Cách xây dựng không gian nghệ thuật trong "Vợ nhặt" qua các đoạn văn
Muốn phân tích "Vợ nhặt" hay và "ăn" điểm cao, các bạn học sinh 2K5 không thể bỏ qua kiến thức về cách xây dựng không gian truyện.
3 đoạn văn thể hiện rõ nhất cách xây dựng không gian truyện ngắn "Vợ nhặt" tài tình của Kim Lân:
[????] “Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.”
[????] “…Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay xè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ.”
[????] “…Tự dưng hắn thấy ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu. Ngoài đình tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập. Mẹ và vợ Tràng đã buông đũa đứng dậy. Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…”
(Vợ nhặt, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019)
KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT LÀ GÌ?
PGS - Nhà giáo ưu tú Lê Bá Hán đã viết trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học: “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó”.
Giáo sư Trần Đình Sử lí giải thêm: “Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại cùng thế giới nghệ thuật”. Ông còn khẳng định một cách hết sức chắc chắn: “Không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có một nhân vật nào không nào không có một nền cảnh nào đó”, và “không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống”. Như vậy, không gian nghệ thuật là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Không gian nghệ thuật trở thành phương tiện chiếm lĩnh đời sống, “mang ý nghĩa biểu tượng nghệ thuật”. Và sự miêu tả, trần thuật bên trong tác phẩm văn học bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, ta xác định được vị trí của chủ thể trong không – thời gian, thể hiện ở phương hướng nhìn, diễn ra trong một trường nhìn nhất định. Căn cứ vào điểm nhìn mà xác định được vị trí của chủ thể trong không – thời gian, thể hiện ở phương hướng nhìn, khoảng cách nhìn, ở đặc điểm của khách thể được nhìn. Điểm nhìn không gian được thể hiện qua các từ chỉ phương vị (phương hướng, vị trí), để tạo thành “viễn cảnh nghệ thuật”.
Tóm lại, không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của hình tượng nghệ thuật. Không gian nghệ không những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy những quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật. Vì vậy không thể tách hình tượng ra khỏi không gian mà nó tồn tại.
(Lý luận chung về không gian nghệ thuật trong văn học - Vũ Minh Đức)
CÁCH XÂY DỰNG KHÔNG GIAN TRONG "VỢ NHẶT" QUA ĐOẠN VĂN 1
– Nhà văn đã tái hiện lại trước mắt ta một không gian nạn đói thật thảm hại, thê lương. Trong đó ngổn ngang những kẻ sống, người chết, những bóng ma vật vờ, lặng lẽ giữa tiếng hờ khóc và tiếng gào thét kinh hoàng của đám quạ.
+ Nhân dân lao động bị đói, tiều tuỵ đáng thương cứ hiện lên trước mắt. Còn nỗi đau đớn nào hơn khi chứng kiến cái cảnh “Cái đói đã tràn về” trẻ con vì đói khát mà “chúng ngồi ủ rũ không buồn nhúc nhích”. bởi thế những góc tường, phố chợ người đói nằm “la liệt như ngã rạ”
+ Âm thanh thê thiết của tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ đang gào lên từng hồi, là tiếng ai hờ khóc lúc to, lúc nhỏ vẳng đến từ phía những nhà có người chết đói.
+ Mùi vị: không khí ở đây vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. Quyện trong đó còn có mùi khét lẹt của đống rấm được đốt ở những nhà có người chết.
—> Mặc dù không có một dòng nào tố cáo trực tiếp tội ác của bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật, hình ảnh của chúng cũng không một lần xuất hiện, nhưng tội ác của chúng vẫn hiện lên một cách rõ nét.
—> Kim Lân đã dựng cảnh hiện thực một cách độc đáo như vậy nhưng về phương diện khác cách xây dựng nhân vật và diễn biến tâm lý nhân vật lại càng độc đáo hơn. Con người của Tràng kia đã bật lên niềm sống, một khát vọng yêu thương chân thành. Và dường như hắn đang ngầm chứa một ao ước thiết thực về sự đầm ấm của tình cảm vợ chồng, của hạnh phúc lứa đôi. Hành động của Tràng dù vô tình, không có chủ đích, chỉ tầm phơ tầm phào cho vui nhưng điều ấy không hề mở cho ta thấy tình cảm của một con người biết yêu thương, cưu mang, đùm bọc những người đồng cảnh ngộ.
CÁCH XÂY DỰNG KHÔNG GIAN TRONG "VỢ NHẶT" QUA ĐOẠN VĂN 2
– Ánh sáng của buổi sớm là ánh sáng của niềm lạc quan vào tương lai đang hiện ra trong tâm hồn của mỗi người:
+ Buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ, anh thấy cuộc đời mình đã thay đổi hẳn: Trong tâm trạng “êm ái lửng lơ”, anh nhận thấy “xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ…”Anh bỗng thấy mình trưởng thành, ý thức về bổn phận, trách nhiệm với gia đình…
+ Bà cụ Tứ đã có những thay đổi mới mẻ. Bà dậy sớm cùng con dâu thu dọn, “cái mặt bủng beo u ám” hàng ngày của bà hôm nay “rực rỡ hẳn lên”.
+ Người vợ nhặt không còn đâu người đàn bà chao chát, chỏng lỏn Tràng gặp hôm trước, khi đã là nàng dâu thị trở nên là người đàn bà hiền hậu, đúng mực, nền nã, ra vào thu vén nhà cửa… Sự thay đổi ấy chính là thái độ vun đắp cho hạnh phúc gia đình.
—> Câu chuyện mở ra vào một buổi chiều chạng vạng và khép lại trong “ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa”. Khi bắt đầu truyện ta chỉ gặp một anh Tràng bước thấp bước cao trên đường làng dưới ánh nắng mờ nhạt của một gầm trời đầy đói khát, nhưng đến lúc kết thúc Tràng đã có một mái ấm gia đình để vun xới, để cố gắng xây đắp.
CÁCH XÂY DỰNG KHÔNG GIAN TRONG “VỢ NHẶT” QUA ĐOẠN VĂN 3
– Hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ”:
+ Hiện lên trong tâm trí Tràng vừa gợi ra cảnh ngộ đói khát thê thảm vừa gợi ra những tín hiệu của cuộc cách mạng, cả hai đều là những nét chân thực trong bức tranh đời sống lúc bấy giờ.
+ Tín hiệu thật mới mẻ về một sự đổi thay xã hội rất lớn lao, có ý nghĩa quyết định với sự đổi thay của mỗi số phận con người. Đây là điều mà các tác phẩm văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945 không nhìn thấy được. Nền văn học mới sau Cách mạng tháng tám đã đặt vấn đề và giải quyết vấn đề số phận con người theo một cách khác, lạc quan hơn, nhiều hi vọng hơn.
+ Kết thúc truyện góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo của Kim Lân: trân trọng niềm khát vọng sống ngay bên bờ vực cái chết của người lao động nghèo; niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng. Nó thể hiện niềm tin và hy vọng của cả dân tộc vào một tương lai tươi sáng đồng thời nó giống như ngọn đuốc chỉ đường đến mục đích cuối cùng là sự độc lập-tự do- hạnh phúc mà điều đó chỉ giành được khi đi theo con đường cách mạng và bằng đấu tranh vũ trang.
– Ý nghĩa nghệ thuật:
+ Hình ảnh dùng để kết thúc truyện là triển vọng sáng sủa của hiện thực tăm tối, đó là tương lai đang nảy sinh trong hiện tại, vì thế nó quyết định đến âm hưởng lạc quan chung của câu chuyện.
+ Cuộc đời của những người như Tràng nếu không có một sự thay đổi mang tính đột biến của cả xã hội sẽ sống mãi trong sự tăm tối, đói khát. Ở Tràng, tuy chưa có được sự thay đổi đó, nhưng cuộc sống đã bắt đầu hé mở cho anh một hướng đi. Đó là con đường đến với cách mạng một cách tự nhiên và tất yếu mà những người như Tràng sẽ đi và trong thực tế lịch sử, người nông dân Việt Nam đã đi.
+ Đây là kiểu kết thúc mở giúp thể hiện xu hướng vận động tích cực của cuộc sống được mô tả trong toàn bộ câu chuyện; dành khoảng trống cho người đọc suy tưởng, phán đoán.
ĐÁNH GIÁ VỀ CÁCH XÂY DỰNG KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG "VỢ NHẶT" QUA CÁC ĐOẠN VĂN
– Bằng tấm lòng đôn hậu chân thành, nhà văn đã gửi gắm vào trong không gian tăm tối ấy những mầm sống đang cố vươn đến tương lai, những tình cảm chân thành, yêu thương bình dị nhưng rất đỗi cao quý ấy và nhà văn đã để những số phận như anh Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ được thăng hoa trước ngọn cờ đỏ phất phới cùng đám người đói phá kho thóc Nhật ở cuối thiên truyện. Bức tranh tái hiện không khí ảm đạm, cuộc sống nghèo khó của người dân trước Cách mạng tháng Tám được thắp sáng niềm tin toát lên từ hình ảnh “lá cờ đỏ” – một hình ảnh rất Việt Nam.
– Nạn đói ấy không thể ngăn cản được ánh sáng của tình người. Đêm tối ấy rồi sẽ qua đi để đón chờ ánh sáng của cuộc sống tự do đang ở phía trước, trước sức mạnh của cách mạng. Một lần nữa, Kim Lân không ngần ngại gieo rắc hạnh phúc, niềm tin ấy trong các nhân vật của mình.
(Học văn 12)
Xem thêm: 7 cấp độ kết bài "Vợ Nhặt" bằng lý luận văn học đốn tim giám khảo khó tính nhất
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận