai để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long, Hà Nội).

Nơi đây từng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa cuối triều Trần và là kinh đô của nước Đại Ngu trong khoảng từ 1400-1407. Theo sử sách cũ, năm 1397, đứng trước nạn xâm lăng của nhà Minh, Hồ Quý Ly đã cho Thượng thư Bộ Lại kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tĩnh đến thị sát vùng đất Thanh Hóa để xây dựng thành trì, chuẩn bị cho việc định đô.

Sau đó, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay thuộc xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) để xây dựng kinh thành, hướng lòng người trong thiên hạ đoạn tuyệt với nhà Trần, đồng thời chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Thành nhà Hồ gồm có 3 bộ phận là La thành, Hào thành và Hoàng thành. Trong đó, Hoàng thành là công trình đồ sộ nhất và còn khá nguyên vẹn. 

Mặt ngoài tường thành cùng bốn cổng chính được xây bằng những phiến đá vôi màu xanh, đục đẽo tinh xảo và vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Những khối đá lớn này có khối dài đến hơn 6m, nặng tới 20 tấn. Tổng khối lượng đá xây dựng thành là khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất.

thanh-nha-ho-cung-loat-bi-an-chua-loi-giai-dap

Cũng theo sử sách, trong thành có nhiều công trình như điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ, Đông cung, Tây Thái Miếu, Đông Thái Miếu vô cùng nguy nga, tráng lệ không kém gì Thăng Long. Tuy nhiên, qua hơn 6 thế kỷ tồn tại cùng nhiều tác động của thiên nhiên và con người, hầu hết các kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Cho đến nay, nhiều nghiên cứu và khảo cổ quanh khu vực thành nhà Hồ đã được tiến hành nhưng nhiều câu hỏi xung quanh công trình kiến trúc này vẫn còn là bí ẩn. 

Thành nhà Hồ được xây dựng như thế nào? 

Việc xây dựng thành nhà Hồ tồn tại rất nhiều thắc mắc, ví như làm thế nào ông cha ta có thể gọt đẽo các khối đá vuông vắn hàng chục tấn, làm thế nào để xếp chúng thành tường và làm thế nào để các khối đá khổng lồ có thể thành hình múi cam, tạo thành 4 cổng chính vô cùng chính xác? 

Tháng 7/2011, khi các chuyên gia khảo cổ đã dần hé mở các bí mật này khi phát hiện một trong những công trường khai thác đá cổ để xây dựng thành nhà Hồ. Khu vực này nằm ở núi Phù Lưu, cách cổng phía Bắc của thành khoảng 2 km. Họ phát hiện có nhiều khối đá có hình dạng, kích thước vuông vắn, tương đồng với các khối đá ở thành nhà Hồ, được ghè đẽo công phu, các dấu vết đục đá vẫn còn rõ nét. 

Từ đây, các nhà nghiên cứu đã đưa ra 2 giả thuyết. Một là, những phiến đá xây dựng tường thành đã được chuyển từ núi Phù Lưu xuống sông Mã, sau đó đưa lên bè chở xuôi dòng xuống Bến Đá, Cống Đá rồi lên công trường. Giả thuyết thứ hai dựa trên một giai thoại được lưu truyền ở vùng Vĩnh Lộc rằng người xưa đã xây dựng con đường lát bằng đá, phục vụ cho việc chuyển đá từ nơi khai thác về thành. 

Đá được vận chuyển trên những con lăn, nhờ sức kéo của trâu bò; những tảng đá lớn hơn sẽ dựa vào sức voi. Di tích con đường vận chuyển đá hiện vẫn còn tại xã Vĩnh Tiến. Bên cạnh đó, có cả ý kiến cho rằng thành nhà Hồ được xây dựng tương tự người Ai Cập cổ xây kim tự tháp. 

Tại sao đôi rồng đá bị mất đầu? 

Ngoài cách thức xây thành, đôi rồng đá mất đầu cũng là một câu hỏi chưa lời giải đáp. Hai con rồng mất đầu nằm ở trung tâm tòa thành, song song hai bên đường xuyên qua thành nối từ cổng Nam lên cổng Bắc. Khi nhà Hồ thất thủ, đôi rồng đá cũng mất tích bí ẩn.

thanh-nha-ho-cung-loat-bi-an-chua-loi-giai-dap-2

Năm 1938, khi đang cày ruộng trong thành, tượng rồng được một người dân phát hiện. Sau đó, các chức dịch trong làng cho đào bới khắp vùng mới tìm được tượng rồng thứ hai. Cặp rồng này được chạm khắc tỉ mỉ, thân thon nhỏ về phía đuôi, uốn bảy khúc, phủ kín vây. Con rồng có 4 chân, mỗi chân 3 móng có các túm lông lượn mềm. Khoảng trống dưới bụng và ô tam giác ghép thành bậc đều được chạm hoa cúc và móc hoa lượn mềm.

Dù phần đầu rồng bị mất nhưng phần bờm dài lượn chín nếp vẫn còn. Các nhà nghiên cứu điêu khắc cho biết, đôi rồng này được chạm khắc trên thềm bậc của các cung điện như điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa).

Về vấn đề đầu rồng bị mất, nhiều người cho rằng quân Minh sau khi xâm lược đã làm điều này để minh chứng về sự diệt vong của nhà Hồ. Cũng có người khẳng định những người bất đồng chính kiến với nhà Hồ đã gây ra việc này. Một số khác lại khẳng định, thời chiếm đóng nước ta, người Pháp bắt dân phải trải chiếu hoa trên con đường dẫn tới đôi rồng nên người dân bức xúc mới chặt đầu rồng. 

Bên cạnh đó, trong dân gian còn lưu truyền một cách lý giải khác rằng, thời kỳ làng Xuân Giai (nằm ở cổng Nam, thuộc xã Vĩnh Tiến) thường xuyên bị hỏa hoạn, người dân cho rằng đầu rồng quay về làng phun lửa nên đã chặt đầu đi.

Phát hiện bộ xương bí ẩn

Mới đây nhất, trong quá trình tôn tạo và phục dựng di tích đàn thế Nam Giao tại ngôi thành đá hơn 600 năm tuổi, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ngôi mộ táng khổng lồ, bên trong là một bộ xương tương đối nguyên vẹn. 

thanh-nha-ho-cung-loat-bi-an-chua-loi-giai-dap-3

Bộ xương này ở tư thế nằm ngửa, ở trong bia mộ được quây bằng đá, nằm dưới lòng bức tường bao vòng ngoài của đàn tế Nam Giao, sát chân núi Đốn Sơn. Các nhà nghiên cứu nhận định đây chính là một bộ xương trâu. Thế nhưng, tại sao một con trâu lại được mai táng ở đàn tế - vị trí trang trọng, nơi được coi là chốn linh thiêng - thì vẫn chưa ai lý giải được. 

Tới ngày nay, các công trình nghiên cứu về thành nhà Hồ vẫn liên tục được tiến hành. Hi vọng, những bí ẩn về tòa thành này sẽ dần được giải đáp trong tương lai gần. 

Xem thêm: Tìm bình yên bên công trình bằng đá độc nhất vô nhị ở xứ Thanh 

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận