Kình lạc - sự ra đi lãng mạn nhất thế gian: Không ngờ cái chết của cá voi lại ý nghĩa đến thế!

Chúng ta thường nói, chết là hết! Nhưng với loài cá voi, cái chết là khởi đầu cho chuỗi ngày đẹp đẽ mà sự sống muôn loài được nảy nở, sinh sôi. 

Đỗ Thu Nga
09:14 23/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cá voi là tên gọi chung cho nhiều loài động vật dưới nước trong bộ Cá voi (Centacea). Thuật ngữ "cá voi" đôi khi ám chỉ mọi loài trong bộ cá voi nhưng không bao gồm cá heo và cá chuột. Bởi chúng thuộc về bộ Odontoceti (cá voi có răng).

Cá voi được các nhà khoa học đánh giá là loài động vật có vú lớn nhất hành tinh. Chúng sở hữu cơ thể to lớn, "tiếng hát" vang vọng khắp đại dương, thỉnh thoảng lại cứu giúp những con tàu con thuyền lạc lối trên biển. 

Kinh-lac-la-gi-va-vi-sao-cai-chet-cua-ca-voi-duoc-goi-la-Kinh-lac
Cá voi là loài sinh vật tuyệt vời của đại dương

Vẻ đẹp của loài cá voi không chỉ nằm ở thân hình khổng lồ bên ngoài mà còn nằm ở sự cống hiến vĩ đại cho đại dương bao la. Cho đến khi chết đi, cá voi vẫn để lại những điều tuyệt vời cho vạn vật trong lòng đại dương.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một hệ sinh thái đặc biệt được hình thành sau khi cá voi chết đi. Cái chết của chúng có tên gọi vô cùng xinh đẹp: KÌNH LẠC.

KÌNH LẠC - SỰ CỐNG HIẾN VĨ ĐẠI CHO ĐẠI DƯƠNG

Theo Wikipedia, Kình lạc (Whale fall) là thuật ngữ để chỉ về cái chết của cá voi. Khi cá voi chết đi, xác của chúng sẽ chìm xuống đáy biển ở độ sâu lớn hơn 1000 mét và khi chạm xuống đáy biển, những cái xác này sẽ trở thành thức ăn cho các sinh vật ở biển sâu hàng chục năm. 

Các nhà khoa học đã quan sát được hiện tượng này vào những năm cuối của thập niên 1970 vì công nghệ để khám phá biển sâu phát triển hơn trước. Từ đó, các nhà nghiên cứu tiếp tục quan sát các xác cá voi này bằng tàu ngầm và các thiết bị khác để hiểu rõ hơn về các kiểu của diễn thế sinh thái nơi biển sâu.

Hiện tượng Kình lạc không phải lúc nào cũng xảy ra khi một con cá voi chết đi. Bởi có những xác cá voi sẽ nổi lên ở vùng nước nông hơn, thậm chí là trên mặt nước cũng như dạt vào bờ để các loài ăn xác xử lý.

Xác cá voi chìm xuống biển sâu thường xảy ra ở vùng nước mở vì nhiệt độ thấp và áp suất cao. Nếu xác chìm ở vùng nước nông hơn thì nhiệt độ sẽ thúc đẩy vi khuẩn phân hủy cái xác kết hợp với các loài ăn xác. 

Kinh-lac-la-gi-va-vi-sao-cai-chet-cua-ca-voi-duoc-goi-la-Kinh-lac-0
Kết thúc của một sự sống không phải là dấu chấm hết mà là một khởi đầu mới mở ra

Kình lạc diễn ra cũng là lúc cá voi rời khỏi thế gian này. Nhưng nó không cứ thế mà ra đi. Máu thịt, xương cốt của nó trở thành thức ăn cho các loài động vật ở dưới đáy đại dương, được dòng nước sâu cuốn đi xa, trôi vào mọi ngóc ngách của biển khơi sâu thẳm. Đại dương ban tặng sự sống cho cá voi, và khi chết đi, chúng hiến thân mình cho đại dương bao la.

Người ta ước tính, có rất nhiều loài động vật dựa vào hiện tượng Kình lạc để tồn tại. Ở vùng biển sâu của Bắc Thái Bình Dương, có ít nhất 43 loài và 12.490 sinh trưởng và phát triển nhờ hiện tượng này, bao gồm động vật thân mềm, các loài giáp xác và các vi khuẩn dưới đáy biển.

Xác cá voi tạo ra được hệ sinh thái đa dạng và phong phú, tác động rất lớn đến quá trình tiến hóa của các loài. Bởi chúng buộc phải thích nghi với môi trường xung quanh xác cá voi để có thể sinh tồn. Nhờ có Kình lạc mà các nhà khoa học có thể phát hiện ra thêm được nhiều loài sinh vật biển mới.

KÌNH LẠC - HÀNH TRÌNH TRĂM NĂM NUÔI DƯỠNG SINH MỆNH MỚI

Chắc hẳn chúng ta đều biết rằng, kích thước của một chú cá voi lớn đến nhường nào dù chưa từng một lần được gặp trực tiếp. Bởi vậy mà quá tình từ lúc một chú cá voi ra đi cho đến khi nó hòa vào dòng nước và tan ra cùng đại dương có thể mất tới hàng chục năm, thậm chí là hàng trăm năm.

Kinh-lac-la-gi-va-vi-sao-cai-chet-cua-ca-voi-duoc-goi-la-Kinh-lac-9
Xác cá voi phồng lên và chìm xuống đáy đại dương

Thân xác của cá voi dần dần biến mất theo thời gian, nhưng bù lại là rất nhiều loài sống ở vùng nước sâu thẳm của đại dương có nguồn dinh dưỡng dồi dào để tồn tại và phát triển. Khoảng thời gian cá voi chìm xuống đáy biển và nuôi nấng các sinh mệnh của biển khơi được chia ra thành 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1 - "thợ dọn rác di động"

Đây là giai đoạn đầu tiên của Kình lạc. Khi đó, xác cá voi bắt đầu từ từ chìm xuống, các loài động vật ăn xác sẽ đánh hơi được và rủ nhau kéo đến. 

Kinh-lac-la-gi-va-vi-sao-cai-chet-cua-ca-voi-duoc-goi-la-Kinh-lac-8
Tôm hùm ngồi xổm và cá mút đá là 2 trong số rất nhiều "thợ dọn xác" vây quanh cá voi khi thi thể nó vừa chạm đáy đại dương

Xác cá voi sẽ dần bị xâm chiếm và bao phủ bởi rất nhiều loài như cá mập, cua đá, cá sụn, cá đuôi chuột và hàng triệu sinh vật thuộc loài giáp xác. Các sinh vật này sẽ phụ trách xử lý phần mô mềm của xác cá voi và mỗi ngày lượng thịt chúng ăn có thể lên tới 40 - 60kg. Giai đoạn này kéo dài từ vài tháng đến tối đa 1,5 năm, 90% cơ thể cá voi bị động vật ăn hết.

Giai đoạn 2 - "những kẻ cơ hội"

Giai đoạn 2 là thời điểm mà các mô mềm đã được các động vật ăn xác tiêu thụ hết. Chúng dần rút đi, nhường chỗ cho các loài sinh vật khác xử lý các phần còn sót lại bám trên xương.

Kinh-lac-la-gi-va-vi-sao-cai-chet-cua-ca-voi-duoc-goi-la-Kinh-lac-7
Giun tơ nhiều màu là 1 trong rất nhiều những "kẻ cơ hội" đến kiếm thức ăn từ xác cá voi

Lúc này, bộ xương được phủ bởi một lớp dày đặc các loài động vật thân mềm như giun biển, sên biển, các loài giáp xác... Các loài này sẽ đi tìm những mô mềm còn sót lại hay những mảnh vụn hữu cơ và xác cá voi tiếp tục trở thành "ốc đảo dinh dưỡng" màu mỡ trong khoảng từ vài tháng đến 4,5 năm cho "những kẻ cơ hội".

Giai đoạn 3 - vi sinh vật tế bào phân giải

Tới thời điểm này, cá voi chỉ còn là một bộ xương nằm dưới đáy biển sâu. Song không vì thế mà nó không còn giá trị đối với các sinh vật biển. 

Kinh-lac-la-gi-va-vi-sao-cai-chet-cua-ca-voi-duoc-goi-la-Kinh-lac-6
Xương cá voi ở dưới đáy đại dương là thức ăn cho con giun thây ma (osedax roseu) - một loài động vật thân mềm - cũng chuyên ăn chất lipit từ xương cá voi

Các sinh vật lúc này sẽ tấn công xương cá voi bẻ gãy các liên kết trong các lipid ở xương. Thay vì tạo ra oxy, chúng  tạo ra Hydro sulfide. Các màng vi khuẩn này là thức ăn cho các loài trai, sò, sao sao, ốc biển. Trong xương cá voi chứa nhiều lipid, lượng chất này là khoảng từ 4 đến 6% trọng lượng cơ thể. Giai đoạn này kéo dài khoảng 50 năm và có thể lên đến 100 năm.

Giai đoạn 4 - trở về với cát bụi

Khi cá voi đã trao đi hết tất cả những gì mình có đẻ nuôi dưỡng những sinh vật xung quanh, lúc này xác chúng chỉ còn lại một bộ xương trắng nằm cô độc tại nơi nó rơi xuống. Tuy nhiên, không có nghĩa là cá voi sẽ bị đại dương buông bỏ, ngược lại thềm đại dương sẽ bồi đắp để thân xác nó được hoàn toàn ôm ấp bởi đáy biển. Giây phút này, cá voi sẽ hoàn toàn trở thành 1 phần quý giá của biển khơi.

KÌNH LẠC - SỰ DỊU DÀNG CUỐI CÙNG CỦA CÁ VOI

Nếu chỉ nhìn ở góc độ hiện thực trần trụi thì Kình lạc là một sự tàn nhẫn đối với thân xác của cá voi. Thế nhưng, nếu nhìn dưới góc độ sinh học thì đây là một cái chết vĩ đại - "Nhất Kình lạc, vạn vật sinh". Cá voi chết đi đã đem lại sự sống cho rất nhiều loài sinh vật trong lòng dương.

Và có một quan điểm "thân thương" hơn để lý giải cho hiện tượng Kình lạc: Cá voi có lẽ biết rằng bản thân rồi cũng trở về với tự nhiên, nên chúng chọn cách chết đi đầy giá trị như vậy!

Kinh-lac-la-gi-va-vi-sao-cai-chet-cua-ca-voi-duoc-goi-la-Kinh-lac-4
Cá voi ra đi để lại cho đại dương rất nhiều điều quý giá

Đối với nhiều người, cái chết mang đến cảm giác tiếc nuối và cũng rất đáng sợ. Khi ta chết đi, tất cả mọi thứ đều chấm dứt, ta chẳng thể làm được những điều ta muốn và cũng chẳng lường trước được điều gì sẽ xảy ra sau khi ta chết đi. Với cá voi, có lẽ cái chết sẽ nhẹ nhàng hơn bởi nó được ôm ấp bởi đại dương bao la. 

Đại dương là ngôi nhà lớn của cá voi, cho chúng một môi trường tuyệt vời để phát triển và sinh trưởng. Bởi vậy, khi ra đi, được để lại tất cả mọi thứ ở nơi nó sinh ra và lớn lên là sự dịu dàng cuối cùng mà nó muốn trả lại cho đại dương. Cái chết nhờ thế trở nên đẹp và ý nghĩa hơn rất nhiều. 

Chết đi không có nghĩa là kết thúc, mà chỉ là khởi đầu cho một hành trình mới - hành trình trăm năm nuôi dưỡng sinh mệnh mới của cá voi. Đây cũng là cách để cá voi lưu giữ mãi hơi thở của nó trong biển cả đến ngàn năm. 

Xem thêm: Cá heo ngủ thế nào để không bị chết đuối dưới đại dương?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận