Hậu COVID-19 có thể gây ra những di chứng thần kinh gì?

Nhiều người nói với nhau rằng hậu COVID-19 còn kinh khủng hơn cả khi mắc bệnh. Vậy, hậu COVID-19, người bệnh có thể gặp những di chứng thần kinh thế nào?

Đỗ Thu Nga
11:40 28/02/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

VnExpress cho biết, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức (Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. HCM) chia sẻ: Theo Johns Hopkins Medicine International (một hệ thống y tế ở Mỹ), khoảng 50% người nhiễm nCoV có các biểu hiện về thần kinh. 

Giới khoa học vẫn đang nghiên cứu để có câu trả lời chính xác về nguyên nhân. Có vài giả thuyết được đưa ra giải thích vì sao COVID-19 ảnh hưởng đến hệ thần kinh, dựa trên các bằng chứng hiện có. Trong đó, các nhà khoa học cho rằng, virus có khả năng tấn công lên não gây viêm não, bằng chứng là tìm thấy virus trong dịch não tủy ở một số bệnh nhân. Một giả thuyết khác cho rằng nCoV đã tạo ra nhiều cục máu đông bất thường trong các động mạch lớn gây đột quỵ tim và não.

Nghiên cứu khác được công bố vào tháng 5/2021 trên Tạp chí Y học Quốc tế cũng chỉ ra, 80% bệnh nhân có ít nhất 1 triệu chứng COVID-19 kéo dài. Đây là tình trạng sức khỏe trở lại bình thường sau 3 tháng mắc bệnh và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không do nguyên nhân khác (theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO). 

Hau-COVID-19-co-the-gay-ra-nhung-di-chung-than-kinh-gi-7

Các triệu chứng COVID-19 kéo dài thường đa phần là mệt mỏi, sau đó biến chứng đến thần kinh như đau đầu, rối loạn tập trung chú ý, mất mùi, mất trí nhớ, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ; các bệnh lý liên quan đến tâm thần như hoang tưởng, thay đổi tâm trạng, chóng mặt, đột quỵ... Ngoài ra còn có một số báo cáo về huyết khối tĩnh mạch não, viêm màng não, hội chứng Guillain - Barré và hội chứng rối loạn tuần hoàn não sau có hồi phục (PRES), bác sĩ Đức cho hay.

1. Chóng mặt, đau đầu

Đây có lẽ là triệu chứng thần kinh phổ biến nhất ở F0 giai đoạn cấp tính và khi đã khỏi bệnh. Giai đoạn đầu hậu nhiễm thường đi kèm với chứng sợ ánh sáng, cứng cổ. Đau có thể xuất hiện ở 1 hoặc 2 bên đầu, đau ở thái dương hoặc trán.

Nếu tình trạng này kéo dài, không được điều trị có thể gây mất ngủ, mệt mỏi, stress, sụt cân và tiến triển thành mãn tính. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị di chứng đau đầu, chóng mặt hậu COVID-19 nếu sau 7-10 ngày không cải thiện.

2. Rối loạn giấc ngủ

Thời gian qua, bệnh viện Tâm Anh đã tiếp nhận một số trường hợp đến khám do mất ngủ trong và sau khi mắc COVID-19. Nguyên nhân ban đầu là do những sang chấn tâm lý mà đại dịch gây ra, viêm các dây thần kinh hoặc 1 di chứng thần kinh khác mà nCoV gây ra.

Rối loạn giấc ngủ có nhiều trạng thái khác nhau như, 57% khó vào giấc ngủ, thậm chí không ngủ được; 46% ngủ ít hơn bình thường và 36% có ác mộng khi ngủ.

Hau-COVID-19-co-the-gay-ra-nhung-di-chung-than-kinh-gi-8
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức đang tư vấn cho một F0 khỏi bệnh gặp nhiều di chứng hậu nhiễm (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Tình trạng này kéo dài gây mệt mỏi, đau đầu, suy kiệt, stress, trầm cảm. Trong trường hợp rối loạn giấc ngủ kéo dài hơn 1 tuần không cải thiện cần đến bệnh viện để thăm khám, tham vấn ý kiến từ bác sĩ và tiến hành điều trị.

3. Sương mù ở não

Sương mù ở não liên quan đến khả năng suy nghĩ, trí nhớ và sựt ập rtung, biểu hiện theo nhiều cách khác nhau như suy nghĩ chậm, mất trí nhớ, khó nhớ từ, lú lẫn, khó tập trung, dễ mất tập trung. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, như thiếu oxy do tổn thương phổi, virus xâm, nhập vào tế bào não, cũng như những rối loạn tự miễn dịch của cơ thể, đột quỵ não... 

Điều trị sương mù não phụ thuộc vào nguyên nhân, đồng thời bác sĩ có thể sử dụng các biện pháp hỗ trợ như tập thể dục, ngủ đủ giấc, tăng lượng protein, trái cây, chất béo lành mạnh, hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, tham gia các hoạt động xã hội...

4. Đột qụy

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, tỷ lệ đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở bệnh nhân COVID-19 ở mức 2,3%, ở bệnh nhân nặng tỷ lệ có thể lên đến 6%. Di chứng rối loạn đông máu sau nhiễm COVID-19 là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ.

Hau-COVID-19-co-the-gay-ra-nhung-di-chung-than-kinh-gi-6

Bác sĩ Đức cho biết, nguy cơ đột quỵ hậu COVID-19 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính và cả những người không có yếu tố nguy cơ đột quỵ. Vậy nên, nếu sau giai đoạn phục hồi mà cơ thể xuất hiện một số triệu chứng như đau đầu đột ngột, nôn ói, chóng mặt, tê chân tay hoặc co giật hoặc yếu liệt nửa người... cần đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh.

5. Hội chứng Guillain - Barré (GBS)

Có báo cáo cho thấy, một số trường hợp GBS có liên quan đến COVID-19, nhưng chủ yếu ở nam giới và trên 50 tuổi. Hội chứng này là bệnh viêm đa dây thần kinh cấp tính hiếm gặp, gây tê bàn tay, bàn chân, có thể ảnh hưởng đến cơ nuốt gây sặc, ảnh hưởng cơ hô hấp làm bệnh nhân không thể thở.

Trường hợp này cần phải nhập viện để điều trị bởi bệnh diễn tiến khá nhanh và có thể gây ra chết người do sặc thức ăn vào phổi hay ngưng thở.

6. Huyết khối tĩnh mạch não

Đây là một biến chứng hiếm gặp có tỷ lệ chung khoảng 0,3%. Người không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào cũng có khả năng gặp huyết khối tĩnh mạch não nếu đã từng mắc COVID-19. 

Hau-COVID-19-co-the-gay-ra-nhung-di-chung-than-kinh-gi-5

Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm các dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ như đau đầu tiến triển, nôn ói, mờ mắt do phù gai thị, suy giảm thần kinh khu trú, giảm ý thức và co giật.

7. Viêm màng não, viêm não

Tạp chí International Journal of Infectious Diseases đăng báo cáo về trường hợp đầu tiên bị viêm màng não, viêm não liên quan đến COVID-19 năm 2020. 

Người bệnh là một người Nhật Bản, nhập viện cấp cứu vì co giật kèm theo bất tỉnh, trước đó có xuất hiện mệt mỏi, sốt, nôn ói. Các nhà khoa học đã xác nhận khả năng làm tổn thương hệ thần kinh trung ương của nCoV.

8. Hội chứng rối loạn tuần hoàn não sau có hồi phục (PRES)

Bệnh nhân bị nhiễm nCoV nặng có phản ứng viêm mạnh, gây ra cơn bão cytokine làm tổn thương hàng rào máu não và có thể dẫn đến hội chứng rối loạn tuần hoàn não sau có hồi phục. Các đặc điểm của hội chứng này có thể bao gồm các triệu chứng như nhức đầu, thay đổi ý thức, rối loạn thị giác, co giật và giao động huyết áp.

Bác sĩ Đức cho hay, mức độ nặng nhẹ của các di chứng thần kinh sau mắc COVID-19 khác nhau ở mỗi người. Những trường hợp sau nhiễm COVID-19 có các triệu chứng về thần kinh cần đến khám sớm với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để nhận tư vấn.

(Theo Quỳnh Phương/VnExpress)

Xem thêm: Vì sao hậu COVID-19 nhiều người bị thay đổi giọng nói?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận