Khát vọng bình thường mà chính đáng của con người trong "Vợ nhặt"

“Trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người".

Đỗ Thu Nga
10:00 03/09/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Có ý kiến cho rằng: "Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống truyện bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người".

Từ việc phân tích tình huống truyện của tác phẩm "Vợ nhặt", anh/chị hãy bình luận ý kiến trên?

BÀI VIẾT:

Còn nhớ sinh thời tác giả của “Bỉ vỏ” - nhà văn Nguyên Hồng từng “phán” về đồng nghiệp của mình rằng “Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với đất với người với thuần hậu nguyên thuỷ của cuộc sống nông thôn”. Quả thật không chê vào đâu được lời “truyền thần” ấy của nhà văn Nguyên Hồng! Kim Lân là cây bút chuyên viết về nông thôn và những con người dân quê, lam lũ, hồn hậu, chất phác mà giàu tình yêu thương. Đọc “Vợ nhặt” - tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân ta càng hiểu rõ và thấm nhuần hơn điều này. “Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc, tác giả đã sáng tạo được tình huống “nhặt vợ” độc đáo. Người con Bắc Ninh đã xuất sắc trong việc dựng lên tình huống truyện đầy lạ lùng và giàu ý nghĩa nhân bản. Vì vậy, có ý kiến cho rằng: “Trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người" . Qua việc tìm hiểu, phân tích tình huống truyện của tác phẩm “Vợ nhặt”, ta nhận ra đây là một nhận định hoàn toàn đúng đắn.

Nổi tiếng với hình ảnh một người nghệ sĩ đa tài, từng đảm nhiệm những vai diễn chân chất, mộc mạc rất phù hợp với tính cách của ông, hình ảnh của Kim Lân cứ đơn giản như vậy đi vào trái tim của người yêu nghệ thuật. Những năm tháng tuổi thơ nhiều khó khăn không làm sờn lòng người ham học, ham viết, dù nghỉ học từ rất sớm nhưng với khả năng tự học của mình sau này Kim Lân chính là một trong những cây viết truyện ngắn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông chủ trương viết về người nông dân nghèo vì “họ bao giờ cũng thiệt thòi” nên nhà văn “muốn đời cho những người đó quyền làm người và quyền sống.” Nói về “Vợ nhặt” theo lời chia sẻ của nghệ sĩ này thì vào năm 1945 trong những ngày đầu cách mạng, Kim Lân có ý định viết một tiểu thuyết mang tên “Xóm ngụ cư” song chưa kịp hoàn thành thì bị thất lạc bản thảo. Sau này, mới tới năm 1954 khi hoà bình lặp lại, dựa vào một phần cốt truyện cũ, Kim Lân viết truyện ngắn “Vợ nhặt”, sau khi đến với độc giả được chào đón nồng nhiệt. Truyện ngắn này in trong tập “Con chó xấu xí” của ông. Với “Vợ nhặt”, nhà văn bộc lộ một quan điểm nhân đạo sâu sắc của mình. Tác giả phát hiện ra vẻ đẹp kì diệu của con người lao động trong sự túng đói quay quắt, trong bất kì hoàn cảnh nào, khốn khổ nào, con người vẫn vượt lên cái chết, hướng về cuộc sống gia đình, vẫn yêu thương nhau và hi vọng vào ngày mai.

khat-vong-binh-thuong-ma-chinh-dang-cua-con-nguoi-trong-vo-nhat

Kim Lân đã đặt những nhân vật của mình vào “tình huống bất thường” để qua đó làm nổi bật “khát vọng bình thường” của họ. “Tình huống bất thường” ở đây là tình huống đặc biệt, mang tính nghịch cảnh, trớ trêu, éo le, được tạo dựng trên cơ sở những mâu thuẫn. Còn "khát vọng bình thường" là những khát vọng, mong muốn mãnh liệt mang tính nhân bản, bản chất trong mỗi con người. Đó là quyền sống, mưu cầu hạnh phúc và được sống cho ra sống. Ý kiến “Trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người" quả là một nhận định đúng đắn.

Có thể nói, trong truyện ngắn, tình huống truyện được hiểu giống như cái tứ ở trong thơ, cũng chính là nguyên cớ, sự khởi đầu khi nhà văn đặt bút viết. Theo nhà văn Nguyễn Minh Châu thì tình huống truyện giống như “một khúc, một lát cắt của đời sống” - một khoảnh khắc ngắn ngủi song lại đủ để chúng ta có thể hình dung được diện mạo của toàn thể đời sống, đó là sự liên kết các chi tiết, tình tiết, sự việc xoay quanh một nghịch cảnh, một tình thế theo ý đồ nghệ thuật của nhà văn, từ đó làm nổi bật chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Về phân loại có ba loại tình huống truyện: tình huống tâm trạng, tình huống nhận thức, tình huống hành động. Tình huống trong truyện ngắn “Vợ nhặt” là tình huống hành động, bất thường, độc đáo và éo le.

Tình huống xuất hiện ngay từ nhan đề “Vợ nhặt”. Khi đọc nhan đề, chúng ta bắt gặp một điều gì đó rất lạ lùng, rất hút, cái tên nghe có vẻ lạ lùng này đã khiến cho độc giả tò mò và nhất định phải đọc, tìm hiểu câu chuyện. “Vợ nhặt” là một từ ghép phân nghĩa được ghép bởi danh từ "vợ" và động từ "nhặt". "Nhặt" chỉ hành động ngẫu nhiên, thờ ơ, không chủ tâm để lấy một vật gì đó thường là từ dưới đất lên, một vật hoặc quá nhỏ bé nên không ai để ý hoặc không còn giá trị nên bị người ta vứt bỏ. Còn “vợ” là một phần quan trọng của cuộc đời người đàn ông, lấy vợ là một trong những việc lớn của đời người, một việc thường được thực hiện theo phong tục truyền thống của người Việt với các bước mai mối, dạm hỏi, cưới xin...trang trọng. Nhưng với từ “nhặt” làm định ngữ “vợ nhặt” đã khiến người đọc phần nào suy đoán được giá trị của người vợ khi được nhặt về chẳng khác nào cỏ rác, cũng đồng thời hình dung được tình cảm của người chồng khi một việc lớn lao, trọng đại của đời người lại được thực hiện bởi một hành động ngẫu nhiên, thờ ơ và không chủ tâm như vậy. Nhan đề “Vợ nhặt” còn gắn chặt với bối cảnh lịch sử ra đời của tác phẩm, đó là hoàn cảnh, số phận thê thảm của những người phụ nữ trong nạn đói năm 1945. Chỉ với hai lần gặp gỡ và bốn bát bánh đúc, vài câu nói tầm phơ tầm phào mà đã chấp nhận theo không một người đàn ông. Ẩn chứa sau nhan đề là những suy ngẫm của tác giả, đó là sự trăn trở, xót xa trước giá trị thấp kém của con người trong hoàn cảnh éo le, bi kịch. Tóm lại, nhan đề hàm chứa sự mâu thuẫn, éo le đã góp phần thể hiện những giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm, giúp nhà văn phản ánh tình cảnh thê thảm và thân phận tủi nhục của những nông dân nghèo trong nạn đói năm 1945.

Bên cạnh xuất hiện ngay sau nhan đề “Vợ nhặt” tình huống còn được tạo dựng trên cơ sở những mâu thuẫn, trớ trêu được đẩy đến tận cùng của giới hạn. Sự trớ trêu đầu tiên xuất hiện ở nhân vật Tràng - chủ thể của hành động nhặt vợ. Tràng là người mà ngay trong hoàn cảnh bình thường cũng ít có khả năng lấy được vợ - hắn là dân ngụ cư- tầng lớp thuộc đáy xã hội lúc bấy giờ với vị trí lép vế trong làng xã, lại còn bị coi là sự đẽo gọi sơ sài của tạo hóa: nghèo, xấu trai, thô kệch và hơi dở tính. Vậy mà lại lấy được vợ, thậm chí chóng vánh, dễ dàng đến mức chính hắn cũng không tin được nổi. Sự trớ trêu thứ hai đặt ra ở hoàn cảnh nhặt vợ của Tràng. Có thể nói, hôn nhân là biểu tượng cuộc sống gia đình, của sự sinh con đẻ cái, của sự sống. Vậy mà việc nhặt vợ của Tràng lại diễn ra vào thời điểm khủng khiếp nhất của nạn đói Ất Dậu, khi xóm ngụ của Tràng bao trùm không khí chết chóc lạnh lẽo. Tình huống éo le đã được ra ra bởi sự đối đầu khốc liệt giữa sự sống và cái chết, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa hi vọng và tuyệt vọng, giữa ấm áp của tình người với lạnh lẽo thê lương của chết chóc ... Và tình huống trớ trêu ấy đã gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người dân: xóm ngụ cư thì thầm phỏng đoán, bà cụ Tứ không tin nổi vào mắt và tai mình; ngay cả anh Tràng cũng ngờ ngợ, lòng bàng hoàng như đang trong một giấc mơ.

Ở truyện ngắn “Vợ nhặt”, việc tài tình trong cách xây dựng tình huống truyện của Kim Lân đã tạo nên nhiều giá trị sâu sắc. Nhờ có tình huống “bất thường” mà câu chuyện trở nên hấp dẫn và góp phần thúc đẩy cốt truyện phát triển. Ngoài ra, tình huống truyện còn phản ánh chân thực bức tranh hiện thực của làng quê: cảnh xóm ngụ cư ngập tràn âm khí là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Việt Nam trong nạn đói 1945. Bề sâu của hiện thực là cái đói khiến giá trị của con người trở nên rẻ rúng, những điều đẹp đẽ thiêng liêng như hạnh phúc gia đình - một đám cưới trở nên bi hài, chua chát. Đói khát khiến con người thay đổi và bị huỷ hoại từ hình hài đến nhân cách, con người không được sống cho ra con người. Tràng và thị nên vợ nên chồng chỉ bằng một câu hò vu vơ và bốn bát bánh đúc. Giá trị của tình huống truyện đặc biệt đã thể hiện những nét sâu đậm nhất của tư tưởng nhân đạo trong việc khẳng định, ngợi ca, trân trọng những khát vọng bình thường mà chính đáng của con người. Điều này bộc lọc được vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật qua diễn biến tâm trạng và hành động của họ trước việc Tràng nhặt vợ. Tình huống truyện đã cho thấy cái đói và cái chết không làm cho con người ta mất đi lòng nhân ái: thể hiện trong việc nhặt vợ của Tràng - chia sẻ miếng ăn với người xa lạ, đói khát; trong cách Tràng đối xử và suy nghĩ với người phụ nữ đi theo mình đầy yêu thương, không hề rẻ rúng. Đặc biệt là sự ứng xử và nỗi niềm của bà cụ Tứ với người con dâu. Chấp nhận người đàn bà xa lạ, coi là dâu là con, lo lắng, yêu thương, chia sẻ với người khác trong hoàn cảnh khốn cùng là biểu hiện cao nhất của tinh thần lá lành đùm lá rách. Tình huống truyện giúp người đọc nhận ra khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của con người không bị mất đi mà mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tràng quyết định nhặt vợ sau một thoáng phân vân do dự, cảm giác mới mẻ hạnh phúc, trạng thái êm ái lửng lơ trong lòng Tràng sau khi có được vợ. Khuôn mặt rạng rỡ chung vui của người dân xóm ngụ cư. Nét mặt nhẹ nhõm, tươi tỉnh của bà cụ Tứ. Thị theo Tràng về nhà lúc đầu vì miếng ăn nhưng khi biết gia cảnh thực sự của Tràng, thị đã không hề trốn chạy mà ở lại và mang lại sinh khí cho gia đình đó, bản thân thị cũng trở lại hình ảnh của một người phụ nữ hiền hậu, đúng mực, vợ hiền dâu thảo... Tất cả là biển hiện rõ nhất của niềm khao khát hạnh phúc mang tính bản năng, thường trực bị khuất lấp bởi cái đói đã xuất hiện một cách đầy bất ngờ. Chính khát vọng hạnh phúc lại mang đến cho họ sức mạnh vượt lên trên cái đói và cái chết. Ngoài ra tình huống truyện đã khẳng định đói, khát không làm con người mất đi hi vọng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp. Những câu nói đầy lạc quan của bà cụ Tứ với đôi vợ chồng trẻ, Tràng mua hai hào dầu thắp sáng gian nhà trong đêm tân hôn nhưng cũng là xua tan bóng tối ngập đầy trong truyện ngắn, cảnh thu dọn nhà cửa vào sáng hôm sau... là những chi tiết cho thấy những người lao động đói khổ không bao giờ bi quan tuyệt vọng mà tràn đầy lạc quan tin tưởng để sống và yêu thương. Đặc biệt, hình ảnh lá cờ bay phấp phới trong tâm trí Tràng ở cuối truyện đã khẳng định chắc chắn những khát vọng bình thường mà chính đáng của con người trong tình huống bất thường không hão huyền, viển vông, là tín hiệu chắc chắn đã và sẽ hiện hữu. Tóm lại, ý kiến đã chỉ rõ những ý nghĩa sâu sắc của tình huống truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân.

Truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân thực sự đã để lại rất nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc bởi việc xây dựng được một tình huống truyện hợp lí, chan chứa tình đời, tình người. Nhắc nhớ tới "Vợ nhặt" xin được mạn phép sử dụng những dòng văn của nhà văn Nguyễn Khải để thay lời kết cho bài viết này. Có lẽ, đây cũng chính là những gì mà bản thân Kim Lân thật sự muốn trải lòng: “Trên đời không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có đủ sức mạnh để bước qua những ranh giới đó.”

Xem thêm: Cách xây dựng không gian nghệ thuật trong "Vợ nhặt" qua các đoạn văn

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận